Những câu đối bất hủ trong văn học sử nước nhà

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

Những câu đối bất hủ trong văn học sử nước nhà

Biên Soạn & Hiệu đính: NNC. Nguyễn Quang Vinh

Wednesday, 4th February 2009 

Có những giai thoại ứng đối giữa một số nhân vật lịch sử đã lưu lại những cặp đối bất hủ trong Văn học sử nước nhà.

Tôi không nhớ nhiều lắm những giai thoại này nhưng có một số câu đối mà theo thiển kiến của cá nhân tôi là hay trong văn học sử VN. 

Trước hết là giai thoại Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Tàu

Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) người thấp bé, được xem là người có dị tướng lúc bấy giờ nhưng nỗi tiếng thông minh tuyệt thế, thi đỗ Trạng nguyên thời vua Trần Anh Tông. Khi đi sứ Trung quốc, ông đã dùng tài năng và trí thông minh của mình làm cho vua quan dân triều đình nhà Nguyên phải thán phục, vua Nguyên phong cho ông là Lưỡng quốc trạng nguyên

Quá trình ứng đối của ông Mạc Đĩnh Chi lưu lại trong VHS Việt nam hai cặp đối tuyệt hay :

1- Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối

Cặp đối 1 :

Năm 1308 Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, do trời mưa làm trở ngại đường đi nên đến cửa khẩu sai hẹn, quân canh gác đóng cửa buộc phải chờ sáng hôm sau mới được qua ải. Thấy sứ bộ Đại Việt cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh cửa ải thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thử thách sứ bộ Đại Việt nếu đối được thì họ sẽ mở cửa. Câu đối có nội dung như sau:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

(nghĩa là: Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua ải), vế đối có 3 chữ quá và 4 chữ quan

Mạc Đĩnh Chi bèn đối lại ngay :

Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối

(nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước).

Vế đối của ông có 4 chữ đối và 3 chữ tiên, đúng với yêu cầu câu đối của viên quan ấy. Viên quan canh cửa phải bái phục tài đối của ông và liền mở cửa để đoàn sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi qua ải

2-Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ.

Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.

Cặp đối thứ hai :

Tới kinh đô, Mạc Đĩnh Chi được mời tiếp kiến vua Nguyên. Vua Nguyên đọc một câu đối đòi ông phải đối lại

Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thố.

(nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).

Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý điệu võ dương oai của 1 ông vua nước lớn (chắc trong lòng còn có nỗi ấm ức vì cha ông nhà Nguyên đã thua trận tại Đại Việt đến 3 lần) nên mới chuẩn bị câu đối này hòng cho dân Việt biết nhà Nguyên sẵn sàng đè bẹp, đốt cháy nước ta. Nào ngờ Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đọc ngay :

Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.

(nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời).

Quả là độc chiêu các bạn ạ. Vế đối rất chuẩn. Ngoài tính nghệ thuật của câu đối còn tỏ rõ ý chí kiên cường bất khuất, khí khái hào hùng của dân Việt sẵn sàng đánh bại kẻ thù (ngầm ý sẽ cho ông biết tay nếu ông qua đánh nước tôi lần 4) Vua Nguyên tưởng đốt được vầng trăng bằng khói lửa, nhưng Đại Việt đã dùng trăng sao bắn rơi mặt trời, còn đâu mà đốt nữa hỡi ông mặt trời

3- Một bài thơ tuyệt tác : Được biết lần thứ hai đi sứ sang Tàu đúng vào dịp người hậu phi của vua Nguyên mất. Lúc tế lễ, người Nguyên đưa cho ông bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có 4 chữ "Nhất". Biết rằng mấy quan nhà Nguyên muốn mình bẽ mặt, tỉnh bơ, "tài hoa ta có thừa mà" Ông ứng khẩu (tất nhiên chậm thôi, đủ để nghĩ thành từng câu nhất một mờ)đọc thành bài điếu văn :

Thanh thiên nhất đoá vân (Một đám mây giữa trời xanh)

Hồng lô nhất điểm tuyết (Một bông tuyết trong lò lửa)

Ngọc uyển nhất chi hoa (Một đóa hoa trong vườn)

Dao trì nhất phiến nguyệt (Một mảnh trăng trong hồ)

Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết (Ôi mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết)

Bài văn khiến người Nguyên rất khâm phục. Ôi ! Giá như mà lúc đó nhà Nguyên đưa ra 4 chữ tam thì ko biết Ông sẽ có bài tuyệt tác nào đây. 

Đoàn Thị Điểm

Đối kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân

Đoàn Thị Điểm có biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là con của ông đồ Đoàn Doãn Nghi, quê làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nỗi tiếng về tài văn thơ từ thuở nhỏ, tác giả bản dịch bất hủ "Chinh phụ ngâm" (bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn) được giới văn tài Việt Nam đánh giá còn hay và có hồn hơn cả nguyên bản.

Anh trai bà là Đoàn Doãn Luân cũng là người giỏi văn thơ. Chuyện kể rằng một hôm thấy bà đang ngồi soi gương trang điểm, anh bà bèn trêu :

"Đối kính hoạ mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm" nghĩa là "soi gương trang điểm, một chấm thành hai chấm", đồng thời Điểm cũng là tên bà, nên có thể hiểu "soi gương kẻ mày, một cô Điểm biến thành hai cô Điểm".

Nhìn thấy ông anh đang ở ngoài sân bên cạnh cầu ao, trăng sáng lung linh soi bóng, bà ứng khẩu đáp liền : 

"Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân"

nghĩa là "Bên ao ngắm trăng, một vành chuyển thành hai vành", mà cũng có thể hiểu là "tới ao ngắm trăng, một ông Luân chuyển ra hai ông Luân". Đối chan chát cả về ý lẫn từ, cả nghĩa đen lẫn bóng! Ông anh bèn cười xòa, Pó tay chịu thua cô em gái tài hoa này

Thán phục bà, nhưng tôi chợt nghĩ, giá như ông anh bà không phải tên Luân mà là tên Lung thì chả biết vế đối sẽ ra sao nhỉ.

Cặp đối giữa Ngô thì Nhậm và Đặng Trần Thường:

Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai

Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế

Theo sử sách viết về nhà Tây Sơn,Đặng Trần Thường là một danh sĩ Bắc Hà. Lúc Ngô Thời Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường:

- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác.

Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi khăn gói vào Nam, theo phò Nguyễn Phúc Ánh", mang theo trong lòng nỗi căm giận với Ngô Thì Nhậm.

Sau khi nhà Nguyễn tiêu diệt được quân Tây Sơn, ngoài việc Gia Long Nguyễn Ánh trả thù dòng tộc thân thuộc của vua Quang Trung Nguyễn Huệ và các vị võ tướng từng theo vua Quang Trung (như Bùi thị Xuân, Trần Quang Diệu...), một số quan văn cũng bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thời Nhậm. Trớ trêu thay, người chủ trì cuộc hành phạt đó lại là Đặng Trần Thường.

Trong lòng vẫn còn nhớ thù xưa bị Ngô Thì Nhậm đuổi về, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thời Nhậm:

- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.

(Ra điều nói rằng ngày xưa ngươi là khanh tướng công hầu, nhưng chưa hẳn là giỏi hơn ta, bằng chứng là bi chừ ngươi phải quỵ lụy dưới chân ta)

Ngô Thời Nhậm đáp ngay :

- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

(Ý nói rằng, thế thời Chiến quốc, Xuân thu, gặp thời thế thì đành phải thế, chứ không phải là ngươi giỏi hơn ta, đừng vội kiêu ngạo)

Câu đối thật chuẩn cả ý lẫn từ, tỏ rõ khí phách hiên ngang của Ngô Thì Nhậm, chê bai Đặng Trần Thường chẳng qua chỉ là kẻ tiểu nhân đắc chí

Vế đối của Ngô Thì Nhậm càng làm tăng cơn giận của Đặng Trần Thường, ông ta sai tẩm thuốc độc vào roi để đánh Ngô Thời Nhậm. Sau trận đòn về nhà, thuốc độc ngấm vào tạng phủ, Ngô Thời Nhậm qua đời trong khi đó thì Phan Huy Ích vẫn còn sống vì roi đánh ông ko có thuốc độc

Trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi cho Đặng Trần Thường như sau:

Ai tai Đặng Trần Thường

Chân như yến xử đường

Vị Ương cung cố sự

Diệc nhĩ thị thu trường

Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Lữ hậu (vợ Hán Cao Tổ) giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó.

Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị một viên quan đình thần của triều Gia Long xử giảo (trước đó bị vua Gia Long kết tôi chết nhưng sao nghĩ đến công cán của ông nên tha giết, giam trong ngục, cuối cùng cũng bị quan coi ngục giết chết)

Trong câu chuyện, có hai cơn giận. Ngô Thời Nhậm vì giận thái độ khúm núm của Đặng Trần Thường, có thể làm mất mặt danh sĩ Bắc hà trước con mắt người Tây Sơn, nên nặng lời mắng Đặng Trần Thường (đúng ra nếu hiểu nhân tình thế thái thì không nên quát mắng thái độ của Đặng Trần Thường). Đặng Trần Thường bị câu mắng, từ giận thành thù, khi có quyền thế bèn giết chết Ngô Thời Nhậm. Nhưng khi Ngô Thì Nhậm sắp qua đời, chả biết có sinh lòng oán hận hay ko khi ông viết bài thơ gửi Đặng Trần Thường, nói rằng rồi sau này ông ta sẽ như Hàn Tín mà thôi, cũng bị giết chết mà thôi.

Nếu là sân hận thì bài thơ trở thành lời nguyền rủa. Còn không, thì đó là lời cảnh giác đối với Đặng Trần Thường, biết thời thế thì hãy lui vể ở ẩn như Trương Lương (quân sư của Lưu Bang Hán cao tổ, còn ko thì sẽ như Hàn Tín mà thôi)

Những điều này (chữ in nghiêng) là tôi xin lạm bàn thêm, sử sách ko có ghi.

Trong Kinh Phật đảnh Tôn Thắng Đà ra Ni, Phật dạy rằng : Trong 10 nghiệp ác, khẩu nghiệp rất mãnh liệt, phải biết lời ác còn quá hơn lửa dữ. Lửa dữ chỉ đốt tiêu tài sản của báu thế gian, nhưng lửa giận ác khẩu sẽ đốt cháy cả rừng công đức.

Giá như câu đối của Ngô Thì Nhậm làm cho Đặng Trần Thường thay vì oán hận mà sinh lòng quý mến kẻ tài hoa thì ắt hẳn ngày nay chúng ta còn có thêm nhiều áng văn tuyệt tác nữa của hai vị danh sĩ Bắc hà này. Híc! Cũng là lạm bàn nốt
HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 220 NĂM NGÀY MẤT CỦA DANH SĨ NGÔ THÌ NHẬM
Từ khóa: 

lịch sử

,

văn hóa

"Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai

Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế"

Hồi xưa đi học em rất ấn tượng với câu này, nhưng chưa hiểu rõ ngọn nguồn và bối cảnh đằng sau lại bi tráng như vậy. Em cảm ơn anh đã chia sẻ.

Trả lời

"Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai

Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế"

Hồi xưa đi học em rất ấn tượng với câu này, nhưng chưa hiểu rõ ngọn nguồn và bối cảnh đằng sau lại bi tráng như vậy. Em cảm ơn anh đã chia sẻ.

ngày xưa đọc thần đồng đất việt cũng thấy có mấy câu hay phết🤣