Apply du học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ có gì giống và khác nhau? Phần 2

  1. Kỹ năng mềm

Tiếp bài viết trước, ở bài viết này tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những điểm khác nhau cơ bản giữa Apply du học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ.

https://cdn.noron.vn/2021/03/30/274191517011745852-1617071594.jpg

1/ APPLY ĐẠI HỌC

Khi nộp Đại học, đa số các ứng viên còn rất trẻ (khoảng 18 tuổi), hầu như chưa có kinh nghiệm làm việc và tương lai còn rộng mở phía trước. Vì thế, hội đồng tuyển sinh thường đánh giá con người bạn ở mức độ tổng quan trên nhiều lĩnh vực, nhìn vào tương lai và tiềm năng của bạn hơn là kinh nghiệm của bạn. Họ hoàn toàn chấp nhận nếu hiện tại bạn chưa xác định mình sẽ làm gì, bạn đã chọn được ngành học phù hợp nhất hay chưa; chỉ cần bạn thể hiện được mục tiêu, chí hướng, tiềm năng của mình trong tương lai là bạn đã có cơ hội.

Vì thế, để tạo một bộ hồ sơ cạnh tranh, bạn cần thể hiện con người toàn diện của mình ở nhiều góc độ như điểm số, hoạt động cộng đồng, tài lẻ (nếu có); nhấn mạnh rõ ràng trong bài luận về ước mơ và mục tiêu trong tương lai của mình. Do đó, ta thường nghe về trường hợp các bạn chỉ được vào trong waitlist (danh sách chờ) của trường nhưng kiên trì gửi thêm video ca hát, portfolio nghệ thuật, ảnh thiện nguyện… và được nhận với học bổng toàn phần — đây là một chiến thuật tốt cho bậc Đại học vì nó thể hiện con người toàn diện và thuyết phục hội đồng tuyển sinh về tiềm năng của bạn.

https://cdn.noron.vn/2021/03/30/274191517011745853-1617071725.jpg

2/ APPLY THẠC SĨ

Khi lên đến bậc Thạc sĩ, bạn đã được xem là người trưởng thành, có học thức với bằng Đại học, đã có khả năng đưa ra quyết định vững chắc cho tương lai để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập. Vì vậy, hội đồng tuyển sinh sẽ nhìn nhận bạn dưới góc độ tập trung hơn, cụ thể nhắm tới mối liên hệ giữa kinh nghiệm công việc, trải nghiệm sống của bạn và ngành học Thạc sĩ mà bạn đang muốn theo đuổi.

Vì vậy, trong hồ sơ của mình, bạn cần thể hiện được hai điều quan trọng:

Thứ nhất, tại sao bạn quyết định theo đuổi Thạc sĩ ngành này? Nếu bạn chuyển ngành học khác đi với ngành học Đại học (một điều hoàn toàn bình thường, không phải là điểm yếu!) thì bạn cần giải thích lý do chuyển ngành và bạn đã có sự chuẩn bị gì về mặt kiến thức, kỹ năng cho ngành học mới?

Thứ hai, bạn mang đến kinh nghiệm, trải nghiệm nào thú vị để bổ trợ tốt cho ngành học và đóng góp được gì cho chất lượng và sự phát triển của chương trình học.

Mọi thông tin cá nhân thể hiện trên CV, bài luận, hồ sơ kèm theo đều cần tập trung, gắn liền với ngành học và mục tiêu sự nghiệp của bạn, thay vì dàn trải, tổng quan như khi nộp bậc Đại học.

3/ APPLY TIẾN SĨ

Tiến sĩ là một bậc học khác hẳn, tập trung vào nghiên cứu, thay vì chỉ “đi học” theo nghĩa thông thường ở các cấp học trước. Vì vậy, hội đồng tuyển sinh sẽ chú trọng nhiều nhất vào kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu của bạn. Đặc biệt, nếu bạn muốn nhận học bổng Tiến sĩ, bạn cần thể hiện khả năng nghiên cứu xuất sắc của mình đủ để phụ tá cho giáo sư thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng trong quá trình làm nghiên cứu sinh.

Vì vậy, trong hồ sơ nộp học, bạn luôn cần đặt yếu tố nghiên cứu lên hàng đầu trong CV, bài luận, và những tài liệu bổ trợ kèm theo hồ sơ. Bạn có kinh nghiệm nào liên quan đến nghiên cứu? Bạn có từng làm luận văn tốt nghiệp, tham gia dự án nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu viên nào chưa? Nếu có, tất cả cần phải nhấn mạnh, để lên hàng đầu. Ngoài ra, bạn rất cần tìm hiểu giáo sư nào trong chương trình bạn muốn làm việc cùng, liên hệ trước với giáo sư xem họ có còn nhận nghiên cứu sinh không, và nêu tên đích danh họ trong bài luận của mình.

Một số trường còn yêu cầu writing sample (bài viết mẫu) để xem trình độ viết của bạn và research proposal (đề án nghiên cứu) để đánh giá dự án bạn muốn nghiên cứu trong tương lai. Vì vậy, một bộ hồ sơ Tiến sĩ có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện.

Trên đây là một số điểm chung và điểm riêng lớn nhất, theo tôi, bạn cần lưu ý khi làm hồ sơ du học và xin học bổng. Tất nhiên, những điểm này được tổng hợp từ kinh nghiệm và kiến thức của riêng tôi nên không chắc có thể bao quát tất cả các ngành học và tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, bạn cần tự làm nghiên cứu riêng cho mình để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho hồ sơ của mình. Chúc bạn may mắn!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Cảm ơn chia sẻ chi tiết của bạn, hiện Noron có tính năng tạo series bài viết đó bạn. Mình nghĩ bạn đưa phần này thành Series về du học khá hay, người đọc tìm cũng tiện mà bạn lưu trữ cho các mục đích khác sau này cũng hay nữa :)

Trả lời

Cảm ơn chia sẻ chi tiết của bạn, hiện Noron có tính năng tạo series bài viết đó bạn. Mình nghĩ bạn đưa phần này thành Series về du học khá hay, người đọc tìm cũng tiện mà bạn lưu trữ cho các mục đích khác sau này cũng hay nữa :)

Thế hóa ra cũng khác nhau nhiều nhỉ