[Zhihu] Bạn ngưỡng mộ nhân vật nào nhất

  1. Phong cách sống

  2. Văn hóa

  3. Xã hội

Quân tử dĩ tự cường bất tức.

*người quân tử phải tự cường phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ.

Lúc tôi còn đi hỗ trợ giảng dạy ở những khu vùng sâu vùng xa, trong lớp có một trò gia cảnh khốn cùng. Thằng bé chỉ mới 12 tuổi thôi, cha mất sớm, mẹ đi theo người khác, để lại cậu con trai và bà nội sống nương tựa lẫn nhau.

Mỗi sáng thức dậy, nó làm việc đồng áng, gánh nước, nấu cơm xong xuôi mới vội vã đến trường đi học; tan học rồi lại đi chăn bò, cắt cỏ. Thằng bé chỉ có thể làm bài tập sau khi hết loay hoay với đống việc nhà.

Một đứa nhóc mười mấy tuổi, vóc người còn chưa phát triển hết lại làm việc đồng áng chẳng khác gì người lớn. Tôi đã từng trông thấy dáng vẻ thằng bé cắt lúa mì, đầu đội nón rơm, tay cầm liềm, cúi người một phát là như muốn mất dạng cả người. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang của ngày hè, động tác của thằng bé tuy chậm mà chắc, tựa như bức họa của một kẻ canh phòng đơn độc.

Thành tích học tập của thằng bé rất tốt. Lúc ấy trong trường có 2 suất thi Toán, tôi báo danh cho nó. Đi vào thành phố để thi mất hết một ngày trời, lúc dùng cơm trưa, tôi nhìn thấy thằng bé cầm hai miếng màn thầu khô quắt queo vừa ăn vừa uống nước lọc. Thế là tôi dắt nó đến một nhà hàng dùng cơm, gọi vài món ăn. Thằng bé cứ chần chờ mãi chẳng động đũa.

Tôi hỏi: Em không đói à? Sao không ăn cơm đi?

Nó lúng búng đáp: Em không có tiền ạ.

Tôi vỗ nhẹ đầu thằng bé: Ăn cơm với thầy còn phải để em bỏ tiền ra trả à? Ăn nhanh lên đi, chiều thi cử cho tốt vào nhé!

Thằng bé nhìn tôi đầy vẻ biết ơn rồi mới ngấu nghiến ăn cho ra trò. Phố thị với nó mà nói, tất thảy đều là những điều mới mẻ lạ lẫm. Thằng bé vui vẻ nhìn những tòa nhà cao tầng và màn hình led quảng cáo như đang trông thấy một thế giới mới. Lần ấy nó thi cử ra trò phết, đạt được hạng nhất. Sau đấy bên huyện còn đặc biệt cử người đến trường trao giấy khen và phần thưởng cho thằng bé. Thật ra phần thưởng cũng không có gì lớn lao, chỉ là một chiếc đồng hồ điện tử, áng chừng mấy chục đồng mà thôi. Nhưng đôi tay thằng bé nắm chặt xem nó như là báu vật vậy.

Tính thằng bé yên lặng, nhưng không phải loại ngờ nghệch, cũng chẳng dễ bị tự ti như mấy đứa học sinh nghèo khác. Lúc tôi đi qua thăm nhà thằng bé, tuy đã nghe về gia cảnh nghèo khó của nó nhưng lúc tận mặt chứng kiến vẫn giật nảy cả mình.

Đây mà là nhà ư? Chỉ là hai căn phòng tối hù, đầy bụi và linh tinh thứ khác. Đồ điện gia dụng duy nhất là một chiếc TV đen trắng không có tín hiệu, chỉ để cho có mà thôi.

Thằng bé hào phóng tìm cho tôi một chiếc ghế dựa, sau đó rót một cốc nước từ trong bình ra, đón tiếp tôi như một người lớn thực thụ. Bà nội thằng bé chống gậy run rẩy đi ra, bảo rằng đứa bé này từ nhỏ đã hiểu chuyện, đầu óc cũng thông minh. Chỉ là số kiếp không tốt, không có bố mẹ để dựa dẫm, mong tôi quan tâm nó nhiều hơn một chút.

Nghe lời nhắn gửi của cụ bà, tôi chỉ có thể đỏ bừng mặt, gật đầu đồng ý. Nhưng tôi biết mình chẳng có tài cán gì, tôi cũng chỉ là một sinh viên mà thôi, có thể thay đổi được điều gì đây chứ?

Tôi chỉ có thế cố gắng dạy thằng bé học. Tôi thường hay bảo nó, nếu em muốn thay đổi tình trạng hiện tại thì phải nỗ lực học hành, nếu em muốn vượt qua nghịch cảnh thì phải nỗ lực cố gắng.

Thằng bé quả thực đã làm vậy. Nó thường đến hiệu sách trên thị trấn để đọc sách. Từ thôn nhà thằng bé lên thị trấn đi bộ phải mất cả một hai tiếng đồng hồ. Buổi sáng thằng bé đi thì phải đến trưa mới tới. Có hôm về tới nhà trời đã tối mịt, nó lại chẳng hề biết mệt, mặt lúc nào cũng tươi cười sung sướng.

Có hai chuyện liên quan đến thằng bé khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Chuyện thứ nhất là có một học sinh bị thương vì trâu húc. Nói chung cũng do cậu nhóc đấy nghịch ngợm, cố ý trêu ngươi con trâu đang đứng ven đường. Kết quả là con trâu nổi điên, dùng sức húc nó bị thương. Vết thương rất nặng, ngực chảy cả máu. Khi thằng bé phát hiện vụ việc thì lập tức chạy vụt tới kéo con trâu lại, cột dây thừng vào một thân cây rồi cõng cậu nhóc bị thương kia phi thẳng đến trạm y tế của thôn.

Sau đó phụ huynh của cậu nhóc kia chạy tới, chưa hỏi rõ đầu đuôi gì đã tát cho thằng bé một bạt tai. Vị phụ huynh đấy tức giận mắng chửi, bảo rằng chắc chắn là nó chăn trâu không đàng hoàng mới khiến trâu húc người ta, có chuyện gì xảy ra thì thằng bé phải lấy mạng đền mạng.

Cậu nhóc bên cạnh vội vàng giải vậy, nói rằng con trâu đấy là của nhà người khác, bạn ấy chỉ giúp đỡ cứu người mà thôi.

Vị phụ huynh kia ái ngại nhìn thằng bé nhưng cũng chẳng hề nhận sai, chỉ quay đầu nhìn đứa con trai bị thương của mình.

Mặt của thằng bé bị tát hằn đỏ. Nó che mặt bước ra khỏi cửa rồi ngồi xổm trên mặt đất khóc. Ở nông thôn lúc nào cũng như vậy, những đứa trẻ không cha không mẹ bị người ta bắt nạt được xem là chuyện hiển nhiên.

Nhưng sau khi gặp mấy chuyện như thế, thằng bé vẫn chẳng hề ngại ngần đi giúp đỡ người khác. Bởi sự lương thiện đã ngấm vào xương cốt của nó. Bà nội thường dạy thằng bé rằng, phải luôn làm một người tốt. Dù cho làm việc tốt phải gánh lấy uất ức thì cũng không được đem điều đó đi làm lí do để thành người xấu.

Chuyện thứ hai chính là trong thôn có mấy đứa muốn cướp đồng hồ của thằng bé. Dĩ nhiên nó không đồng ý, đám nhóc kia lập tức đè thằng bé ra đánh. Đánh cũng chẳng nương tay tí nào, khiến đầu và cằm của nó đều chảy máu.

Có một đứa đánh đến là hăng máu, cầm gạch lên bảo: Giờ mày có đưa hay không, không đưa tao đập chết mày.

Thằng bé ôm chiếc đồng hồ vào trong ngực, ánh mắt ngập tràn sự kiên cường.

Tên nhóc kia nói đánh là đánh, phang luôn cục gạch vào ngực thằng bé. Nó đau đớn kêu một tiếng, nước mắt ròng ròng chảy ra nhưng vẫn quyết không xin tha. Lúc tôi chạy tới hiện trường, lập tức cho tên nhóc kia một bạt tai, quát: Mày muốn làm cái gì? Gọi bố mày đến đây.

Tên nhóc kia còn bướng mồm: Ông chờ đó cho tôi, ba tôi đến đánh chết ông.

Tôi lại tát nó thêm cái nữa. Tên nhóc cuối cùng cũng biết sợ, bắt đầu ngoạc mồm khóc. Vì tôi đang là giáo viên hỗ trợ giảng dạy, lại còn là sinh viên, dân làng ai cũng đối đãi lịch sự với tôi. Thế nên khi vị phụ huynh kia chạy đến thì xin lỗi tôi rồi lôi tên nhóc kia đi. Tôi đỡ thằng bé đang nằm dưới đất lên, sửa sang quần áo cho nó thì thấy trước ngực nó bị ứ máu thành một mảng to. Tôi bảo: Lần sau gặp chuyện thế này, em cứ đưa đồ cho bọn chúng đã, sau đó thầy sẽ lấy đồ về lại cho em.

Thằng bé lau nước mắt rồi bảo: Đây là thứ mà em coi trọng nhất, em sẽ không đưa cho các bạn ấy đâu.

Tôi mới chợt nhớ ra, đây là chiếc đồng hồ mà thằng bé được thưởng trong cuộc thi, là niềm vinh dự đầu tiên mà nó nhận được khi đã lớn bằng chừng này. Đối với thằng bé mà nói, chiếc đồng hồ mang ý nghĩa không gì sánh được.

Lúc kết thúc chương trình hỗ trợ giảng dạy tại trường tiểu học, tôi đã đến hiệu sách để mua một vài cuốn sách và tặng chúng cho thằng bé. Trong mỗi quyển sách tôi đều viết một vài câu. Tôi cũng chẳng phụ giúp tiền nong được bao nhiêu cho thằng bé, tôi chỉ có thể cố gắng tiếp thêm hi vọng và lòng can đảm cho nó.

Bảy năm trôi qua, thằng bé đã thi đỗ Đại học Nam Kinh, đạt thành tích cao nhất của thị trấn. Nó đặc biệt gửi tin nhắn cho tôi, nói rằng cảm ơn công lao năm đó tôi dạy dỗ.

Tôi chỉ thấy lòng đầy xúc động, bởi tôi nhớ đến những khó khăn mà thằng bé phải gánh đằng sau cái thành tích ấy. Học phí cho mỗi giây mỗi phút đến trường của thằng bé đều có thể là tiền tiết kiệm hoặc vay mượn mà ra. Mỗi bộ quần áo thằng bé mang trên người đều có thể mang vết chỉ khâu vá đụp. Mỗi đêm khuya tĩnh lặng, thằng bé sẽ phải chiến đấu với sự hoảng loạn và bất an. Hết lần này đến lần khác tự cổ vũ bản thân, thúc giục mình phải nỗ lực hết sức để đi tiếp.

Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức; Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật.

*Ý nói sự vận động của Trời là cương cường mạnh mẽ, quân tử tương ứng với Trời nên người quân tử xử thế cũng phải giống như Trời, phải không ngừng nghỉ tự lực tự cường, cương nghị mạnh mẽ nỗ lực truy cầu sự tiến bộ của bản thân; hình thế của Đất là dày dặn, chứa chở vạn vật, quân tử cũng phải giống như Đất, phải làm dày cái Đức của mình để bao dung, chứa chở muôn loài.

(Trích lời giải thích từ trang Triết học đời sống.)

Trên đời chỉ có một loại chủ nghĩa anh hùng. Chính là kiểu dù phải chịu đựng số phận bất công, nhận ra bản chất của cuộc sống vẫn có thể tiến về phía trước mà không hề sợ hãi. Làm một người thầy, tôi cảm thấy hổ thẹn, bởi vì những điều tôi học được từ thằng bé còn vượt xa những gì mà tôi đã dạy cho nó.

Từ khóa: 

phong cách sống

,

văn hóa

,

xã hội

Còn bé mà phẩm cách kiên cường đến nỗi nhiều người lớn cảm thấy hổ thẹn 👍

Trả lời

Còn bé mà phẩm cách kiên cường đến nỗi nhiều người lớn cảm thấy hổ thẹn 👍

Rất hay!