Bàn về sự chữa lành - Phần 1: Lòng vị tha và sự nạn nhân hóa.

  1. Tâm lý học

LÒNG VỊ THA - THE COMPASSION

Liệu có khó không để tha thứ cho ai đó? Và làm thế nào để tha thứ. Cảm xúc của chúng ta như những bông hoa, có chớm nở, có khoe sắc, và có tàn úa. Nhưng kể cả khi có quay trở về với mặt đất, ký ức của hoa vẫn còn ở đấy, hữu hình hoặc vô hình. Liệu có ai chẳng đau khổ khi một vẻ đẹp trở nên héo úa và đau đớn như thế? Ta quay mặt đổ lỗi cho nắng, cho mưa, cho thời gian, và cho những bông hoa kia dám ngạo nghễ đứng nhìn.

Thời gian trở lại đây, thế gian trở thành một bản hòa ca của sự tổn thương và những lời buộc tội. Lạ thay, đấy là một bản hòa ca thần thánh đối với bao nhiêu người, những người mang trên mình xác những bông hoa tàn. Chúng ta bị tổn thương, và sự tổn thương đây tìm đến những sợi chỉ được dệt từ hận thù, căm phẫn, ghen ghét hòng khâu kín nó lại. Một vết khâu to tướng, cẩu thả, nhưng chắc chắn, và đúng là nó chắc chắn thật. Nhưng, chúng ta đâu hay biết rằng, sự tổn thương cũng được sinh ra từ hận thù, căm phẫn, ghen ghét, và đấu đá lẫn nhau. Lớp chỉ càng dày, vết khâu càng lớn, sự tổn thương lại càng bị dày vò, bởi chúng chỉ đang được chữa lành bằng sự an toàn giả tạo, bằng sự cáu bẳn và ích kỉ.

Sự tổn thương ở trường hợp này, nó giống một quả bóng được bơm đầy khí hơn là một vết cắt. Mọi thứ xấu xí, đau khổ đều được chứa bên trong một lớp màn mỏng làm từ sự dằn vặt và hận thù. Và để giải thoát cho những sự tiêu cực đó, là tập cách tha thứ: Tha thứ cho bản thân mình, rồi tha thứ cho người làm ta tổn thương.

Tha thứ cho bản thân mình tức là tha thứ cho sự ích kỷ và cáu bẳn của ta, là tha thứ cho sự yếu đuối mang danh nghĩa nạn nhân, là cho ta một cơ hội để trưởng thành.

Tha thứ cho người làm ta tổn thương chính là việc nhận ra rằng họ cũng bị tổn thương. Bởi trong bản hòa ca đó, ta và họ đều hát, và đều nghe những ca từ của nhau. Chừng nào ta còn hát, thì bản hòa ca vẫn còn tiếp tục. Chỉ khi làm được hai điều này, ta nhận ra rằng sự tha thứ không phải là ngó lơ hay quên đi, mà là sự thấu hiểu, cảm thông cho chính ta và chính người." - Trích dẫn từ blog cá nhân.

SỰ NẠN NHÂN HÓA - THE VICTIMISATION

Chúng ta thường bám víu vào một cái lý lẽ rằng “nếu chiếc chén bị vỡ, thì kể cả khi dán lại thì nó vẫn không nguyên vẹn như trước.” Điều này quả không sai, nhưng nó có một điểm khác biệt rất lớn là bản thân “cái chén” không phải là “con người”. Con người dù bị tổn thương về mặt tinh thần (và cả cơ thể), họ vẫn có thể sống tiếp nhờ vào một khả năng gọi là “chữa lành”. Con người là một thể sống vận động như vạn vật, chúng ta không ngừng thay đổi và tái tạo lại bản thân. Chỉ đến những giây phút cuối đời, ta mới biết được ta bắt đầu là ai, và kết thúc là ai; còn cả quãng đường dài giữa hai điểm mấu chốt đấy, ta là cái tôi đang trưởng thành không ngừng. Cái lý lẽ trên thể hiện rất rõ hai dòng cảm xúc:

- Một là oán trách kẻ đã làm “chiếc chén” bị vỡ, và sai lầm của họ không thể được tha thứ. Nếu có thì cho cùng chỉ gượng ép quên đi – chứ không phải tha thứ - lỗi lầm kia.

- Hai là dày vò bản thân ta, cho rằng sau sự tổn thương đấy ta không còn lành lặn nữa. Giá trị của bản thân bị hạ thấp và coi rẻ bởi chính ta, trong cái lý lẽ nạn nhân hóa (victimisation).

Tuy nhiên, điều thứ hai nó có thể không tồn tại mãi mãi. Cái quy trình nạn nhân hóa đấy không chỉ bao gồm bước cho rằng chúng ta là nạn nhân của cuộc chơi (self-victimising), vốn dĩ là bước đầu tiên. Chúng ta rơi vào cái bẫy nhận thức cho rằng trong mọi sự tổn thương, chỉ tồn tại một người là nạn nhân và một người là kẻ gây tội.

Một khi đã chìm đắm trong cái nỗi khổ tự dày vò ta và oán hận người, ta dần dần chuyển sang bước tiếp theo là “tái khẳng định giá trị" (reclaiming one’s values)” của mình, thông qua sự nhận ra của bản thân hoặc sự dẫn lỗi của một bên thứ ba. Ở bước này, ta thấy rằng mình còn cả cuộc đời ở phía trước, nên ta phải cố gắng sống cho mình và những người yêu thương ta thật lòng, NHƯNG đồng thời không ngừng hạ thấp giá trị của người làm tổn thương ta. Giống như định luật đòn bẩy, chúng ta nghĩ rằng nếu không còn gán một cái ý nghĩa quan trọng nào đó dành cho đối phương, thậm chí là cố tình hạ thấp nó xuống, ta mới có thể đứng lên và đi tiếp. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là sự tha thứ cho ta. Chúng ta đơn thuần chỉ gán ghép cho mình những giá trị và phẩm chất tự kiêu, rồi tâng bốc những giá trị đấy để bản thân mình cảm thấy tốt đẹp hơn. Hai cực “nạn nhân” và “tội nhân” trở thành một thước đo giữa cái “thiện” (là ta) và cái “ác” (là người) qua sự phóng đại phi lý tính những hệ giá trị và phẩm chất đạo đức.

Sau khi tìm được cách để vực dậy lên khỏi nỗi khổ của một người nạn nhân, cũng là bước cuối cùng, đấy là bước “ngụy biện nạn nhân hóa (victimising fallacy)”. Bước này tồn tại bởi vì chúng ta chưa thật sự chữa lành được sự tổn thương của mình, mà chỉ dùng sự hận thù, oán trách đối phương, đồng thời bất chấp đề cao giá trị bản thân mình để khâu vết thương lại. Nhưng vết khâu đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, chắc chắn nhưng đau đớn. Vốn đối với vết thương vật lý được bác sĩ khâu lại chỉ để tránh nhiễm trùng và hỗ trợ quá trình hồi phục, còn vết thương có được chữa lành hay không, ấy là ở cơ thể của chúng ta. Vết thương tinh thần cũng vậy, chúng ta khâu nó chỉ để tạo nên một cảm giác an toàn giả tạo, mong manh, một cái mái che tạm bợ vào mùa giông bão. Khi đó, lỗi ngụy biện nạn nhân hóa bước vào cuộc chơi. Một khi thấy rằng sự tổn thương không thể bình phục được, chúng ta lại sử dụng nó như là một động cơ có lý cho sự ích kỷ và thiếu bao dung sau này. Nó có thể được diễn đạt dưới công thức đại khái như sau: “Vì tôi đã có những sự tổn thương như thế này, nên tôi có quyền để thực hiện/không thực hiện những hành động abc, (để tôi không gặp lại những sự tổn thương ấy nữa).” Và lỗi ngụy biện này được chấp nhận và lặp đi lặp trong cách ta tương tác với người khác, và chính với bản thân mình. Cái đau khi đó nó vẫn đeo bám suốt quãng đời còn lại của mình, tuy không nhất thiết lúc nào cũng được ý thức rõ ràng. Sự tổn thương bây giờ không chỉ nằm ở cấp độ ý thức nữa, mà được lui về sau tiềm thức của chúng ta, chi phối mọi hành vi, cảm xúc của chúng ta sau đó.

Bản thân tôi là người vừa quan sát, cũng vừa trải nghiệm rất rõ quá trình tâm lý này trong những mối quan hệ trước đó, ngoài xã hội, cũng như trong chính giữa những người thân trong gia đình của mình. Hậu quả của nó thường vô hình, bởi lẽ trong phổ nhận thức của người bị “nạn nhân hóa” vốn không tồn tại cái ý niệm đó; những gì họ thấy chính là cái “ích lợi” mà họ nghĩ rằng mình có được thông qua việc đề cao một cách thái quá giá trị của bản thân trong khi hạ thấp tối đa giá trị của đối phương, và luôn sở hữu một nguồn lực lý lẽ đầy thuyết phục mang tên “ngụy biện nạn nhân hóa”. Cái hậu quả ở đây, chính là việc cho dù thời gian có dài bao lâu, thì không ai khác gánh vác nỗi khổ và sự dằn vặt lên những vết thương ngoài bản thân ta.

Vậy làm thế nào để tránh khỏi quy trình nạn nhân hóa này khi ta bị tổn thương? Điều này chắc chắc phải đề cập đến điểm thứ nhất mà tôi sẽ đề cập vào kỳ 2 của bài viết, chính là sự nhân từ với người. Có thể nói, hai điểm này đều liên quan và bổ trợ cho nhau, phải thực hành song song và không tách rời. Chỉ khi nhân từ với ta, và nhân từ với người, thì ta mới từng bước một vượt lên được những tổn thương trong tâm hồn kể cả sâu sắc nhất.

Từ khóa: 

chữa lành

,

phẩm chất

,

tâm lý

,

cảm xúc

,

xã hội

,

tâm lý học

Đợi phần hai của Nguyên, nhờ có sáng hôm trước chúng ta có chia sẻ về vấn đề này nên giờ đọc lại bài viết của bạn thấy dễ hiểu hơn.

Trả lời

Đợi phần hai của Nguyên, nhờ có sáng hôm trước chúng ta có chia sẻ về vấn đề này nên giờ đọc lại bài viết của bạn thấy dễ hiểu hơn.

Cái này hình như là một dạng hiệu ứng tâm lý đúng ko bạn?

Sự tha nhân thường hay thấy nhất là ở phụ nữ.