Làm gì khi ta sống trong một thế giới đầy biến đổi?

  1. Tâm lý học

"Sống ở đời cũng giống như việc lái một chiếc xe đạp, để giữ được thăng bằng, bạn cần phải luôn chuyển động." _ Albert Einstein.

Thật vậy, thế giới quanh ta luôn biến đổi không ngừng, và sự thay đổi này được thể hiện trong rất nhiều khía cạnh của đời sống chúng ta. Tuy nhiên, trong khi một vài sự thay đổi nhất định có thể làm tăng thêm phần thú vị cho cuộc sống, một số khác lại khiến cho chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu, dù sự thay đổi là không thể tránh khỏi.

Đứng trước tình thế như vậy, chúng ta có thể và nên làm những gì? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

the-new-me

Nguồn: Pinterest.

Thế giới quanh ta luôn không ngừng thay đổi

Trước hết, sự thay đổi có thể được thể hiện trong rất nhiều các khía cạnh của đời sống chúng ta:

  • Một trong những ví dụ dễ thấy nhất về tính chất thay đổi không ngừng của thế giới quanh ta chính là khí hậu. Ở những quốc gia có vị trí địa lý cách xa Xích Đạo, 4 mùa xuân-hạ-thu-đông liên tiếp đến rồi đi, thay thế lẫn nhau trong năm. Ngay cả ở những khu vực gần Xích Đạo hơn, ví dụ như Sài Gòn, thì chúng ta vẫn có thể chứng kiến sự thay đổi giữa mùa mưa và mùa khô.
  • Cơ thể con người chúng ta cũng là một minh chứng cho sự thay đổi không ngừng của tự nhiên. Do quá trình lão hóa, cơ thể chúng ta sẽ thay đổi dần về mặt cân nặng, chiều cao, sức khỏe...theo năm tháng. Hình ảnh mà bạn vẫn thấy trong gương vào mỗi sáng năm 2019 sẽ vô cùng khác hình ảnh đó vào năm 2059.
  • Tính chất biến đổi này không chỉ được thể hiện trong thế giới vật chất & thể lý. Nó còn được thể hiện ở thế giới tinh thần của chúng ta! Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy rằng mỗi cảm xúc (vui, buồn, yêu, ghét, thích thú, chán chường...) mà chúng ta trải nghiệm đều không bất biến. Chúng ta vui rồi buồn, cười rồi khóc. Tùy người mà tâm trạng cũng sẽ lên xuống theo từng mức độ khác nhau. Nhưng có một sự thật khó chối cãi là: cảm xúc của chúng ta luôn không ngừng thay đổi.
tu-doi-moi

Trong một ngày chúng ta có thể trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nguồn: sciencebrieffs.com

  • Ở khía cạnh lý trí, khả năng tập trung của chúng ta cũng không bất biến. Chắc hẳn bạn đọc đã từng nhận thấy việc duy trì sự tập trung làm việc hoặc học bài trong một thời gian dài là vô cùng khó khăn. Thường thì trong khi làm việc, đến một thời điểm nhất định nào đấy chúng ta sẽ có khuynh hướng muốn được nghỉ ngơi để thư giãn đầu óc (khuynh hướng này cũng có thể được giải thích dựa vào khái niệm entropy). Sau quá trình nghỉ ngơi đủ dài, khả năng tập trung sẽ được "sạc đầy bình" giúp chúng ta hoàn thành nốt công việc/bài vở.
  • Thậm chí, các mối quan hệ quanh ta cũng vận hành theo tính chất luôn biến đổi này. Nếu để ý quan sát, bạn đọc sẽ nhận ra rằng trong bất cứ một mối quan hệ nào, chúng ta sẽ không bao giờ có thể chỉ luôn có cảm giác tích cực (hoặc tiêu cực) về một người nào đó. Miễn là ta tiếp xúc với người đó liên tục, chắc chắn sẽ có một thời điểm khi mà cảm nhận của chúng ta về người đó bị thay đổi. Ví dụ: những va chạm trong cuộc sống thường ngày giữa 2 vợ chồng có thể làm cho họ bị "shocked", vì nó thay đổi cảm nhận của họ về nhau khi còn là tình nhân.
change

Nguồn: Sasstrology.com

Con người là những "sinh vật của thói quen"

Như vậy, thay đổi và biến thiên liên tục là một tính chất gần như vốn có của thế giới chúng ta & được thể hiện qua rất nhiều các khía cạnh khác nhau như đã phân tích ở phần trên. Thế nhưng, tại sao sự thay đổi lại tạo ra cho chúng ta cảm giác khó chịu?

Ấy là bởi vì, khoa học đã chứng minh rằng con người chúng ta là những sinh vật của thói quen. Chúng ta chỉ cảm thấy dễ chịu với những điều quen thuộc, và có khuynh hướng chống cự lại những thứ không quen thuộc, chống cự lại sự thay đổi.

Để giải thích cho khuynh hướng này, giới khoa học phân tích rằng một suy nghĩ, hành động, mối quan hệ hoặc môi trường được con người chúng ta trải nghiệm liên tục và lặp đi lặp lại, sẽ được não bộ của chúng ta ghi nhận thành các "trí nhớ dài hạn" (long-term memory), đôi khi cũng được gọi là "ký ức cơ bắp" (muscle memory).

Ghi nhận này của não bộ giúp cho các hoạt động của chúng ta được diễn ra ở mức độ vô thức (unconscious) - vốn là một quy trình nhanh chóng và dễ dàng. Trong khi đó, những hành động, suy nghĩ & môi trường mới lạ khiến chúng ta phải sử dụng ý thức (conscious) để hoạt động, quy trình này cũng diễn ra chậm và khó khăn hơn.

change

Nguồn: VoiceTube.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Có lẽ, một trong những giải pháp dễ thấy nhất đối với vấn đề này chính là rèn luyện cho bản thân khả năng thích nghi tốt và tự đổi mới mình. Một người có khả năng thích nghi tốt, sẽ có thể tự đổi mới bản thân để trở nên hòa hợp với môi trường xung quanh một cách nhanh chóng. Và để có thể thích nghi một cách hiệu quả, trước hết chúng ta cần luôn quan sát và nghiên cứu sự biến đổi của môi trường sống xung quanh.

Một trong những giải pháp khác, mà chúng ta thường thấy các bác sỹ tâm lý đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân của mình là: buông bỏ quá khứ, ít nhất là những sự việc đã xảy ra trong quá khứ và có ảnh hưởng không tích cực đến tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Bởi vì các tình huống luôn biến đổi, và cảm xúc của con người cũng không bất biến, nên chúng ta, tuy cần phải ghi nhớ những bài học rút ra từ quá khứ đau thương, nhưng đồng thời cũng không nên quá bám víu vào nó.

su-thay-doi

Nguồn: Live and Dare.

Sau cùng, việc nhận ra rằng vạn vật trong vũ trụ này, bao gồm chính bản thân chúng ta, cũng không tồn tại mãi mãi với thời gian, là vô cùng quan trọng. Với nhận thức đó, chúng ta sẽ có thể tập trung vào cuộc hành trình (journey) hơn là điểm đến (destination) và tìm thấy cho mình nhiều niềm vui sống hơn. Thái độ sống này cũng giúp chúng ta tự giải phóng mình khỏi những áp lực đến từ việc cố gắng bám víu (attachment) vào ngoại vật: có thể là của cải vật chất, tiền đồ sự nghiệp, hoặc một mối quan hệ nào đó mà chúng ta chưa sẵn sàng buông bỏ. Đây cũng chính là điều mà Đức Phật muốn hướng con người đến trên hành trình tâm linh của mình.

Bạn đọc có cho rằng sự thay đổi là không thể tránh khỏi? Theo bạn thì khả năng thích nghi hay kiểm soát môi trường xung quanh là quan trọng hơn? Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận cuối bài viết nhé!


Nguồn:

Huffington Post: The inevitability of change (huffingtonpost.com).

Harvard Business View: 10 reasons people resist change (hbr.org).

Quora: Why is change inevitable? (quora.com).

Association for Psychological Science: Consciousness to unconsciousness and back again (psychologicalscience.org).

Từ khóa: 

the new me

,

change

,

sự thay đổi

,

tự đổi mới mình

,

tự đổi mới

,

tâm lý học