Victim blaming

  1. Phong cách sống

  2. Xã hội

Tiêu đề bài viết chỉ mang tính chất gây tò mò, tôi vẫn viết lan man như mọi lần thôi. Chuyện tôi muốn bàn là tương quan và nhân quả.

Bất kỳ ai học kỹ thuật cũng được dạy rất nhiều về tương quan và nhân quả, nhưng có học được hay không thì không phải là một điều chắc chắn. Lúc còn đi học, tôi có một kỳ học tín hiệu và hệ thống, và một kỳ nữa học xác suất thống kê, lần học thạc sỹ đầu tiên tôi lại có một kỳ học về các quá trình ngẫu nhiên. Đó là những môn mà các khái niệm trên được nhắc đi nhắc lại tới phát chán. Thế nhưng, tôi đã không thật sự hiểu.

Hiểu một cách đơn giản thì nếu sự kiện A quyết định việc sự kiện B có xảy ra hay không, giữa A và B có quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, nếu bạn đốt đống rơm thì có khói bốc lên. Ở đây lửa là nguyên nhân của khói. Hoặc gần gũi hơn, nếu đầu ra của một hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào tín hiệu trong quá khứ và hiện tại (không phụ thuộc tương lai), thì hệ thống đó được gọi là nhân quả.

Tôi có nghe ai đó nói ngày nhỏ ông tin vào mọi thứ, đến khi lớn lên thì chỉ còn tin vào bảng cửu chương, rồi đến khi đọc về thuyết tương đối thì đến bảng cửu chương cũng không tin nốt. Trong thuyết tương đối, lửa vẫn là nguyên nhân của khói nhưng bạn có thể nhìn thấy khói trước khi lửa được đốt. Hồi tôi còn ở B0, mười mấy năm trước, tôi nhớ thầy giảng hăng say cả tiết và tôi vẫn không thể thấm được chuyện đó. Trên đời này có nhiều chuyện ta hiểu, nhưng không thể thấm nhuần. Nếu ta biết một điều và tin chắc rằng điều đó đúng, đó là biết. Trạng thái ấy khác với thấm nhuần, là khi ta thấy rằng điều ấy là lẽ tự nhiên, rằng điều ấy phù hợp với trực giác và cảm tính của ta. Ví dụ, tôi thấm nhuần rằng có một cái kẹo rồi thêm một cái kẹo khác thì sẽ có hai cái, hay là khi tôi đấm bức tường thì bức tường sẽ đánh trả tôi với một lực bằng đúng lực mà tôi đã dùng để đấm nó. Tuy nhiên, tôi không thể thấm nhuần được việc một từ trong tiếng Nhật vừa có thể là từ thể hiện sự tôn kính với đối phương vào thời xưa, vừa có thể là từ để dùng với một người xa lạ, vừa có thể là từ để thể hiện sự xúc phạm và khinh bỉ, lại vừa có thể là từ để gọi người thân yêu. Có nhiều thứ tôi biết, tôi dùng, nhưng không thể thấm nhuần, như thế. Thế là, tôi nghĩ khi học lớp 7 lớp 8 gì đó tôi có thể tính toán các hiệu ứng tương đối giống như các bạn học đại học, vì xét cho cùng thì chẳng có tính toán nào của thuyết tương đối cần người ta biết nhiều hơn là giải phương trình bậc hai. Nhưng để hiểu thấu được nó, để “thấm nhuần” nó thì e là giỏi toán đến mấy cũng chưa đủ.

Trong cuốn “Now: The Physics of Time,” bác Muller có nhiều bàn luận gây hứng thú về thuyết tương đối, tính nhân quả, và free will. Nếu bạn rảnh thì có lẽ rất nên đọc thử.

Ta hãy quay lại với chuyện tương quan và nhân quả. Khi tôi tham dự VSSS2014, tôi có nghe một ví dụ thế này: Việc ăn nhiều kem dẫn tới việc bị chết đuối. Lý do là người ta thống kê được khi lượng tiêu thụ kem tăng lên thì số vụ chết đuối cũng tăng theo. Ngược lại, khi lượng tiêu thụ kem giảm, thì số vụ chết đuối cũng giảm.

Vì thế, ăn kem nhiều thì chết đuối. Ăn kem là nguyên nhân của đuối nước.

Tất nhiên là bạn thấy ví dụ trên là nhảm nhí. Nhưng bạn giải thích thế nào về việc số vụ đuối nước thay đổi theo lượng tiêu thụ kem? Người ta làm không ít những nghiên cứu kiểu này và xuất bản trên những tạp chí chắc chắn không phải là predator, thậm chí là có tên tuổi. Chẳng hạn: quốc gia nào tiêu thụ nhiều sô cô la thì có thu nhập bình quân đầu người cao, nên sô cô la có ảnh hưởng tới nền kình tế, hoặc đàn ông có dương vật lớn thì có thu nhập cao.

Có những ví dụ khác không kém phần lố bịch về bản chất so với những ví dụ trên, nhưng lại được người ta chấp nhận. Chẳng hạn, nếu bạn X đi Vũ Hán vào đầu năm 2020 và nhiễm Corona, người ta có thể nói: X nhiễm Corona vì đi Vũ Hán (*).

Bạn thấy phát biểu (*) có đúng không? Tôi có cảm nhận là có lẽ ít nhất một nửa dân số nghĩ rằng phát biểu (*) hoàn toàn không có vấn đề gì. Sự thật là, phát biểu (*) không đúng hơn phát biểu “Số người chết đuối tăng vì lượng tiêu thụ kem tăng.”

Bây giờ tôi sẽ nói về victim blaming. Phát biểu (*) ngoài giống với phát biểu ăn kem chết đuối thì còn giống với phát biểu sau đây: “Phụ nữ bị tấn công tình dục là do có những hành vi khiêu khích như ăn mặc không kín đáo hoặc ra đường vào đêm muộn.” Thực ra thì không phải ít người nói như vậy. Nhiều năm trước, thầy Thích Chân Quang cũng có phát biểu tương tự như thế, và khuyên phụ nữ đừng ăn mặc hở hang.

Khi tôi còn nhỏ, có lần tôi đọc một bài báo (tiện đây thì từ lúc biết chữ tôi đọc mọi thứ trong nhà) nói về vụ một người phụ nữ Hồi giáo lên một chiếc xe taxi có 5 người đàn ông và bị hãm hiếp. Có lẽ cô ấy đã có việc gấp, nhưng cộng đồng của cô ấy không quan tâm đến lý do, với họ thì cô đã khiêu khích 5 người đàn ông. Vì cái tội đó, cô bị kết án chịu hình phạt ném đá đến chết.

Nếu bạn thấy nói rằng “X nhiễm corona vì đi Vũ Hán” là đúng, bởi vì nếu không đi Vũ Hán thì đã không mắc bệnh, và bạn thấy nó đúng một cách rất hiển nhiên, thì những người đã kết án cô gái kia cũng nghĩ như bạn. “Nếu cô ta không lên chiếc taxi đó, thì chẳng có chuyện gì xảy ra, vì cô ta cố tình lên xe nên mới có chuyện.” – họ có thể nghĩ vậy và thấy rằng hiển nhiên lỗi thuộc về cô gái. Tôi tất nhiên không biết họ thật sự nghĩ gì, nhưng cách nghĩ ấy quen quen. Kinh nghiệm của tôi nói rằng, khi chúng ta nghĩ ai đó ngu xuẩn hoặc khốn nạn, thì lý do quan trọng nhất là ta không biết họ nghĩ gì, và ai cũng thấy mình nghĩ thật có lý.

Thật ra thì mọi chuyện rất đơn giản. Sau VSSS2014 tôi nhận ra là tôi biết về tương quan và nhân quả trên giấy nhiều hơn, dù đó là những thứ miêu tả cuộc đời. Về chuyện ăn kem và đuối nước, nếu lấy số liệu và tính toán thì chúng ta sẽ thấy hệ số tương quan của hai biến “lượng tiêu thụ kem” và “số người chết đuối” rất gần với 1. (Bạn có thể đọc về hệ số tương quan

ở đây
.) Điều đó chỉ nói lên rằng hai việc đó có liên quan mật thiết đến nhau, chứ không thể dùng để kết luận rằng ăn kem thì sẽ đuối nước. Cũng như thế, không thể kết luận rằng khí hậu lạnh hay ăn nhiều sô cô la khiến cho kinh tế phát triển.

Và đây là lý do cho hệ số tương quan rất cao kia: Vào mùa hè, người ta hay ăn kem và cũng hay đi bơi. Giả sử tỉ lệ chết đuối do đi bơi là cố định thì việc đi bơi nhiều hơn dẫn đến nguy cơ đuối nước cao hơn, và số vụ chết đuối cũng tăng lên. Có nghĩa là quan hệ “đi bơi – chết đuối” là quan hệ nhân quả, còn “ăn kem – chết đuối” thì có tương quan. Thời tiết nóng nực mùa hè là yếu tố liên kết “ăn kem” và “đi bơi” – nguyên nhân của “chết đuối” – nhưng bản thân nó thì lại bị ẩn đi và không được bàn luận.

Trong các nghiên cứu nghiêm túc, người ta thường không bạo miệng đưa ra các quan hệ nhân quả, mà phát biểu chúng ở phần thảo luận. Phần kết quả là phần nói về kết quả phân tích số liệu. Những người làm khoa học chân chính hết sức tránh việc nhầm lẫn giữa tương quan và nhân quả, vì không phải lúc nào nó cũng hiển nhiên như ví dụ ăn kem.

Chẳng hạn, đi Vũ Hán không phải là nguyên nhân của việc nhiễm corona. Nguyên nhân của việc nhiễm corona là do tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên đến Vũ Hán và nhiễm corona có tương quan cao, bởi vì có nhiều người bệnh ở Vũ Hán, đây là yếu tố liên kết, là nguyên nhân mà đã bị ẩn đi khi chúng ta đưa ra nhận định (*). Bạn có đến Vũ Hán hay không không quyết định việc bạn có bị nhiễm bệnh hay không, nhưng nó làm tăng nguy cơ.

Tôi hiểu là những người có lý trí thì ai cũng biết không phải việc phụ nữ ăn mặc khêu gợi là nguyên nhân của tấn công tình dục. Những người có lý trí nhiều hơn thì thấy rằng có tương quan giữa việc đến những nơi có nguy cơ cao hay ăn mặc hớ hênh với việc bị tấn công. Thứ bị ẩn đi là ham muốn của những kẻ tấn công, thứ mà theo lẽ thường sẽ lên cao khi có cơ hội. Phụ nữ có hành động bất cẩn hay không không quyết định việc họ có bị tấn công hay không, nhưng việc đó làm tăng nguy cơ.

Tôi thấy có những người kịch liệt phản đối việc khuyên phụ nữ tránh xa nguy cơ bằng cách từ bỏ thói quen ăn mặc có thể có tính khêu gợi hoặc tránh những nơi có nguy cơ. Họ nói rằng làm thế là vi phạm quyền tự do của phụ nữ và chỉ tập trung chỉ trích những kẻ tấn công.

Tôi phải thừa nhận rằng họ đúng. Họ vừa đúng, vừa ích kỷ, vừa tàn nhẫn. Họ đúng ở chỗ khuyên phụ nữ như thế là hạn chế quyền tự do, họ đúng ở chỗ lỗi hoàn toàn ở những kẻ tấn công. Nhưng họ cũng ích kỷ, tàn nhẫn, hoặc ngu xuẩn.

Ngu xuẩn ở chỗ mỡ kích thích mèo là lẽ hiển nhiên. Con người, trước khi là người, thì đã là “con,” và vẫn mãi sẽ như vậy. Chẳng có sự giáo dục hay luật lệ nào có thể thay đổi được bản năng (tu hành thì có thể, tôi nghĩ vậy). Chẳng có kẻ đốn mạt nào cảm thấy hắn đốn mạt hay cảm thấy tội lỗi hay sợ hãi sự trừng phạt khi mà ham muốn nổi lên. Lý trí chỉ quay trở lại khi cảm xúc đã đi mất, cũng là lúc mọi chuyện đã xong xuôi, và quá muộn. Tâm lý học tội phạm là một trong vài thứ làm tôi thấy những điều hiển nhiên là hiển nhiên.

Sự đấu tranh của những người đó là chính đáng và đúng đắn, nhưng hiệu quả của nó, thì như tôi đã nói, nếu đong đếm được thì có lẽ nặng hơn lông hồng. Với tình hình ấy mà lên án những người khuyên phụ nữ nên tránh xa nguy cơ từ đầu, thì hoặc là ngu ngốc, hoặc là ích kỷ và tàn nhẫn khi mà chỉ để bảo vệ một thứ lý lẽ bản thân theo đuổi mà để cho những con người thật sự phải đối mặt với nguy hiểm. Nói đơn giản là, nếu có con gái, bạn có thấy rằng khuyên nó ăn mặc kín đáo, hoặc đừng đi chơi khuya, là vi phạm nữ quyền hay không? Khi có chuyện gì xảy ra, thì trách nhiệm thuộc về ai cũng có ý nghĩa đấy, nhưng …

Tôi thấy những lời khuyên của cha mẹ dành cho con gái như trên là biểu hiện của tình yêu thật sự, không phải là một thứ được dẫn dắt bởi sự thiếu kinh nghiệm, vô tâm, hiếu chiến, và muốn chứng tỏ mình như những người nói rằng phụ nữ cứ mặc bất kỳ thứ gì họ muốn và đi chơi bao lâu hay đến đâu tùy thích. Tôi nghĩ họ là những người không có con gái, hay không có người phụ nữ mà họ đủ yêu thương để có thể nghĩ về mọi điều có thể xảy ra. Thầy Thích Chân Quang không hiểu về tương quan, chuyện ấy đã rõ, thầy có những điều làm mích lòng ai đó, chuyện đó có thể không cần quan tâm, nhưng những lời khuyên của thầy về chuyện này, thì với tôi chẳng có gì phải bàn cãi.

Cuối cùng thì, chúng ta có thể kết luận rằng thuyết tương đối rất thú vị.

---

Originally posted on my blog.

Từ khóa: 

phong cách sống

,

xã hội