Lucky Luke của dân tộc Việt Nam?

  1. Lịch sử

Người ta bảo nước Mỹ là một nồi lẩu thập cẩm, không có văn hóa đặc trưng vì nó là hợp chủng quốc. Mình gạt đi ngay, Mỹ có văn hóa cao bồi viễn Tây, thứ không thể tìm được nơi đâu trên thế giới. Học lịch sử qua truyện tranh bao giờ cũng thấm. Nhờ Lucky Luke mình biết thêm về cuộc khai hoang tại Oklahoma, cơn sốt vàng California, bưu cục Pony Express, tờ báo Daily Star, các nhân vật lịch sử như Buffalo Bill, Calamity Jane, Billy the Kid, Jesse James...

Việt Nam mình cũng từng có một cao bồi viễn Tây là ông Trần Trọng Khiêm. Ông là dân Phú Thọ sống dưới thời nhà Nguyễn. Hồi còn trẻ vợ ông bị tên quan gian ác hiếp dâm rồi giết chết. Ông Khiêm điên máu báo thù cho vợ rồi trốn xuống Phố Hiến làm việc cho tàu nước ngoài. Một hôm tàu nhổ neo và từ đây đời ông rẽ sang trang khác.

Trọng Khiêm chu du thế giới, từ Hồng Kông tới Nhật Bản, từ Hà Lan tới Anh Quốc... Ông ngỡ ngàng khi đến thành phố New Orleans, một điểm đến của giấc mơ Mỹ. Ông tham gia đoàn đào vàng của một tay Canada tên Mark rồi tiến về California, nơi ông sống cuộc đời của một cao bồi thực thụ như Lucky Luke dưới cái tên Lê Kim. Viễn Tây Hoa Kỳ là vùng đất chết người, núi lửa, động đất, thú dữ, dân da đỏ và đặc biệt là không luật pháp, mọi thứ đều được giải quyết bằng súng đạn và giá treo cổ. 

Để tham gia đoàn người, ông Khiêm đã góp vào 200 đô la để mua lương thực và vũ khí. Nhờ tháo vát và giỏi ngoại ngữ, có thể chém gió được tiếng Hà Lan, Pháp, Tàu khựa, nên ông rất được thủ lĩnh Mark trọng dụng. Khiêm bảo biết cả tiếng Việt Nam và nước ông ngay cạnh nước Tàu.

Cao bồi Trọng Khiêm và các đồng đội phải vượt sông Nebraska, qua núi Rocky cheo leo, đi về Laramie, Salt Lake City. Họ thường xuyên đương đầu với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ để đến California tìm vàng. Sốt rét và rắn độc đã cướp đi mất quá nửa số thành viên trong đoàn.

Sau khi kiếm đủ vàng, Lucky Luke của dân tộc Việt Nam chia tay đoàn người và lên đường tới San Francisco. Chỗ này hồi thế kỷ 19 vẫn ghê gớm lắm, đầy gió bụi, du đãng và mùi thuốc súng. Trọng Khiêm túi giắt khẩu 6 phát tiến vào thị trấn hắc ám này. Nhờ giỏi ngoại ngữ nên chuyện xin việc với ông là quá đơn giản. Khiêm từ giã cuộc sống cao bồi và trở thành phóng viên tờ Daily Evening. Nhiều bài báo của ông vẫn còn được lưu giữ ở đại học California.

Ngày ông đến San Francisco được tướng Mỹ Shutter giúp đỡ, là người dựng nên thị trấn này. Shutter sau đó bị lật đổ và phát điên. Ông tướng tội nghiệp lang thang vạ vật ở các bến tàu để ăn xin, chẳng ai quan tâm chăm sóc. Tình cờ gặp được ân nhân trong tình cảnh đáng thương này, Trọng Khiêm đã cho ông 200 đô. Ông Khiêm ức chế thái độ vô cảm của người dân nơi đây, trách họ không biết uống nước nhớ nguồn như dân tộc Việt Nam.

Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn ở miền tây Hoa Kỳ, Trọng Khiêm tìm đường trở lại tổ quốc. Nhưng ông cũng đã kịp để lại nước Mỹ dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa bắn súng như một cao bồi chính hiệu và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Hoa Kỳ.

Khiêm không về Phú Thọ vì vẫn đang bị truy nã, thay vào đó ông xuống tuốt tận gần Sài Gòn để sống. 4 năm sau thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tay cao bồi ngày ấy đã dùng khả năng thiện xạ và xây thành đắp lũy của mình hồi còn lăn lộn ở viễn tây để lãnh đạo nhân dân Đồng Tháp kháng chiến. Dù thắng nhiều trận nhưng vẫn thua do hỏa lực Pháp tiên tiến hơn. Ông tuẫn tiết và để lại cuộc đời oanh liệt của mình vào 2 tác phẩm "Con đường thiên lý" và "Đổ xô tìm vàng" (NXB Dumas).

Trên mộ Trọng Khiêm có 2 câu đối:

"Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh,

Chính khí nêu cao, tinh thần Nùng Nhị còn truyền hậu thế."

----

Nếu bạn thấy hay, hãy bấm vào đây để ủng hộ Lộc: 

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfCcdauYrZq66bcZ2LR8vyYoYDllFdVpJ8sSC_MFmQHyNa7-g/viewform

Từ khóa: 

,

lịch sử

Cho em hỏi "tinh thần Nùng Nhị" là gì ạ?


Trả lời

Cho em hỏi "tinh thần Nùng Nhị" là gì ạ?


Trọng Khiêm là nhân vật thế nào vậy a?