Các yếu tố ảnh hưởng đến sự cách tân của tiểu thuyết khi bước sang thế kỉ XX?
kiến thức chung
(Có tham khảo từ bài viết Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ XX của Hoàng Ngọc Tuấn)
-Quan điểm hiện thực chủ nghĩa- quan điểm thống trị của văn học thế kỷ XIX: Quan điểm này đặt nhà văn và độc giả vào trong hoàn cảnh ngôn ngữ với giả thiết rằng “cái biểu đạt” với “cái được biểu đạt” là đồng nhất. Đây là điều không thể xảy ra vì ngôn ngữ không thể diễn tả đúng đối tượng của nó.
=> Hiện thực trong tiểu thuyết là một thứ hiện thực đã được “biên tập”.
Hiện thực chủ nghĩa cho rằng: nhà văn có quyền lọc lựa sự kiện để chọn sự thực điển hình. Cái điển hình có khả năng biểu hiện bản chất của một phạm trù tính cách; sự lọc lựa sự kiện là nhằm gạt bỏ những cái không mang tính bản chất.
Trong khi đó từ giữa thế kỷ XIX với tác phẩm Bà Bovary, G.Flaubert đã manh nha trường phái phản Hiện thực chủ nghĩa, khẳng định vốn liếng của cái điển hình rất nghèo nàn. Qua kĩ thuật điển hình hóa, thế giới phức tạp, phong phú và sống động vô hạn sẽ chỉ còn lại một mớ những phạm trù tính cách chung chung. Độc giả thường “thấy hình ảnh mình trong đó” nhưng thực ra đó chỉ là một “cái bóng” có dạng thức tương tự với bóng mình. Cuối cùng, tiểu thuyết hiện thực sẽ chỉ còn là diễn trình xây dựng và giải quyết những mâu thuẫn giữa những cái bóng của hiện thực. Năm 1967, John Barth trong luận văn của mình, đã nhận xét rằng những đề tài và phương pháp trình bày của tiểu thuyết đã thực sự cạn kiệt, tất cả những khả năng của nó đều đã bị dùng đi dùng lại đến mức quá trớn suốt thế kỉ XIX đến những năm 60 của TK XX, trong khi đó, những khả năng mới được khám phá thì ít ai chịu lưu ý đến.
-Cốt truyện và cách kể truyện: quan niệm cũ: tiểu thuyết nhất thiết phải tồn tại trên một cốt truyện. Cốt truyện được xây dựng quanh một sự kiện bất thường, khiến độc giả thắc mắc và chờ xem nó được giải quyết như thế nào. Kết thúc: giải quyết mọi mâu thuẫn và trả độc giả về với trật tự cũ của đời sống. VD: thiện thắng ác, tốt thắng xấu, đúng thắng sai. Sự thất bại của tiểu thuyết hiện thực ở chỗ: quá trình diễn biến câu chuyện là thế giới hiện thực nhưng đến kết thúc lại quay trở về quan niệm cổ điển để làm độc giả an tâm trước một “kết thúc có hậu”.
Ví dụ: Tiểu thuyết Hard times (Charles Dickens, 1854) nhà văn đã viết câu truyện như nó vốn là nhưng kết thúc lại thành như nó nên là. Không chỉ Dickens, ngay cả Balzac với bộ Tấn trò đời hay nhiều cây đại thụ của văn học thế kỷ XIX cũng bị cuốn vào motif này. Chính cái kết lý tưởng hóa hoặc gián tiếp bày tỏ khát vọng lý tưởng hóa đã trở thành “kẻ tố cáo” chân thực sự sụp đổ của chủ nghĩa hiện thực.
-Hình thức: chính kể chuyện truyền thống bằng văn xuôi đã khiến tiểu thuyết khó bắt kịp nhịp cách tân của các nghệ thuật khác. Tiểu thuyết cứ bám mãi vào cốt truyện, nhưng đời sống hiện đại cho thấy nhiều sự thực cực kì phong phú nhưng không có diễn trình của một cốt truyện và không thể kể được.
-Hạn chế của người viết tiểu thuyết cũ: nhà văn cần một cốt truyện để kể, người đọc tìm đến tiểu thuyết vì cốt truyện của nó và tán dương nó vì cách giải quyết vấn đề mà cốt truyện đặt ra. Cốt truyện là cái quan trọng hơn nghệ thuật ngôn từ.
=> Độc giả tìm đến nhà văn như tìm đến một nhà đạo đức học, xã hội học, lịch sử học hơn là một nhà mĩ thuật.
-Thái độ của nhà văn, sự đón nhận của độc giả; quan điểm chính trị trước cái mới: trong lĩnh vực văn chương, độc giả thường chỉ thấy an tâm khi tác phẩm mà họ đọc chứa đựng những gì có sẵn theo công thức cũ.
Những nhà văn bị mắc kẹt trong những định chế cũ, cùng với những nhà văn không đủ sức cách tân, cũng cảm thấy an tâm hơn khi ở lại với cái cũ.
=> Tất cả đi ngược lại với sự biến động không ngừng của cuộc sống.
Văn chương cũng như mọi lĩnh vực sinh hoạt văn hóa khác, sẽ khó có thể cách tân ở những quốc gia đóng cửa và độc tài về chính trị.
Ví dụ: Trung Quốc. Từ trước thời kì Cách Mạng văn hóa kéo dài đến cuối những năm 70: thiếu thốn kiến thức văn hóa quốc tế; văn chương đa số nhằm thỏa mãn chính kiến của lãnh đạo và thị hiếu; những ý niệm như “văn chương hiện đại” bị xem là điều độc hại,…
Lan Mai Kiều