Bàn về sự chữa lành - Phần 2: Sự va đập

  1. Tâm lý học

Ở phần trước, tôi đã đi qua khá ngắn gọn hai điểm chính của bài viết của bài viết - Lòng vị tha và Sự nạn nhân hóa. Lần này, tôi sẽ bàn về một trong những lý do lớn nhất khiến việc nạn nhân hóa bản thân dường như là một liều thuốc giảm đau tạm thời hiệu quả nhất.

Để bắt đầu, chúng ta phải hiểu rằng mỗi cá nhân đều có một hệ giá trị khác nhau (system of values); giá trị (value) có thể hiểu là những quy tắc, tiêu chuẩn, hay sự ưu tiên cá nhân chi phối hành vi, suy nghĩ của chúng ta. Ví dụ: Nếu trong hệ giá trị của một người có giá trị về gia đình, thì tất cả các quyết định trong cuộc sống của họ trước khi được đưa ra đều sẽ đưa lên bàn cân, phân tích, đánh giá xem thử liệu nó có đi ngược lại với giá trị này hay không – chẳng hạn như họ có nên xa bố mẹ già để đến thành phố mới lập nghiệp, và ở mức độ như thế nào trong sự tương quan với những giá trị khác. Nên có thể thấy, không chỉ có sự đa dạng đáng ngạc nhiên trong hệ giá trị của mỗi người, mà còn cách mà mỗi cá nhân thực hành (practice) và đưa ra sự đánh giá (evaluate) trong mối quan hệ tương quan giữa các giá trị này luôn khả biến tùy theo từng bối cảnh và thời điểm khác nhau.

Có thể đưa ra một sự so sánh đại khái, rằng nếu coi thể nhận thức (awareness body) của chúng ta là một cơ thể bằng xương bằng thịt, thì hệ giá trị của mỗi người giống như phần xương, tủy sống của họ, và thế giới quan, trải nghiệm sống là những bộ phận bao quanh. Ở giai đoạn phát triển đầu đời, chúng ta vẫn chỉ đang trong giai đoạn phát triển não bộ; lúc đấy, những gì chúng ta được dạy, được trải nghiệm sẽ đóng vai trò như những chất dinh dưỡng, nhưng viên gạch xây (building blocks) đầu tiên quyết định tính chất và cả hình thể của chúng ta. Càng trưởng thành, chúng ta dần hình thành khả năng tư duy phức tạp (complex thinking) – tuy không phải mỗi cá nhân đều có mức độ phát triển như nhau, cơ chế này sẽ tổng hợp, “chế biến”, và tạo nghĩa (make sense) cho lịch sử trước đó, trải nghiệm hiện tại, và đôi khi những phỏng đoán về tương lai. Một khi đã được tạo nghĩa, chúng ta dần hình thành một hệ thống các quan điểm, quy tắc cá nhân, bao gồm cả sở thích, sở ghét, điều gì chúng ta cho là quan trọng nhất và ít quan trọng nhất, v.v.

Vậy, điều này đóng vai trò như thế nào trong những mối quan hệ xã hội, trong bối cảnh công việc, gia đình, tình yêu, v.v.? Đấy là trong khoảnh khắc mà một tương tác xã hội xảy ra, đấy cũng là khoảnh khắc giao thoa của những hệ giá trị. Tuy nhiên, tôi muốn đặt rõ một vấn đề này ngay từ đầu, chính là chúng ta thường chỉ thấy sự giao thoa đó ở bề nổi, tức là giữa những thế giới quan khác nhau, chứ không phải giữa hệ giá trị - vốn là nhân tố tối căn bản của thể nhận thức của ta. Trong khi thế giới quan còn mang sắc thái khách quan, là tổng hợp vừa những quan điểm cá nhân, vừa những thông tin, kiến thức nhận được từ bên ngoài, thì hệ giá trị lại là một sản phẩm tối chủ quan, là hệ quả thiết yếu của quá trình phát triển tư duy phức tạp, là những khớp nối vật lý, tình cảm, tâm hồn của họ được biện chứng vô cùng vững chắc trong quá trình tạo nghĩa. Đã là sự giao thoa, thì sẽ có cả sự tương hợp lẫn xung đột, về mặt khái niệm lẫn cách thức. Sự liên kết xã hội càng cao, thì biểu hiện của sự giao thoa càng rõ và càng có tác động lớn lao lên mỗi cá nhân trong mối quan hệ đó, ví dụ: việc chúng ta có mâu thuẫn với một người lạ mà chúng ta dường như sẽ không gặp lại họ ít nhất trong tương lai gần, với sự mâu thuẫn giữa ta và những người ta yêu thương (bố mẹ, anh em, người yêu, con cái, v.v.) có những khác biệt đáng kể trong cách ta và đối phương xử lý và bị ảnh hưởng bởi sự mâu thuẫn đó. Ở đây có thể thấy, sự liên kết xã hội, có thể về mặt tình cảm hay ở những phương diện vật chất hơn, sẽ quyết định mối quan hệ của sự có nghĩa (significance) và tính uy lực (potency) giữa những hệ giá trị, thế giới quan trong cùng một mối quan hệ xã hội giống nhau. Sự tổn thương xảy ra khi sự mâu thuẫn trở nên quá lớn, tỷ lệ thuận với mức độ kết nối xã hội; ở bề nổi, nó gây tổn thương đến cảm xúc và những gì chúng ta tin tưởng vào; ở bề chìm, sự tổn thương tác động, thách thức, thậm chí là làm lung lay hệ giá trị của ta – cách mà chúng ta muốn định danh (identity) và tạo nghĩa cho sự tồn tại và phát triển của bản thân.

Nên chấp nhận một thực tế rằng, sự mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, kể cả khi trong một trường hợp giả định rằng ta và đối phương là một người, thì sự mâu thuẫn vẫn khả thi trong cái tiền đề về sự vận động không ngừng của vạn vật. Nhưng không phải ai cũng ý thức được vì sao sự mâu thuẫn lại xảy ra (như đã nêu trên) và làm thế nào để xử lý được nó. Như đã đề cập ở trên, sự tổn thương - vốn đã nên cần được phân biệt giữa sự phật lòng, đau buồn, hay khó chịu đơn thuần - xảy ra khi có sự xung đột, mâu thuẫn giữa hai hay nhiều hệ giá trị ở một mức độ kết nối xã hội nhất định. Rõ ràng ở đây, tất cả các phía đều chịu tổn thương, tuy mức độ tổn thương không là giống nhau. Mỗi bên đều phải đối mặt, đầu tiên là sự tổn thương trong thế giới quan, niềm tin, sau đó là sự tổn thương trong hệ giá trị. Cảm xúc chỉ là những xúc tác hóa học mang tính thời điểm khi sự tổn thương xảy ra hoặc được khơi gợi. Tổn thương, lại ở một cấp độ sâu hơn và có thể tồn tại vĩnh viễn. Lý do khiến điều này trở nên vô hình bởi vì chúng ta luôn có xu hướng nhận thức hẹp và mang tính tập trung cá nhân (self-centric), khả năng đồng cảm kém, và một trái tim thiếu thốn đức tính bao dung và lòng vị tha. Chúng ta thường không nhận thức đủ và rõ đến sự tồn tại của những hệ giá trị khác xung quanh, mà đa phần chỉ nhìn vào các sự khác biệt bề nổi trong thế giới quan của mỗi người. Mà đã là thế giới quan, như đã nói vốn vẫn còn sắc thái khách quan, thì chắc chắn sẽ bị đưa lên thang đo về sự đúng sai của mỗi cá nhân – là sản phẩm được cấu tạo nên từ tri thức, niềm tin, các thiết chế và quy chuẩn mang tính chính trị, văn hóa, và xã hội, và tất nhiên, cả những quan điểm cá nhân – tuy là một yếu tố chủ quan, nhưng góp phần vào việc tạo nghĩa và áp chế các chủ thể khách quan.

Từ khóa: 

giá trị sống

,

tâm lý

,

cảm xúc

,

đời sống

,

chữa lành

,

tâm lý học

Mình thấy nhiều người hay đổ tại, hay lý do cho các thất bại. Thực ra mình cũng thế nếu như muốn nhanh chóng quên đi điều không vui đó.

Trả lời

Mình thấy nhiều người hay đổ tại, hay lý do cho các thất bại. Thực ra mình cũng thế nếu như muốn nhanh chóng quên đi điều không vui đó.

Cuộc sống đơn giản hay phức tạp phụ thuộc nhiều vào cách mỗi chúng ta lựa chọn để quan sát "tảng băng trôi" bạn nhỉ?

Cảm ơn bạn vì bài chia sẻ rất ý nghĩa!