Ho'oponopono, giải cứu thế giới và chuyện khỉ rửa khoai

  1. Tâm lý học

Lâu lâu mình lại thấy khó chịu với bản tin của Facebook, với những thứ tiêu cực, câu view xàm xàm đã đành, còn khó chịu cả với những thứ người khác cho là vui vẻ. Mình nghĩ có thể vấn đề không phải ở họ, ở những gì họ đăng, vì rõ ràng họ thấy vui, thấy hay thì họ mới đăng mà. Vấn đề chắc là bên trong mình rồi.

Dalai Lama có câu: "Đừng để hành động của người khác phá hủy bình yên bên trong bạn." Đơn giản mà đúng quá, nhưng làm thì như thế nào đây? Có cơ chế nào để hoàn toàn đóng cửa nội tâm như chặn những người mình ghét trên Facebook?

Mấy tuần rồi mình có tìm hiểu về Ho'oponopono - một cách "chữa lành" của người Hawaii. Phương pháp này cũng đơn giản như câu nói của Dalai Lama vậy, khác là có hành động cụ thể để làm, đó là việc niệm 4 câu "thần chú":

I am sorry - Tôi lấy làm tiếc/ Tôi xin lỗi. Please forgive me - Xin hãy tha thứ cho tôi. Thank you - Xin cảm ơn I love you - Vô cùng yêu thương.

Điểm đặc biệt là những câu chú này không hướng đến bản thân mình, không hướng đến người khác mà dành cho những ý niệm, cảm xúc xuất hiện trong tâm mình. Khi có bất kỳ ý niệm nào xuất hiện, hãy đọc bốn câu chú trên để "thanh lọc", "dọn dẹp" tâm trí. Khi tâm trí bình an và "sạch sẽ" thì những lực lượng "trên cao" có thể giáng lâm và sửa chữa những sai lầm, thiếu sót của thế gian, của chính mình, của đối tượng mình đang tiếp xúc.

Đây cũng là một tầng nghĩa khác của câu nói: đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Cuộc đời sẽ thay đổi không chỉ khi ta nhìn nó ở một góc độ khác hơn, mà nó thật sự trở nên tốt đẹp hơn khi ta "dọn dẹp" tâm trí mình.

monkey

Có một câu chuyện khác về hiện tượng "khỉ rửa khoai": trên một hòn đảo của Nhật Bản, trong một nghiên cứu năm 1952, khi có một con khỉ trong bầy bắt đầu nhận ra việc rửa khoai trước khi ăn sẽ ngon hơn, nó bắt đầu rửa ăn. Rồi dần dần gia đình, bầy đàn của nó thấy vậy cũng rửa khoai trước khi ăn, rồi cả đàn khỉ rửa khoai trước khi ăn. Từ con khỉ thứ 1 đến con thứ 99 đều nhìn và học tập lẫn nhau như vậy. Nhưng khi có con khỉ thứ 100 bắt đầu biết rửa khoai, tự nhiên tất cả khỉ trên hòn đảo đó và các đảo lân cận đều biết rửa khoai. Đó là một sự cộng hưởng, sự biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất. Đó là một ví dụ về việc một người có thể góp phần thay đổi thế giới bằng việc thay đổi chính mình.

Câu chuyện trên có thật không, với mình thì không quan trọng bằng việc mình có cái nhìn rõ hơn về việc mình cần làm và có thể làm: dọn dẹp tâm trí và làm những điều tốt đẹp nhất có thể.

Với Ho'oponopono ta không cần tác động vào bất kỳ đối tượng nào, ngoài những dữ liệu hiện ra trong tâm trí, chỉ việc dọn dẹp tâm trí bằng bốn câu thần chú, và thế giới tự nó sẽ bình an.

Hi vọng qua bài viết này, có thêm nhiều người sẽ tìm hiểu và thực hành Ho'oponopono để cùng nhau cộng hưởng và dọn dẹp tâm mình cho thế giới này mát mẻ, bình an hơn.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

tâm lý học