Loạt bài về Kỹ Nữ Việt Nam ngày xưa (loạt bài nhiều phần từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến Nguyễn Sơ 1858) phần 2

  1. Lịch sử

PHẦN 2: KỸ NỮ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

III. Kỹ Nữ Việt thời Ngô, Đinh, Tiền Lê

1.    Kỹ Nữ thời Ngô, Đinh

Do Việt Nam là nước nhỏ lại gần Trung Quốc và cũng từng “nội thuộc” hơn 1000 năm nên người Việt chịu ảnh hưởng không hề nhỏ của văn hóa Trung Hoa. Người Việt thời xa xưa vẫn luôn lấy hình ảnh Trung Quốc làm nguyên mẫu để so sánh, với tư tưởng độc lập tự cường các bậc đế vương Việt luôn xem mình ngang hàng thậm chí vượt trội hơn các bậc đế vương bên Trung Hoa. Vì vậy những quy chế mà triều đình Trung Hoa có, đế vương Trung Hoa được hưởng thì các triều đại quân chủ Việt Nam cũng xây dựng bắt chước theo. Năm 939 Ngô Quyền xưng vương, quy định hệ thống quan lại, quy chế triều cho đến việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt năm 968 đều thể hiện tư tưởng độc lập tự cường, ngang hàng với các bậc đế vương Trung Hoa. Vậy nên thiết nghĩ việc thành lập các ban nhã nhạc dùng khi tế tự cũng như những ban nữ nhạc hoặc cung nữ ca múa dùng trong các dịp lễ quan trọng hay yến tiệc tiếp đãi sứ thần nước ngoài như đế vương Trung Quốc là có. Những nữ nhạc hay cung nữ ca múa này có thể xem là những “Kỹ Nữ cung đình” của chế độ quân chủ ở Việt Nam, hay nói cách khác họ chính là những Cung Kỹ. Cung Kỹ nói riêng hay các hình thái khác của Kỹ Nữ nói chung trong xã hội người Việt hoàn toàn có thể xuất hiệm sớm hơn nữa, nhưng đến nay đã không còn tư liệu để có thể khảo cứu.

2.    Kỹ Nữ thời Tiền Lê

Trong các tài liều lịch sử của nước ta sớm nhất nước ta còn lại thì những tư liệu đầu tiên có nhắc đến “Kỹ Nữ” chính là dưới thời Tiền Lê. Cụ thể là vào năm 982, sau cuộc kháng chiến chống Tống thành công thì đích thân hoàng đế Lê Đại Hành đã thân chinh tiến đánh Chiêm Thành để trả thù việc sứ giả của Đại Cồ Việt bị vua Chiêm bắt. Sách Đại Việt Sử Lược viết vào thời Trần có đoạn như sau:

“Vua sai bọn Từ Mục đi sứ Chiêm Thành bị bắt giữ. Vua giận giữ, tự làm tướng đi dẹp Chiêm Thành chém được vua nó là Phê Mi Thuế ở trước trận, bắt tù vô kể, bắt được vài trăm Ca Kỹ trong cung, lấy những vật quý, vàng bạc, của báu kể có hàng vạn, diệt thành trì hủy tông miếu Chiêm Thành. Năm đó vua về Kinh”

Các sách sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Việt Sử Tiêu Tán, Khâm Định Sử Thông Giám Cương Mục cũng ghi nội dung tương tự chỉ khác nhau về khái niệm như :Cung Nữ, Kỹ Nữ, Ca Kỹ... mà thôi. Cụ thể như sau

ĐVSKTT và VSTT đại ý đều ghi là: bắt được 100 Kỹ Nữ.

KĐSTGCM ghi là: bắt được 100 người Cung Nữ.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy trong các tài liệu sử của Việt Nam? Như đã nói với các bạn ở phần trước thì tất cả những khái niệm Cung Nữ, Kỹ Nữ hay Ca Kỹ được nhắc đến ở đây đều chính là nói đến một đối tượng đó chính là lực lượng Cung Kỹ hay nói cách khác chính là những Kỹ Nữ ca múa trong cung đình.

Như vậy có thấy rằng dưới thời Tiền Lê đã có lực lượng Cung Kỹ (Kỹ Nữ phục vụ trong cung đình) và Gia Kỹ (Kỹ Nữ phục vụ trong các gia đình quyền quý). Qua đây chúng ta cũng có thể thấy được một điều nữa đó là việc Lê Đại Hành thân chinh đánh Chiêm Thành và bắt về rất nhiều Cung Kỹ người Chiêm đã mở ra một “lạc thú” mới của giới vua, chúa, quý tộc từ thời Tiền Lê về sau đó là: xem những điệu ca múa của người Chiêm, nạp thê thiếp người Chiêm và bắt nữ nô lệ người Chiêm làm Cung Kỹ và Gia Kỹ phục vụ.

Một sự việc nữa khiến cho nhiều người băn khoăn đó chính là việc, có hay không chuyện Lê Hoàn nạp phi tần người Chiêm Thành? Mẹ của Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh được sử sách nhắc đến với một cái tên khá mơ hồ là “hầu di nữ” (ĐVSL) hay “chi hậu diệu nữ” (ĐVSKTT). Vậy “hầu di nữ” đây có nghĩa là gì? Theo mình nghĩ là “hầu gái người Di”. Mà đối với người Việt thì người Chiêm cũng được gọi là người Di với hàm ý khinh miệt, thêm một điều thú vị nữa là Lê Long Việt sinh năm 983, tức là một năm sau khi Lê Hoàn đánh Chiêm Thành về. Nếu những suy đoán về thân thế của mẹ Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh là người Chiêm Thành là đúng thì đó sẽ là điều khẳng định cho “mốt” lấy người Chiêm thời đó của giới quý tộc Việt.

3.    Kinh đô Hoa Lư và sự phát triển của Kỹ Nữ

Như các bạn đã biết thì nghề Kỹ Nữ phát triển phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội. Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt thời Đinh và Tiền Lê, nói cách khác thì Hoa Lư cũng chính là trung tâm về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, vậy nên sự phát triển của kinh thành Hoa Lư sẽ ảnh hưởng không ít đến quy mô cũng như tính chất của nghề Kỹ Nữ thời Đinh và Tiền Lê.

Kinh đô Hoa Lư là một dạng kinh thành khép kín, được bao bọc bên ngoài bởi hệ thống núi đá vôi và sông ngòi. Hệ thống núi đá vôi và sông ngòi chính là lá chắn tự nhiên bảo vệ phần lớn kinh đô, tiếp sau đó là hệ thống thành ngoại bao bọc, bên trong thành ngoại sẽ là đến thành nội và cuối cùng sẽ là cung điện nhà vua ở giữa. Kinh đô Hoa Lư ngoài hệ thống cung điện và các vòng thành ra thì còn là một nơi tập trung các căn cứ thủy bộ của quân đội. Dưới thời Định và Tiền Lê các hoàng đế như Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đã nhiều lần cho diễn tập quân sự để tỏ rõ sức mạnh của mình.

 Như vậy qua đây chúng ta có thể thấy được rằng, kinh đô Hoa Lư là một “quân thành” hay nói cách khác là tương tự như một pháo đài rộng lớn hay là tương tự một lãnh địa phong kiến Châu Âu, chứ chưa phải là một dạng “thành thị” phát triển. Do những đặc điểm như vậy của thành Hoa Lư sẽ ảnh hưởng đến quy mô cũng như tính chất của nghề Kỹ Nữ. Kỹ Nữ ở Hoa Lư cũng như thời Đinh, Tiền Lê có lẽ chỉ giới hạn trong Cung Kỹ, Gia Kỹ và Ca Kỹ tự do làm nghề ca hát trong dân gian như: Cô đẩu, ca nương, ả đào... Những Kỹ Nữ bán dâm như Dục Kỹ ở lầu xanh có lẽ chưa xuất hiện ở nước Việt trong gian đoạn này, nếu có thì cũng là ở vùng biên ải, cửa biển nơi giao lưu buôn bán với thương nhân người Tống.

Link phần trước:

Phần 1(1):

Phần 1(2 - tiếp):

5b6740dda4ccfa8c7593b9062cd96ca9 (1)


Từ khóa: 

kỹ nữ

,

lịch sử