[Chia sẻ] 10 cuốn sách nên đọc khi mất phương hướng

  1. Sách

Gần đây tôi nhận được câu hỏi về việc “Nên đọc sách gì khi bị mất phương hướng?”. Nghĩ rằng câu trả lời có thể sẽ có ích cho một số bạn có thắc mắc tương tự, nên tôi xin được chia sẻ danh sách cá nhân tôi chọn lọc để mọi người tham khảo.

Mất phương hướng hoặc khủng hoảng hiện sinh là điều sẽ đến với một vài người trong số chúng ta. Điều này không hoàn toàn xấu, thậm chí còn được coi là một cơ hội rất tốt để chúng ta hiểu bản thân hơn. Bởi nếu không bao giờ mất phương hướng, thì có thể chúng ta đang đi trên những con đường do người khác xây sẵn và theo những tấm bản đồ do người khác tạo nên.

Một cuộc đời mặc định như vậy có lẽ an ổn và ít phải suy tư nếu chúng ta biết hài lòng. Tuy nhiên nếu chỉ luôn là như vậy, tất cả đều giống vậy thì tôi nghĩ nhân loại sẽ rất khó để tiến hóa và giáo dục thế hệ sau (nếu mọi cuộc đời đều sống theo cách như nhau thì chỉ cần đào tạo là đủ).

Nếu đang đối mặt với mất phương hướng và khủng hoảng hiện sinh thì chúc mừng bạn. Bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn trong đời nhưng nếu vượt qua sự khó khăn đó, bạn sẽ tìm thấy con đường của riêng mình. Điều đặc biệt là hành trình này chỉ có bạn đơn độc ứng phó, vì bài học của bạn nằm ở đây nên sẽ không ai đến học thay bạn. Hãy chấp nhận sự thực và dũng cảm đối mặt, bạn nhé.

Để trợ sức cho bạn trong quá trình vượt qua khó khăn, tôi xin gửi đến bạn những cuốn sách sau:

10. Đi tìm lẽ sống (Viktor Emil Frankl)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/511513448920-1706260795.jpg

Đây là cuốn sách mà bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời, tôi nghĩ vậy. Bởi cuốn sách này sẽ cho bạn thấy con người có thể sống trong hầu hết mọi hoàn cảnh, chỉ cần họ có lý do (lẽ sống). So sánh khôi hài một chút là nhân loại sống dai không kém gì con gián, nên chỉ trừ khi chúng ta không muốn sống nữa, rất khó có thứ gì trên đời có thể khiến chúng ta thực sự chết. Vẫn có những triết gia, nghệ sĩ, tướng lĩnh, nhà văn, thủ lĩnh tôn giáo tuy thể xác không còn từ hàng trăm năm trước, nhưng tư tưởng của họ vẫn còn theo chúng ta đến ngày nay.

Hoàn cảnh của chốn địa ngục trần gian trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã là thứ đáng sợ, có thể hủy hoại thể xác và tinh thần con người. Nhưng tác giả Viktor Emil Frankl đã chứng minh cho chúng ta thấy, chỉ cần tinh thần vững vàng thì chúng ta sẽ luôn có cơ hội hồi phục.

9. Một đời như kẻ tìm đường (Phan Văn Trường)

Tôi nghĩ cuốn sách từ người thầy đáng kính này có thể sẽ rất gần gũi với bạn đọc Việt Nam. Vì tác giả cũng là một người Việt, một người Việt bé nhỏ nhưng tầm vóc lại không hề bé nhỏ khi đạt được những vinh dự lừng lẫy ở nước Pháp. Hiện tại, với hệ sinh thái Cấy Nền, thầy vẫn đang tiếp tục gieo giá trị về sự “Bình đẳng – Thẳng thắn – Hồn nhiên – Tích cực”. Sống theo phương châm này thì bạn sẽ không lo bị mất phương hướng.

Nếu cả đời thầy như kẻ tìm đường, vậy là đồng bào của thầy, chúng ta cũng đang đi tìm con đường của mình. Dũng cảm, kiên nhẫn đi tìm thì sẽ thấy, ai cũng như vậy, không chỉ mình bạn. Bạn nghĩ mất phương hướng còn quá đáng sợ nữa không?

8. Được học (Tara Westover)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/511513448921-1706260859.jpg

Cuốn hồi ký của cô là bằng chứng sống động cho triết lý “không ai có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng luôn có quyền lựa chọn con người mình muốn trở thành”.

Những sự kiện có thực trong cuộc đời người khác luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt để chúng ta vươn lên. Khi bị chìm quá sâu trong nỗi tuyệt vọng của bản thân, con người thường trầm trọng hóa vấn đề và tự triệt tiêu nghị lực sống. Họ thường quên đi rằng cuộc sống này vốn công bằng trong niềm vui, nỗi buồn. Nếu quan sát, họ sẽ thấy những mảnh đời còn bất hạnh hơn mình rất nhiều nhưng đã thành công trong việc biến nỗi bất hạnh ấy thành động lực vượt khó: Tara Westover là một người như vậy.

7. Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống (Stephen C. Hayes & Spencer Smith)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/511513448922-1706260877.jpg

Cuốn sách cung cấp lý thuyết và phương pháp thực hành của Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT – Acceptance and Commitment Therapy) sẽ mở ra cho bạn lối thoát khỏi suy nghĩ của chính mình. Như chúng ta thấy “đau khổ” là cảm nhận bắt nguồn từ nỗi đau về thể xác và nỗi khổ về tinh thần. Trong đa số trường hợp, nỗi đau về thể xác được cứu chữa bởi các bác sĩ. Nỗi khổ về tinh thần là điều mà tự bản thân mỗi người cần học cách nhận diện rồi hóa giải.

Tâm trí con người là một cỗ máy sản sinh ý nghĩ không mệt mỏi. Tôi thấy nó khá giống mạng Internet, liên tục tạo ra và phát tán các tin tức bất chấp thật giả, đúng sai. Nếu để bản thân bị ngụp lặn trong mơ thông tin đó đến tình trạng “overthinking” (nghĩ nhiều) thì mất phương hướng là điều chắc chắn sẽ đến.

Bạn hãy học cách tự trị liệu việc nghĩ ngợi miên man của bản thân qua cuốn sách này. Tôi tin quá trình sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn nữa nếu bạn chịu khó kiêng khem thêm việc sử dụng các thiết bị công nghệ và dành thời gian với thiên nhiên (lưu ý là dành thời gian với thiên nhiên hay tự chữa lành là việc của riêng bạn, bạn không cần thiết phải đăng tải trên mạng xã hội để rồi tiếp tục nhận được những phản hồi khen chê khiến tâm trí hỗn độn hơn).

Đôi khi, tôi có suy nghĩ hơi hóm hỉnh là nếu Đức Phật mà có điện thoại thông minh khi Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ Đề chắc Ngài cũng sẽ khó giác ngộ. Bởi âm thanh tin nhắn, tiếng chuông điện thoại hay thông báo từ các nền tảng mua sắm online sẽ dồn dập kéo đến.

6. Hai số phận (Jeffrey Archer)

Cuốn tiểu thuyết kinh điển này mang lại cho bạn những giờ phút thư giãn, tạm quên đi vấn đề của đời mình để phiêu lưu đến với cuộc sống của hai nhân vật có tên Abel và Kane. Họ có xuất thân khác nhau và được thừa hưởng cùng lúc cả lợi thế lẫn thách thức từ xuất thân ấy.

Đọc sách, bạn sẽ thấy những người sinh ra trong bối cảnh giàu sang không phải lúc nào cũng may mắn và thiếu tự lực. Họ cũng phải giải quyết các vấn đề mà sự giàu có mang lại và đôi khi thành công họ đạt được trong đời không hoàn toàn chỉ đến từ sự dựa dẫm vào gia thế. Bên trong những cá nhân ấy cũng có những đổ vỡ và mất mát mà vật chất không thể bù đắp. Nên đố kỵ với họ rồi than thân trách phận chỉ khiến sự yếu kém, mặc cảm tự tin lớn lên.

5. Quẳng gánh lo đi và vui sống (Dale Carnegie)

Nếu lo nghĩ nhiều, bạn nên đọc đi đọc lại cuốn sách này. Bởi việc thường xuyên tâm sự, kể lể với người khác những nỗi lo lắng, băn khoăn của bản thân mặc dù giúp bạn nhẹ lòng hơn nhưng lặp lại liên tục sẽ khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi, chán nản, giữ khoảng cách. Đó là lúc chúng ta dễ hiểu nhầm rằng trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta bị bỏ rơi, không ai lắng nghe.

Tuy nhiên vấn đề không trầm trọng đến mức phải tự khái quát thành quy luật nhân sinh bội bạc. Chỉ đơn giản là chúng ta quên đi một nguyên tắc giao tiếp cơ bản và biến người khác thành “thùng rác” mà thôi.

Hãy dành thời gian tĩnh lặng đọc sách, bạn sẽ cảm thấy được an ủi mà không làm phiền đến người khác để rồi lại tự chuốc thêm phiền não cho chính mình.

4. Sức mạnh của hiện tại (Eckhart Tolle)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/27971256343474-1706260943.jpg

Một người sống trong thực tại thì giống với một người lang thang. Nhìn vẻ bề ngoài có vẻ như anh ta mất phương hướng nhưng trên thực tế đó là cách anh ta tìm thấy chính mình. Quá buồn đau về quá khứ, quá lo lắng về tương lai là đặc trưng cơ bản của con người. Nếu không biết sống với hiện tại, thì ngày nào cũng là ngày mất phương hướng, năm nào cũng là năm khủng hoảng hiện sinh. Bởi ai trong chúng ta thay đổi được quá khứ? Hay biết chắc chắn về tương lai? Vậy nên cố chấp tìm cách thay đổi điều không thể thay đổi thì tôi nghĩ là khủng hoảng về tư duy. Nếu tư duy có vấn đề thì sản phẩm của nó các ý nghĩ cũng không còn giá trị.

Học cách đối mặt với hiện tại, kết nối sâu sắc trong thực tại sẽ giúp bạn nhận ra vẻ đẹp nằm trong sự giản đơn của cuộc đời. Nhưng vì con người đánh mất sự giản đơn nên thường không thể nhìn ra vẻ đẹp ấy.

3. Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa Namiya (Higashino Keigo)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/511513448923-1706260968.jpg

Một chút lòng tin vào phép màu sẽ giúp bạn có thêm động lực thoát khỏi tình cảnh bế tắc. Cuốn sách mang đến cho bạn những giờ phút giải trí nhẹ nhàng, tạm quên đi những nỗi cay đắng, tiêu cực để tâm hồn được dịu lại.

Bạn sẽ nhận ra đôi khi những điều tưởng chừng tồn tại vô nghĩa hóa ra lại được kết nối với nhau để tạo nên ý nghĩa toàn vẹn. Hoàn cảnh khó khăn nhất thời của bạn cũng vậy. Quá quan tâm đến vấn đề cá nhân sẽ khiến bạn khó nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng trắc ẩn với người khác.

2. Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam (Lâm Minh Chánh)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/511513448924-1706260992.jpg

Sau những cuốn sách để thư giãn, bồi dưỡng tinh thần phía trên giờ chúng ta đến với chủ đề vật chất. Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân khiến con người u sầu, mất phương hướng, tự mâu thuẫn nằm ở cách nghĩ tách rời tinh thần và vật chất hoặc tối ưu hóa vật chất, quên đi tinh thần – đề cao tinh thần, coi thường vật chất.

Những lựa chọn theo kiểu mình muốn (mà quên đi điều mình cần) này sẽ kéo theo hàng loạt khủng hoảng. Sự thực là tinh thần và vật chất đều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của con người. Bạn đừng vội đau khổ khi “chưa thể sống với đam mê”, hay không thể “chill chill” với lựa chọn “hãy là mình về quê nuôi gà, thả cá, trồng rau sống đời tự do”, “vì cuộc đời là những chuyến đi”, “YOLO”, “đưa nhau đi trốn”, “ước gì trúng số trăm tỷ” v.v.

Ngay từ khi còn trẻ, bạn hãy quan tâm đến tài chính (biết kiếm tiền, tiết kiệm tiền kiếm được) và chậm rãi làm giàu (đừng đầu tư lướt sóng, đầu tư vào thứ mình không hiểu rõ). Cuốn sách này sẽ cho bạn những lời khuyên bổ ích để bạn biết bản thân cần và có thể làm được gì trước khi quan tâm đến việc muốn làm gì. Người không nợ nần là người dễ cảm thấy thanh thản.

Hãy tập trung vào giá trị và đừng quá lo lắng về giá cả.

1. Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế (Inamori Kazuo)

https://cdn.noron.vn/2024/01/26/511513448925-1706261032.jpg

Nếu có phương hướng rồi nhưng không dám bước theo, hoặc lo ngại làm người tử tế sẽ khó thành công vì lỗi thời thì đây là cuốn sách bạn cần đọc. Để thành công người ta cần thành nhân (kể cả là trong trường hợp thành “công nhân” thì tôi nghĩ cũng không có gì đáng xấu hổ, vì “nhân viên cứng còn hơn sếp non”).

Tôi tin cuốn sách này sẽ mang đến bạn hùng tâm tráng chí mà bạn cần có để hiên ngang sống với tư cách một con người, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm với số phận của bản thân. Vì gốc rễ của mất phương hướng và khủng hoảng hiện sinh là nỗi sợ, sự do dự và tính trì trệ.

Thay cho lời kết

Nếu không e ngại chủ đề cái chết và đã sẵn sàng tìm hiểu về nhà ga cuối cùng kiếp người, bạn có thể đọc thêm 2 cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” (Đặng Hoàng Giang) và “Bàn về sinh tử” (Andrew Holecek). Tôi nghĩ đôi khi tìm hiểu về cái chết và nhớ rằng cái chết đang đợi, chúng ta sẽ biết cách sống sao cho ý nghĩa hơn thay vì dành thời gian lo lắng. Hiểu về cái chết cũng giúp chúng ta không coi cái chết như là một giải pháp cho sự trống rỗng và lạc lối của mình. Cái chết là điều thiêng liêng mà các cá nhân không nên tùy tiện lựa chọn khi rối trí.

Mong rằng gợi ý của tôi sẽ giúp bạn tìm thấy cuốn sách phù hợp. Bạn đừng nên đọc review hay tóm tắt sách: hãy dành thời gian đọc sách hoặc nghe sách nói để nhận được trải nghiệm đầy đủ thông điệp các tác giả chia sẻ.

Nếu một con kiến lo lắng cho số phận của mình, nó có thể sẽ chỉ nằm một chỗ chờ chết- có quá nhiều thứ có thể khiến nó chết hoặc tàn tật. Nhưng tôi thấy các chú kiến vẫn cần mẫn ra ngoài kiếm ăn, xây tổ, bảo vệ tổ. Con người đúng là to lớn, thông minh, nhiều công cụ hơn loài kiến, vậy chẳng nhẽ ý chí của chúng ta lại yếu nhược hơn chúng sao?

Tôi hạn chế tuyệt đối việc giết kiến và cũng khuyên học sinh của mình hạn chế hành vi này vì kiến (cùng nhiều loài vật, hiện tượng tự nhiên khác) thường mang đến bài học, cơ hội tự ý thức về đời người.

Từ khóa: 

review sách

,

10 cuốn sách nên đọc

,

mất phương hướng

,

sách