Làm thế nào để có thể CÂN BẰNG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG ?

  1. Kỹ năng mềm

ky-nang-quan-ly-thoi-gian-trong-tieng-anh-cong-so

Trong nhịp sống hối hả, gấp gáp hiện nay, không ít người luôn cảm thấy bận rộn, bị áp lực, stress, mệt mỏi do rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi đặt ra. Cảm giác thiếu hoặc không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc bản thân…khiến chúng ta bị “bấn loạn”, phải đứng trước sự lựa chọn giữa gia đình và công việc. Có người vì sự nghiệp mà hy sinh hạnh phúc gia đình (ly hôn, sống độc thân…) hoặc vì gia đình mà hy sinh sự nghiệp (ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, vun vén cho gia đình…). Có rất ít người có khả năng cân bằng được cuộc sống và gia đình để vừa có thể có một đời sống hạnh phúc, một sự nghiệp thành công và được làm những điều mình muốn. 

Hiện nay dường như chúng ta đang phải thực hiện quá nhiều “vai” cùng một lúc trong những mối quan hệ đa chiều, phức tạp. Trong gia đình bạn vừa là một người vợ/người chồng, là cha mẹ của con cái, là con dâu, con rể…Trong môi trường làm việc bạn có thể là sếp, là nhân viên, đồng nghiệp, đối tác…Trong các tổ chức, hội nhóm bạn là thành viên, là leader… và thậm chí mỗi người còn là “người độc thoại” trong sự kết nối với chính bản thân mình. Với tất cả lý do đó, khiến chúng ta luôn bị rơi vào tình trạng quá tải, bị bủa vây bởi công việc và quá nhiều sự kiện dồn dập đến. Chúng ta thèm một chuyến đi chơi xa, những giây phút sum họp bên gia đình hay có thời gian nghỉ ngơi, những giây phút dừng lại để kết nối với bản thân. Mình đã từng nghe rất nhiều người chỉ thầm ước được vài ngày nghỉ ngơi mà không có được, có người chỉ mong hết bận để có thể “tôi đưa tôi đi chơi”…mà  rất khó thực hiện bởi họ bị “ken đặc” trong thời gian với công việc và rất nhiều mối bận tâm. Cuộc sống với quá nhiều áp lực, những mối lo cơm áo gạo tiền, những đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội đã đẩy chúng ta vào guồng quay công việc ngày này qua ngày khác. Điều đó khiến chúng ta luôn cảm thấy mệt mỏi, stress, kiệt sức và dần dần mất hết niềm vui sống. Nguy hại hơn những áp lực lâu ngày sẽ hình thành nên những thói hư tật xấu như hay kêu ca, phàn nàn, đổ lỗi, chán nản, định hình một phong cách cá nhân không mấy tích cực (khuôn mặt nhăn nhó, u sầu, những đôi mắt thâm quầng vì nhiều ngày không ngủ…).

tri-chung-mat-ngu1

Trước đây, mình cũng là người đã từng rơi vào tình trạng đó, nhất là trong khoảng thời gian khi vừa phải hoàn thành việc ở trường, vừa làm luận án, vừa sinh bé thứ hai và vừa phải chăm lo cuộc sống gia đình. Khi đó mình chỉ ước sao mỗi ngày có thêm vài tiếng nữa để có thể giải quyết hết các đầu việc đặt ra nhưng rồi mình hiểu rằng đó là điều không tưởng. Bởi ai trong chúng ta cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày và thượng đế đã rất công bằng với tất cả mọi người. Mình ý thức được rằng“Trong tất cả các nguồn tài nguyên quan trọng nhất thì tiền lại dễ tìm nhất, thứ đến là nhân lực, tuy không phải lúc nào cũng đủ sẵn đủ người tài để làm việc nhưng nói tóm lại vẫn có thể thuê được khi cần thiết, chỉ có thời gian là chúng ta không thể kiếm được, thuê được, mua được, lại càng không thể dùng phương pháp nào khác để giành giật nhiều thời gian về mình”. (Druke – một chuyên gia người Mỹ trong lĩnh vực quản lý nhân sự). Vì vậy, ai là người có khả năng tận dụng tối đa 24 giờ đó thì sẽ đón nhận được món quà mà thượng đế ban tặng một cách trọn vẹn và có được những kết quả như mong muốn. 

Hiện nay, dù không giữ một chức vụ quản lý nào trong môi trường làm việc nhưng mình có rất nhiều công việc phải làm. Công việc chính hiện nay của mình là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chủ nhiệm lớp, tổ chức các buổi tọa đàm, workshop chia sẻ kỹ năng, tham gia các hoạt động phong trào ở trường đại học mà mình đang công tác. Ngoài ra, mình còn tham gia giảng dạy cho sinh viên ở các trường bên ngoài, tham gia các dự án nghiên cứu của một số tổ chức, viết bài cho trang Noron.vn, tham gia các hoạt động cộng đồng. Mình đã có gia đình với 2 con (một bé hiện đang học lớp 7 và một bé năm nay bước vào lớp 1). Hàng ngày mình đưa đón các con đi học, dạy cho các con học, chăm sóc và tổ chức cuộc sống gia đình (tổ chức đi chơi cuối tuần, gặp gỡ họ hàng, lo việc giỗ tết…). Ngoài ra để chăm sóc và phát triển bản thân mình luôn duy trì việc đọc sách, tập thể dục mỗi ngày, học tiếng Anh, tham gia các chương trình, khóa học để nâng cao chuyên môn và rèn luyện kỹ năng sống, gặp gỡ, café với bạn bè, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cho riêng mình…Thi thoảng mình sẽ dành thời gian đi du lịch nhằm mở rộng, khám phá các vùng đất và cũng là dịp để tái tạo lại năng lượng cho bản thân. Mặc dù có rất nhiều việc như vậy, nhưng mình luôn giữ được thái độ sống vui vẻ, một năng lượng tích cực trong công việc và cuộc sống. Điều mà rất nhiều người thường nhìn thấy ở mình: sự thong dong, thư thái, an nhiên và hạnh phúc. Vậy mình đã làm thế nào để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà mình đang có?

kBdkIkC

Điều quan trọng đầu tiên là bạn cần có một tâm thế, cảm xúc tích cực khi làm bất cứ một việc gì. Vì vậy, mình luôn cố gắng thực hiện các công việc với một tâm thế tốt nhất, hào hứng nhất và luôn nhìn thấy điều tích cực ở đó, hình thành suy nghĩ “được làm” hơn là “phải làm”. Mình cũng không đặt ra quá nhiều áp lực cho bản thân để buộc mình phải đạt được mà điều quan trọng là mình luôn nỗ lực để làm nó một cách tốt nhất. Như thế mọi việc sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng và mình luôn tìm thấy niềm vui trong đó. 

Thứ hai, bạn không nên ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc mà cần biết lựa sức bằng cách lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những việc quan trọng, những việc mang tính khẩn cấp, việc muốn làm. Đôi khi cần biết buông bỏ những việc không nằm trong mục tiêu kế hoạch của bản thân, những công việc vượt quá khả năng cho phép và tránh tính hay cả nể (làm việc của người khác trong khi việc của mình chưa hoàn thành). Muốn vậy bạn cần xác định rõ điều mình thực sự muốn (thông qua việc kết nối với bản thân). Học cách nói không với những gì không liên quan đến mục tiêu và khả năng của mình. 

Thứ ba, hãy làm việc một cách có kế hoạch: một trong những lý do khiến chúng ta thường bị lãng phí thời gian là do làm việc không có mục tiêu, kế hoạch. Thói quen của mình là luôn làm việc với mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể, rõ ràng về thời gian thực hiện và thời điểm hoàn thành (xây dựng kế hoạch năm, kế hoạch tháng, kế hoạch tuần, kế hoạch ngày). Luôn ghi ra checklist/to do list/các công việc hàng ngày (nên có sổ nhật ký ghi chép công việc) và có sự đo lường (review mỗi ngày) để kiểm tra tiến độ và bổ sung, điều chỉnh khi cần thiết.

Thứ tư, rèn luyện tính tập trung khi làm việc: rất nhiều người hiện nay thường kêu thiếu/không có thời gian nhưng lại đang rất lãng phí thời gian vào những việc như dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội (lướt facebook, chat zalo, message…), cho những “cuộc buôn dưa lê”, bị sao lãng bởi những việc xung quanh. Vì vậy, bạn cần hình thành cho mình tư duy tập trung khi làm việc, giải quyết dứt điểm các việc, không dây cà ra dây muống, việc hôm nay chớ để ngày mai. Việc nào đã xong nên “đóng gói” lại không mất thời gian lật đi lật lại hoặc tìm kiếm (kinh nghiệm này mình đã có được trong thời gian thực hiện luận án). 

Thứ năm, cần hình thành và rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian – đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp bạn cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Kỹ năng quản lý thời gian là việc bạn biết sắp xếp thời gian, phân chia thời gian và sử dụng thời gian hợp lý: loại bỏ tâm lý, thói quen trì hoãn (đây là “căn bệnh” mà nhiều người thường mắc phải); nên lợi dụng lúc cao hứng để làm việc (khéo léo sử dụng đồng hồ sinh học) Ví dụ: với mình thời gian buổi sáng là thời gian tốt nhất trong ngày cho nên mình thường dành để đọc sách, viết lách. Mình thường suy nghĩ khi đang làm việc hoặc ngay cả khi không làm: đi đường, nấu ăn, ngồi café…(áp dụng

duy tập trung và tư duy phân tán
). Và bạn luôn cần phải tranh thủ thời gian có thể có mọi lúc, mọi nơi, cần phải biết lợi dụng thời gian rỗi, biết cách phối kết hợp các công việc.Ví dụ: khi đưa con đi học – thời gian đợi đón là thời gian mình dành để làm việc hoặc nghỉ ngơi; rèn luyện kỹ năng nghe tiếng Anh khi nấu cơm hoặc đi đường…

Thứ sáu, để có thể cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống bạn cần có kỹ năng quản trị bản thân tốt: hiểu mình thực sự muốn gì, thời điểm nào là tốt nhất cho mình để thực hiện các công việc, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo lại năng lượng cho bản thân (thực hành tư duy phân tán). Điều đặc biệt bạn cần hình thành và rèn luyện tính kỷ luật. Do ảnh hưởng của hoạt động nông nghiệp người Việt thường ít gò bó, không đòi hỏi gay gắt về thời gian đã tạo nên tâm lý tự do, ưu thoải mái, tính kỉ luật lỏng lẻo. Vì vậy để có thể hoàn thành tốt các công việc theo kế hoạch bạn cần nghiêm túc với bản thân, cam kết thực hiện kế hoạch đặt ra, xây dựng thời gian biểu, các công việc cần làm mỗi ngày và khóa lịch đó lại (đóng khung trong một khung thời gian nhất định). Ví dụ khi lên kế hoạch công việc trong tuần, những công việc cố định như học tiếng Anh buổi sáng, các buổi tập thể dục trong tuần…mình sẽ thường “đóng khung” những khoảng thời gian này và không sắp xếp các việc khác. 

Thứ bảy, thực tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có một tác phong làm việc chuyên nghiệp (loại bỏ sự lề mề, chậm chạp, trì trệ). Chỉ số đánh giá sẽ được dựa trên cơ sở tốc độ xử lý và giải quyết công việc, cái mà hiện nay trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 người ta gọi là “văn hóa tốc độ”. Điều này bắt buộc mỗi người phải có kỹ năng xuất sắc, tính kỷ luật cao và tốc độ giữ vai trò quan trọng. Muốn vậy bạn phải hình thành  ý thức về vai trò, giá trị của cá nhân, nâng cao các kỹ năng cần có như: kỹ năng quản lý thời gian, ứng dụng công nghệ trong công việc, rèn luyện tư duy tập trung, suy nghĩ, làm việc mọi lúc mọi nơi (brainstorming) và luôn take notes, ghi nhớ các vấn đề, ý tưởng ngay khi xuất hiện trong đầu. Ví dụ: trong khi ngồi đợi bạn trong một cuộc hẹn mình đã có thể xây dựng dàn ý cho một bài viết mới của mình.  

0016-STU-Studeo-Brainstorm-Blog-Main

Tuy nhiên, bên cạnh đó bạn cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân. Không nên làm việc “hùng hục” quên thời gian, ngày tháng và sau đó lại rơi vào tình trạng kiệt sức, ốm yếu dài ngày mà luôn cần sắp xếp thời gian cho việc nghỉ ngơi, hợp lý: để có thể dậy sớm mỗi ngày mình thường đi ngủ sớm (trước 23h), nghỉ trưa, nên có kế hoạch relax, đi chơi xa với gia đình, bạn bè hoặc một mình (có thể là 1 lần/tháng hoặc 1 lần/2 – 3 tháng), tranh thủ thời gian rỗi để thư giãn và tái tạo năng lượng cho chính mình (café một mình/với bạn bè, đi xem phim, gặp gỡ bạn bè, chơi với con, tham gia các hội nhóm)…

Tất nhiên, để có thể cân bằng được công việc và cuộc sống mình cũng may mắn khi có ông bà nội ngoại, anh chị em ở bên cạnh luôn hỗ trợ (mẹ chồng ở cùng, bố mẹ ở gần), có anh bạn cùng nhà tâm lý, thoải mái và luôn giúp đỡ mình trong việc nhà và nuôi dạy con cái, con cái mình cũng đã lớn hơn…Nhưng mình nghĩ điều quan trọng nhất vẫn nằm ở mỗi người – đó là khả năng sắp xếp công việc, thời gian, cuộc sống một cách hợp lý nhất trong điều kiện cho phép. 

Trên đây là những kinh nghiệm/bí quyết của mình trong việc sắp xếp, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những chia sẻ lý giải cho những câu hỏi của nhiều bạn đã hỏi mình “sao lúc nào mình cũng có thể thong dong, từ tốn đến vậy”. Điều đó không có nghĩa là mình tự nhận mình là thần thánh, là “siu nhân”, có thể làm tốt tất cả mọi việc bởi đôi khi mình cũng bị stress, cũng bị “bấn loạn” bởi sự quá tải trong công việc và cũng không tránh khỏi những lần rơi vào những cảm xúc tiêu cực, chán nản. Nhưng điều quan trọng là mình luôn đối diện với nó, chấp nhận nó như một phần trong mình và tìm cách để vượt qua, nhanh chóng lấy lại sự cân bằng cảm xúc để có thể tiếp tục tận hưởng những điều thú vị mà cuộc sống đem lại. 

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Ai cũng đi tìm đi tìm sự cân bằng.

Trả lời

Ai cũng đi tìm đi tìm sự cân bằng.