Làm thế nào viết được một cuốn sách hay? Đọc 1 cuốn sách trinh thám!

  1. Tạp chí Kẻ Lý Sự

Đương nhiên không phải là đọc cuốn sách trinh thám nào bạn cũng sẽ biết được cách viết nên một cuốn sách hay, được nhiều người đón nhận. Để viết được một cuốn sách, cần rất nhiều điều kiện mà ở đó, tài năng là một điều kiện vô cùng quan trọng. Nếu không có tài năng, bạn và chúng ta sẽ phải cố gắng rất rất nhiều. Tuy nhiên, nếu đọc cuốn trinh thám mang tên Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola của tác giả Joel Dicker, vô tình bạn sẽ “lụm” ra được một vài bí kíp viết sách rất hay. Như mình đã nhặt được và mình sẽ chia sẻ ngay bây giờ, tại đây. Tất nhiên, có bí kíp rồi cũng không đảm bảo là tất cả chúng ta sẽ viết được một cuốn sách hay, vì nếu không, thế giới này đã tồn tại rất nhiều nhà văn như thế.

1

Bìa cuốn sách Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola. Ảnh: Fahasa.com

Chỉ là, mình chia sẻ ra đây để mong nhận được nhiều chia sẻ từ các bạn để chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau những phương pháp tạo nên một cuốn sách để đời. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau. :D

  1. Chương đầu tiên là chương chính yếu của truyện. Nếu độc giả không thích chương đầu thì họ sẽ không đọc phần còn lại.
  2. Chương 2 của cuốn sách rất quan trọng. Chương 2 phải sắc và mạnh. Giống như đấm bốc vậy. Bạn thuận tay phải, nhưng thế tự vệ của bạn lúc nào cũng phải là nắm đấm trái: cú đầu tiên nhắm thẳng vào mặt đối thủ, cú tiếp theo là nắm đấm phải, cần mạnh để hạ gục đối thủ. Chương 2 cũng vậy: một cú đấm phải vào quai hàm độc giả.
  3. Biết cách viết, không phải chỉ để biết cách viết, mà là để trở thành nhà văn. Bởi vì viết được một cuốn sách là vô cùng khó nhọc: ai cũng viết được cả, nhưng không phải ai cũng là nhà văn. Không ai có thể tự biết mình có phải là nhà văn hay không. Đó là do những người khác nói cho mình điều đó.
  4. Nếu chỉ được giữ lại một bài học, hãy giữ lại bài học về tầm quan trọng của biết cách ngã. Đời là cú trượt dài. Điều quan trọng nhất là phải biết cách ngã.
  5. Nếu bạn không có đủ can đảm chạy dưới trời mưa, thì bạn cũng chả có đủ can đảm để viết một cuốn sách. Nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy nghi ngờ điều bạn đang làm, thì hãy đi chạy. Chạy đến khi mất hết mọi suy nghĩ: rồi bạn sẽ thấy trong mình nảy sinh cảm giác quyết tâm điên cuồng phải chiến thắng.
  6. Nếu như cánh nhà văn là những cá nhân yếu đuối, thì đó là vì họ có thể cảm nhận được hai nỗi đau đớn, tức gấp đôi so với người bình thường: nỗi đau tình và nỗi đau sách. Viết một cuốn sách, cũng giống như yêu một người nào đó: điều này có thể đau đớn vô cùng.
  7. Để trở thành nhà văn, phải không bao giờ được từ bỏ. Cần phải vừa đấu tranh chống lại bản thân, vừa đấu tranh chống lại cả thế giới, để giành lấy sự tự do được thoải mái hy vọng vào một tương lai do chính mình vẽ ra.
  8. Đấm bốc hay viết văn, gần giống như nhau. Ta vào vị trí sẵn sàng, quyết định xông vào trận đấu, giơ tay lên và bắt đầu lao vào đối thủ. Một cuốn sách, cũng na ná như vậy. Một cuốn sách là một trận đấu.
  9. Cảm hứng để xây dựng nên các nhân vật của mình có thể lấy từ tất cả mọi người. Từ một người bạn, người giúp việc, nhân viên ngân hàng... Chỉ cần lưu ý rằng: không phải chính những người này tạo cảm hứng cho bạn, mà là các hành động của họ.
  10. Hãy chỉ viết những điều tưởng tượng. Không được nêu đích danh. Không bao giờ nêu tên riêng: điều đó sẽ dẫn đến kiện tụng và những việc đau đầu.
  11. Để biết biết chắc chắn mình có đủ sức viết nên một cuốn sách hay không, hãy xem xét xem bạn có khả năng “không còn muốn viết nữa nhưng không có khả năng dừng lại” hay không.
  12. Cần phải có kỷ luật thép. Chính xác như tập đấm bốc vậy. Cần phải tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc, phải luyện tập chuyên cần: phải giữ được nhịp độ, phải kiên quyết và tuân theo một trật tự tuyệt đối trong công việc. Đó chính là ba nguyên tắc bảo vệ bạn khỏi kẻ thù tồi tệ của các nhà văn: Deadline!
  13. Cần phải chuẩn bị câu chữ giống như người ta chuẩn bị một trận đấm bốc vậy. Những ngày trước khi xảy ra trận đấu, phải huy động tối đa 70% khả năng luyện tập để làm nóng và trào lên trong mình cơn điên dại, và ta chỉ cho nó nổ tung ra khi thực sự xung trận.
  14. Hãy học cách yêu lấy những thất bại của mình, bởi vì nhờ chúng mà bạn nên người. Chính thất bại sẽ làm cho thành công trở nên có ý nghĩa.
  15. Hãy đấm vào cái bao cát giống như cả cuộc đời bạn phụ thuộc vào điều đó. Bạn phải đấm như thể bạn viết và viết như thể bạn đấm bốc vậy: phải vận hết nội lực bởi vì mỗi trận đấu, cũng như là mỗi cuốn sách, đều có thể là trận cuối cùng hay cuốn sách cuối cùng.
  16. Người có thể truyền tải được những cảm xúc mà chính họ không trực tiếp trải qua, thông qua một cuốn sách, đó chính là các nhà văn. Viết, có nghĩa là có khả năng cảm nhận mạnh hơn những người khác và tiếp theo là có thể truyền tải nó. Viết, có nghĩa làm cho các độc giả của mình có thể thấy những điều mà đôi khi họ không “thấy" được.
chuyennangnola

17. Từ ngữ đúng là đóng vai trò quan trọng. Nhưng đừng viết để người ta chỉ đọc, mà hãy viết để người ta có thể hiểu.

18. Ai cả gan thì người đó chiến thắng.

19. Hãy biết quý trọng tình yêu. Hãy coi tình yêu là cuộc chinh phục đẹp nhất đời mình, là tham vọng duy nhất của bản thân. Sau người này, sẽ có người khác. Sau cuốn sách này, sẽ có cuốn sách khác. Sau vinh quang này, sẽ đến vinh quang khác. Sau khi tiêu hết tiền, sẽ lại có tiền. Nhưng sau tình yêu, chẳng còn gì khác ngoài vị mặn chát của dòng lệ.

20. Một cuốn sách mới là một cuộc sống mới bắt đầu. Đó cũng là thời điểm thể hiện lòng nhân ái: bạn trao tặng một phần của mình cho ai mong muốn khám phá nó. Một số sẽ say mê, một số khác sẽ ghét bỏ. Một số coi bạn là thần tượng, còn số khác lại khinh bỉ. Một số người quan tâm, một số khác lại ghen tị. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta viết không phải để cho họ; mà để cho tất cả mọi người có được một khoảng thời gian thú vị trong cuộc sống hàng ngày.

21. Khi viết tới đoạn kết của cuốn sách, hãy làm cho độc giả đến phút cuối vẫn còn phải giật mình.

22. Đời người ai cũng sẽ có ít nhất vài ba những sự kiện trọng đại. Hãy nhắc tới chúng trong cuốn sách của mình. Dẫu những sự kiện này có tồi tệ đến thế nào, thì chí ít, chúng cũng xứng đáng được gọi là vài trang Lịch sử.

23. Chương cuối cùng của một cuốn sách, phải luôn luôn là chương đẹp nhất.

24. Một cuốn sách hay, không phải chỉ được đo bằng những từ ngữ cuối cùng của nó, mà là hiệu quả của tất cả những từ ngữ trước đó.

25. Một cuốn sách hay, là “một cuốn sách mà người ta sẽ cảm thấy tiếc khi đọc xong”.

Có bạn nào đã đọc Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola chưa?

Từ khóa: 

sách trinh thám

,

chuyện nàng nola

,

để trở thành nhà văn

,

viết sách

,

tạp chí kẻ lý sự

Mình rất phục những tác giả truyện trinh thám vì cấu trúc rất logic, và các thủ bút, tình tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là chìa khoá bật mở cả một thế giới mới.

Kiến thức của những tác giả trinh thám cũng thuộc dạng sâu sắc hơn người.

Trả lời

Mình rất phục những tác giả truyện trinh thám vì cấu trúc rất logic, và các thủ bút, tình tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là chìa khoá bật mở cả một thế giới mới.

Kiến thức của những tác giả trinh thám cũng thuộc dạng sâu sắc hơn người.