Viết cho em - 158 - Tính tương đối của đúng và sai

  1. Phong cách sống

Bạn có thể tin hoặc không, những gì mình viết trong các bài “viết cho em” này chỉ cho chính mình một phần nhỏ, còn lại là mình nghĩ có ai đó sẽ cần. Mình đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ngừng viết, khi nhiều khi ít. Hôm nay mình không hề nghĩ tới chuyện đó nhưng lại là lần mình muốn ngưng viết nhất từ trước đến nay. Mình có một loại cảm giác là “loài người không xứng đáng”. Tất nhiên đó chỉ là cảm giác của mình chứ không phải là mình, nên mình lại tiếp tục viết.

Nay mình đăng cái status trên FB: “Chậm một chút có thể bỏ lỡ vài thứ nhưng đó là cách hiệu quả để nhìn ra nguyên nhân, bản chất của nhiều điều.”, có em Đỗ Minh Hòa comment thế này: “Ừm nhưng mà em vẫn nghĩ mình chỉ nhìn gì mình muốn thôi.Mấu chốt lại anh gửi gắm niềm tin ở đâu.”

Mình trả lời: “Thấy thứ mình muốn nhìn là 1 cách nói thôi. Đó là khi mình nhìn đúng vấn đề rồi và mình lựa chọn góc để nhìn vào nó. Còn ở đây đang nói là có nhiều thứ nó biểu hiện sai khác, giả tạo khi mình mới lần đầu tiên nhìn vào nó đó.”

Em Hòa lại nói: “Em vẫn phân vân: Thế nào là đúng, thế nào là sai? Mọi thứ đều mang tính quy ước thôi mà. Cái gì là chân thật? Cái gì là giả tạo. Ủa anh có kinh nghiệm và nhận định về nó anh mới phán đoán và nhận xét được chứ đúng hem?”

Cái gọi là “đúng sai chỉ là tương đối” là một trạng thái lưng chừng. Khi một người bắt đầu tìm hiểu và vượt lên một chút khỏi cái đúng và cái sai, họ bắt đầu phủ định cả hai. Lúc thì đúng, lúc thì sai, vậy thì đúng và sai đều vô nghĩa? Không phải vậy. Ý nghĩa của nó là khi nào đúng, khi nào sai, đúng với ai, sai với ai… đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Tất nhiên nếu nói chỉ có đúng hoặc sai là cấp 0, không đúng không sai là cấp 1, đúng sai chính xác cực kỳ là cấp 2, thì vẫn còn cấp 3, cấp 4.. Một thứ gì đó khi đã gọi là tương đối thì phải có tuyệt đối, ít nhất là tuyệt đối trong một điều kiện nhất định như tuyệt đối trong vũ trụ này chẳng hạn.

Biểu hiện phủ định cả đúng và sai giống như một người vừa mới tìm hiểu về tính không, cảm thấy đạo lý đó tuyệt vời quá. Mọi sự “có” trên đời không phải cuối cùng rồi cũng về không cả hay sao? Thế thì cái không mới là chân lý. Thế thì mọi thứ đều là không.. nhìn đâu cũng thấy không không.

Nếu cái có không hiện hữu thì cái không cũng là không thôi. Phải biết đâu là có mới xác định được đâu là không.

Ta có thể dùng các loại đạo lý như một lăng kính để nhìn và diễn giải mọi sự dưới lăng kính đó và sai lầm nhất cũng chính là đồng hóa đạo lý là mọi sự.

“Mọi thứ đều mang tính quy ước thôi mà” là một ý hay nhưng cũng rất nguy hiểm. Nó giống như một đứa trẻ mới lớn, nổi loạn, phá bỏ mọi luật lệ và bước vào trạng thái vô luật lệ. Lúc đó luật lệ của nó là vô luật lệ. Khi thoát ra khỏi quy ước, người ta bèn nghĩ và làm mọi thứ trái với quy ước, hoặc xem thường quy ước, từ đó bỏ qua bản chất của vấn đề. Khi thấy một thứ gì đó mang tính quy ước là người ta lập tức phủ định, vì cho rằng quy ước là tạm bợ, là sai lầm, đó mới là sai lầm.

158_tinh tuong doi cua dung va sai

Ở level 0, người ta thấy những người xung quanh làm sao thì họ làm như vậy, người xung quanh nói điều này xấu thì họ cho là xấu, điều kia tốt họ cho là tốt, đó là khi họ chịu ước thúc bởi các quy ước của xã hội mà không biết quy ước tồn tại, hoặc không nghĩ đến điều gì khác ngoài những quy ước. Level 1 là khi người ta biết đó chỉ là những quy ước của một nhóm người, ở nơi khác họ quy ước kiểu khác, cho nên những thứ này chỉ mang tính tương đối. Người ở Level 1 có thể sinh ra cảm giác hoang mang không biết điều gì mới đúng, hoặc cho rằng mọi thứ đều là sai.

Tuy nhiên những quy ước cũng có giá trị tồn tại của nó, và ngoài những đúng và sai được gói gọn trong các quy ước, vẫn có những đúng sai lớn hơn ở phía sau. Lúc nào cũng phủ định quy ước là đang dừng lại level 1. Khi bước lên cấp cao hơn, người ta lại thấy có những quy ước mới rộng lớn hơn, những thứ mang tính đúng sai nhiều mặt hơn và họ lại xem trọng quy tắc và đúng sai theo một cách khác hơn.

Trong một status khác, mình nói về việc con người sử dụng trực tiếp các loại tài nguyên thiên nhiên thay vì dùng những vật được sản xuất nhân tạo, vật sử dụng nhiều lần hoặc tái chế là không phải “thân thiện với môi trường”. Em Hòa lại bình rằng “Nói như anh thì chết đi cho rồi”. Đoạn này mình biết em ấy đùa, nhưng đây cũng là một biểu hiện của tư duy cực đoan level 1: mọi thứ là có, hoặc không, hoặc cả có và không đều vô nghĩa.

Con người tất nhiên không chọn cái chết để bảo vệ môi trường, vì rốt cuộc mục đích của việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ không gian sinh tồn cho chính loài người mà.

Nếu con người biến mất, trên trái đất này sẽ hình thành nên các hệ sinh thái mới, hệ sinh thái đó sẽ tiến tới một trạng thái cân bằng, rồi vì một nguyên nhân nào đó (như sự phát triển của loài người trước đó) có một loài ăn thịt trở nên đông đúc ăn hết các loài ăn cỏ và chết đói, hoặc thực vật biến mất, loài ăn cỏ chết, loài ăn thịt cũng chết theo.. Những khả năng này rất khó vì các loại động, thực vật khó lòng tác động đến môi trường mạnh mẽ như con người.

Con người muốn sử dụng trực tiếp các loại tài nguyên thiên nhiên như nấu mọi thứ bằng ống tre, dùng tre làm chén đũa, trải giường bằng lá cây, xây nhà bằng cây… thì con người phải đạt tới trạng thái cộng sinh với thực vật như loài Elf trong thần thoại, hoặc sống đời sống du mục như người tiền sử: tìm một nơi có nguồn nước và thức ăn, ăn hết thức ăn ở đó xong rồi di chuyển đến nơi khác để cho bãi thức ăn này hồi phục lại.

Nhưng tất nhiên với số lượng nhân loại trên trái đất ngày nay, đời sống du mục là không thể. Nên người ta bắt đầu sản xuất chén đũa, nồi niêu, xây nhà bằng các loại vật liệu khác, những thứ có thể sử dụng nhiều lần chính là các biện pháp giảm thiểu việc sử dụng trực tiếp tài nguyên thiên nhiên. Người ta cũng bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi, vì thiên nhiên chẳng đủ cho họ ăn nữa. Đó là cách con người kéo dài thời gian tuyệt chủng của chính mình.

Thế nhưng chính các loại vật liệu được xem là những biện pháp “bảo vệ môi trường” lại trở thành “không thân thiện với môi trường” và người ta lại kêu gọi nhau sử dụng những vật dụng có “nguyên liệu từ thiên nhiên”. Đó là nghịch lý hay thuận lý?

Vấn đề chính không nằm ở vật liệu nào, mà ở chỗ người ta dùng nhiều hơn mức họ thật sự cần, và sản xuất còn nhiều hơn mức đó.

Đúng sai đều có tính tương đối, ngay cả điều này cũng có tính tương đối, ngay cả tính tương đối cũng là tương đối, đừng bao giờ dừng lại sự tương đối.

26.02.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

truyền cảm hứng

,

quan điểm

,

đúng hay sai

,

xã hội

,

phong cách sống

Đúng vậy vũ trụ sinh ra đã nằm trong đó có tính tương đối rùi mà.tuyệt đối hoàn hảo chỉ là khái niệm người ta đặt ra để nâng cao tầm quan trọng của sự vật sự việc mà thôi
Trả lời
Đúng vậy vũ trụ sinh ra đã nằm trong đó có tính tương đối rùi mà.tuyệt đối hoàn hảo chỉ là khái niệm người ta đặt ra để nâng cao tầm quan trọng của sự vật sự việc mà thôi