Mình đã trở thành một TEAM LEADER như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

Bạn đã bao giờ trở thành một team leader chưa? Bạn cảm thấy như thế nào khi ở vị trí đó? Theo bạn, điều gì là quan trọng nhất đối với một team leader? Làm thế nào để trở thành một team leader tốt?

Có thể đó là một trong số rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi bạn thực sự muốn trở thành một team leader. Bài viết này mình muốn chia sẻ với bạn những trải nghiệm thú vị của mình và những bài học được rút ra khi lần đầu tiên mình trở thành một team leader của một đội nhóm khá đặc biệt: nhóm học tiếng Anh online. 

iStock-529840739_b2a8ti

Mình đã trở thành một team leader như thế nào? 

Kể ra thì cũng khá buồn cười vì “chức vị” này không phải do được bầu bán mà là do mình tự nhận. Nhớ ngày đầu tiên khi bắt đầu xây dựng nhóm học tiếng Anh online, theo đề nghị của bạn coach,  ngoài lịch học chung với lớp vào các buổi sáng dưới sự hướng dẫn của coach, chúng mình sẽ tự học theo nhóm với nhau. Vì vậy, lớp cần chia ra làm 2 nhóm nhỏ với số lượng vừa phải (7 thành viên/nhóm) để giúp cho việc học, sự tương tác giữa các thành viên được tốt hơn và mỗi nhóm sẽ cần bầu ra một bạn nhóm trưởng – người có trách nhiệm dẫn dắt đội nhóm, theo dõi tình hình học của mỗi thành viên và báo cáo việc học của nhóm. Ngay sau khi nhóm được hình thành, trong khi chưa ai nhận làm nhóm trưởng, mình đã không ngần ngại xung phong lãnh nhiệm vụ này. Điều này khá khác với tính cách của mình – vốn là một người hướng nội, không thích thể hiện, nổi bật giữa đám đông và chưa nói đến có phần khá tự ti về bản thân, sợ người khác nhận xét không tốt về mình (kiểu như sao tinh vi thế, sao vô duyên thế, tự nhận liệu có làm được không…bla..bla…). Hì, thực ra lý do mình dũng cảm vậy chỉ vì suy nghĩ vụt lên trong đầu là “Mình là đứa cả thèm chóng chán, hay hừng hực khí thế ban đầu, xong lại đầu voi đuôi chuột, thiếu sự kiên nhẫn…thế nên xung phong làm nhóm trưởng là cách để đưa mình vào “khuôn khổ”, “trật tự”, “lề lối” để mình không được bỏ cuộc. Và thật may mắn khi sự dũng cảm đó của mình được các bạn trong nhóm rất happy đón nhận và ủng hộ nhiệt liệt. Đến nay khi đã gần đi hết chặng đường học tiếng Anh 1 năm cùng với những người bạn từ Bắc chí Nam, mình đã có được một khoảng thời gian thật thú vị, ý nghĩa khi đứng trên vai trò là một team leader.

Đó là một khoảng thời gian đã giúp mình hiểu được rằng để có thể trở thành một người leader tốt, người có thể dẫn dắt, truyền cảm hứng, kết nối các thành viên trong đội nhóm của mình bạn sẽ cần phải hội tụ nhiều điều kiện, yếu tố từ kiến thức, kỹ năng cho đến thái độ và điều quan trọng mà mình nhận thấy đó là sự “lãnh đạo từ bên trong” (sự dẫn dắt người khác từ chính con người bạn) chứ không phải là sự “lãnh đạo từ bên ngoài” theo phương thức mệnh lệnh, quyền lực, sự áp đặt khiến người khác phải tuân thủ.

Vậy làm thế nào để bạn có thể có được “sự lãnh đạo từ bên trong” và đâu là những phẩm chất, kỹ năng cần có của một team leader? Dưới đây là bí quyết/quan điểm cá nhân của mình, xin được chia sẻ cùng các bạn. 

Những phẩm chất, năng lực cần của của một team leader

Inlea-Good-leader-03-e1568657879181

Lãnh đạo bằng TÂM

Lâu nay, nhiều người thường nói nếu bạn thực sự muốn trở thành một người quản lý, lãnh đạo tốt, bạn cần có tâm và có tài. Mình nghĩ điều này khá đúng khi bạn là một team leader. Điều đầu tiên bạn cần có là một “cái tâm” trong sáng, không vị kỷ, là người luôn phải biết “mình vì mọi người”, không đặt quyền lợi, lợi ích cá nhân lên trên người khác. Muốn làm được điều này, trước hết bạn cần hiểu rằng “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người” (Khuyến học – Fukuzawa Yukichi). Điều đó có nghĩa là cho dù bạn có là người đứng đầu, người quản lý, lãnh đạo trong đội nhóm bạn luôn cần xác lập một mối quan hệ bình đẳng, dân chủ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt, rèn luyện tính khiêm nhường, khoan dung với các thành viên trong đội nhóm.

Lâu nay mình quan sát thấy nhiều người khi đứng ở vị thế hơn người khác thường nghiễm nhiên cho rằng mình có quyền hành sai khiến, áp đặt, ra lệnh cho người khác và cao hơn người khác. Đó là một sai lầm bởi như thế họ chỉ có thể có được những mối quan hệ hời hợt, xu nịnh, không thật tâm dù họ có thể sai khiến được người khác nhưng đổi lại họ sẽ nhận được những lời nói xấu sau lưng, những uất ức, căm hận. Mặt khác sự lãnh đạo bằng mệnh lệnh, quyền uy sẽ tạo ra môi trường áp chế, căng thẳng, sự kiểm soát  nghiêm ngặt khiến người khác bị giết chết tính sáng tạo và khả năng đóng góp, cống hiến. Bản thân mình cực ghét khi phải làm việc với những người lãnh đạo như vậy. Chính vì vậy, mình cho rằng muốn lãnh đạo từ bên trong trước hết bạn phải là người có sự tôn trọng, khoan dung với người khác, hài hòa lợi ích, có sự linh hoạt, mềm dẻo, biết khơi dậy tiềm năng của người khác trên tinh thần lắng nghe và ghi nhận.

Ví dụ khi là team leader của đội nhóm, là người nhiều tuổi trong nhóm, là giảng viên đại học cùng với nhiều bạn còn rất trẻ, kém mình đến hơn chục tuổi nhưng trong bất kì cuộc thảo luận nào mình cũng luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến, quan điểm của các bạn. Không chỉ lắng nghe trên lớp học mà trong không gian ngoài lớp học mình luôn lắng nghe những suy nghĩ, băn khoăn, khúc mắc của các bạn. Có nhiều bạn trong quá trình học đôi khi bị down mood, không tập trung hoặc gặp vấn đề gì đó về gia đình, công việc, mình luôn luôn là người hỏi thăm, động viên, khích lệ để bạn có thể vượt qua và trở lại với nhóm, lớp, duy trì động lực và việc học cho chính mình. Chúng mình đã cùng cảm thông, thấu hiểu nhau để cùng nhau đi trên con đường học tập đầy gian nan, thử thách nhưng cũng không ít niềm vui để đến hôm nay khi đã gần kết thúc chặng đường chúng mình càng nhận ra được hạnh phúc của sự học và cả những bài học có được. 

Lãnh đạo có TẦM 

Là một người dẫn dắt đội nhóm tất nhiên bạn phải là người đưa ra được tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu phát triển của nhóm. Chính vì vậy, bạn cần phải là người có kiến thức, sự am hiểu, có khả năng phân tích, xử lý vấn đề, nắm bắt tình hình, cơ hội thúc đẩy đội nhóm đi đúng hướng. Bạn hình dung bạn giống như người thuyền trưởng chèo lái con thuyền, nếu bạn xác định và lựa chọn con đường đi đúng con thuyền của bạn sẽ đến đích một cách nhanh chóng và dễ dàng. Còn ngược lại bạn thiếu sự nhạy bén, lựa chọn sai sẽ khiến con thuyền của bạn chao đảo giữa một không gian bao la, rộng lớn. Cũng giống như việc học tiếng Anh của nhóm mình, giữa một “biển” tài liệu và phương pháp học khác nhau chúng mình cần lựa chọn nên sử dụng tài liệu, cách thức học, thiết lập kế hoạch, lịch học như thế nào cho phù hợp với không gian, thời gian học của tất cả các thành viên trong nhóm. Là một team leader chắc chắn đôi khi bạn sẽ đứng trước nhiều lựa chọn, nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, trái chiều của các thành viên. Khi đó bạn sẽ cần là người kiên quyết, nhìn ra được điều gì nên và không nên. Muốn vậy bạn cần có sự hiểu biết, kiến thức vững vàng, khả năng nắm bắt vấn đề, sự nhạy bén để có thể đưa ra sự lựa chọn sáng suốt và thuyết phục được các thành viên khác tin tưởng và nghe theo. 

thought-leader-15904017295341179960595

Kỹ năng Quản trị bản thân

Bạn muốn trở thành người dẫn dắt đội nhóm tốt bạn phải là người có khả năng quản trị bản thân tốt, là tấm gương lan tỏa những điều tích cực cho các thành viên trong nhóm. Muốn vậy bạn cần phải hội tụ những năng lực, phẩm chất cần thiết, như:  bạn cần nuôi dưỡng cho mình một nhân sinh quan tích cực (tính cách mạnh mẽ, không sợ khó khăn, gian khổ, có ý chí…); khắc phục những thói hư tật xấu, thiết lập thói quen lành mạnh, giữ bản thân ở trạng thái cơ thể tốt, tinh thần khỏe mạnh (thông qua việc duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày, ăn uống lành mạnh); rèn luyện sự kiên trì, bền bỉ, tính kỷ luật; lựa chọn môi trường giao lưu, tiếp xúc; lựa chọn và tiếp nhận nguồn thông tin chính thống, tích cực từ nhiều nguồn khác nhau: sách vở, mạng xã hội…; ngừng so sánh với người khác; không xem mình là nạn nhân, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, thay vào đó hãy suy nghĩ nhiều hơn đến giải pháp để chuyển đổi hoàn cảnh đó...để có thể là người gây ảnh hưởng, lôi cuốn,kích thích tinh thần và ý chí của các thành viên trong đội nhóm. 

Trở thành người kết nối các thành viên trong đội nhóm

Đội nhóm là tập hợp của rất nhiều người với tính cách, sở trường, sở đoản, thế mạnh, thế yếu…khác nhau. Chính vì vậy, khi là một team leader bạn cần là người đứng ra kết nối, tạo sự liên kết, gắn bó cho các thành viên trong đội nhóm. Mình đã rất may mắn khi lãnh một đội nhóm mà dù bao gồm các bạn từ rất nhiều các vùng miền khác nhau, ở những lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung một mong muốn là học tập và nâng cao tiếng Anh. Thế nên ngay từ đầu các bạn đã rất có ý thức cho việc học và chúng mình đã cùng nhau xây dựng nên một nội quy, quy chế cho nhóm/lớp học và được mọi người ý thức thực hiện. Điều may mắn hơn nữa là việc học của chúng mình được duy trì đều đặn hàng ngày vào mỗi buổi sáng. Thời gian chúng mình gặp nhau thường xuyên, các thành viên đều cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, hướng đến sự hài hòa lợi ích và biết đặt “cái tôi” của mỗi người sang một bên, vì vậy nên việc kết nối trong nhóm có được khá nhiều thuận lợi. Cho đến nay khi đã gần kết thúc chặng đường học chúng mình vẫn học cùng nhau và có nhiều dự định cho những kế hoạch tiếp theo đó. 

leaders

Trở thành người truyền cảm hứng cho các thành viên đội nhóm

Khi trở thành một team leader mình càng hiểu hơn thế nào là một người truyền cảm hứng. Tất nhiên, việc học, động cơ học là của mỗi người nhưng người dẫn dắt cũng có vai trò cũng cực kỳ quan trọng. Bạn thử hình dung nếu bạn xuất hiện với gương mặt uể oải, tinh thần mệt mỏi và chán chường thì chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng đến tinh thần chung của cả nhóm. Do đó, khi bạn là một team leader, bạn cần là người truyền được niềm hứng thú cho các thành viên trong đội nhóm qua tinh thần và ý chí, nghị lực, qua trạng thái cơ thể của bạn. Muốn vậy bạn luôn phải là người trau dồi bản thân, có ý chí mạnh mẽ, tinh thần, thái độ sống tích cực, sự kiên trì, bền bỉ và nỗ lực phấn đấu. Không ai khác bạn chính là người sẽ truyền được nguồn cảm hứng, khơi gợi niềm say mê học tập, tinh thần làm việc hết mình cho các thành viên trong đội nhóm. Khi làm team leader mình không chỉ là người điều phối các hoạt động của nhóm mà bản thân mình còn luôn phải là người có nguồn năng lượng tích cực, luôn hòa đồng, vui vẻ và lạc quan trước mọi tình huống. Nhờ có tinh thần đó mà đội nhóm của mình đã luôn truyền niềm cảm hứng cho nhau, cùng nhau duy trì việc học và bước đầu đã đạt được những “hoa thơm trái ngọt” trong việc học tiếng Anh cũng như những bài học quý báu cho hành trình rèn luyện và phát triển bản thân. 

Có thể nói, trong một đội nhóm phong cách, lối sống của team leader là một trong những chìa khóa quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng của các thành viên trong đó. Khi bạn là một team leader bạn có thể sẽ trở thành người tạo động lực, kích thích sự sáng tạo, chia sẻ, cống hiến, nỗ lực không ngừng của các thành viên, tạo nên sự đoàn kết thống nhất thúc đẩy sự phát triển của một tổ chức. Nhưng cũng có thể bạn là một “hòn đá nặng” ngăn cản, “giết chết” tinh thần, sự sáng tạo, niềm tin của người khác nếu bạn giữ một phong cách lãnh đạo mệnh lệnh, độc đoán. Điều đó tùy thuộc vào bạn. Còn mình, quá trình trải nghiệm và thử sức với vai trò của một team leader đã cho mình nhiều bài học quý giá về việc xây dựng và phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng giao tiếp – hợp tác, kỹ năng thảo luận, tư duy phản biện… giúp mình trưởng thành và tự tin hơn. Niềm vui lớn nhất của mình là sự sự ghi nhận của các thành viên trong nhóm, những feedback đầy cảm phục từ những người bạn của mình. Với mình đó là món quà lớn nhất mà mình đã có được. 

Cảm ơn các bạn vì đã đọc bài viết chia sẻ của mình! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Mình cũng từng làm team leader nên mình rất hiểu team lead cần nhiều thứ hơn nhiều so với mình nghĩ. Đôi lúc cũng khó xử mà không biết phải làm thế nào

Trả lời

Mình cũng từng làm team leader nên mình rất hiểu team lead cần nhiều thứ hơn nhiều so với mình nghĩ. Đôi lúc cũng khó xử mà không biết phải làm thế nào

Cảm ơn chia sẻ của chị

Ngưỡng mộ chị quá ạ!

Đọc xong bài viết này mới thấy là người giỏi nhất chưa hẳn đã là team leader giỏi

Nhưng làm leader nhiều khi cũng mệt phết

Cảm ơn những chia sẻ của chị ạ!

Thốn nhất với team leader chắc là bỏ ra bao nhiêu công sức, nhưng cuối cùng lại chẳng được ghi nhận

Mình đã từng là 1 leader, mặc dù chỉ là trong 1 team nhỏ thôi nhưng mình hiểu được tầm quan trọng của nó như thế nào.

Làm leader như làm anh cả vậy, hơi khó :((

Mình chưa từng được làm leader, vì cảm thấy nó quá khó đối với mình :((