Ngôn ngữ là âm nhạc của chúng ta - Phần 3: Học ngôn ngữ là học về con người

  1. Nghệ thuật

  2. Giáo dục

  3. Ngoại ngữ

Mới gần đây tôi có dịp được trao đổi với một người bạn nhiệt huyết hoạt động trong ngành âm nhạc,tôi đã được truyền cảm hứng cũng như những kích thích suy nghĩ để viết bài này. Bài viết, một lần nữa, là những quan sát và phân tích cá nhân về khía cạnh âm nhạc ở trong ngôn ngữ, thật ra đồng thời cũng là những suy tư đặc thù của ngành âm nhạc nói riêng. Song, tôi cũng muốn người đọc lưu ý nội dung này không tập trung vào kỹ thuật sư phạm hay đánh giá và phân tích vấn đề học sinh như hai bài trước. Hãy để tôi bắt đầu với tiền đề sau:

https://cdn.noron.vn/2021/02/12/73493199705958321-1613116606_1024.png

Khi luyện phát âm, cách tiếp cận thông thường là tấn công trực diện vào mặt kỹ thuật như khẩu hình, cách đẩy hơi, v.v. ngay từ đầu. Khi đã đảm bảo học sinh đã thuần thục kỹ năng và kiến thức phát âm chính xác từng âm vị thì mới bắt đầu đi vào việc hình thành ngữ điệu (intonation) và đưa vào những vận dụng thực tế hơn. Nếu ví von với việc học nhạc cụ hay học hát, đấy là việc một học viên học các kỹ thuật để đàn/hát được một tác phẩm ngay từ đầu. Không thể phủ định tính hiệu quả của phương pháp này bởi:

(1) Đa phần lỗi phát âm đều có thể dễ dàng truy về các đặc điểm sinh lý học/ngôn ngữ (thứ nhất) của học sinh như thói quen di chuyển cơ miệng, khẩu hình miệng, độ linh hoạt của cơ lưỡi, v.v. ảnh hưởng đến việc thực hành và luyện tập một ngôn ngữ mới/thứ hai như thế nào. Từ đó cũng xác định được vấn đề cần phải xử lý.

(2) Những đơn vị thông tin căn bản này sẽ góp phần xây dựng nền tảng để học sinh có thể định danh và xác định được cấu trúc của các chủ thể ngôn ngữ/âm nhạc.

https://cdn.noron.vn/2021/02/12/73493199705958322-1613116776_1024.png

Ở đây hãy quy về điểm xuất hiện của trường phái ngôn ngữ học cấu trúc - Structural Linguistics được phát triển và bồi tụ từ những công trình nghiên cứu cuối thế kỉ 19. Việc coi ngôn ngữ như là một hệ thống các cấu trúc liên quan với nhau đã tạo ra những nấc thang mới trên hành trình mà loài người tìm hiểu về chính họ. Sự đa dạng của ngôn ngữ bấy giờ có thể được giảm về những hệ thống quy tắc chung mà mọi cá nhân có thể tiếp cận từng khía cạnh một, từ đó thông qua sự trau dồi và rèn luyện mà đạt đến kỹ năng sử dụng một ngôn ngữ mới nhanh hơn, hiệu quả hơn, và bài bản hơn cả.

Tuy nhiên, đồng thời, phương pháp này đã vô tình bỏ qua một trong những yếu tố cốt lõi nhất của ngôn ngữ và âm nhạc - điều mà chúng ta hiển nhiên vẽ ra đường ranh giới giữa tri thức khoa học đơn thuần và nghệ thuật. Điều ở đây tôi muốn nói đến chính là ngôn từ và âm nhạc được sinh ra, tồn tại và phát triển bất chấp những bối cảnh lịch sử khác nhau bởi nó lấy con người làm trọng tâm trong tính vận động của nó. Sự tồn vong của âm nhạc và ngôn ngữ của loài người phụ thuộc vào chính sự tồn vong của giống loài thực hành nó. Việc coi kỹ thuật là yếu tố tối căn bản của ngôn ngữ đã góp phần tách biệt con người khỏi chính "tài sản tự nhiên" của họ, biến ngôn ngữ và âm nhạc trở thành những sản phẩm tư duy vô hồn - một mặt khác cũng là sự sỉ nhục nếu dán nhãn toán học hoặc các ngành khoa học tự nhiên bằng khái niệm này như cách hiểu thông thường.

Đối với tôi, tôi cho rằng trước khi thật sự có thể thực hành và sáng tạo ngôn ngữ/âm nhạc - dù không nhất thiết phải áp tính thực hành nghệ thuật vào trong đó, đều phải bắt đầu với sự cảm nhận và lắng nghe. Như cách một đứa trẻ bập bẹ nói được tiếng mẹ đẻ của mình, cũng như hát được một bài hát, đều đã trải qua một quãng thời gian lắng nghe và cảm nhận thuần túy. Điều đó cho phép một cá nhân dần dần nắm bắt và xác định được những thay đổi nhỏ bé trong các đơn vị âm thanh và đơn vị ngôn ngữ trong những lần tiếp xúc khác nhau. Học ngôn ngữ và học âm nhạc, tức là học cách hiểu và diễn đạt bản thể của mình, song song với việc nội hóa và cá nhân hóa những sản phẩm phi cá nhân ở bên ngoài. Việc một phương pháp học bỏ qua yếu tố trên sẽ dẫn đến, ngoài những hậu quả mang tính kỹ thuật:

(a) Học sinh có thể phát âm rõ ràng những âm vị không có trong ngôn ngữ thứ nhất của họ, nhưng nó chỉ là lớp vỏ kỹ thuật ở bên ngoài, thiếu đi những tầng lớp thông điệp mang tính cảm xúc, tinh thần phía sau. Ngôn ngữ của họ trở thành một tập hợp các kiểu mẫu lặp lại, đơn sắc bị chi phối bởi các quy tắc kỹ thuật. Điều này không nhất thiết ảnh hưởng đến tính hiệu quả tối thiểu trong giao tiếp, nhưng sẽ thu hẹp và che lấp những tiềm năng lớn hơn mà một chủ thể thực hành ngôn ngữ có thể đạt đến được. Một mắc khác, cũng vì tính hiệu quả tối thiểu trong giao tiếp không bị đặt vào thế nguy kịch mà người ta dễ dàng mặc định các thực hành ngôn ngữ/âm nhạc sâu sắc hơn là không cần thiết - hoặc thường nghe nhất là chỉ dành cho giới tinh hoa với các thiên phú đáng ngưỡng mộ.

(b) Việc bài bản hóa và giáo lý hóa (doctrinating) những biểu đạt cảm xúc và tinh thần dẫn sự triệt tiêu tính sáng tạo và tính cá nhân trong ngôn ngữ và âm nhạc. Tính sáng tạo bị ảnh hưởng ở chỗ học sinh/người thực hành bị đóng khung trong những quy tắc biểu đạt nhất định với mục đích tối ưu hóa sự phổ quát của ngôn ngữ. Ở mặt kia, những giá trị cảm xúc và tinh thần nào của học sinh/người thực hành không được định nghĩa một cách bài bản sẽ bị lề hóa, dẫn đến tính cá nhân của mỗi người bị thao túng và kìm kẹp từ đó chuyển dịch sang sự tuân theo một cách tiềm thức các quy chuẩn chung. Ở đây tôi muốn giải thích rõ hơn cụm "sự tuân theo một cách tiềm thức" - tức là sinh ra từ sự nội hóa và tình nguyện công nhận tính hợp lý (validity) và sự thật (factivity) của các quy chuẩn biểu đạt ngôn ngữ.

Việc luyện tập kỹ năng lắng nghe và cảm thụ (từ bên ngoài lẫn bên trong) - cũng là một cách nói khác của việc đặt con người làm trọng tâm, song song với việc trau dồi và rèn luyện tính kỹ thuật sẽ mang lại những phát triển ngôn ngữ toàn diện hơn và sáng tạo hơn cho người học. Ấy cũng là hướng đi mà Nguyên đang theo đuổi.

p/s:

1. Tôi cảm giác ngôn từ của mình trong bài này chưa được nhất quán lắm, có lẽ vì có một số điểm tôi muốn tách bạch giữa ngôn ngữ và âm nhạc, song ở một số điểm lại muốn đưa cả 2 khái niệm vào một tổng thể chung.

2. Bài viết này tôi nghĩ vẫn có thể khai thác được rất nhiều thứ khác, ví dụ ở đây tôi vẫn chưa chỉ ra rõ ràng lợi ích của việc lắng nghe và cảm thụ - dù tôi đã phần nào đề cập ở 2 bài trước cũng như thông qua việc chỉ ra điểm yếu của cái này mà suy diễn ra cái lợi của cái kia.

3. Tôi đoán bài viết sẽ dễ hiểu và dễ hình dung hơn nếu đưa ra một số ví dụ thực tiễn cho mỗi luận điểm, song cảm giác tính đậm đặc hiện tại có lẽ không nên viết nhiều hơn.

Từ khóa: 

học tiếng anh

,

giáo dục

,

ngoại ngữ

,

âm nhạc

,

con người

,

nghệ thuật

,

giáo dục

,

ngoại ngữ

Mình đồng ý với Nguyên là muốn nói thì cần biết cách nghe.

Trả lời

Mình đồng ý với Nguyên là muốn nói thì cần biết cách nghe.