Kinh nghiệm LỰA CHỌN NHỮNG KHÓA HỌC, LỚP HỌC HAY

  1. Kỹ năng mềm

Đại dịch Covid bùng phát ở Việt Nam đem đến nhiều khó khăn, thách thức cho cuộc sống nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể kết nối, nhìn nhận lại bản thân và đặc biệt dành thời gian cho việc học tập, nâng cao trình độ, năng lực bản thân qua việc tham gia các khóa học, các chương trình, workshop khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với tinh thần sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ nhau đi qua mùa dịch có rất nhiều chương trình khóa học được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng: từ miễn phí cho đến có thu phí, từ các tổ chức có uy tín cho đến các cá nhân, ở những không gian khác nhau…Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp chúng ta có thể kết nối và tổ chức các khóa học online trên không gian mạng xã hội một cách dễ dàng, nhanh chóng, tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng có thể tham gia học tập. Chính vì vậy, cơ hội học tập mở ra cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những khó khăn cho người học khi phải đứng trước sự tìm kiếm, lựa chọn xem khóa học nào thực sự cần thiết, hữu ích, đáng tin cậy trước một rừng thông tin về các khóa học, chương trình tràn ngập trên mạng xã hội hiện nay.

Là một người thích học và luôn không ngừng học hỏi mỗi ngày, mình luôn quan tam và dành thời gian cho việc học. Ngoài việc theo học các chương trình, các khóa học mang tính trường quy thì mình cũng dành kha khá thời gian để theo học các khóa học, lớp học ngắn hạn theo nhu cầu, sở thích cá nhân. Quá trình này đã giúp cho mình có được những kinh nghiệm nhất định trong việc lựa chọn các khóa học, lớp học tốt phù hợp với bản thân, và phần nào nhận biết được đâu là những khóa học có giá trị, đáng tin cậy. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc lựa chọn các khóa học cho các bạn nhé. Những chia sẻ của mình trong bài viết này dựa trên những quan điểm của bản thân về việc học, quá trình hình thành và phát triển tri thức cho con người cũng như từ những trải nghiệm thực tế của bản thân.

1/Cần có tư duy rõ ràng về việc học trước khi lựa chọn các khóa học

Với mình, việc học không bao giờ là nhanh chóng, dễ dàng theo kiểu “một đập ăn quan”, có kết quả ngày được. Học tập là một quá trình luôn đòi hỏi sự nỗ lực tự thân, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của mỗi người. Mọi kết quả đều đến từ sự tích luỹ (kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, kỹ năng…). Do đó, mình không tin vào những lớp học cấp tốc, những lớp học giúp bạn 3 tháng, 6 tháng có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Hơn nữa, bản thân là người công tác trong môi trường giáo dục, trực tiếp thực hiện công việc giảng dạy hàng ngày nên mình càng hiểu rõ hơn về quá trình tiếp nhận và chuyển hóa kiến thức ở người học.

2/Lựa chọn khóa học phù hợp với nhu cầu, năng lực và điều kiện của bản thân

Thời gian của mỗi người là hữu hạn, nếu bạn ôm đồm “cái gì cũng muốn học”, chạy theo xu hướng, phong trào thì không bao giờ thành công. Vì vậy, điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần biết mình đang muốn học gì, mảng kiến thức nào là cần cho công việc và cuộc sống của bạn tại mỗi thời điểm khác nhau. Nghĩa là giữa mênh mông biển học, bạn cần biết “khoanh vùng” lĩnh vực mà bạn quan tâm, muốn cải thiện và nâng cao để tìm kiếm và lựa chọn khóa học phù hợp.

3/Cần phải biết rõ nội dung khóa học, đơn vị tổ chức và đặc biệt giảng viên đứng lớp

Ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, các chiến lược PR, truyền thông, quảng cáo cho các chương trình, khóa học được thực hiện một cách rầm rộ trên cơ sở nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dùng. Vì vậy, rất có thể bạn sẽ bị “lóa mắt”, bị dẫn dụ, thậm chí “bị lừa” trước những thông tin quảng cáo, những lời hứa hẹn vô cùng hấp dẫn, những chiêu trò hết sức tinh vi từ các chương trình khóa học trên mạng xã hội (đặc biệt với những cách làm truyền thông thiếu sự tử tế). Bản thân mình cũng đã từng bước vào một số các lớp học theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, những cách thức tinh vi để dẫn dụ người học…

Do đó, kinh nghiệm của mình là bạn cần dành thời gian nghiên cứu thật kỹ về các khóa học định đăng ký tham gia, lắng nghe các chia sẻ, feedback (phản hồi) từ những người bạn tin cậy (đã học) về khóa học đó, cần biết rõ người dạy khóa học đó là ai, có cơ sở tin cậy về kiến thức họ có không…đồng thời phải trau dồi cho mình khả năng nhận diện, phân tích thông tin truyền thông để không bị “lừa”, lãng phí tiền của cho những khóa học “chẳng đáng học”.

4/Tìm kiếm nguồn học tin cậy từ bạn bè, người quen giới thiệu

Đây là cách mình rất hay áp dụng trong việc tìm kiếm các khóa học, lớp học cho bản thân và con cái. Mình sẽ thường xuyên kết nối với bạn bè, những đồng nghiệp, chuyên gia ở lĩnh vực nào đó, biết họ có những nguồn lực nhất định và hiểu rõ quá trình học tập, năng lực chuyên môn của họ…Từ đó chia sẻ nhu cầu được học, nhờ sự trợ giúp, giới thiệu. Điều này đã giúp mình biết đến nhiều khóa học, lớp học hay, lựa chọn cho con những người thầy tốt và nhất là để tránh rơi vào bẫy của truyền thông.

5/Luôn tham gia các khóa học với tâm thế tích cực

Khi quyết định đăng ký tham gia các khóa học, mình luôn sắp xếp công việc, thời gian và tham gia với tinh thần sẵn sàng nhất. Điều này vừa là trách nhiệm với việc học của bản thân, không lãng phí tiền của bỏ ra đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với người dạy. Bước vào các lớp học với tâm thế của một người thực sự muốn học, gạt bỏ những định kiến, quan niệm trước đó để có tinh thần hứng khởi nhất. Trong các buổi học mình luôn tích cực học hỏi, đặt ra các câu hỏi, mong muốn giải đáp những khúc mắc để rõ hơn những điều chưa biết và chủ động, kết nối với người dạy, người học trước, trong và ngay cả sau các buổi học, khóa học. Nhờ vậy, mình đã có thêm nhiều người thầy mới, người bạn mới ở khắp các vùng miền trong cả nước – những người hỗ trợ mình rất nhiều trên con đường học tập của bản thân.

Ngoài ra, với mình, ghi chép luôn là phương tiện hữu hiệu để ghi nhớ. Vì vậy, trong mỗi buổi học và sau đó mình luôn có thói quen ghi chép, note lại những gì mình học được: không chỉ là nội dung kiến thức mà cả phong cách giảng dạy của giảng viên, sự tương tác giữa người dạy – người học, những câu chuyện trên lớp học…vừa là tư liệu cho bản thân trong giảng dạy vừa để mình lưu giữ kỷ niệm lớp học.

6/Luôn dành thời gian để suy ngẫm lại các kiến thức được học, thực hành và vận dụng

Học luôn đi với hành. Để chuyển hóa những kiến thức lĩnh hội được trở thành kiến thức cho mình, mình luôn dành thời gian để thẩm thấu và ứng dụng vào thực tiễn. Vì vậy, sau khi kết thúc mỗi khóa học mình truy hồi lại những kiến thức đã học, suy ngẫm, thực hành, vận dụng vào trong công việc, thực tế cuộc sống rồi mới đăng ký các khóa học tiếp theo nếu không sẽ bị “bội thực” vì việc học mà kết quả lại không đâu. Do đó, một kinh nghiệm nữa là bạn không nên ôm đồm, theo học quá nhiều lớp trong một thời điểm hoặc lựa chọn những khóa học tản mạn, thiếu tập trung.

Đó là những kinh nghiệm của mình trong việc lựa chọn các lớp học, khóa học cho bản thân trên cơ sở nhìn nhận lại quá trình học, những bài học xương máu, những trải nghiệm thực tế và qua sự quan sát, học hỏi từ những người xung quanh. Hy vọng sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn trên con đường học tập và phát triển bản thân. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết chia sẻ của mình!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Hữu ích quá! Cảm ơn những chia sẻ của chị ạ

Trả lời

Hữu ích quá! Cảm ơn những chia sẻ của chị ạ