GS Nguyễn Lân Dũng: Học trò thành công là hạnh phúc lớn nhất của người thầy

  1. Phong cách sống

  2. Sách

Đối với TVTL, sách mãi là người thầy lớn nhất ạ ^^

GDVN- Thầy cô không mong đợi được học trò cảm ơn mà chỉ nghĩ rằng mình đã đóng góp cho mục tiêu lớn là hỗ trợ các em tự lập.

LTS: Tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 153 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những nội dung thú vị trong cuốn sách “Dám hạnh phúc” của tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake.

Kishimi Ichiro là nhà triết học, sinh năm 1956 tại Kyoto. Ông là dịch giả bộ ba tác phẩm Nhập môn tâm lý học Adler. Koga Fumitake sinh năm 1973, tác giả của những tác phẩm đối thoại vấn đáp. Hai người viết chung cuốn “Dám bị ghét” và “Dám hạnh phúc”.

Toà soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

https://cdn.noron.vn/2021/09/13/dhp2-6117-1631507689.jpg

Cuốn “Dám hạnh phúc” với bản dịch của Nguyễn Thanh Vân.

– Giáo dục không phải can thiệp mà là hỗ trợ để trẻ tự lập. Tri thức không chỉ là học vấn mà còn bao gồm cả những hiểu biết để con người sống hạnh phúc.

– Làm thế nào để tìm được chỗ đứng trong tập thể? Là biết được bản chất của con người, hiểu được cách tồn tại với tư cách một con người.

– Trường học với rất nhiều người khác xung quanh là một môi trường giáo dục có ý nghĩa lớn hơn gia đình.

– Mục tiêu hành động gồm hai nội dung là Tự lập và Sống hài hòa với xã hội. Mục tiêu tâm lý chi phối hành động này là: Ý thức rằng mình có năng lực và Ý thức rằng mọi người đều là bạn mình.

– Giáo dục có rơi vào can thiệp một cách ép buộc hay dừng lại ở hỗ trợ thúc đẩy tự lập, điều đó phụ thuộc vào thái độ của những người làm công tác giáo dục.

– Xuất phát điểm của giáo dục không thể là gì khác ngoài tôn trọng. Thiếu tôn trọng sẽ không hình thành được mối quan hệ tốt và sẽ không thể truyền đạt được những điều mình muốn.

– Tôn trọng là khả năng nhìn nhận người đó như chính họ, là quan tâm để người đó có thể trưởng thành, phát triển vì chịu hi sinh bản thân họ.

– Sự tôn trọng nói cách khác là xuất phát điểm của khích lệ lòng can đảm. Không áp đặt giá trị quan của bản thân mình mà để người đó tự hình thành và phát triển giá trị quan của người đó. Tiếp đến là hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển ấy. Đó chính là sự tôn trọng.

– Có thể dẫn con người đến dòng nước nhưng không thể bắt nó uống nước. Trên đời này, có hai thứ mà một người quyền lực đến đâu cũng không thể ép buộc được. Đó là Tôn trọng và Tình yêu.

– Không riêng gì giáo dục, nền tảng của mọi mối quan hệ đều được xây dựng từ sự tôn trọng. Con người không để lọt tai những lời nói của người mà mình không thể tôn trọng.

– Quả bóng tôn trọng chỉ quay trở lại với người tự mình ném nó đi. Điều chúng ta cần là Nhìn bằng mắt người khác, Nghe bằng tai người khác và Cảm nhận bằng tâm hồn người khác.

– Hãy tiếp xúc với trẻ như một tồn tại bình đẳng, không coi thường, không tôn sùng, cũng chẳng quỵ lụy. Đồng thời cũng thể hiện sự thấu cảm với những điều trẻ hứng thú, quan tâm.

– Bước đầu tiên của thấu cảm là thể hiện sự quan tâm tới những điều người khác quan tâm.

– Trong khi có người coi những bi kịch xảy ra trong quá khứ như một bài học hay kỷ niệm thì lại có người vẫn bị sự kiện đó chi phối, coi đó là sang chấn tâm lý bất khả xâm phạm.

– Trẻ con thường hay thể hiện bản tính tàn nhẫn như kiểu vô tâm giết chết côn trùng. Trẻ không tàn nhẫn mà chỉ không biết thôi. Không biết giá trị của sinh mạng cũng như nỗi đau của người khác. Nếu trẻ không biết thì dạy. Và khi dạy dỗ thì không cần trách mắng. Bởi vì đứa trẻ đó không phải đang làm việc xấu mà chỉ là không biết thôi.

– Giai đoạn thứ nhất của hành động quậy phá là mong muốn được tán thưởng. Giai đoạn thứ hai là thu hút sự chú ý. Giai đoạn thứ ba là tranh giành quyền lực. Giai đoạn thứ tư là trả đũa. Giai đoạn thứ năm của hành động quậy phá là chứng tỏ sự vô dụng. Vai trò của giáo viên là ngăn trẻ bước quá giai đoạn thứ ba.

– Mắng mỏ không phải là công cụ hiệu quả trên phương diện giáo dục. Bị trách mắng là điều chúng mong muốn. Chúng có cảm giác thành công đầy kiêu hãnh: Mình đã làm điều đặc biệt tới mức bị mắng.

– Giả sử có một vụ gây lộn trong lớp. Giận dữ, mắng mỏ là thái độ thiếu chín chắn, ngu ngốc với tư cách là một nhà giáo. Giáo viên là chuyên gia tư vấn và tư vấn là giáo dục lại.

– Lời cầu nguyện của cộng đồng Thiên Chúa giáo là: Lạy Chúa, xin hãy ban cho con sự điềm tĩnh để đón nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí tuệ để luôn phân biệt được hai điều này.

– Con người ở trạng thái chưa trưởng thành không phải vì thiếu lý trí. Mà vì không có quyết tâm cũng như can đảm sử dụng lý trí của mình nếu không có sự hướng dẫn của người khác. Nghĩa là con người dừng lại ở trạng thái chưa trưởng thành về mặt trách nhiệm.

– Nuôi dạy những con người khi không có chỉ dẫn của người khác sẽ chẳng làm được gì, như thế thì gọi gì là tự lập?

– Những nhà giáo để học sinh nói nhờ thầy/cô mà em đã đỗ là những người thật sự thất bại trong giáo dục. Cần phải để học trò cảm nhận mình đã tự đạt được điều đó.

– Thầy cô không mong đợi được học trò cảm ơn mà chỉ nghĩ rằng mình đã đóng góp cho mục tiêu lớn là hỗ trợ các em tự lập. Tìm thấy hạnh phúc trong cảm giác cống hiến.

– Cần dạy trẻ biết rằng cuộc đời của mình hay những hành động hằng ngày đều do mình quyết định. Nếu có những kiến thức hay kinh nghiệm để quyết định thì chia sẻ chúng với trẻ. Đó là tâm thế cần thiết của nhà giáo.

– Luôn tôn trọng quyết định của trẻ, hỗ trợ quyết định đó. Nói với chúng, mình luôn sẵn sàng hỗ trợ, dõi theo từ khoảng cách không quá gần mà vẫn có thể hỗ trợ được.

– Ở những tập thể người chuyên quyền đứng đầu, không có sự dân chủ thì mọi luật lệ tốt xấu đều do người cầm đầu quyết định. Không chỉ quốc gia mà cả công ty, gia đình hay trường học cũng như vậy. Hơn nữa những luật lệ đó được áp dụng một cách tùy tiện.

– Nếu phá luật sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, nếu tuân thủ luật sẽ được khen và được công nhận. Nghĩa là không phải ủng hộ nhân cách, tư tưởng, niềm tin của người lãnh đạo mà chỉ tuân theo với mục đích được khen hoặc không bị trách mắng.

– Nếu một tập thể toàn những người chỉ có mục đích được khen thì ở đó sẽ sinh ra cạnh tranh. Mình được khen thì hãnh diện, người khác được khen thì cay cú. Một tập thể như thế sẽ bị chi phối bởi quy luật cạnh tranh để được khen thưởng.

– Địch thủ cạnh tranh nghĩa là kẻ thù. Chẳng mấy chốc bọn trẻ sẽ học được lối sống tất cả những kẻ khác đều là kẻ thù, con người là những tồn tại khiến ta không thể lơ là cảnh giác, luôn rình rập mọi cơ hội hại ta.

– Rồi xuất hiện những mưu mẹo để giành chiến thắng, có trường hợp thậm chí còn gây cản trở hay giở trò gian lận. Kể cả sau khi chặng đua kết thúc cũng không thể chúc mừng thắng lợi của đối thủ, bị cảm xúc ghen tị và phức cảm tự ti giày vò.

– Thực ra đâu cần phải thắng ai. Chẳng phải chỉ cần hoàn thành chặng đua là được rồi hay sao? Hãy nghĩ rằng kiểu giáo dục dùng thưởng phạt để điều khiển con người là một thái độ tách rời hoàn toàn chủ nghĩa dân chủ.

– Cần coi trọng hợp tác chứ không phải cạnh tranh với người khác, mọi người cần là bạn của mình. Có sự chênh lệch về kiến thức, kinh nghiệm hay năng lực với người khác cũng không sao. Tất cả mọi người đều bình đẳng bất kể thành tích học tập hay kết quả công việc, chính việc hợp tác với ai đó mới có ý nghĩa để xây dựng tập thể.

– Với những sinh vật khác, tốc độ trưởng thành của thể chất và tâm hồn là ngang nhau, chỉ riêng con người tâm hồn phát triển trước, còn cơ thể lại phát triển sau. Kết quả là trẻ con trở nên khổ sở vì khoảng cách giữa điều muốn làm và việc có thể làm. Trẻ khổ sở vì phức cảm tự ti, vì tâm hồn chẳng khác gì người lớn mà lại không được thừa nhận những giá trị mang tính con người.

– Nếu con người chạy nhanh như ngựa, bay được như chim thì sẽ không phát minh ra ô tô, máy bay… Văn minh là sản phẩm bổ sung cho sự yếu ớt của con người và lịch sử nhân loại là những tiến bộ chinh phục bản tính tự ti. Chính vì sự yếu ớt đó mà con người mới xây dựng tập thể, sống trong mối quan hệ hợp tác. Chúng ta yếu ớt đến mức không thể sống đơn độc được.

– Trong tất cả mọi người đều tồn tại cảm thức cộng đồng. Đó là đặc tính cố hữu trong căn tính con người. Cảm thức cộng đồng luôn phản ánh sự yếu ớt của bản thân và không thể tách rời với điều đó.

– Đừng coi trọng giá trị của việc khác người mà hãy coi trọng giá trị của việc là chính mình. Cố làm rõ sự khác biệt chính là cách sống lừa dối người khác và lừa dối bản thân.

– Một đứa trẻ mười tuổi cũng có thể tự lập. Cũng có người năm sáu mươi tuổi vẫn không thể tự lập. Tự lập là vấn đề của tinh thần.

– Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người. Niềm vui của con người cũng lại sinh ra từ mối quan hệ giữa người với người.

– Chúng ta học ở quan hệ bạn bè việc nhìn bằng mắt người khác, nghe bằng tai người khác, cảm nhận bằng tâm hồn người khác.

– Chính trong quan hệ bạn bè, chúng ta được thử thách sự cống hiến cho người khác. Người không bước vào quan hệ bạn bè sẽ không tìm thấy chỗ đứng trong tập thể.

– Nơi trẻ học quan hệ bạn bè đầu tiên, nơi khơi dậy được cảm thức cộng đồng, chính là trường học.

– Quan hệ công việc là mối quan hệ có điều kiện ràng buộc với nhau bằng lợi ích hoặc nguyên nhân bên ngoài. Bánex không nghĩ sẽ duy trì quan hệ đó sau khi rời bỏ công việc. Đó là mối quan hệ tín dụng được xây dựng bởi lợi ích là công việc.

– Trong quan hệ bạn bè không hề tồn tại lý do phải kết bạn với người này. Không phải quan hệ lợi ích cũng không bị ép buộc bởi những yếu tố bên ngoài. Hoàn toàn là quan hệ xuất phát từ bên trong-mình thích người này. Quan hệ bạn bè rõ ràng là quan hệ tin tưởng.

– Nếu chúng ta sống trong một hành tinh không cần làm gì vẫn được cung cấp đầy đủ mọi thứ thì có lẽ lười biếng là tốt, còn chăm chỉ lại là xấu.

– Con người không thể sống ở mức độ sinh tồn. Vấn đề phân công công việc với người khác cần phải tin người đó. Không thể hợp tác với người mình nghi ngờ.

– Trong xã hội có phân công công việc, lợi ích bản thân ở mức cao nhất sẽ gắn liền với lợi ích của người khác. Không có sự sang hèn trong nghề nghiệp. Tất cả các công việc đều là việc ai đó trong tập thể phải làm. Chúng ta chỉ phân chia chúng mà thôi.

– Mục đích của giáo dục là tự lập. Công việc người giáo viên cần làm là hỗ trợ để trẻ tự lập.

– Tôn trọng là nhìn nhận người đó như chính họ, coi trọng việc người đó là chính họ. Thông qua sự tôn trọng, thể hiện điều đó, trẻ sẽ lấy lại được lòng can đảm đang mất dần, bắt đầu bước lên bậc thang tự lập.

– Nếu không yêu được bản thân mình sẽ không yêu được người khác và nếu không tin được vào bản thân mình cũng sẽ không tin được người khác.

– Chúng ta cần giữ cho tâm hồn phong phú và trao cho người khác những tích lũy đó. Không phải đợi người khác tôn trọng mà bản thân phải tôn trọng, tin tưởng trước. Không được trở thành người có tâm hồn nghèo nàn.

– Vì trao đi nên mới nhận được. Đừng đợi được cho. Đừng trở thành kẻ ăn mày tình cảm.

– Không có nhiệm vụ gì nghiêm khắc, khó khăn hơn, đòi hỏi lòng can đảm bằng tình yêu.

– Hôn nhân là xuất phát điểm mà tình yêu của hai người thực sự được thử thách. Bởi vì cuộc đời thực sẽ tiếp tục hằng ngày kể từ đó.

– Được người khác yêu rất khó. Nhưng yêu người khác còn khó hơn rất nhiều lần. Điều quan trọng đối với tình yêu không phải là yêu như thế nào mà là yêu ai?

– Chúng ta ai cũng mong muốn được hạnh phúc. Và để được hạnh phúc, cần phải bước vào mối quan hệ giữa người với người. Mọi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người. Và hạnh phúc của con người cũng bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người.

– Chỉ khi nghĩ rằng mình có ích cho ai đó, chúng ta mới cảm nhận được giá trị của bản thân. Chỉ cần có cảm giác chủ quan là mình đang có ích cho ai đó, nghĩa là có cảm giác cống hiến là được. Hãy tìm kiếm hạnh phúc trong cảm giác cống hiến. Hãy tìm kiếm niềm vui trong cảm giác cống hiến.

– Tình yêu là nhiệm vụ do hai người thực hiện. Nhờ tình yêu, hai người sẽ thực hiện cuộc đời hạnh phúc.

– Lúc còn nhỏ, chúng ta cai trị người lớn bằng sự yếu ớt của bản thân. Không chỉ trẻ em chọn cách sống như vậy. Rất nhiều người lớn biến sự yếu ớt, bất hạnh, vết thương, hoàn cảnh khó khăn và sang chấn tâm lý của mình làm vũ khí nhằm mục đích thao túng người khác.

– Tự lập nghĩa là thoát khỏi bản tính ích kỷ, từ bỏ việc mình là trung tâm thế giới.

– Tất cả chúng ta đều chọn lối sống để được yêu thương như một chiến lược sinh tồn liên quan trực tiếp tới sinh mạng. Chúng ta trở thành người lớn nhờ yêu thương người khác. Tình yêu là tự lập, là trở thành người lớn, chính vì thế, yêu mới khó.

– Không phải tìm kiếm người yêu định mệnh mà là xây dựng một mối quan hệ có thể gọi là định mệnh.

– Tình yêu và hôn nhân, giống như điệu nhảy của hai người. Không nghĩ đến việc sẽ đi đến đâu, chỉ nắm lấy tay nhau, nhìn thẳng vào hạnh phúc của ngày hôm nay, vào khoảnh khắc hiện tại mà tiếp tục khiêu vũ. Định mệnh bắt đầu từ đó.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/gs-nguyen-lan-dung-hoc-tro-thanh-cong-la-hanh-phuc-lon-nhat-cua-nguoi-thay-post220755.gd

Link bài:

Từ khóa: 

dám hạnh phúc

,

gs nguyễn lân dũng

,

đọc sách

,

thư viện tự lập

,

phong cách sống

,

sách

Cuốn này với cuốn “Dám bị ghét” khá hay, lối viết như cuộc trò chuyện mới lạ ^^~
Trả lời
Cuốn này với cuốn “Dám bị ghét” khá hay, lối viết như cuộc trò chuyện mới lạ ^^~