Nếu ngày ấy vua Quang Trung không mất sớm vận mệnh nước Việt sẽ thế nào?

  1. Lịch sử

vua qt


Sau chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung nỗ lực xây dựng đất nước. Dù chỉ tại vị có 4 năm ngắn ngủi, nhưng vua đã chứng tỏ ngài không phải chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử mà còn là một nhà chính trị xuất sắc nhất, với hùng tâm mở một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt.

Về chính trị, ngài chia đổi Thăng Long thành Bắc thành, chia miền Trung châu Bắc hà thành 7 trấn là: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Phụng Thiên, Thanh Hóa ngoại. Miền sơn cuớc chia thành 7 trấn: Lạng Sơn, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Yên Quảng, Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang.

Về văn hóa, ngài cho mở trường học khắp các thôn xã. Những nơi nào không thể mở trường học thì mượn đình chùa làm nơi dạy dỗ. Vua Quang Trung là ông vua Việt nam đầu tiên đã có sáng kiến áp dụng một nền giáo dục phổ thông cho dân chúng. Và ngài cũng là vị vua đầu tiên đã thực hiện một cuộc cách mạng dân tộc là dùng chữ Nôm trong tất cả các chiếu biểu, văn thư hành chánh. 

Về quân sự, quân lực Tây Sơn gồm 5 quân căn bản là: Tiền, Hậu, Trung, Tả, Hữu và những đội quân đặc biệt dùng như lực lượng trừ bị là: Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Kiến thành, Thiên cán, Thiên trường, Thiên sánh, Hổ bôn, Hổ hầu, Thị Lân, Thị Loan. Ở các phủ huyện, có quân đội địa phương gồm có Ðạo, Cơ, Ðội. Quân chủ lực của Tây Sơn bấy giờ cứ 5 người mới có một cây súng trường, nhưng thiện dụng hỏa hổ, và gan dạ phi thường. Vì chuẩn bị đánh nhau với nhà Thanh sau này, ngài thu đố đồng trong nước để đúc đồ binh khí.

Về ngoại giao, thời đại Quang Trung là thời đại ngoại giao vàng son nhất lịch sử chúng ta. Từ xưa chưa có một vị vua nào tỏ vẻ lấn áp Trung hoa như vua Quang Trung. Trước hết, ngài đã không chịu thân hành đi đón sắc phong của vua Càn Long, hủy bỏ tục cống người vàng hằng năm cho Tàu để đền mạng Liễu Thăng đã có kể từ thời vua Lê Thái tổ. Và cuối cùng cử sứ bộ sang Tàu đòi hai hai tỉnh Quảng Ðông và Quảng Tây, cũng như xin cưới công chúa nhà Thanh. 

Ðau đớn thay, trong khi nhà Thanh chuẩn bị đáp ứng những đòi hỏi của Việt nam thì vua Quang Trung lại sớm ra đi. Vũ Văn Dũng cầm đầu phái bộ ở Bắc kinh lúc bấy giờ khi nghe tin vua mất đã ngã ra chết giấc, và sau đó có làm bài thơ khóc vua như sau:

Bố y phấn tích ngũ niên trung

Kim cổ thi vi sự bất đồng

Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ

Bất ư Ðường, Tống thuyết anh hùng

Anh Hợp dịch:

Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông

Thời trước, thời sau khó sánh cùng

Trời để vua ta thêm chục tuổi

Anh hào Ðường, Tống hết khoe hùng.

Lịch sử không thể nói hết những nét phi thường của vua Quang Trung. Ngài là một vị tướng bách thắng. từ lúc cầm quân đánh Phú yên cho đến lúc mất chưa bao giờ biết nếm mùi thất bại. Ngài là một nhà chính trị tài ba chứng tỏ sau bốn năm xây dựng Bắc hà qua các chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục. Nhưng tình hình Nam kỳ, cũng như chính sách của nhà Tây Sơn đối với Mãn Thanh lúc bấy giờ, đã có hai quan điểm khác nhau đối với tương lai của Việt nam nếu ngài còn sống thêm một kỷ nữa.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, với tài năng phi thường của vua Quang Trung, ngài còn sống thêm lãnh thổ Việt nam đã thay đổi, tình hình chính trị ở Á châu cũng hoàn toàn thay đổi bộ mặt và vua Quang Trung có thêm cơ hội để chứng tỏ thêm sự phi thường tột bực của ngài. Quan điểm thứ hai đặt ra nhiều nghi ngờ là có thể nhà Tây Sơn lưỡng đầu thọ địch và tình trạng cũng khó biết đi về đâu.

Trong năm 1798, quân Nguyễn so với Tây Sơn cũng không còn sút kém, thế nhưng họ vẫn muốn được liên kết với nhà Thanh để hai mặt đánh Tây Sơn. Ðiều này làm nhiều người cho rằng, nếu vua Quang Trung còn, cuộc chiến giữa Tây Sơn và Mãn Thanh xảy ra, quân chúa Nguyễn sẽ đánh đàng trong, quân Thanh đánh mặt Bắc, hải quân nhà Thanh và chúa Nguyễn tấn công mặt đông, liên quân Xiêm La - Chân Lạp - Vạn Tượng đánh phía tây sẽ dồn Tây Sơn vào thế bốn bề thọ địch, thì chưa có thể dám kết luận vua Quang Trung sẽ có thể phá vỡ thế tấn công đó.

Tuy nhiên lịch sử không thể phủ nhận là với tài điều binh khiển tướng thần sầu khấp qủy của vua Quang Trung, nếu ngài không mất sớm Nguyễn Phúc Ánh dù có mua được bao nhiêu chiến cụ tối tân của Âu châu cũng không thể ngóc đầu lên nổi.

Vua Quang Trung rất biết người biết mình, biết chưa đủ sức chống lại đợt trả thù định huy động đến năm chục vạn binh 9 tỉnh miền Nam của Mãn Thanh, phải nhún nhường qua ải.

Sau khi Càn Long hủy bỏ quyết định huy động quân dân 9 tỉnh miền Nam Trung quốc Nam chinh, thì vua Quang Trung mới bắt đầu chứng tỏ sự độc lập của mình. Những gì nhà vua làm sau đó, đều có tính toán vì thăm dò được phản ứng của triều đình nhà Mãn. Vì thế, những đòi hỏi của vua Quang Trung như đòi Lưỡng Quảng, thì cũng gần như được thoả mãn một nửa. Vua Quang Trung có thể nuôi hùng tâm sẽ tấn công nước Tàu, vì Nữ Chân cũng là một nước nhỏ mà có thể vào làm vua Trung quốc. Và hơn nữa, bấy giờ những nghĩa sĩ Trung quốc, nhất là miền Nam Trung hoa đã có những phong trào kháng Thanh nổi lên rất mạnh.

Theo dự trù phải 10 năm, vua Quang Trung mới có thể thực hiện giấc mộng vĩ đại của mình. Tình trạng bang giao giữa hai nước cho đến năm 1792, coi như vẫn hoàn toàn thuận lợi cho Tây Sơn. Nếu ông còn sống, thu nạp công chúa con vua Càn Long, thì áp lực mặt Bắc lại có thể vì đó mà không còn phải lo lắng nữa, nếu như Quang Trung không khiêu khích thêm, và buộc Mãn Thanh phải phản ứng.

Hẳn vua Quang Trung sẽ không khiêu khích Bắc Kinh khi sứ bộ Võ Văn Dũng đã đạt những đòi hỏi. Và năm 1792, sau khi Thị nại bị tấn công là lúc Quang Trung chuẩn bị diệt mối lo nằm sau lưng. Lá thư của Le Labousse, sự lo âu của Nguyễn Phúc Ánh bày tỏ với sứ thần Xiêm La: "Rất có thể Huệ đem quân vượt qua đường Lào và Cao Mên để đánh miền Nam, thủy quân của Huệ cũng sẽ lần theo hải đạo đến Côn Lôn và hoạt động tại Xiêm La, Hà tiên, tới chiếm đóng Long xuyên, Kiên giang rồi hợp với bộ binh ở Sài Côn..." và cũng như mối lo của ngài bày tỏ với Trần Quang Diệu lúc lâm chung, cho thấy Quang Trung không khinh thường lực lượng Gia Ðịnh. Như vậy, nếu có thực hiện cuộc Bắc phạt đánh nhà Thanh, ngài phải diệt gọn lực lượng của Nguyễn Phúc Ánh trước đã. Diệt xong Nguyễn Phúc Ánh, những nước như Xiêm La, Cao Miên, Vạn Tượng không còn là mối lo đối với Tây Sơn, mà biết đâu họ lại là những nước lại xoay sang liên kết với Việt nam để ngó lên miền Bắc.

Quang Trung mất trong năm 1792 là cơ may, là thời trời cho Nguyễn Phúc Ánh, và có lẽ cũng là vận mệnh bắt dân Việt nam phải chịu 80 năm đô hộ… Dân tộc phải chịu đựng đau buồn, không thể sánh vai cùng các nước Á châu, mà trước đây so với Việt nam họ còn lạc hậu hơn nhiều.

Từ khóa: 

quang trung

,

nhà nguyễn

,

nguyễn phúc ánh

,

nguyễn huệ

,

tinh hoa việt nam

,

lịch sử

"Quang Trung mất trong năm 1792 là cơ may, là thời trời cho Nguyễn Phúc Ánh, và có lẽ cũng là vận mệnh bắt dân Việt nam phải chịu 80 năm đô hộ… Dân tộc phải chịu đựng đau buồn, không thể sánh vai cùng các nước Á châu, mà trước đây so với Việt nam họ còn lạc hậu hơn nhiều."

-- Câu này em không đồng ý với cô, việc mất nước sau này là do hậu thế của vua Gia Long. Triều đại nào cũng phải trải qua các giai đoạn: khởi phát - huy hoàng - xuống dốc - lụi tàn - sụp đổ . Triều đại nào cũng thế, không tránh khỏi quy luật tất yếu. Việc nước nhà mất vào tay giặc là chuyện của mấy đời sau, Không nên nhìn nhận chủ quan và cảm tính theo kiểu đời cháu làm sai ắt đời ông không đúng. Cũng giống như việc không nên nhìn nhận đời vua Lê Thái Tổ bằng việc phân tích cảnh thối nát đời vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực được

Ai dám đảm bảo đời sau của vua Quang Trung sẽ ổn định và huy hoàng được bằng đời sau của vua Gia Long. Mà chỉ cần nhìn lại lịch sử cũng sẽ thấy những thế tử của Quang Trung như Quang Toản, Quang Thùy đều quá kém cỏi và non nớt, còn xa mới bằng được con cháu của vua Gia Long là vua Minh Mạng, Thiệu Trị

Trả lời

"Quang Trung mất trong năm 1792 là cơ may, là thời trời cho Nguyễn Phúc Ánh, và có lẽ cũng là vận mệnh bắt dân Việt nam phải chịu 80 năm đô hộ… Dân tộc phải chịu đựng đau buồn, không thể sánh vai cùng các nước Á châu, mà trước đây so với Việt nam họ còn lạc hậu hơn nhiều."

-- Câu này em không đồng ý với cô, việc mất nước sau này là do hậu thế của vua Gia Long. Triều đại nào cũng phải trải qua các giai đoạn: khởi phát - huy hoàng - xuống dốc - lụi tàn - sụp đổ . Triều đại nào cũng thế, không tránh khỏi quy luật tất yếu. Việc nước nhà mất vào tay giặc là chuyện của mấy đời sau, Không nên nhìn nhận chủ quan và cảm tính theo kiểu đời cháu làm sai ắt đời ông không đúng. Cũng giống như việc không nên nhìn nhận đời vua Lê Thái Tổ bằng việc phân tích cảnh thối nát đời vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực được

Ai dám đảm bảo đời sau của vua Quang Trung sẽ ổn định và huy hoàng được bằng đời sau của vua Gia Long. Mà chỉ cần nhìn lại lịch sử cũng sẽ thấy những thế tử của Quang Trung như Quang Toản, Quang Thùy đều quá kém cỏi và non nớt, còn xa mới bằng được con cháu của vua Gia Long là vua Minh Mạng, Thiệu Trị

Mong muốn lấy lại đất Lưỡng Quảng của Quang Trung liệu có hay không khi đối thủ của ông chính là nhà Mãn Thanh cùng vị vua Càn Long nổi tiếng với tư duy chinh phục bình định. Đại Thanh lúc này đang ở trong giai đoạn thịnh trị bậc nhất của Khang-Càn thịnh thế; Càn Long sẽ chẳng vì lý do gì mà đem đất Quảng Tây làm quà hôn lễ-việc xưa nay chưa từng có rồi để cho Quang Trung có thể tự ý đem quân chiếm lấy Lưỡng Quảng. Hơn vậy Quảng Tây vốn là vùng biên cảnh trọng yếu của Trung Hoa, đâu có thể dễ dàng cắt cho kẻ khác dến vậy. Đại Việt mới bước đầu yên ổn; trái phải trước sau đều có những thế lực phân chia thì người anh hùng áo vải sao đã có thể lo đến chuyện lấy đất. Đại Việt thời Quang Trung; Bắc có tàn dư nhà Lê🏳, Trung có Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc🏴, Nam còn lực lượng quân Gia Định🚩; như vậy liệu đã được coi là thống nhất chưa⚔. Cả ba thế lực này không mạnh bằng Quang Trung và tất nhiên ông có thể dẹp yên; nhưng đất nước còn cái loạn phân tranh cát cứ, lòng người Nam Bắc vẫn li tán thì sao đã có thể đi đánh rồi xin đất người; trong đã thế, ngoài sao yên trị, dẫu chiếm được Quảng Tây mà mầm lửa loạn bên trong vẫn cháy âm ỉ thì rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Việc xin đất Lưỡng Quảng mà bấy lâu chúng ta vẫn luôn tự hào về lòng tự tôn và ý thức chủ quyền vốn dĩ không được ghi nhận bởi trong các tài liệu ngoại giao giữa hai nước Việt-Thanh giai đoạn này còn lưu trữ đến ngày nay đều không thấy ghi chép cũng như những ý chính mình đã đề cập phía trên. Tài liệu duy nhất có nhắc đến chuyện đòi Lưỡng Quảng là Hoàng Lê nhất thống chí, song đây là tiểu thuyết lịch sử chương hồi có nhiều chi tiết chưa chắc có thực nên không thể dựa vào để kết luận.

Riêng chuyện cầu hôn con gái vua Càn Long là có thực và đang được xúc tiến thì vua Quang Trung đột ngột băng hà. Trong tác phẩm Bang giao hảo thoại của Ngô Thì Nhậm đã tìm thấy ba văn kiện quan trọng liên quan đến việc này là Đề đạt biểu, Thỉnh hôn biểu và Trần tình biểu do phía ta soạn thảo. Tuy vậy, nếu sự việc thành công thì Quang Trung sẽ chỉ có thể lấy một người trong Hoàng tộc nhà Thanh bởi các Công chúa con vua Càn Long đến lúc đó đều đã có chồng, ngay cả nàng nhỏ nhất cũng được gả cho con trai Hoà Thân-Đệ nhất sủng thần của Càn Long rồi.

Xin lưu ý rằng , với bài viết này :

Dưới góc độ chính trị và văn hoá thì gần như không có gì thay đổi , do đó là những giá trị hiển nhiên trong đường lối cai trị của nhà Tây Sơn. Cần phải hiểu giá trị và thang đo để tránh việc thần thánh hoá một cá thể , vì nếu chỉ mang 2 chữ “ ban hành “ , “ xuống chiếu “ rồi gom hết công vào Quang Trung thì hoá ra vai trò của những người còn lại như Nguyễn Thiếp , Ngô Thì Nhậm là gì ?

Về quân sự , góc độ của lĩnh vực quân sự ta phải xét đến rất nhiều mặt. Những thành tích của Quang Trung được nêu ở trên tuyệt nhiên ta chỉ thấy duy nhất một phương diện là về quy cách tổ chức binh sĩ. Rõ ràng đó KHÔNG PHẢI là yếu tố CHỦ YẾU quyết định thắng lợi , mà là ở tài lãnh đạo. Đây vừa là điểm lợi bất cập hại của ông. Ông chỉ huy quá sáng suốt , đó là cái phải công nhận. Nhưng nó sáng suốt đến nỗi khi nhìn lại công trạng của những người chỉ đứng dưới ông một bước như Tây Sơn thất hổ , phần lớn toàn là cái lối kiểu hầu tướng theo chủ ra trận. Phải chăng đó cũng chính là lý do nội bộ Tây Sơn bất hoà ngay sau khi ông qua đời ? Vì sao thất hổ kaf lại toàn được biết đến theo kiểu “ khảng khái trước khi chết “ , “ dốc sức cứu rỗi Tây Sơn “ ? Những Bùi Thị Xuân , Trần Quang Diệu đâu có phải như thế ? Một nhà lãnh đạo “ lỗi lạc nhất “ , “ kiệt xuất nhất “ thì làm gì có chuyện như thế này ? Xin phân biệt rõ giữa lãnh đạo trong chiến thuật , chiến dịch , chiến trận của một chủ tướng và cái kiểu cách cầm tướng của một chủ soái vậy.

Còn về Ngoại giao , những cái chúng ta thấy được ở bài viết này về cái sự “ vàng son “ của Tây Sơn , trừ cái chuyện bỏ tục cống người vàng ra , còn lại đều hết sức nực cười! Thứ nhất , mang tiếng là không tự mình nhận phong , nhưng rõ ràng người nhận giả vẫn tên là Nguyễn Huệ. Hay chính sau này người ĐI SỨ GIẢ vẫn tên là Nguyễn Huệ! Thư từ vẫn xưng Đại hoàng đế , sắc phong vẫn nhận chứ làm gì có chuyện không nhận , thì xin hỏi vàng son chỗ nào. Thậm chí chuyện Lưỡng Quảng còn nực cười hơn , khi vốn dĩ ý định Quang Trung ban đầu cầu hôn xin đất là gì ? Tây Sơn dẫu sao danh tiếng lẫy lừng , là lẫy lừng trong lối quân sự thần tốc , xin lưu ý rằng ở chiến dịch đại phá quân Thanh , chênh lệch quân số vẫn là 19 vạn LỆCH VỀ ĐẠI VIỆT! Và 29 vạn kia mới chỉ là huy động từ 4 xứ không thuộc các kỳ tinh nhuệ trong Bát Kỳ. Liệu rằng ở thời thịnh thế nhất của một đất nước từng ngàn năm đô hộ , Quang Trung có lượng sức mình hay chưa ? Để rồi ý định thật sự của ông là gì mà bị đời sau bẻ lệch thành lấn lướt “ Đại hoàng đế Thiên triều “ ? À mà ngẫm lại , nói Quang Trung có tài ngoại giao “ vàng son “ thì cũng đúng chứ nhỉ ? Đến giặc cướp biển Tàu Ô mà còn cho lên đến Tổng binh thì đúng là nhất Quang Trung.

Tiếp theo chính là về vấn đề trọng điểm , một vấn đề mà chính những người ủng hộ Tây Sơn cũng không mấy ủng hộ. Đó là về thái độ của Tây Sơn đối với dân chúng. Ở đây xin KHẲNG ĐỊNH lại rằng chúng ta đang xét phạm vi của Quang Trung , nhưng đối với CẢ VƯƠNG TRIỀU TÂY SƠN. Những cải cách , thúc đẩy xã hội của Quang Trung liệu có đủ để bù đắp cho tội ác của quân Tây Sơn ? Đặc biệt là với nhân dân miền Nam cũng như Hoa Kiều , bao nhiêu đó đã là đủ để trả hết nợ máu ở Cù Lao Phố , hay 18 thôn vườn Trầu chưa ? Rõ ràng là không thể cho rằng Nguyễn Huệ không GÂY RA HẾT những cái ở trên mà cho rằng nó không đáng đem vào , khi ngoii cao ông ngồi lên là CỦA TÂY SƠN cơ mà ? 

Đến đây coi như đã không còn gì để nói , khi những đoạn sau của bài viết này đều là suy diễn

Năm 1798 , khi Quang Trung chỉ còn là dĩ vãng và nội bộ Tây Sơn gần như chỉ còn cái vỏ , thì làm gì có chuyện Tây Sơn - Nguyễn còn ngang thế khi mà cục diện hai phe giằng co nhau đã diễn ra 4 năm trước đó ?

Hùng tâm tấn công nhà Thanh , bật luôn cả Khang - Càn thịnh thế của Quang Trung , mà biểu hiện cả ra cái kiểu nuôi cướp biển cho làm cả Tổng binh luôn thì nếu xét đúng , cái “ lỗi lạc “ của Quang Trung còn là gì ngoài sự tà đạo và nhỏ mọn ? Còn nếu xét sai thì Quang Trung làm gì có cái lối hống hách với một thế lực áp đảo mình như thế ?

Tiếp theo , ở trên thì “ Quang Trung tự tin mình đủ sức nuốt Lưỡng Quảng “ xuống dưới lại “ Mình không đủ lực lượng chống chọi nhà Thanh “ lại là thế nào ?

Khang Càn thịnh thế của một nước to hơn Đại Việt gấp trăm lần mà dự trù “ PHẢI 10 năm “ ? ẢO TƯỞNG ! 

Chốt lại cho bài viết này. Đúng thật là nếu có một Quang Trung đại thọ 80 90 , thì Đại Việt cũng chỉ cái kiểu “ sứ sang cho Vua giả ra tiếp sắc phong “ , “ Vua giả đi sứ “ , để cha ông nhận là mình giả mà con cháu không nhận thôi. Vậy thì kết cục Tây Sơn cũng chỉ thịnh thế được thêm 40-50 năm. Thế Nguyễn triều cũng sớm lắm vào sau Minh Mạng mới suy , cũng chẳng phải đã ngót 40 năm sao ? Đâu có nói Quang Trung còn sống thì Quang Toản sẽ không bất tài được ?

Quang Trung lập Quang Toản làm Hoàng Thái tử-giữ Phú Xuân, để Nguyễn Quang Bàn làm Tuyên công lĩnh chức Đốc trấn Thanh Hóa, Quang Thùy được phong Khang công lãnh chức Tiết chế thủy bộ chư quân Bắc Thành. Điều đó cho thấy ông thực hiện chế độ phân phong kiến địa cho các con tự quản lý từng vùng, tạo tiền đề khiến Đại Việt bị chia cắt của Quang Thuỳ, Quang Toản và Quang Bàn sau này bởi ba người sẽ dần dần từng bước xây dựng thế lực riêng cho mình ở vùng đất được phong và nguy cơ binh lửa nổi lên để tranh đoạt rất có thể sẽ xảy ra. 
Lập Sùng Chính viện, dùng chữ Nôm để củng cố nên quốc học; mục đích thì rất đúng nhưng thành quả lại chưa đạt được, vì cách thức áp dụng chưa phù hợp, nhất là với một đất nước có nền văn hoá giáo dục Hán học lâu đời như Đại Việt bấy giờ. Việc thay đổi đó chẳng lẽ không nhằm vào tầng lớp sĩ phu Bắc Hà; thay đổi cải cách hành chính tân triều dẫu gì cũng phải cần thời gian. Sĩ phu cựu triều vốn có ảnh hưởng rất lớn, muốn tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Hà tất phải cần đến họ. Mà nếu vậy thì phải làm sao để họ cộng tác với Quang Trung, nay thay đổi chữ viết từ Hán sang Nôm, dẫu gì cũng sẽ đụng chạm đến họ; thử hỏi sao họ có thể ra cộng tác được, và ta sẽ thấy phần lớn dân chúng Bắc Hà đều không có thiện cảm với nhà Tây Sơn, điều này các tài liệu đều đã có ghi chép. Hãy thử nhìn nhận về chính sách của Quang Trung với Hồ Quý Ly; Hồ Quý Ly cải cách tiền giấy, hạn điền đã đụng chạm đến một phần tầng lớp quý tộc, khiến đời sống dân chúng đảo lộn; cải cách của Quang Trung tài liệu không ghi chép lại nhiều nên chưa thể kết luận, nhưng với tính chất quân đội của mình thì hẳn ta sẽ hiểu triều Tây Sơn thực hiện cải cách như thế nào. Hay cho dỡ các chùa quán mà chỉ xây một ngôi chùa lớn ở mỗi phủ huyện để làm Phật giáo thêm tôn nghiêm, các bậc tăng đạo có nơi tu hành; nhưng lại vô tình phá huỷ văn hoá, kiến trúc chùa chiền độc đáo rực rỡ thời kỳ Lê Mạc
Các bạn giỏi thật, mình mù tịt về lịch sử

Vẫn còn nhiều người lưu luyến với kèo này nhỉ, Huệ rất giỏi nhưng đó là quân sự, còn rất non kém về chính trị như chính sách tín bài và chữ nôm thì thấy, kỹ năng chọn người kế tục cũng kém nốt, chọn 1 thằng nhóc ất a ất ơ ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời lên để kế tục thạm vọng quá kinh khủng đấy trong khi Khang công tài năng và được rèn giũa cả một thời gian dài thì no no. Và quan trọng là bạn không có nhân tâm, không có lòng người, dân chúng nay hàng mai phản nội loạn khắp nơi thì mơ gì sánh ngang với mấy nước tây lông ...

Quang Trung còn sống có thể dân ta đòi lại được vùng Lưỡng Quảng , tuy nhiên nước ta sẽ có cuộc chiến tranh đẫm máu với nhà Thanh và nhà Nguyễn . Nhưng mình tin nước ta sẽ dành chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ . Nguyễn Huệ còn là người tự tôn dân tộc và có quyết tâm canh tân đất nước về giáo dục và kinh tế . Nếu ô còn sống , thời đại của ô sẽ trở thành thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử phong kiến khi diện tích lãnh thổ ,kinh tế ,chính trị, quân đội đều mạnh,đối trọi với Trung Quốc .Chúng ta sẽ tránh được cuộc xâm lược của đế quốc Pháp và Mỹ . Nước ta có thể tham gia vào chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2 như nước Nhật và dành các lợi ích nhất định từ 2 cuộc chiến tranh

Giống ý Trung Thanh Nguyen, không đồng tình ở đoạn kết ạ; lấy việc về sau mà đổ cho người trước là vô căn cứ, phiến diện và thiếu khách quan trong cách nhìn sử học.