Khen và việc sử dụng lời khen trong giao tiếp

  1. Kỹ năng mềm

ky-nang-khen-ngoi-de-nguoi-khac-yeu-thich-ban-ngay-lap-tuc-1024x650

Bạn có thường hay khen người khác không? Và khi khen bạn thường khen như thế nào? Có phải bao giờ lời khen cũng đem đến những hiệu quả tích cực như chúng ta nghĩ? Mình đã từng trăn trở rất nhiều về điều này và quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm đã phần nào giúp cho mình trả lời được những câu hỏi trên. Đồng thời mình nhận ra một sự thật là có những điều tưởng chừng đơn giản, mình đang thực hiện hàng ngày nhưng lại chưa thực sự đúng. 

Chúng ta có nên khen người khác không? 

Câu trả lời của mình là RẤT NÊN. Vì sao vậy? Trước hết, khen là một nghi thức thường gặp trong giao tiếp, giúp thắt chặt mối quan hệ giữa người được khen và người khen đồng thời việc khen sẽ tốt cho cả đôi bên. Bởi khen là một hình thức biểu dương, ghi nhận điểm tốt ở người khác, giúp bạn rèn luyện tư duy tích cực (không ghen ghét đố kị với thành công của người khác). Người được khen chắc chắn sẽ cảm thấy rất vui vì họ được ghi nhận, được động viên, khích lệ, tạo cho họ sự tự tin (bản chất của con người đều thích được quan tâm và ghi nhận, đặc biệt khi họ đã nỗ lực để đạt được). Vì vậy, khen ngợi như một “phần thưởng hữu hình” mà họ nhận được từ những người xung quanh. Như bản thân mình thường cảm thấy rất vui khi được người khác (bạn bè, đồng nghiệp, sếp, người thân…) khen, khích lệ. Vì vậy, bạn đừng bao giờ hạn chế lời khen của mình trong giao tiếp nhé. Tuy nhiên để lời khen của bạn không bị đánh giá là sáo rỗng, khách sáo thì bạn lại cần biết cách sử dụng lời khen phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. 

Nên sử dụng lời khen như thế nào?

Theo kinh nghiệm của mình, có nhiều mức độ khác nhau trong lời khen: khen như một phép xã giao (mang tính ngoại giao, tạo dựng quan hệ trong giao tiếp) và khen để tạo động lực, khích lệ sức mạnh tự thân từ người khác. Và đôi khi trong lời khen của chúng ta bao hàm cả hai mục đích trên. Nhưng cho dù ở mức độ nào thì mình nghĩ lời khen đều nên bắt đầu từ mong muốn thực sự của chúng ta muốn dành cho người khen (sự thật lòng, chân thành, tránh lời khen mang tính nịnh bợ, hời hợt, sự biểu hiện thái quá sẽ trở nên lố bịch). 

khen 2

Chúng ta nên khen những gì? 

Theo mình có một số lĩnh vực bạn có thể khen người khác: vẻ bề ngoài, thành tích, nhân cách và luôn cần có dẫn chứng kèm theo. Ở từng lĩnh vực, bạn cần có sự khéo léo khi khen. Ví dụ nếu khen vẻ bề ngoài – hình thức (là những điều dễ thấy bên ngoài hay còn gọi là “ngôn ngữ vật thể”) như quần áo, làn da, mái tóc, trang điểm, trang sức…bạn cần chú ý sự khác nhau giữa nam và nữ. Nếu là nữ như mình thường sẽ thích khen những gì chi tiết, cụ thể và lời khen nghiêng về vẻ đẹp nữ tính như sự duyên dáng, dễ thương, xinh xắn, trẻ trung…còn nếu là nam mình tin chắc rằng các bạn sẽ rất thích khen là người có phong độ, đẹp trai, chững chạc, khỏe mạnh, cường tráng,  “X men”…Còn nếu khen về thành tích của ai đó, những kết quả đạt được của người được khen. Điều đặc biệt quan trọng là bạn cần có thời gian tìm hiểu về thành tựu của những người đó, về năng lực, sở trường cá nhân để khen đúng. Tránh tình trạng bạn khen mà không đúng với thành tích họ đạt được hoặc khen nhưng không biết thực sự họ đã đạt được điều đó như thế nào. Khi khen nên khen sự nỗ lực, quá trình hơn là khen thành tích, năng lực, nhấn mạnh vào việc chúng ta cảm nhận như thế nào vào cách người ta đạt được. Điều này thể hiện ta có sự quan tâm và kết nối nhất định chứ không thuần túy là lời khen ở “đầu môi” mang tính xã giao, khen cho có lệ hoặc khen nhưng không quan tâm. Trong những lĩnh vực đưa ra lời khen, mình nhận thấy thường thì nếu được khen về nhân cách (kiểu như bạn là người có gu thẩm mỹ, bạn là người nhân hậu…) người được khen sẽ cảm thấy rất vui. Và lời khen chân thành luôn cần kèm có dẫn chứng cụ thể các bạn nhé. 

Ngôn từ khi khen 

Bạn có thể khen trực tiếp nghĩa là khi khen dùng trực tiếp: tốt, được đấy, tuyệt vời, rất tốt…kết hợp với một số phó từ chỉ mức độ như: rất, lắm, vô cùng, thực sự…các từ biểu lộ cảm xúc: wow, thật không thể tin được…hoặccác từ như: nhiều, ít…để chỉ kết quả của một quá trình hay hành động. Ví dụ: Mình thật sự ngưỡng mộ thành tích của cậu; Thành thích của bạn đáng nể quá; Thật không thể tin được về những gì bạn đã làm được trong thời gian qua…

Ngoài ra bạn có thể khen gián tiếp nghĩa là không nói thẳng ra mà nói theo kiểu nói vòng. Kiểu khen này thường không rõ ràng về nghĩa mà người nghe phải đặt câu trong văn cảnh cụ thể để nắm bắt nghĩa. Ví dụ: Dạo này trông nhuận sắc đấy; Cuốn sách của anh đọc được đấy; Cách viết của anh đã khác trước

Khi khen nên kết hợp cả phương tiện phi ngôn ngữ như sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu (ngạc nhiên, trầm trồ, thích thú, ngưỡng mộ…) trước thành quả của người được khen đạt được để họ cảm thấy sự thực sự khâm phục, ngưỡng mộ ở mình. 

atasan2bkerja-1554521925091944004368-crop-15545219407511236488509

Một số chú ý khi sử dụng lời khen trong giao tiếp 

Như bạn biết đấy, lời nói như con dao hai lưỡi, một mặt nó giúp chúng ta truyền tải được thông điệp, tình cảm, thiết lập và phát triển các mối quan hệ nhưng mặt khác nó cũng có thể khiến phá vỡ các mối quan hệ và nếu không cẩn thận bạn sẽ “gặp tai nạn” do không khéo ăn, khéo nói. Lời khen trong giao tiếp cũng vậy. Do đó, để phát huy được hiệu quả tối ưu của lời khen bạn cần sử dụng nó đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng và phải xuất phát từ sự chân thành. 

Nhìn từ góc độ văn hóa, người Việt Nam vốn có truyền thống văn hoá trọng tình, trọng sự tế nhị, kín đáo, sống hướng nội, không thích sự phô trương, khếch dương cho nên việc khen hay chê ít khi thẳng thắn, bộc trực mà thường ý nhị. Do đó, khi khen ai đó bạn cũng không nên khen quá khiến lời khen phản tác dụng (dù bạn không có ý gì). 

Ngoài ra, bạn cũng cần hiểu rõ sự khác biệt giữa ứng xử văn hoá và nội dung thật của lời khen hoặc chê. Trong nhiều tình huống, hình thức ngôn ngữ là khen nhưng nội dung lại là chê (VD: Eo ôi, sang ghê nhỉ!). Hoặcngược lại hình thức ngôn ngữ là chê nhưng nội dung lại là khen (theo kiểu nịnh khéo). VD: Trong một cuộc họp, có một nhân viên đứng lên phê bình thủ trưởng một cách hùng hồn: “Tôi xin thẳng thắn phê bình thủ trưởng. Thủ trưởng có một khuyết điểm rất lớn là làm việc nhiều quá, không biết nghĩ đến sức khỏe của mình”.  

Không nên khen người khác khi nào? 

Có thể đọc đến đây bạn sẽ tự hỏi “Liệu mình có mâu thuẫn không khi vừa nói nên khen giờ lại khẳng định không nên khen người khác?”. Thực ra đây là lời cảnh báo cho bạn không nên làm dụng lời khen bởi lời khen cũng như bất cứ điều gì trong cuộc sống không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tích cực (không phải mọi lời khen đều tốt). Bởi lẽ: 

Lời khen nuôi dưỡng tư duy cố định, khiến người nhận có xu hướng bằng lòng, không có ý chí phấn đấu, ít phấn đấu, nỗ lực hơn và khi quen với lối tư duy cố định họ sẽ bị shock khi gặp thử thách trong công việc và cuộc sống. 

Lời khen một mặt tạo sự tự tin nhưng đôi khi lại khiến người được khen trở nên tự cao tự đại với khả năng của mình (nghĩ mình rất tài năng), từ đó tạo ra sự “ảo tưởng sức mạnh” của bản thân (điều này rất nguy hiểm). 

Người thường xuyên được khen sẽ hình thành thói quen tìm kiếm, trông chờ sự hài lòng từ những người xung quanh (động cơ bên ngoài) mà không phải là từ bên trong. Như vậy, vô hình chung chúng ta đã tạo ra động cơ phấn đấu, làm việc vì mong muốn của người khác chứ không phải vì bản thân họ. Điều này dễ nhận thấy ở con trẻ khi họ được bố mẹ khen và cố gắng, nỗ lực học vì mong muốn của bố mẹ. 

Việc được người khác khen đôi khi sẽ tạo áp lực cho bản thân người được khen. Vì vậy, họ sẽ tập trung chứng minh năng lực hơn là phát triển năng lực. 

Điều cuối cùng mình nhận thấy là lời khen đôi khi tạo ra sự cạnh tranh (sự chạy đua thành tích, ganh tị với người khác đặc biệt ở những người hiếu thắng). Lời khen đôi khi lại là một sự phán xét, là sự thao túng, là sự thể hiện quyền lực của người khen…Và như vậy rõ ràng trong những trường hợp này lời khen lại là những điều không nên có trong giao tiếp. 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm