Lê Thánh Tông-Thiên cổ nhất Đế

  1. Lịch sử

Lê Thánh Tông-“Thiên cổ nhất đế”, “Đệ nhất minh quân”; có thể nói ông đã tạo dựng một vương triều thịnh trị bậc nhất, đưa nền phong kiến quân chủ chuyên chế Việt Nam bước vào thời đại đỉnh cao. Các cải cách, đóng góp của ông những năm Quang Thuận-Hồng Đức đã kế thừa thành quả phục hồi suốt thời Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông và cho Đại Việt có một bộ mặt hoàn toàn mới. Quy định tổ chức hành chính quan lại, củng cố giáo dục văn hoá xã hội, hoàn thiện pháp luật với sự ra đời hoàng chỉnh của bộ Quốc triều hình luật, mở rộng giang sơn về phía Nam khiến Chiêm Thành Lan Xang phải nể sợ mà Thiên triều cũng thêm phần nể trọng... Tuy vậy; làm người ai chẳng có cái sai cái đúng, quân vương dẫu hiền minh chẳng tránh được vết; Thuần Hoàng Đế cũng như vậy. Trong bài viết ngắn này mình sẽ đề cập ở khía cạnh tình nghĩa huynh đệ cũng như cách đối xử với các công thần của nhà vua. 


Sau binh biến lật đổ Thiên Hưng Đế và được Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Lăng, Lên Niệm... tôn lên cửu ngũ; Thánh Tông ghi nhớ công lao của họ thưởng tước vị và ban đất phong trọng hậu cho tất các đại thần đảo chính thành công. Tuy vậy, với những trọng thần Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí trước đây làm binh biến thất bại; khi Nguyễn Xí đề nghị truy phong, vinh danh lòng tiết nghĩa của họ thì Thánh Tông không chuẩn y mà còn hạ chiếu định tội họ như tội thần vì không ngăn được loạn mà đến khi lập mưu lại để sơ hở đến nỗi hỏng cả việc mà thân cũng mất. Nếu bảo không ngăn được loạn là tội thì chẳng lẽ Nguyễn Xí, Đinh Liệt tránh được; bảo lập mưu sơ hở thành ra thất bại là tội thì Đinh, Lê tuy sự thành cũng coi như cả công lẫn tội đều có cả, sao xét công mà không truy tội. Tình thế khi Thiên Hưng hại Nhân Tông đột ngột bất ngờ, triều thần đâu thể vội vàng mà ngăn được; huống gì họ cũng lập mưu bàn kế, tuy bại nhưng vẫn là biết nghĩ vận nước, vị quốc vong thân nên biểu dương tiết liệt là hợp lẽ. Cách nhìn của Thánh Tông hay lý luận thời đó mình không biết rõ nên chỉ đưa ra vài ý kiến riêng trên.


Đối với Thái uý Lê Lăng-con trai Khai quốc công thần Lê(Lý) Triện; khi biết trước đây ông có ý tôn lập Cung Vương Lê Khắc Xương thay vì mình; Thánh Tông tìm mọi cách ám hại và cuối cùng nhân có đại thần dâng sớ vu cáo liền gán tội Lê Lăng mưu phản, hạ lệnh trảm cả nhà, tịch thu gia sản. Hại công thần có công giúp nguy, hại người có ơn với mình bởi không có ý tôn lập ; vua Lê có phần khắc bạc hơi quá.


Cung Vương vốn không có ý tranh giành, khi được đề nghị kế vị đã hết mực chối từ nhường lại cho em. Vậy nhưng ông vẫn bị đề phòng, kết án mưu phản; chịu quản thúc trong phủ để rồi cuối cùng phải tự sát. Diệt trừ tận gốc mối đe doạ hoàng quyền là đúng, việc Thánh Tông làm đương nhiên dễ hiểu; song khi nghĩ đến vẫn cảm thấy rợn người cho cái sức mạnh vương quyền sẵn sàng biến huynh đệ thành tử thù kẻ sống người chết. Khắc Xương nếu có ý tranh đoạt thì tại sao Nghi Dân binh gây biến không hành động, khi các đại thần đón lập lại chối từ nhất quyết; chẳng lẽ với một vương triều vững chắc như đời Hồng Đức lại lo sợ nguy cơ thế lực ủng hộ Khắc Xương lật đổ nên phải trừ hẳn mối hoạ ấy. Các Hoàng tử của Thái Tông giờ chỉ còn lại hai người mà thôi; chẳng lẽ anh chết em sống là điều mà Tư Thành nghĩ và muốn. Biết bao cuộc tranh giành huynh đệ tương tàn, tuy thắng nhưng lại là thắng trong vũng máu của người thân mình; còn gì đau xót hơn, đáng trách hơn. Ngay cả sử thần nhà Lê trong phần nhận xét ông ở Toàn thư cũng cho rằng: "tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái".


Suy xét mọi sự đúng lẽ, không trọng chẳng khinh là việc nên làm; nói ra chính là muốn cho việc tìm hiểu được sâu rộng, cặn kẽ chứ không phải moi móc, hạ nhục vị vua thánh của triều Lê với biết bao công lao, đóng góp cho nước Việt

47283302_762658400753546_55069486553759744_n
Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

lịch sử

Một điều không thích ở ông vua này là ông ta coi trọng nho giáo. Mà nho giáo thì đề cao nông nghiệp hơn thương nghiệp, khiến thương nghiệp đất nước thời âý không phát triển được. Giá như ông ấy có một tầm nhìn đi trước thời đại như Hồ Quý Ly thì hay biết mấy.
Trả lời
Một điều không thích ở ông vua này là ông ta coi trọng nho giáo. Mà nho giáo thì đề cao nông nghiệp hơn thương nghiệp, khiến thương nghiệp đất nước thời âý không phát triển được. Giá như ông ấy có một tầm nhìn đi trước thời đại như Hồ Quý Ly thì hay biết mấy.