Loạn Kiêu Binh thời Lê Trung Hưng...?

  1. Lịch sử

Nạn kiêu binh hay loạn kiêu binh là tên dùng để chỉ sự việc loạn lạc thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, do những quân lính gốc ở Thanh - Nghệ, cậy mình có công, đã sinh thói kiêu căng, coi thường luật lệ, gây ra và làm trong và ngoài triều chính thời đó hết sức điêu đứng, khổ sở. Theo sách Việt sử tân biên (quyển 3), thì nạn kiêu binh này là một trong những nguyên nhân khiến cơ nghiệp Lê - Trịnh ở Việt Nam mau đổ nát.Trở ngược lại về thời Nam - Bắc triều. Lúc ấy, nhà Mạc đã chiếm hết miền Bắc. Nguyễn Kim - Một võ tướng nhà Lê, tìm một người dòng dõi vua Lê lập làm vua bắt đầu thời kỳ Lê Trung Hưng - một thời kỳ dài 256 năm chỉ toàn chiến tranh liên miên. Vua tôi nhà Lê rút về Thanh Hóa, lấy đó làm căn cứ chống nhà Mạc. Lính tráng tuyển từ 3 phủ Hà Trung, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia (thuộc vùng Thanh-Nghệ ngày nay) nên gọi là ''quân tam phủ''. Nhờ những lính này mà sau này nhà Lê giành lại được miền Bắc đẩy nhà Mạc lên tận Cao Bằng, kể từ đó các Chúa Trịnh chỉ dùng lính Tam phủ được gọi là "ưu binh", được vua chúa nương chiều, tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Ngoài "ưu binh" này, còn một lực lượng quân sĩ được tuyển mộ ở miền Bắc, gồm 4 trấn từng nằm dưới sự cai trị lâu dài của Bắc triều (vùng đồng bằng sông Hồng) và được gọi là "nhất binh". Tuy đều cùng là lính của Nam triều nhưng ưu binh bao giờ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ khá hơn nhất binh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ ưu binh được thành lập sớm hơn, từng trải trận mạc nhiều hơn, và do đó, cũng có nhiều công lao hơn. Chế độ đãi ngộ này, cùng với một loạt những nguyên nhân khác, đã dần dần biến ưu binh thành kiêu binh. Họ ngang tàng càn rỡ, trên thì coi thường vua chúa và bá quan văn võ, dưới thì ức hiếp nhân dân, chính sự vốn đã rối ren lại càng thêm rối ren hơn nữa. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binhKể từ khi đám "ưu binh" chuyển thành "kiêu binh", không còn coi ai ra gì, chúng sách hạch dân chúng, đòi lợi ích từ các bến, bãi, khách điếm, cổng quan,... Chúng dọa nạn các quan, ai tỏ ý chống là tới đập phá nhà người ấy, chúng còn can dự vào việc xét tuyển quan lại trong triều. Triều đình phải lập đội Phong vân để rà soát đám kiêu binh, hễ ai đập phá nhà dân là bắt về xét xử nhưng cũng không ngăn nổi kiêu binh hoành hành. Bắt đầu năm 1674, nhận thấy đám "ưu binh" xưa nay đã thành kiêu binh và ngày càng lộng quyền, kiêu ngạo, phóng túng, bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh và tham tụng Phạm Công Trứ bàn nhau tìm cách dẹp nạn này. Kiêu binh biết được, nên đón đường giết chết viên bồi tụng, rồi kéo đến nhà quan tham tụng tìm giết. Phạm Công Trứ phải bỏ trốn vào phủ Chúa, kiêu binh kéo đến hò hét đòi người. Chúa Trịnh Tạc phải xuống nước vỗ về, ban cho vàng bạc để chúng không làm loạn nữa. Cuối cùng, chúng kéo đi và san bằng nhà viên quan tham tụng thành bình địa.Rồi đến năm 1741, tham tụng Nguyễn Qúy Cảnh lại muốn dẹp bớt yêu sách của kiêu binh, khiến chúng tức tối mà đón đường toan muốn giết ông đi. May sao trốn được, ông xin Trịnh Doanh cho trí sĩ nhưng chúa không cho, ông phải làm tiếp.Tuy nhiên kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, kể từ tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), khi lúc lính tam phủ tôn Trịnh Khải lên ngôi chúa. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm mất, tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận huy Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên làm chúa. Con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải ngấm ngầm liên kết với kiêu binh để giành ngôi chúa. Kết quả, quân kiêu binh kéo vào phủ Chúa, đánh chết quận Huy, bắt Tuyên phi và Trịnh Cán bị phế truất. Về sau, Tuyên phi Đặng Thị Huệ uất ức mà chết, còn Trịnh Cán lên ngôi lúc 6 tuổi và cũng chết sau 1 tháng do bệnh tật.Bấy giờ có tên biện lại thuộc đội Tiệp bảo tên là Nguyễn Bằng, người Nghệ An, đứng lên làm đầu, vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu, quân ưu binh kéo đến vây phủ, vào giết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa. Trịnh Khải phong quan tước cho Nguyễn Bằng và trọng thưởng cho quân tam phủ. Từ đó quân ấy một ngày một kiêu, cứ đi cướp phá các nhà, không ai kiềm chế được. "Công cộng công", nạn kiêu binh lại càng lớn hơn trước.Nặng nề hơn, khi các quan Nguyễn Khản, Nguyễn Khuông, Nguyễn Triêm muốn cùng Chúa lập mưu dẹp kiêu binh, chúng biết được liền kéo đến phủ Chúa đòi bọn họ để giết đi. Vì Khản và Khuông là thân thuộc, Trịnh Khải và mẹ phải khóc xin tha. Chúng đồng ý nhưng bắt buộc phải giết được Nguyễn Triêm. Trịnh Khải phải vỗ về Triêm, hứa cho dân 1 xã lập điện thờ và truy phong tước cho con cháu. Cuối cùng Nguyễn Triêm tự mình ra cửa, kiêu binh lấy đá đập rồi sau giết chết ngay trước mặt Trịnh Khải. Đến đây, kiêu binh đã thực sự lũng đoạn toàn bộ triều chính. Trong dòng chảy ngàn năm của sử Việt, có lẽ đây là lần duy nhất quân đội thao túng chính quyền đến như vậy.

Lúc này ở Sơn Tây, Nguyễn Khản cùng với em mình là Nguyễn Điền đang làm quan ở đó, bí mật dâng tờ khải lên chúa, xin mộ nghĩa sĩ tứ trấn (4 trấn vung bắc bộ) để giết kiêu binh. Nghe kế ấy, chúa ban chiếu cho phép. Nhưng việc bị lộ nên không thành, phủ Chúa bị vây và cướp hết sạch binh khí. Bọn kiêu binh mắng chửi Chúa, chia nhau canh giữ nhốt Chúa trong phủ. Quân từ tứ trấn kéo đến, thổ hào, dân chúng đều một lòng quyết giết kiêu binh cho bằng được. Kiêu binh bàn nhau cách chống, chúng vừa kéo quân nghênh chiến thì bị quân thổ hào đánh tan tác cả, bèn cố sống cố chết chạy về Kinh lộ hòng tử thủ. Dân chúng biết sắp có sự biến, dắt díu, bồng bế nhau bỏ trốn. Hoàng Lê nhất thống chí viết: ''Ngày hôm đó, hết thảy kiêu binh hai xứ Thanh Nghệ đóng ở các trấn đều phải bỏ trốn, lúc đi qua làng mạc chúng không dám lên tiếng. Hễ kẻ nào buột miệng lòi ra thổ âm Thanh Nghệ, tức thì bị dân chúng bắt giết ngay. Bọn chúng phải luôn luôn giả cách làm người câm, ăn xin ở dọc đường, rồi lần mò về kinh, báo cho đám kiêu binh ở đây biết cái tin nay mai quân các trấn sẽ về họp ở dưới thành.Được tin này, bọn kiêu binh ở kinh tức thì họp nhau bàn cách chống cự. Rồi họ chia nhau thành các đạo kéo đi. Nhưng đạo phía Tây mới kéo ra đến Đại Phùng, đạo phía Bắc mới kéo đến cầu Vịnh thì đã bị ngay các tay thổ hào địa phương đánh thua. Họ phải bỏ cả khí giới, cố mang vết thương mà chạy về kinh.Bấy giờ kinh thành chấn động, dân hàng phố kẻ chợ đều dắt díu bồng bế nhau ra ngoài thành chạy trốn. Đám kiêu binh vừa sợ vừa tức, gọi chúa là giặc. Rồi họ kéo vào trong phủ, lấy hết binh khí, chia cho cơ đội các dinh nắm giữ. Phủ chúa lúc ấy không còn một tấc sắt nào để tự vệ...''Sau nhờ quan tham tụng Bùi Huy Bích dỗ mãi, kiêu binh mới chịu yên. Ấy thế mà chúng lại chểnh mảng việc võ bị, chỉ suốt ngày ăn chơi, Chúa sợ kiêu binh làm loạn nên cũng chả dám làm gì.Tháng 5 năm Cảnh Hưng 47 (1786), quân Tây Sơn tiến nhanh ra Bắc. Đình thần nhà Lê - Trịnh bàn việc sai tướng đem quân vào chống ngăn. Nhưng ưu binh lúc này đã quen thói kiêu căng, rất sợ chinh chiến, nên lấy cớ đòi tiền lương, để chần chừ không chịu tiến quân, khiến trong kinh thành càng xôn xao dữ, ai nấy đều tính kế tháo chạy. Ngày mồng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ (1 tháng 7 năm 1786) quân của Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vị Hoàng (Nam Định). Nguyễn Huệ đến hợp quân với Chỉnh rồi cùng tiến ra Thăng Long. Quân Tây Sơn đi đến đâu, quân Trịnh tan tác đến đó, nạn kiêu binh kể như chấm dứt cùng sự sụp đổ của họ Trịnh. Việc Hữu Chỉnh hợp tác Tây Sơn diệt kiêu binh có liên quan đến vụ giết Quận Huy Hoàng Đình Bảo. Ngay khi tin Quận Huy bị giết lan truyền tới Nghệ An, đã làm Nguyễn Hữu Chỉnh hết sức lo sợ, vì ông là tay chân thân tín của Quận Huy. Cho nên ông vội đến gặp Trấn thủ Vũ Tá Dao, cũng là em rể Quận Huy, bàn việc chiếm lấy Nghệ An và viết mật thư xui Hoàng Đình Thể giết chủ tướng là Phạm Ngô Cầu để chiếm luôn Thuận Hóa. Thấy Vũ Tá Dao còn ngần ngừ, chưa thể dứt khoát, Nguyễn Hữu Chỉnh cùng với Hoàng Viết Tuyển, dắt díu vợ con chạy vào Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Nhạc. Để rồi năm 1786, Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn ra Bắc Hà diệt nhà Trịnh.Trong văn học, sách Hoàng Lê nhất thống chí ở hồi hai và ba, có nhiều đoạn kể khá tỉ mỉ nạn kiêu binh, có đoạn:"Trịnh Sâm thì hoang dâm, xa xỉ. Vua Lê Cảnh Hưng thì bù nhìn, bạc nhược. Trịnh Tông chỉ là con rối của đám kiêu binh. Còn quan lại đa phần là một phường dung tục, bất tài, chỉ rình rập cơ hội để tranh gianh giành quyền lực, danh lợi...Dưới những vua quan như vậy, thì binh lính đương nhiên cũng không thể có kỷ cương, phép tắc gì. Những "ưu binh" đã biến thành "kiêu binh" ngang ngược, quay lại uy hiếp triều đình, quấy nhiễu dân chúng, tùy ý phá nhà, giết người, khiến mọi người đã phải gọi chúng là "quân bất trị". Và ba chữ ấy đã trở thành nỗi khủng khiếp của một thời."Bàn về nạn kiêu binh, sách Việt sử tân biên (quyển 3) có đoạn như sau:"Riêng nạn kiêu binh lộng hành; ngai vàng,sự nghiệp của vua Lê chúa Trịnh cũng đủ đổ, huống hồ vua chúa và quan lại cũng hư hèn. Buổi đầu, kiêu binh có chút công lao phò tá, nhưng sau này vì vua chúa không biết điều khiển họ, để họ lợi dụng lạm dụng quyền thế để làm bậy bạ khiến họ Lê, họ Trịnh đều phải đổ vỡ. Tới khi binh Tây Sơn ra Thăng Long, thì đội quân này như một cơn lốc làm ngã ngay cái cây đã bị sâu mọt đục nát...Gia chính cũng như quốc chính, một khi có lũ con cưng đó, tất nhiên phải đưa thiên hạ đến chỗ đại loạn. Lịch sử không chỉ trách kiêu binh, mà còn phải qui trách nhiệm cho những người cầm đầu dân tộc đã vụng suy dại nghĩ".Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 – 1828), cũng buồn vì nạn kiêu binh, có làm bài thơ ký sự rằng:

"Sóc súy tiêu tao tuyết vũ phân,Nan tương thử ý vấn đông quân.Biên thành hà sách đoan quân ngũ,Long miếu vô quyền thúc loạn quân.Lữ kế bách tuyền tư bất mị,Ngoa ngôn thôi hậu thích như phần.Nam quy tự tín càn khôn khoát,Tùng lĩnh, Nam Sơn đa bạch vân".

Dịch nghĩa:Gió bấc thổi mưa rơi như tuyết trông cảnh vật tiêu điều,Khó đem ý ấy hỏi chúa xuân.Nơi biên thành có kế gì đoàn kết quân dân,Triều đình không còn quyền hành để kiềm chế loạn quân.Mưu kế của kẻ lữ khách bức bách không sao ngủ được,Nghe lời ngoa truyền phía sau mà lòng như lửa đốt.Trở về Nam tự tin trời đất rộng,Núi Tùng Lĩnh, núi Nam Sơn đều phủ nhiều mây trắng.Giai đoạn thời Lê mạt, trong đó có nạn kiêu binh, cũng là đề tài yêu thích của nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Ông đã viết ba tác phẩm cùng chủ đề này, đó là: Bà chúa Chè (Tân Dân - Hà Nội, 1938), Loạn Kiêu binh (Tân Dân - Hà Nội, 1939) và Chúa Trịnh Khải (Tân Dân - Hà Nội, 1940).Lời bàn: Có lẽ đây là lý do hai xứ Thanh Nghệ ngày nay bị ghét, sự ghét mang tính lịch sử

https://cdn.noron.vn/2019/08/22/4d8580b5d8f98d314d34a88b8339d07c.jpg
Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

lịch sử

Mình cũng nghĩ thế. "Có lẽ" đây là nguyên nhân sâu xa khiến người miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng kỳ thị người vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh :))) Kiểu như truyền miệng từ đời này sang đời khác nên tạo thành định kiến, khó có thể gỡ bỏ :D

Trả lời

Mình cũng nghĩ thế. "Có lẽ" đây là nguyên nhân sâu xa khiến người miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng kỳ thị người vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh :))) Kiểu như truyền miệng từ đời này sang đời khác nên tạo thành định kiến, khó có thể gỡ bỏ :D