Hồi ký tù cải tạo: Trái tim anh bộ đội

  1. Lịch sử

Nam Việt Nam, cuối năm 1975.

Trong khuôn viên trại 2 có nhiều dãy nhà kho tiền chế khung sắt, mái và vách bằng hợp kim nhôm. Những tấm nhôm bề ngang 1.2 mét, cao 2.4 mét, uốn sóng vuông rất chắc chắn. Chúng được gắn vào khung bằng hàng ngàn con ốc thép không gỉ. Khung các cửa sổ toàn bằng nhôm cứng. Những dãy nhà này truớc đây có hệ thống máy lạnh nhưng máy đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại các ống chuyền hơi. Giá mỗi nhà nghe đâu lên đến hàng chục ngàn đô la. Sau vụ nổ, một số bị hư hại.

Một hôm, các đội được gọi đi lãnh các cây cọc sắt ấp chiến lược và được lệnh tháo gỡ những căn nhà đó bằng một cách rất bán khai. Chúng tôi đứng quanh căn nhà, dùng cây sắt phang mạnh vào các nơi có các con ốc thép cho đến khi tấm tôn bị rách và bung ra. Thì ra những anh bộ đội miền Bắc chưa hề biết đến con ốc và những chìa khoá để vặn ốc. Sau mấy ngày đem sức người ra cật lực làm việc, vùa phồng tay, vừa rách chân, hàng trăm tấm tôn đã được tháo ra khỏi khung nhà. Chúng tôi chất thành những đống cao nghệu những tấm tôn rách nát, vặn vẹo. Không có lấy một tấm nào còn nguyên vẹn. Một số anh, chắc có cái nhìn xa, đã nhanh chóng tháo gỡ những thanh nhôm cửa sổ đem về dấu trong phòng. Qua

hôm sau, anh đội trưởng đi họp trên Ban Chỉ Huy về (họ gọi là giao ban) tập họp một nhóm các anh khéo tay và biết qua về việc gò rèn. Anh nói:

- Trại muốn các anh làm ra các thùng gánh nuớc, gàu nước, thùng tưới từ các tấm nhôm đó. 

 Trong cả hàng trăm tấm nhôm ngổn ngang, các anh chỉ tìm ra được khoảng vài chục tấm là còn tương đối xài được.
Anh Lê Thế Sự, cán bộ đội đã tỉ tê với anh X.:

- Tôi ước chi có một cái hòm, anh có thể làm cho tôi không?
X. trợn trừng mắt ngạc nhiên:

- Anh muốn cái hòm? Để chôn ai?

Người miền Nam khi nói đến cái hòm là nghĩ đến cái quan tài chôn người chết. Trong khi anh Sự muốn nói đến cái rương, hay cái va li đựng áo quần. Thế là chỉ vài ngày sau, cái hòm anh Sự hoàn tất. Coi cũng khéo, các góc cạnh vuông vức; có bản lề, có hai khoá móc hai bên, có quai xách đàng hoàng. Từ đó về sau, các anh bộ đội khác cũng bắt đầu kéo đến, ỉ ôi năn nỉ để nhờ làm hòm đem về Bắc. Anh nào cũng xuýt xoa khen:

- Gớm, các anh khéo tay ghê!

Cả đời họ sống ở Bắc, chưa bao giờ có được một thứ tài sản sang trọng như thế. Vì thế họ tỏ ra rất trân trọng, biết ơn. Và món quà trả ơn thường là dấm dúi cho các anh thợ những gói thuốc lá thơm hiệu Tam Đảo, Điện Biên. Tôi bắt đầu gia nhập nhóm làm lược, kẹp từ các thanh nhôm gỡ ra ở khung cửa sổ. Những thanh nhôm này mỏng chừng hai li, có độ cứng vừa phải nên dễ cưa và khắc chữ, chạm hình. Một anh tạo mẩu cắt ra theo hình chiếc lược đàn bà có tay cầm đủ kiểu. Một anh khác cưa các răng lược sao cho thật đều nhau, sau đó là dũa cho mịn các góc cạnh rồi mài hai mặt với giấy nhám nước. Tôi phụ trách phần áp chót là vẽ những hình ảnh theo đơn đặt hàng rồi dùng những chiếc đinh nhọn đã mài thành mũi dùi để chạm hình hay viết chữ. Công việc này chúng tôi gọi là “xủi”. Hình thường là những hoa văn trang trí, hay các thiếu nữ, hoặc hoa cúc, hoa hồng… Tôi có khả năng khắc lên những dòng chữ nhỏ xíu mà khi đọc, phải dùng đến kính lúp. Tuy thế, chữ vẫn đều đặn, tròn trịa như nét chữ viết bằng bút mực trên giấy. Khâu chót là đánh bóng. Chúng tôi dùng giấy nhám nước đã thật mòn nhẵn, hay xà bông pha với tro bếp mịn. Các hàng nhôm này sau khi đánh bóng, có thể soi mặt được.

Ban đầu là những món trang sức phụ nữ, như kẹp tóc, lược, trâm cài đầu… mà anh em chúng tôi đặt vào đó bao trìu mến để mong có dịp gửi về cho gia đình. Sau đó, có anh đã khéo tay chế ra những bộ chén bát trà xinh xinh. Lúc này, chúng tôi đã chuyển qua hút thuốc lào, vì thuốc điếu trở thành mặt hàng xa xí. Những ống nhôm từ vỏ trái sáng là nguyên liệu làm ống điếu hay nhất. Vừa dễ kiếm, vừa dễ làm, lại vừa có thể trang trí bằng những hình vẽ, hoa văn…

Các anh bộ đội cũng bắt đầu để mắt đến các sản phẩm của chúng tôi.

- Lày anh Phúc, nàm cho tôi một cái "nược" nhé. Cái lày đem về Bắc tặng bạn gái nà nhất.

Nhờ công việc này mà chúng tôi được nhàn hạ một thời gian dài; lại có sự trao đổi thù lao bằng các gói thuốc lá thơm hay bánh thuốc lào ba số tám; hay có thể nhờ các anh ấy mua sắm vặt vãnh các thứ bên ngoài. Họ cũng sốt sắng kiếm vật liệu, mua dụng cụ cho chúng tôi. Chúng tôi có thể làm một cái lược trong vài tiếng; nhưng lúc nào cũng kéo dài đến vài ngày. Một va li nhôm vài ngày, thì khai gần một tháng. Các bộ đội xuất thân ở thôn quê miền Bắc, chưa hề biết đến văn minh hàng nhựa, hàng nhôm. Vì thế, họ rất tin chúng tôi và luôn luôn trầm trồ khen ngợi các sản phẩm:

- Gớm, sao các anh tài thế? Cái gì cũng biết “nàm”!

Anh Sự, đội trưởng, thì nhờ tôi nhiều nhất. Và nhờ đó, tôi có nhiều dịp nghe tâm sự của anh. Có lần anh ngồi theo dõi tôi đang khắc chạm hình, vừa khe khẽ ngân nga các bản nhạc tình của Lam Phương. Anh hỏi:

- Anh bày cho tôi hát nhạc vàng nhé. Tôi đi cách mạng bao năm mà vẫn không mê nổi các bài hát the thé của cách mạng.

Thì ra, những người lính miền Bắc còn trẻ cũng vẫn còn chan chứa trong tim họ những tình cảm lãng mạn, mà họ phải che dấu khi sinh hoạt trong môi trường khô khan đầy nghi kỵ, dòm ngó của các đồng chí. Bản nhạc đầu tiên mà tôi tập cho anh hát là bản Mưa Nửa Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Anh thích lắm, hát lui hát tới hoài.

Nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Phan Công Danh, một sĩ quan biệt phái làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tàu, ở cùng đội với tôi. Chúng tôi rất thân nhau vì có nhiều điểm tương đồng để tâm sự. Anh đã làm bản nhạc rất hay để gửi gắm tình thương yêu cho người vợ trẻ (chị có dòng máu Ấn, nên đẹp rất mặn mà.)

Muà xuân ngọt ngào,
Tình xuân dạt dào.
Một ngày yêu nhau
Thành đôi vợ chồng
Một ngày yêu nhau,
Tình nồng in sâu.
Yêu anh, em yêu tình đầu tiên
Yêu em, anh yêu tình lần cuối.
Tình anh, tình anh đậm đà
Tình em, tình em mặn mà.

Theo Tập Hồi ký của Đỗ Văn Phúc, ông là cựu sĩ quan QLVNCH, từng đi cải tạo ở miền núi Tây Bắc,

nam vn
Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

hồi ký lính vnch

,

tù cải tao

,

tình người

,

lịch sử