[Ngày này năm xưa] Vua Lý Thánh Tông người khai sinh nước Đại Việt

  1. Lịch sử

Lý Thánh Tông (1023-1072) tên thật là Lý Nhật Tôn, là con trưởng của vua Lý Thái Tông. Năm 1028, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông sách phong Lý Nhật Tôn làm Thái tử. Khi Lý Thái Tông băng hà, ông lên nối ngôi Hoàng đế, trị vì đất nước 17 năm (1054 – 1072).

maxresdefault


Khi Lý Thánh Tông lên ngôi, ông đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt với ý nghĩa là nước ta là một nước lớn, ngang xứng với các nước phương Bắc. Ông là vị vua sáng, có tinh thần tự lập, tự cường, đặt quốc hiệu Đại Việt với mong ước xây dựng một nước Việt hùng mạnh. Lý Thánh Tông được sử cũ mô tả là một hoàng đế nhân đức. Đại Việt sử lược ghi lại, trong mùa đông năm 1055, Thánh Tông từng nói với các quan hầu cận: "Trẫm ở chốn thâm cung, thân sưởi lò than, mặc áo hồ cừu mà còn thấy lạnh thế này, huống hồ những kẻ bị giam trong ngục thất, xiềng xích khổ đau, ngay gian chưa định, bụng không cơm no, thân không áo ấm, một khi gặp cơn gió lạnh thổi há chẳng bị chết rét ư? Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

Năm 1070, nhận rõ vai trò quan trọng của Nho giáo đối với việc củng cố và xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu. Sự kiện này đánh dấu sự gia nhập của Nho giáo vào đời sống chính trị, xã hội dưới thời Lý. Ông còn rất chú trọng sản xuất nông nghiệp. Tháng 10 âm lịch năm 1056, nhà vua ban bố Chiếu khuyến nông. Ông cũng đi đến nhiều nơi để xem nông dân gặt lúa. Khi sản xuất gặp khó khăn, nhà vua đem tiền, thóc và lụa trong kho phát cho dân nghèo.  

Sau khi lên ngôi ông tập trung củng cố, chỉnh đốn quân ngũ để giữ yên bờ cõi, chống lại sự đe doạ và xâm lược của các thế lực bên ngoài. Từ năm 1000 sau công nguyên, Chiêm Thành bước vào giai đoạn thống nhất, rộng lớn và mạnh hơn, đã nhiều lần đem quân cướp phá biên giới Đại Việt. Trước những hành động quấy nhiễu biên giới Đại Việt của Chiêm Thành, vua Lý Thánh Tông đã nắm được tình hình, cuối năm 1068 ông xuống chiếu đóng mới và sửa nhiều chiến thuyền để chuẩn bị đánh giặc. Cuộc “bình Chiêm” của vua Lý Thánh Tông diễn ra không dễ dàng và suôn sẻ bởi lực lượng quân Chiêm Thành lớn mạnh. Tuy nhiên, nhờ có hậu phương vững vàng, lòng quân dân đoàn kết mà quan quân Đại Việt đã đánh tan quân Chiêm, chiếm kinh đô của Chiêm Thành. Chiến thắng Chiêm Thành đã giúp đất nước Đại Việt mở rộng lãnh thổ, ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra tiếp xúc được văn hoá Việt - Chăm, tạo nên sự phong phú và đa dạng trong nền văn hoá Đại Việt đồng thời để lại dấu ấn rộng lớn của văn hoá Chăm trong Kinh thành Thăng Long.

Trong lịch sử Việt Nam ông là vị vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người ở xa, an ủi người gần, hậu lễ dưỡng liêm, tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong, phía Nam bình Chiêm, phía Bắc đánh Tống, uy vũ hiển hách bên ngoài. Lý Thánh Tông được đánh giá là bậc vua hiền. Ông mất ngày 1 tháng 2 năm 1072, thọ 50 tuổi.

Từ khóa: 

ngày này năm xưa

,

lịch sử