“Mua trước, trả sau” - người mua thực ra có phải trả thêm tiền lãi hay các chi phí ẩn khác, giống như “Trả góp lãi suất 0%” không?

  1. Đầu tư & Tài chính

Mình thấy có một mô hình khá nổi gần đây là BNPL (Buy now pay later), nghe quảng cáo là người mua có thể mua món đồ mình cần và sau đó trả dần theo kỳ hạn mà không phải trả tiền lãi. Nó có giống với kiểu “Mua trả góp lãi suất0%” không nhỉ ? Trong khi thực tế thì với kiểu “Mua trả góp lãi suất 0%”, người mua có thể đang phải trả với mức giá cao hơn bình thường một chút. Ví dụ, cùng mua chiếc điện thoại giá 15 triệu nhưng nếu ai trả hết thì được tặng quà trị giá 01 triệu; trả góp 0% thì không nhận được quà nữa. Hay điện thoại trả thẳng giá 15 triệu, trả góp thì giá 15,5 triệu. Hoặc trong khi trả góp, khách sẽ phải chịu thêm các chi phí phát sinh mà không được thông báo cụ thể từ đầu. Còn hình thức BNPL có tương tự vậy không?

Từ khóa: 

đầu tư & tài chính

Mình có chia sẻ bài viết về trả góp, bạn có thể tham khảo chi tiết ở đây nha

Trả lời

Mình có chia sẻ bài viết về trả góp, bạn có thể tham khảo chi tiết ở đây nha

Để trả lời câu hỏi trực tiếp của bạn, chúng mình cần hiểu cách thức hoạt động của mô hình này là như nào đã. Bạn hình dung mô hình kinh doanh BNPl cơ bản là gồm 3 bên: người bán, công ty BNPL, người mua. Quy trình thanh toán bao gồm: 

- Người mua chọn món hàng và sử dụng hình thức thanh toán BNPL. Giả sử món hàng trị giá 100 đồng, thì bạn không cần phải trả một đồng nào cả và vẫn có thể mua hàng về. Vậy tiền ở đâu đã ứng ra cho bạn? Người bán lại đồng ý chịu chờ bạn vài tháng nữa mới thu hồi được tiền hàng hay sao?

- Câu trả lời là: công ty BNPL chính là bên đứng ra trả hộ người mua toàn bộ số tiền đó, trừ đi chi phí giao dịch, giả sử 8%. Tức , người bán nhận được 92 đồng, còn 8 đồng chính là doanh thu của công ty BNPL từ giao dịch này. Vậy tại sao người bán lại chịu mất 8 đồng cho công ty BNPL? Lý do là vì nhờ có công ty này, khách hàng có thể mua hàng kể cả khi chưa có đủ tiền, giúp kích thích được việc mua hàng của khách. Nếu khách hàng phải chờ vài tháng nữa mới đủ tiền mua thì có khi người ta quên xừ mất là mình muốn mua rồi=))) Chưa kể trong thời gian cân đo đong đếm khéo còn sang mua mất của bên đối thủ chẳng hạn, thế là mất khách!

- Từ đây công việc của tổ chức BNPL là thu lại 100 đồng từ người mua. 100 đồng này sẽ được chia thành các kỳ thanh toán ngắn (và ngắn hơn so với các kỳ trả góp, trả qua thẻ tín dụng thông thường). Người mua chỉ phải trả thêm phí nếu thanh toán trễ kỳ hạn.

Ngoài ra trên mỗi giao dịch, các công ty BNPL còn chịu một số chi phí như chi phí nền tảng và chi phí vay (nếu công ty đi vay một bên khác để có tiền trả cho người bán).  

Như vậy, doanh thu của các công ty BNPL đến từ hai nguồn: 1 là hoa hồng từ người bán, 2 là từ tiền phạt nếu khách hàng thanh toán chậm. Vậy thì trả lời câu hỏi của bạn, do doanh thu chủ yếu từ người bán nên người mua không phải trả tiền lãi khi sử dụng hình thức mua hàng này.

Đây cũng chính là điểm khác biệt của mô hình BNPL với các mô hình trả góp. Mô hình trả góp cũng bao gồm 3 bên: người bán, tổ chức tài chính, người mua. Tuy nhiên, doanh thu của các tổ chức tài chính đến từ tiền lãi suất mà người mua phải trả. Một số chương trình mặc dù được quảng cáo là "trả góp lãi suất 0%" nhưng vẫn  nhiều phụ phí như phí duy trì, phí vận hành... Tóm lại, với bất kỳ hình thức trả góp nào, dù là lãi suất 0% thì tổng chi phí mà bạn cần phải trả cũng sẽ cao hơn mức giá gốc ban đầu.

Như vậy, thật ra mô hình kinh doanh BNPl với mô hình trả góp thì không phải là có quá nhiều khác biệt, chỉ là chuyển từ chi phí của người này sang người khác. Nhưng điều khác biệt làm cho mô hình này ngày càng phổ biến và được ưa chuộng hơn là nhờ sự vận hành dựa trên nền tảng công nghệ mới, giúp quá trình xử lý các khoản tài trợ nhanh chóng và siêu đơn giản, không cần đến giấy tờ, thủ tục cầu kỳ như trả góp. Trong khi đó, ngày nay người ta càng ngày càng ưa chuộng những hình thức nhanh gọn, thuận tiện, thao tác dễ dàng ngay trên điện thoại. Ngoài ra, khoản phí phạt nếu thanh toán chậm cũng thường thấp hơn so với trả góp nữa.

Đây là những gì mình hiểu về BNPL, cũng mới chỉ ở mức sơ sơ thôi, mời mọi người cùng đọc và góp ý để mình mở mang thêm nhé!

Sự khác biệt dễ nhìn thấy nhất của Mua trước trả sau (BNPL) là Người dùng không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào ngoài giá trị đơn hàng đã mua. Để làm được điều này thì các nhà cung cấp BNPL sẽ thu phí giao dịch của Nhà bán hàng thay vì thu của Người mua nên người mua không cần trả phí nào nữa. Tùy nhà cung cấp thì sẽ có chính sách phí phạt nếu bạn thanh toán trễ hẹn (tương tự nợ chậm trả ngân hàng/thẻ tín dụng)
Còn đối với trả góp thì thường Người mua sẽ phải gánh khoản phí này. Tuy nhiên cũng có trường hợp Người bán được yêu cầu san sẻ hoặc chịu chi phí này. Ví dụ của bạn đưa ra dễ bắt gặp là khi bạn sử dụng thẻ để thanh toán thì người bán sẽ phải chịu 1%-2,5% phí giao dịch tùy loại thẻ. Vậy nên bạn có thể nhận được quà từ Người bán nếu họ không mất phí giao dịch hoặc Quà từ đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán (thẻ credit, ví điện tử,...) nếu họ thu được phí giao dịch.