Bạn có thích ra ngoài làm việc? 

  1. Tâm lý học

Cá nhân mình thường không tập trung nổi mỗi khi ở nhà, cứ làm việc được một ít thì lại lượn quanh mạng xã hội xem này ngó kia, rồi lại chuyển qua làm việc tiếp, tập trung một ít rồi lại quay sang làm việc khác. Cứ thế công việc mãi chẳng bao giờ xong kịp mà vòng quay lười biếng trong mình thì lại hoạt động hết công suất. Chán, mình ôm hết công việc ra quán café ngồi làm, mình làm liền một lúc, làm đến khi xong rồi lại giật mình rằng có phải quán café có thần lực nào chi phối khiến mình có thể tập trung không?

Tuy nhiên, mình nhận ra rằng hình như mình đang giả vờ, mình bước vào quán và tỏ ra là một con người của-công-việc, mình đưa mình vào hình mẫu lí tưởng đó, mình ngờ rằng mọi người đang quan sát mình và mình phải tỏ ra cool ngầu. Thế là mình tự lừa bản thân trong cái ảo tưởng nhỏ nhoi đó.

Năm 1996, sau khi nghiên cứu quan điểm về mức độ chú ý mà mọi người cho là hành vi và diện mạo của mình nhận được, Thomas Gilovich từ Đại học Cornell đã cho ra đời định nghĩa về Hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Trong nghiên cứu này, ông cho sinh viên của mình mặc một chiếc áo thật xấu xí và nổi bật, ở đây mỗi sinh viên phải gõ cửa bước vào phòng và tiến tới trao đổi vài câu với nhà nghiên cứu đã được sắp xếp đứng trước đó.  Nhà nghiên cứu sẽ mời sinh viên ngồi xuống và sau đó lại đứng lên và mời ra ngoài để trò chuyện. Ở đây, Gilovich đưa ra giả thiết rằng Hiệu ứng ánh đèn sân khấu mà sinh viên của mình cảm thấy sẽ lớn hơn nhiều lần so với bình thường. Những người tham gia thí nghiệm sau đó được yêu cầu ước lượng số người đã chú ý đến cái áo và họ cho rằng một nửa số sinh viên khác ngồi trong phòng sẽ để ý đến cái áo. Tiếp theo, khi phỏng vấn những người có mặt trong phòng đó, chỉ có khoảng 25% người đề cập đến cái áo xấu xí kia.

Quay lại với câu chuyện ở quán café, Hiệu ứng ánh đèn sân khấu sẽ khiến bạn nghĩ rằng cả thế giới, hoặc có ai đó đang quan sát bạn và vì thế mà từng hành động nhỏ bạn đang làm ở chốn đông người có vẻ như được chăm chút hơn cả. Nhưng sự thật là, không, chả ai để tâm cả. Bạn không tin thì hãy thử nhớ xem lần cuối cùng bạn để ý đến ai đó trong một quán café, người đó trông thế nào? Thật nực cười đúng không, ngay cả khi người đó có thể là Thúy Kiều hóa thân thì bạn sẽ để ý và quên họ ngay từ khi bạn bước ra khỏi quán.

Vậy đấy, có một sự thật là chúng ta chẳng thông minh và cũng chẳng tỏa sáng như chúng ta tưởng, nhưng nếu chúng ta đủ khôn khéo, đủ lợi dụng hiệu ứng này để tự đánh lừa bản thân và giúp cho bản thân có cảm giác tập trung hơn thì chúng ta sẽ chẳng ngại để thử đúng không nào?

Từ khóa: 

tâm lý học

,

chúng ta ngu ngốc

,

tâm lý học