Mẹ và những người thích lên kế hoạch

  1. Phong cách sống


Mẹ tôi là một người thích lên kế hoạch cho mọi thứ. Mẹ đã lên kế hoạch cho cuộc đời không những của riêng mẹ mà còn cho cả những người xung quanh, theo một cách nào đó. Mẹ tôi thường kể rằng ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã có những tính toán cụ thể và chi tiết nhất cho cuộc đời mình cho đến lúc chết.

Mẹ từng có một mối tình tuyệt đẹp ở tuổi mười tám đôi mươi, nhưng vì một số lý do mà mẹ cho rằng mẹ và người đó không thể đi cùng nhau đến hết cuộc đời mà mẹ tôi đã lựa chọn từ bỏ, để lựa chọn một người đàn ông chưa bao giờ biết yêu - là bố tôi, người đàn ông hiền lành, dễ mến, có chí làm ăn, gia cảnh tốt đẹp, nề nếp, dù không đẹp trai cho lắm.

Mẹ tôi dạy tôi rất nhiều thứ, từ việc nhỏ như ăn uống, nấu cơm, rửa bát cho đến những việc lớn lao như là chọn chồng, chọn công việc. Mẹ làm mọi thứ đều rất kỹ lưỡng.

Tôi không thích phải dọn nhà thường xuyên, vì nhà quá rộng, và quá nhiều đồ đạc. Mẹ tôi luôn dặn tôi mỗi ngày phải quét nhà ít nhất 2 lần, thấy một sợi tóc còn dính lại dưới sàn thì sẽ phải quét lại từ đầu để nhà luôn được sạch sẽ. Tôi ít khi làm được. Nhưng mẹ tôi vẫn dặn dò liên tục và sẽ tự đi quét nhà nếu tôi đã quét hai lần mà mẹ tôi chưa ưng.

Mẹ dành riêng cho tôi một căn phòng nhỏ, nhưng không muốn tôi làm bất cứ thứ gì trong căn phòng đó, chẳng hạn như dán mấy mảnh decan hoa lá lên tường, vì mẹ tôi cho rằng làm như vậy sẽ hỏng tường nhà tôi. Mọi thứ nên để nguyên như cũ, hoặc nếu có thay đổi thì đó phải là khi mẹ muốn.

Mẹ dạy tôi, là con gái thì cần tính toán kỹ lưỡng cho cuộc đời mình, và bước quan trọng nhất trong kế hoạch đó là chọn chồng. Người chồng lý tưởng (trong mắt mẹ tôi) không cần phải là người yêu mình hay mình yêu tha thiết, chỉ cần là một người bình thường, được những người xung quanh cho là tốt, có đầy đủ các điều kiện để chăm lo cho mình đến suốt đời, vậy là đủ.

Nếu tôi không đáp ứng được những yêu cầu đó, mẹ tôi sẽ cảm thấy xấu hổ và mất mặt với những người xung quanh.

Mẹ dạy tôi rất nhiều, nhưng có một điều mẹ chưa bao giờ nói với tôi, rằng tôi cần biết tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

Bố mẹ tôi đã luôn cho rằng họ hạnh phúc cho đến bây giờ, một vài thứ trong kế hoạch dường như đã đi chệch khỏi hệ thống.

Khoảng thời gian gần đây, tôi đã nhiều lần cố gắng để có được sự kết nối với gia đình, nhưng dường như mọi suy nghĩ và hành động của mẹ tôi đều đi ngược và chặn đứng lại mọi nỗ lực đó. Tôi trong con mắt của mẹ tôi hiện tại là đứa con gái ngỗ ngược, không chịu nghe lời và không biết suy nghĩ cho cha mẹ. Tôi hiểu rằng mẹ tôi đang lo lắng vô cùng vì nếu tôi tách mình ra khỏi kế hoạch của mẹ, đó sẽ là bàn đạp để các em tôi cũng làm như vậy, thì mọi cố gắng xây dựng một cuộc đời hoàn hảo của mẹ coi như sẽ đổ bể hết. Mẹ và những người xung quanh còn cho rằng, cho con cái đi học là một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc đời, vì nó đi ra ngoài nó sẽ học cái này cái kia, rồi nó nghe lời người khác, chứ không nghe lời bố mẹ nữa.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Mẹ và những người giống như mẹ ở xung quanh tôi ghim vào đầu tôi một cái ràng buộc đạo đức phải trở thành đứa con hiếu thảo bằng cách nghe theo mọi sự sắp đặt của cha mẹ. Tôi cảm thấy điều đó có vẻ đúng. Nhưng đồng thời tôi cũng lại thấy nó không đúng. Và cũng không biết cảm giác không đúng đó của mình xuất phát từ đâu, liệu nó có đúng hay không, nó có khiến tôi trở thành đứa con bất hiếu hay không. Quan trọng nhất, là sau này khi có con, liệu tôi sẽ bắt nó phải nghe lời tôi, bởi tôi đã sinh ra nó, trao cho nó sự sống và có toàn quyền quyết định cuộc sống của nó như mẹ tôi đã làm?

Dạo trước tôi có xem một bộ phim Việt, kể về một cô gái thích lên kế hoạch cho cuộc đời mình, giống như mẹ tôi vậy, cô dường như biết chính xác khi nào cô sẽ có người yêu, khi nào cưới chồng, khi nào sinh con, chồng cô sẽ là người như thế nào, và cô có rất nhiều kế hoạch, nhiều phương án để mọi thứ xung quanh diễn ra y hệt theo những gì cô mong muốn. Chính những ghen tuông, hờn giận, nghi ngờ và hiểu lầm bắt đầu từ đó khi người chồng của cô cảm thấy quá ngột ngạt vì bị kiểm soát. Anh cảm thấy mất tự do, cảm thấy bị xiềng xích. Cuối cùng, tình yêu vị kỷ của cô gái đã khiến cô mất tất cả, khi nhận ra thì cũng đã quá muộn.

Có lẽ ngày nay người ta trầm cảm nhiều vậy một phần cũng là do họ phải diễn quá nhiều vai. Điều đó khiến họ kiệt sức. Còn những người tưởng là mình đang yêu thương, quan tâm cho người khác thì nghĩ mãi vẫn không thể hiểu được tại sao điều đó lại có thể xảy ra, tại sao lại có những kẻ ngu ngốc, vô ơn đến mức tìm đến cái chết để ép người còn sống phải chịu dằn vặt...

Càng ngày tôi càng nhận ra rằng chúng ta không bao giờ có thể thay đổi một người, trừ khi người đó thực sự muốn thay đổi. Không ai thực sự thay đổi bản thân vì người khác, không ai thực sự làm điều họ không muốn chỉ để làm hài lòng người khác. Họ có thể thỏa hiệp bên ngoài, nhưng vẫn luôn ra sức chống cự bên trong.

Tôi không trách mẹ tôi, bởi mẹ chỉ làm những gì mẹ cho là tốt nhất. Nhưng tôi có thể làm điều gì đó cho bản thân tôi, và (có thể là) những đứa con của tôi sau này. Hãy sống cho tốt cuộc đời của mình, đừng sống hộ cuộc đời của bất kỳ ai, cũng đừng bắt ai chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.

Kim

Từ khóa: 

cuộc sống

,

cuộc đời

,

kế hoạch

,

phong cách sống