Cùng nói về vua Quang Trung (phần1)

  1. Lịch sử

“Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”
Hai câu thơ trong bài “Long Thành quang phục kỷ thực” của nhà thơ Ngô Ngọc Du đã gợi nhớ lại một chiến thắng, một đoàn quân và một vị vua anh hùng: Quang Trung Hoàng Đế. Trước đây trong các bài viết, mình chỉ thường đề cập đến những khía cạnh còn bỏ ngỏ; nhưng hôm nay mình sẽ nói về ông cả về phần nổi lẫn phần chìm.

Đánh úp Phú Yên bắt sống tướng Nguyễn là chiến thắng đầu tiên của Nguyễn Huệ đóng góp cho nghĩa quân Tây Sơn và cũng là mở đầu cho những chiến công sau này. Hai mươi lăm tuổi được phong Long Nhương tướng quân và từ đó lập không ít chiến công cho triều đại của mình: đánh Gia Định dẹp dư đảng chúa Nguyễn, đánh tan quân Xiêm sang giúp đỡ Nguyễn Vương Ánh, tấn công Phú Xuân rồi ra Bắc yên họ Trịnh phù vua Lê, cuối cùng là đại phá ba vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị. Những trận đánh ấy, những công tích ấy hậu thế mãi mãi ghi nhớ khi nhắc đến ông.

Sau khi đồng ý giúp đỡ Nguyễn Vương để trả ơn ngày trước và đưa quân sang dưới sự chỉ huy của tướng Châu Văn Tiếp, có thể nói đất Nam Bộ đã có những ngày kinh hoàng trong cảnh cướp bóc nhất là sau khi Châu Văn Tiếp tử trận; đây cũng là một sai lầm của Nguyễn Ánh. Cũng vào lúc ấy, vị tướng quân trẻ tuổi Nguyễn Huệ dẫn quân mã vào Mỹ Tho và trận địa mai phục nơi Rạch Gầm - Xoài Mút với kết quả chắc chúng ta đã rõ: “ quân Xiêm từ đó tuy bề ngoài nói khoác nhưng trong bụng sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp.”, điều ấy được chính sử thần triều Nguyễn ghi lại trong Đại Nam thực lục dẫu rằng ông là kẻ thù không đội trời chung.

Hạ thành Phú Xuân và ra Bắc dẹp họ Trịnh, cái ranh giới hai Đàng chia cắt Đại Việt kéo dài hơn hai trăm năm từ đây biến mất. Và cũng sau sự kiện ấy, mối duyên vợ chồng giữa em vua Tây Sơn và công chúa nước Nam bắt đầu. Có vài khía cạnh về chuyện tình này mà tôi muốn nói với các bạn; đó là sau khi trả lại đất nước cho vua Lê, Nguyễn Huệ vốn không bằng lòng tước Uy Quốc Công mà thứ ông muốn là cái khác cao hơn và Ngọc Hân công chúa cũng như đất Nghệ An là một hình thức ban thưởng và đền bù cho tướng Tây Sơn.

Cuối năm Mậu Thân (1788); ba vạn quân Thanh dưới quyền Tôn Sĩ Nghị đem theo giấc mộng Thập đại võ công của vua Càn Long tiến vào Đại Việt với danh nghĩa” Hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong”. Và người anh hùng ấy lại xuất hiện; không còn là Long Nhương tướng quân hay Bắc Bình Vương, mà dưới cái tên Quang Trung Hoàng Đế. Những cuộc đại duyệt binh, những Gián Khẩu Hà Hồi, những Ngọc Hồi Đống Đa trong ngày đầu Xuân năm Kỷ Dậu đã trở thành mốc son không thể nào quên trong dòng chảy dân tộc, cùng với hình ảnh người anh hùng Quang Trung.

Kết thúc chiến tranh thì củng cố và xây dựng lại đất nước là điều chắc chắn. Những cải cách, tư duy của triều Quang Trung trên tất cả các mặt chính trị, văn hoá, giáo dục, kinh tế, quân sự, ngoại giao... có thể nói mang trong đó nhiều mong ước, hi vọng ổn định Đại Việt.

Đất nước trải qua nội chiến ly loạn mấy trăm năm, giờ đây cái ranh giới phân chia hai Đàng đã được những thủ lĩnh Tây Sơn xoá bỏ. Để rồi từ tiền đề quan trọng đó mà vua Gia Long sau này hoàn thành công cuộc thu trọn Nam Bắc về một mối; hai triều đại tưởng như đối nghịch nhau nhưng lại là hai mắt xích của quá trình thống nhất toàn vẹn giang sơn.

Về giáo dục văn hoá xã hội tuy những cải cách chưa được thực hiện sâu rộng và thu được kết quả lớn, song vẫn thể hiện cái nhìn mới của nhà Tây Sơn. Đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính trong giao tiếp, khoa cử chính là một bước tiến của triều Quang Trung khi đã đề cao ngôn ngữ dân tộc dựa trên cơ sở Hán văn đã tồn tại mấy trăm năm nay. Chùa chiền đạo quán vốn là nơi tôn nghiêm nên đuổi những kẻ tâm không thanh tịnh phải hoàn tục cũng là tránh sự ô uế nơi cửa Phật sân Thánh. Phát tín bài, lập lại sổ đinh để thống kê rõ ràng số đinh tráng, tránh tình trạng dân chúng ẩn lậu trở thành giặc cướp, khi cần thiết có thể dựa vào sổ mà tuyển binh lính sung quân giúp triều đình.

Các Chiếu dụ khuyến khích phục hồi nông nghiệp, chiêu tập dân phiêu tán về quê làm ruộng, đặt lại thuế khoá chi tiết bước đầu đã ổn định tình hình nông nghiệp sản xuất vốn đình trệ lâu nay của Đại Việt. Chủ trương mở rộng giao thương, trao đổi với Thiên triều thông qua các thư từ, đề đạt đã giúp dân chúng trong nước có thêm sự thúc đẩy sản xuất hàng hoá thủ công nghiệp, đất nước cũng phần nào mở rộng kinh tế thương nghiệp với bên ngoài

Vốn có thế mạnh về thuỷ quân nên có thể Đại Việt thời Quang Trung sẽ trở thành một đế quốc hàng hải lớn trong khu vực, nắm giữ vị trí quan trọng án ngữ trên con đường giao thương Á-Âu. Các vua nhà Tây Sơn cũng từng gửi thư, trao đổi qua lại với các thương nhân, sứ giả phương Tây nhằm đạt đến những liên kết, ủng hộ trên mọi mặt kinh tế, quân sự giữa hai bên, giúp củng cố vững chắc hơn lực lượng của mình.

Ngay cả việc chuẩn bị cho kế hoạch vào Nam tiêu diệt tận gốc quân Gia Định, ai cũng cho rằng nếu được thực hiện thì Nguyễn Vương chắc chắn không thể chống đỡ. Nhưng Lịch sử không có chữ Nếu, Quang Trung ra đi và tất cả chỉ còn là giấc mộng bay theo gió. Cây cột chống trời của Tây Sơn không còn, từ nay nhìn về Tây Sơn ta sẽ chỉ còn thấy những trang sử buồn và cái kết khi Cảnh Thịnh Đế - con trai ông bị thổ mục bắt giao cho quân Nguyễn.
[[Tạm kết phần 1]]

Từ khóa: 

lịch sử