Cách mình "Chăm đọc" trở lại

  1. Giáo dục

  2. Văn hóa

  3. Sách

  4. Kỹ năng mềm

Bài này mình đã viết từ hồi giãn cách xã hội. Giờ mình đăng lại biết đâu lại có ích cho các bạn có cùng "tần số".

Giãn cách xã hội đối với nhiều người là một cái gì đó rất ghê gớm, nhưng mình lại thấy biết ơn quãng thời gian này vô cùng. Bởi lẽ mình có nhiều thời gian dành cho gia đình, nhiều thời gian hơn dành cho con cái và bên cạnh đó, mình có thể thực hiện một việc rất quan trọng. Đó là “hiểu hơn bản thân mình” và “nuôi dưỡng tâm hồn”. Một trong những nơi mình tìm tới để nuôi dưỡng tâm hồn chính là việc đọc sách. Dưới đây là một số cách mình đã làm để vượt lười đọc.
Thứ nhất, khơi gợi niềm yêu thích với đọc sách
Ngày bé, mình thích đọc sách lắm. Mình nhớ hồi đó rất ít sách ngoài sách giáo khoa, cuốn sách in đen trắng, thi thoảng được điểm màu xanh da trời. Những cuốn sách ấy đã đi cùng mình suốt quãng thời gian tiểu học cũng khiến mình vui vẻ suốt cả quãng trời thơ bé. Học xong các bài thơ, mình thường chép lại rồi nguệch ngoạc vẽ minh hoạ thêm, nhìn sản phẩm như thế cũng thấy trong lòng vui mừng lắm, như một nghệ sĩ nhí sáng tác ra một “tác phẩm”, lòng lâng lâng sung sướng và tự hào. 
Đến lớp ba, mình bắt đầu được tiếp xúc với một thứ “tài sản” cực kì lớn mà mẹ mình mượn ở thư viện trường tiểu học. Đó là báo Thiếu niên tiền phong. Chắc những ai 8x, 9x thì biết rõ lắm tờ báo này. Mình thường đọc các mục truyện cười, những mẩu chuyện nhỏ mà các bạn đọc khắp nơi gửi về. Mình cũng có gửi bài viết đi mấy lần, nhưng đều không bao giờ được đăng. Đơn giản thôi, vì hồi đó ngây thơ cứ nghĩ cho thư vào hòm thư của bưu điện là thư của mình được gửi đi tới toà soạn. Nhưng bì thư handmade và tem thư “vẽ” thì chắc là thư đang thất lạc ở tận phương trời nao rồi nhỉ? Vậy mà hồi đó cứ hóng mãi, hóng ngày mình được lên báo sẽ vênh mặt lên với chúng bạn, với đời.
Lên cấp hai, mình bắt đầu được tiếp cận nhiều hơn với sách. Hồi đó, cũng là thời điểm mình say mê đọc nhất. Mình đọc từ truyện cố Grim cả hơn 1000 trang giấy tới những cuốn sách về hạt giống tâm hồn. Ông ngoại mình là một giáo viên dạy văn đã về hưu. Hồi đó, mình cũng hay xuống nhà ông chơi lắm vì chỉ cách nhau có 2km. Ông có bốn cuốn sách dày lắm về văn học Việt Nam các giai đoạn, từ lúc đó mình đã đọc hết cả bốn cuốn sách rất dày luôn í. Với những câu chuyện của các nhà văn nổi tiếng như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng…Mình bị cuốn theo câu chuyện và cảm xúc trong những câu chuyện đó. Có lẽ đây cũng là “nơi nuôi dưỡng tâm hồn” của mình.
Lên cấp ba, mình tiếp cận với tiểu thuyết, nhất là những tiểu thuyết ngôn tình. Cuốn lắm vào những câu chuyện tình yêu lãng mạn của các nhân vật trong truyện và thầm ước mình sẽ “giống như nữ chính”, gặp được mối tình định mệnh, yêu chiều hết mực. Rồi tưởng tượng ra những mối tình lâm ly bi đát…Sau đó một thời gian, mình cũng bị cuốn vào học hành, ôn thi nên mình lười đọc lắm.

Lên đại học thì khác, có điện thoại rồi, có máy tính kết nối internet rồi, cái gì cũng lên mạng đọc cho nhàn. Đỡ phải tìm kiếm trong sách. Một câu nổi tiếng mà giới học trò chúng mình, chắc ai cũng biết: “Trăm năm trong cõi người ta, những gì không biết thì tra google”. Thế là cái đà “chăm đọc sách” dần mất dần, mất dần. Thậm chí có một thời gian mình còn bị “khủng hoảng”. Mình cứ cảm thấy đọc sách là “phải đọc”, đọc sách quá nhiều “triết lý và lý thuyết” mình muốn thực tế hơn. Mà những tâm lý như thế cứ ăn dần ăn dần khiến mình nảy sinh cảm giác bài trừ. Từ đó, mình chỉ đọc sách khi thực sự cần. Chẳng hạn như “đọc giáo trình” mà ít khi quan tâm tới những sách khác. Thậm chí cả truyện ngắn cũng hầu như không đọc. Mà tập trung vào việc tham gia các hoạt động thực tế.

Khi đi làm cũng vậy, mình cũng chưa từng “chăm đọc sách”. Tủ sách kỹ năng mình mua khoảng 02 năm trở lại đây được cho vào “vùng đất câm lặng” hoặc thi thoảng mình mới mở ra lật lật rồi cất. Một phần vì mình đi dạy khá nhiều trong tuần, một phần là do mình cảm thấy đọc sách nhiều chữ quá, mà mình thích nhìn hình ảnh hơn, thích những cái thiên về nghệ thuật thị giác. Nên mình cứ lười một thời gian dài như vậy.

  • Tuy nói vậy nhưng không phải mình không đọc. Mình có đọc nhưng mình thường đọc báo, đọc các bài nghiên cứu liên quan tới chuyên ngành hoặc đề tài mình tìm hiều,chỉ là việc đó không phải là hàng ngày.
  • Đợt giãn cách này giúp mình có thời gian để “đụng lại” vào giá sách của mình và đọc nó. Mình đã bắt đầu bằng một cuốn truyện ngắn cực kì thú vị. Mọi người có thể tìm đọc nhé: “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca. Rồi tiếp đà đó mình tiếp cận thêm những cuốn sách thiên vể kể chuyện nhiều. Từ đó, mình thiết lập việc đọc sách hàng ngày. Bất cứ khi nào cảm thây “rảnh”, mình đều bỏ sách ra đọc các mẩu truyện nhỏ, mỗi ngày một ít, dần dần mình thích yêu thích lại việc đọc sách. Cảm giác thư thái ngồi bên cốc nước, thả lỏng, dựa lưng vào tường. Tay lật những trang sách, tai nghe tiếng sột soạt của giấy. Cảm giác thật khó tả. Mấy tháng nay, mình đã đang và vẫn duy trì được thói quen này. Có lẽ “niềm vui” như khám phá ra được điều gì, mới là động lực mạnh mẽ nhất để mình tiếp tục đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn.

Để khơi gợi niềm vui với đọc sách, bạn hãy nghĩ xem mình đã từng đọc những thể loại sách gì từ nhỏ cho tới lớn? Chủ đề nào khiến bạn thấy vui vẻ? Chủ đề nào bạn thấy tâm hồn được vun đắp.

Hãy ngồi và hồi tưởng lại, sau đó bạn có thể lấy giấy và viết lại cảm xúc của mình.

Sau đó, hãy đặt ra các câu hỏi: Đọc sách nào thực sự giúp mình cảm thấy vui vẻ và có hứng thú như “thuở ban đầu”?

Thứ hai, lựa chọn sách một cách cẩn thận

Nếu bạn cảm thấy vẫn chưa đủ sẵn sàng với việc đọc sách. Hãy bắt đầu từ tài liệu ngắn. Tài liệu ngắn ở đây có thể là một tấm poster, một đoạn tóm tắt, đọc review về sách…Cố gắng chọn những tài liệu mà bạn cảm thấy ngắn gọn, xúc tích và đọc hết nó.

Bên cạnh đó, hãy bắt đầu bằng những chủ đề mà bạn cảm thấy hứng thú. Chúng ta đang rèn kỹ năng, vì vậy hãy ưu tiên cho việc thiết lập thói quen đọc. Hãy lựa chọn một cuốn sách với chủ đề mà bạn hứng thú: truyện ngắn, thơ, truyện ngôn tình cũng được, miễn là bạn thích nó và duy trì đọc ít nhất 05 trang/01 ngày trong ít nhất 01 tháng. Dần dần sẽ tạo thành thói quen mà khi không thực hiện nó, bạn sẽ cảm thấy thiếu thiếu.

Thứ ba, đọc tập trung
Nói đến đọc sách, thì việc quan trọng nhất là phải đọc rồi! Bạn hãy lựa chọn một địa điểm nào mà bạn cảm thấy có thể ngồi thoải mái, có thể dựa lưng. Bạn cũng nên tìm kiếm một thời điểm hợp lý cho bản thân mình với việc đọc sách. Nếu căng thẳng hoặc nếu cơ thể bạn quá mệt mỏi, thì hãy nghỉ ngơi trước đã. Vì khi bạn mệt hoặc căng thẳng thì việc đọc và tiếp thu cũng khó hiệu quả. Bên cạnh đó, mình thấy một số người thích dậy từ sáng sớm, đọc sách lúc 5 giờ sáng, nhưng một số khác như mình: thích đọc vào buổi tối. Bạn có thể lựa chọn bất kì thời điểm nào mà bạn không vướng bận các việc khác và thả lỏng được bản thân. Sau đó bạn tập trung đọc thôi.
Thứ tư, tóm tắt các đọan văn bằng một vài câu ngắn gọn, hoặc nếu có thời gian bạn có thể dùng Sketchnote hoặc Cornell

Việc đọc là cần thiết, nhưng sau khi đọc xong có nhớ được lại những gì đã đọc xong hay không mới là điều quan trọng. Vì vậy, mình thường có một thói quen là tóm tắt lại các đoạn văn bản. 

Với mỗi đoạn, mình sẽ dùng ý hiểu của mình để tóm tắt lại đoạn đó bằng vài câu ngắn gọn. Đảm bảo khi mình xem lại vẫn hiểu được tiến trình của các ý.

Nếu bạn có thời gian có thể sử dụng Sketchnote để tóm tắt một cách sinh động hơn và dễ tri giác hơn khi xem lại nhé! Cornell cũng là một công cụ khá hữu ích để tóm tắt lại sách nha!

“Những câu quote hay mình cũng sẽ ghi lại để nhớ và để sử dụng theo”.

Thứ năm, hãy xem lại phần ghi tóm tắt của bạn

Bạn có thể xem lại phần ghi tóm tắt của mình theo tuần hoặc theo tháng, dần dần bạn sẽ cảm thấy mình thật nhớ làm sao!!!

Trên đây là những mẹo khi đọc sách của mình! Có thể những kiến thức này sẽ hữu ích với bạn!

Cảm ơn đã đọc! Thân ái!

Từ khóa: 

docsach

,

kynang

,

giáo dục

,

văn hóa

,

sách

,

kỹ năng mềm

May quá tới giờ vẫn tiếp tục, và đọc cả thơ nữa :D

Trả lời

May quá tới giờ vẫn tiếp tục, và đọc cả thơ nữa :D