[Chia sẻ] Chuyện Khoảng cách

  1. Phong cách sống

  2. Tâm sự cuộc sống

Khi trò chuyện với hầu hết mọi người, tôi nhận thấy vấn đề lớn nhất của kỷ nguyên kết nối lại chính là khoảng cách.

Con người khao khát được thấu hiểu, song lại từ chối thấu hiểu những người xung quanh. “Cái tôi” như tấm khiên lạnh lẽo phòng ngự bản thân khỏi những điều họ không ưa, không thích nơi người khác.

Mà lạ thật, hình như người ta sẽ thấy và dễ nhớ những điều không tốt của nhau thì phải?

Chính sự nhận biết thiên lệch ấy, về bản thân luôn tốt, luôn đúng càng ngày càng tạo ra khoảng cách giữa người với người. Từ sự khắt khe đó, không ít người phê bình nhiều hơn, phán xét nhiều hơn. Đồng thời, khi có bất kì vấn đề nào đó xảy ra, họ cũng chọn cách chỉ nhìn thấy ý hay của mình để chê bai ý dở của người.

Ừ thì họ đúng- có thể vì họ đúng mà cũng có thể là cái đúng đó chẳng có mấy ý nghĩa nên đối phương nhường lại cho họ. Thế nhưng, cái giá của nó là khoảng cách.

Chỉ vì một chút mất bình tĩnh, một chút cá nhân và một chút tự cao, họ mổ lên phím cách (space) trên bàn phím máy tính nghe đánh “cạnh”. Thế là xong. Trên không gian ảo, cái gì cũng dư thừa, chỉ thiếu lòng kiên nhẫn.

https://cdn.noron.vn/2021/03/19/93181943312662092-1616127216.jpg

Ở nơi tưởng chừng yên ấm nhất là gia đình thì cũng vẫn có khoảng cách. Khoảng cách ấy ngăn trở các thời đại với nhau, thường trực trên câu nói cửa miệng âm thanh: “ngày xưa”, “ngày nay” rồi “người lớn”, “thế hệ trẻ” hay “người ở trong nước” với “người nước ngoài về”.

Vậy nên, chẳng hiếm gặp cảnh con cái than khóc vì cha mẹ không thấu hiểu, cha mẹ rầu rĩ vì con cái không hiểu thấu.

Rốt cuộc là có ích gì khi thực sự là không ai muốn hiểu ai? không ai muốn bước ra khỏi vị trí an toàn của bản thân để suy xét từ góc độ của người khác? Mà sự phán xét luôn đi kèm với chút hẹp hòi. Hẹp hòi cả về tình cảm lẫn trí tuệ.

Trong tình bạn, khoảng cách cũng có thể được sinh ra ngay từ lần đầu, khi nhìn vào phương tiện đi lại, đồ dùng hoặc cách ăn mặc. Với những tình bạn lâu năm hơn, đó là khoảng cách đến từ nếp sống, cách nghĩ do sự tác động của quá trình trưởng thành và môi trường làm việc.

Suy nghĩ so sánh, hơn thiệt bắt đầu rõ ràng hơn, kèm theo đó là sự bức bối nếu đối phương không nghe theo hay không hỗ trợ mình hết lòng khi mình cần đến. Bạn hay công cụ? liệu chúng ta có đang tìm cách tạo ra công cụ bằng tình bạn? Cuối cùng là thời gian sẽ tự quyết lấy việc nên loại bỏ hay lưu lại điều gì.

https://cdn.noron.vn/2021/03/19/234612538715225613-1616127216.jpg

Thế nhưng, cá nhân tôi vẫn tin rằng một người bạn ngốc nghếch vẫn tốt hơn nhiều so với một chiếc điện thoại thông minh- thứ luôn răm rắp nghe lời, đã bỏ tiền ra mua thì phải tận dụng hết những tính năng của nó.

Khoảng cách cũng có thể đến trong tình yêu. Khi cặp đôi không biết nói thế nào với nhau, không muốn nói với nhau cho đến lúc không còn gì để nói với nhau. Họ có thể kết lại chuyện tình trong im lặng hoặc biến nó thành ồn ào.

Dù biểu hiện khác, nhưng về bản chất, vẫn chỉ là sự im lặng của khoảng cách và tiếng vang vọng cũng của chính khoảng cách ấy.

Điều cuối cùng khi nhắc đến khoảng cách, cũng là thứ đáng sợ nhất, là khoảng cách với bản thân. Chúng ta sẽ sợ cảm giác phải ở một mình, mà thường cố gắng tìm đến một nơi náo nhiệt hoặc bám víu lấy ai đó, hay điều gì đó. Cho đến khi mệt mỏi, ta quay lại nhận ra chẳng còn gì ngoài khoảng trống ấy.

Nó trắng xóa, mịt mờ đến độ bản thân ngạc nhiên tự hỏi “để làm gì?” sau tất cả được, mất trong cuộc sống.

https://cdn.noron.vn/2021/03/19/93181943312662093-1616127216.jpg

Khoảng cách là một thứ có thể được lấp đầy bởi tình thương. Vì tự thân nó sinh ra là một khối trống trải thiếu thốn tình thương.

Không phải ngẫu nhiên các tôn giáo đều ca ngợi tình thương. Vì duy có tình thương là đủ sức vượt lên tư tưởng nhị nguyên của tốt, xấu – đúng, sai.

Nếu chúng ta biết thương mình như thương người, thương người như thương mình thì sẽ không còn khoảng cách nào nữa.

Từ khóa: 

chia sẻ

,

khoảng cách

,

nguyễn phú hoàng nam

,

phong cách sống

,

tâm sự cuộc sống