Những hiệu ứng tâm lý mà bạn nên biết - Phần 3

  1. Tâm lý học

  • HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG

Để có thể hiểu hơn về hiệu ứng này bạn có thể tìm đọc cuốn sách Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon, đây là một hiệu ứng phức tạp và mang tính tổng quát, bị tác động và chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, nó không đơn giản và rất khó để có thể hiểu được một cách trọn vẹn. Tuy nhiên như đã nói ngay từ đầu thì tâm lý học vốn rất gần gũi chứ không hề xa lạ, bạn hãy thử nhìn ra xung quanh một chút xem sao, chẳng phải chính bạn cũng đang là một thành phần của đám đông hay sao, hay nói rộng hơn thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều là một thành phần của một đám đông nào đó. Đám đông có thể được hiểu là một nhóm người, thường là từ 5 đến 6 người trở lên, ở mỗi nhóm sẽ có những đặc điểm khác nhau, khi tăng số lượng người thì đặc điểm của đám đông cũng có thể bị thay đổi theo vậy nên không có một công thức chung nào có thể áp dụng được cho mà phải tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể để phân tích. Trong thời hiện đại, khi xã hội đang được kết nối với nhau một cách nhanh chóng và ngày càng coi trọng làm việc tập thể thì sự nghiên cứu về đám đông lại càng trở nên nên quan trọng, có thể áp dụng được gần như là trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống. Cách tốt nhất để hiểu được đám đông là hãy tách biệt khỏi nó, tách biệt ở đây không có nghĩa là bạn nên rừng sống một mình, tách biệt là về mặt tâm thức, bạn phải vừa hoà tan hoàn toàn vào đám đông điểu hiểu được đám đông đó, lại vừa phải giữ cho tâm trí đủ tỉnh táo để không bị hùa theo, điều này là rất khó nhưng nếu muốn đạt được sự hiểu biết một cách trnọn vẹn về đám đông thì chẳng còn cách nào khác.

  • HIỆU ỨNG NHẤT TRÍ GIẢ

Hiệu ứng này có thể được hiểu là khi bạn yêu thích một điều gì đó thì bạn cũng có xu hướng ngĩ rằng người khác cũng có suy nghĩ giống bạn, cũng giống như câu nói: Bụng ta suy ra bụng người. Hiệu ứng này là nguyên nhân chính khiến chúng ta bị nhầm lẫn trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là trong kinh doanh. Khi chúng ta làm ra được một thứ gì đó mà theo như cảm nhận của chúng ta là rất tốt, rất chất lượng và chúng ta cũng thường xuyên cho rằng người khác chắc chắn là cũng sẽ nghĩ như vậy, nó là nguyên nhân làm cho rất nhiều công ty phá sản trong quá khứ và có thể là tương lai cũng vậy. Trong giáo dục, đặc biệt là các bậc cha mẹ luôn bị hiệu ứng này làm cho lệch lạc, cha mẹ nghĩ điều gì là đúng thì cha mẹ cũng sẽ áp đặt hoặc giáo dục con là đúng, nếu cha mẹ cảm thấy điều gì là sai trái thì cha mẹ cũng sẽ nói với con đó là điều sai trái, tức là cha mẹ có xu hướng áp đặt một cách có chủ ý hoặc vô tình những quan điểm, suy nghĩ của cá nhân lên con của mình. Còn rất nhiều điều khác nữa mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống, đôi khi nó có thể là tốt nhưng đôi khi thì không, bạn đã biết về nó vậy thì đừng để nó làm hại.

https://cdn.noron.vn/2019/03/31/be04b0cd6729f261f69b91b29a7d7f03.jpg
  • HIỆU ỨNG AN TOÀN

Tôi trọ ở đường Cổ Nhuế, Hà Nội và thường đi về nhà qua đoạn đường sân bay Nội Bài, bạn bè bảo đi đường Nhật Tân thì gần hơn nhưng tôi không biết con đường đó đi như thế nào, tìm trên bản đồ cũng không thấy có vậy nên tôi vẫn chọn là sẽ đi con đường mình đã biết dù nó có xa hơn thì tôi cũng tự an ủi mình có xa hơn cũng chẳng đáng là bao. Bạn đang chán công việc hiện tại nhưng không dám nghỉ vì sợ không tìm được công việc tốt hơn, bạn đang ở một căn phòng trọ không được tốt lắm nhưng không dám chuyển vì ngại, và vì sợ là không tìm được nơi tốt hơn, có quá nhiều ví dụ như thế này phải không nào. Con người có xu hướng sợ hãi những điều vượt quá tầm hiểu biết của họ, họ lên án nó, vùi dập nó và tự an ủi bản thân là hiện tại của mình vẫn đang tốt chán. Rất nhiều người tranh nhau xin vào nhà nước chỉ để mong muốn có một công việc ổn định và cũng một phần vì họ thuận theo sự sắp đặt của cha mẹ. Sự ổn định ở một mức nào đó chính là nền tảng cho sự phát triển nhưng nếu vượt quá giới hạn thì nó lại là sự kìm hãm rất tồi tệ cho sự phát triển, đáng sợ là cái ranh giới này thường rất mong manh. Không ai có thể nói trước được tương lai sẽ như thế nào, việc bạn thoát ra khỏi nơi này sẽ giúp cho cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ hơn hay tốt đẹp hơn thì chỉ có bạn là hiểu rõ hơn cả, nhưng tôi vẫn luôn yêu thích một câu nói mà mình đọc được từ khi còn nhỏ: Nếu bạn có chân mà không dám bước đi vì sợ nó bị gãy thì đôi chân của bạn cũng khác nào đã bị gãy rồi.

  • HIỆU ỨNG NỘI BỘ

Trong một trận đấu bóng đá, một cầu thủ đã giả vờ ngã để kiếm phạt đền, các cầu thủ và cổ động viên đối phương đều rất tức giận cho rằng đó là kẻ đạo đức giả, họ không ưa gì cầu thủ này. Thế nhưng ở phía bên kia, thì những người đồng đội và các cổ động viên dù có biết đó là một tình huống ngã giả vờ đi chăng nữa thì họ cũng làm như đó là điều rất bình thường, đó là chuyện vẫn xảy ra thường xuyên trong bóng đá và chẳng có gì là to tát, trong tâm lý học hiệu ứng này có tên là Hiệu ứng nội bộ. Điều này lý giải vì sao chúng ta luôn có xu hướng bao che cho hành vi của bạn bè, người thân, người cùng hội cùng thuyền ngay cả khi chúng ta biết rằng điều đó là sai trái và phản ứng quyết liệt hành vi của đối thủ, của kẻ địch dù đôi khi hành động đó là rất bình thường. Lý giải cho điều này cũng không quá khó, như chúng ta đều biết thì các loài động vật bao gồm cả con người luôn có xu hướng sống bầy đàn, điều này là có ích trong đời sống hoang dã, nó giúp các con vật giúp đỡ lẫn nhau, gia tăng sức mạnh của cả đàn, điều nay ăn sâu vào trong tiềm thức của con người và nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhìn vào xã hội chúng ta cũng không thể phủ nhận được những lợi ích mà gia đình hay tập thể mang lại nhưng ranh giới giữa đúng và sai, giữa sự tranh chấp đôi khi là quá mong manh dẫn đến việc làm cản trở lợi ích của người khác, hoặc của tập thể khác để mang lại lợi ích cho tập thể của mình là điều mà chúng ta vẫn làm mỗi ngày. Khi hiệu ứng này quá lớn, mà điển hình như là ở Việt Nam với câu nói tệ hại: Một người làm quan cả họ được nhờ, hậu quả là gì, chúng ta là một trong những nước nghèo nhất thế giới và..nhiều chuyện đáng buồn khác nữa, dù tôi không nói ra thì có lẽ ai cũng đều đã biết.

https://cdn.noron.vn/2019/03/31/0eddada09e114ed06553c60fc04eff12.jpg
  • HIỆU ỨNG SỞ HỮU

Cách đây một vài năm chị tôi ra trường và được mẹ mua cho một chiếc xe máy để đi làm. Khi biết chiếc xe mà mẹ sẽ mua cho chị chỉ là chiếc Honda Wave Alpha tôi khá thất vọng, vì đó là chiếc xe mà theo tôi cảm nhận là rất xấu. Tuy nhiên đến khi mua về, tôi ngắm nhìn nó một lát thì bỗng nhiên tôi lại cảm thấy hình như nó cũng đẹp, cũng không phải xấu lắm, và sau khi được cưỡi lên chiếc xe đó đi vài vòng quanh nhà thì tôi thấy nó thật tuyệt, tôi thấy nó không còn xấu nữa. Ngày trước tôi thấy những bài hát đám cưới thật chẳng hay chút nào, sao lại bật mấy cái bài đấy làm gì, chỉ được cái ồn ào. Nhưng đến khi nhà tôi có đám cưới và cũng bật đúng những bài hát đấy thì tôi thấy nó sao mà vui tươi, sao mà hay đến thế. Thật khó hiểu.

Trong tâm lý học hiệu ứng này có tên là Hiệu ứng sở hữu. Chúng ta thường chỉ thấy một thứ gì đó đẹp khi chúng ta sở hữu nó, và khi sở hữu nó rồi ta lại thường thấy nó đẹp hơn, tuyệt vời hơn trước. Tại sao bạn lại thấy khung cảnh của quốc gia bạn rất đẹp, một phần cũng vì đó là của quốc gia bạn, nếu quốc gia khác cũng có những phong cảnh tương tự thì có lẽ bạn sẽ không thấy nó đẹp được như của nước mình. Thế nhưng đối lập với hiệu ứng sở hữu là những hiệu ứng trái ngược, đó là khi chúng ta sở hữu thì lại thấy nó không còn đẹp như trước, đó là do tác động của Hiệu ứng kỳ vọng mà tôi sẽ nói ở ngay bên dưới.

Hiệu ứng sở hữu thường chỉ phát huy tác dụng trọng trường hợp nó góp phần làm tôn vinh đối tượng mà không hề gây ra tổn hại đến đối tượng đó. Ví dụ nếu bạn sở hữu một chiếc xe và tôi khen là chiếc xe đó rất đẹp thì tất nhiên bạn sẽ cảm thấy vui hơn rất nhiều khi mà chưa sở hữu chiếc xe này. Tôi và bạn đi cùng nhau, gặp 1 cô gái ngoài đường, tôi khen người con gái đó, bạn thấy đó chỉ là điều bình thường chứ không có gì đặc biệt. Nếu người phụ nữ tôi khen là vợ của bạn, thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ôi sao mà đúng thế, sao mà vợ mình lại đẹp thế, bạn sẽ thấy vợ bạn đẹp hơn rất nhiều vì điều này góp phần tôn vinh bạn chứ không hề làm bạn bị suy yếu hay tổn hại. Tuy nhiên nếu tôi khen vợ bạn kiếm tiền giỏi hơn bạn, vợ của bạn làm chủ mọi chuyện trong gia đình thì khi đó e là bạn cảm thấy không còn thích thú với điều này nữa, hiệu ứng sở hữu đến lúc này đã phản tác dụng, vì thứ bạn đang sở hữu lại nổi trội hơn bạn, đó chính là lúc mà hiệu ứng sở hữu tác động ngược lại điều mà bạn mong muốn.

  • HIỆU ỨNG NỔI TRỘI

Sau khi sự kiện 11/9 xảy ra rất nhiều người đã sợ và không còn dám đi máy bay nữa, và sau một vài vụ rơi máy bay gần đây, nhiều người lại càng trở nên lo lắng. Nhưng có một sự thực thì ở VN vẫn chưa xảy ra một vụ tai nạn máy bay nào, còn số người chết mỗi ngày do đi xe máy và ô tô thì lại rất rất nhiều, vậy tại sao chúng ta lại quên mất điều này mà chỉ tập trung vào việc sợ đi máy bay sẽ xảy ra tai nạn, đó chính là sự tác động của Hiệu ứng nổi trội. Chúng ta xem phim và thấy trong phim có cảnh chém giết rất khủng khiếp nhưng chúng ra bình thản như thường, thế nhưng khi có một vài vụ giết người mà chúng ta đọc được trên báo thì lập tức chúng ta cho rằng xã hội bây giờ loạn lạc quá, đạo đức suy đồi quá, rõ ràng điều này là hoàn toàn cảm tính vì muốn so sánh được thì chúng ta cần phải có số liệu chứ không thể nào chỉ dựa vào một vào một vài sự việc để đánh giá cả một xã hội được.

Đối với những nhà quản trị hay giáo dục thì việc loại bỏ hiệu ứng này khi đưa ra một quyết định là điều cực kỳ quan trọng, rất nhiều người chỉ vì 1 sai lầm nhỏ của nhân viên mà bỏ qua toàn bộ công lao và đóng góp của người đó, cha mẹ cũng vậy, khi con phạm sai lầm cha mẹ lập tức cho rằng con hư hỏng mà quên mất con đã từng ngoan ngoãn thế nào. Để tránh được sai lầm như vậy, chúng ta hãy đưa ra đánh giá dựa trên những con số và dữ liệu cụ thể, đừng chỉ dựa vào một sự việc nổi trội mà cho rằng cả xã hội ai cũng như vậy, phải nhìn nhận một cách khách quan nhất, phải nhìn nhận toàn bộ quá trình của sự việc, như vậy thì mới giúp chúng ta tránh được những sai lầm.

  • HIỆU ỨNG TIỀN CHÙA

Có một điều khá thú vị đó là theo thống kê thì phần lớn những người trúng sổ xổ thường nghèo hơn lúc họ chưa trúng thưởng sau một vài năm, tại sao lại như vậy, có thể vì họ không có kỹ năng quản lý tài chính, nhưng đó không phải là tất cả, chủ yếu họ bị tác động bởi hiệu ứng tiền chùa. Thực ra hiệu ứng này khá đơn giản và dễ hiểu, giả sử bạn có 100 triệu sau một năm đi làm vất vả thì bạn tất nhiên là sẽ có xu hướng chi tiêu số tiền đó rất hợp lý và tiết kiệm nhưng nếu chỉ trong một ngày, bạn trúng đề, thắng cá độ hoặc nhặt được 100 triệu thì có lẽ bạn sẽ chi tiêu rất rất mạnh tay, những chuyện như vậy có lẽ là rất hay gặp trong cuộc sống phải không nào. Đứng trên góc độ tài chính thì việc bạn có tiền từ đâu không quan trọng, 100 triệu là 100 triệu, và tiền nào thì chẳng là tiền đúng không, chúng ta chỉ quan tâm đến việc sẽ chi tiêu số tiền đó như thế nào mà thôi. Lý giải cho điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc có được một thứ gì đó quá dẽ dàng và nhanh chóng sẽ khiến cho giá trị của chúng bị giảm đi so với việc phải khó khăn mới có được và điều này khiến chúng ta không coi trọng nó cho lắm. Một câu nói rất phổ biến: Cha chung không ai khóc cũng có thể được giải thích vì con người chịu tác động của hiệu ứng này, trong nhiều trường hợp hiệu ứng này là tiêu cực, ví dụ như các mô hình hợp tác xã ngày trước, tập thể thiếu gắn kết sẽ khiến cho một số người có tâm thế chây ỳ, cho rằng đó chẳng phải là việc của mình....và còn rất nhiều điều khác mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát được trong cuộc sống hằng ngày. Để loại bỏ những tác động xấu của hiệu ứng này bạn hãy nhìn xa trông rộng mà quan tâm đến kết quả đạt được hơn là quan tâm đến nguyên nhân ban đầu, ví dụ hãy quan tâm đến việc sẽ tiêu 100 triệu thế nào hơn là việc nó từ đâu mà đến, vì như tôi đã nói thì tiền nào mà chẳng là tiền.

  • HIỆU ỨNG TOÀN CẢNH

Người đứng ở tầng 1 thì lúc nào cũng thấy khói bụi và kẹt xe, người đứng ở tầng 30 thì thấy những tia nắng vàng rực rỡ, bầu trời xa tít và những khung cảnh thật tuyệt vời.

Có rất nhiều khung hình khi được nhìn toàn cảnh từ trên cao thì thấy nó rất đẹp, rất thơ mộng, lãng mạn, không biết miêu tả vẻ đẹp của nó thế nào tuy nhiên khi đến gần thì lại thấy nó không còn đẹp được như trước nữa. Chúng ta thường ví von vẻ đẹp của trăng và sao, nhưng nếu đi lên mặt trăng thì sẽ thấy đó chỉ là một cùng đất khô cằn, chẳng thế nào mà sống nổi.

Đó mới chỉ là sự khác nhau về mặt vật lý đơn thuần của tầm nhìn, và khoảng cách mà thôi, một thứ mà chúng ta có thể định lượng, cân đo đong đếm được, sẽ ra sao nếu sự khác biệt đó là học thức, nhất định sẽ rất lớn.

Người đứng ở tầng cao hơn, hiểu theo nghĩa bóng đó là người có học thức cao hơn, tầm nhìn rộng lớn hơn và bao quá vấn đề hơn những người bên dưới. Chiều cao đó như thế nào, cao bao nhiêu thì không có cách nào có thể đong đếm được. Có người sinh ra cả đời chỉ lo đủ ăn đủ mặc, suy nghĩ của họ chủ yếu là xoay quanh những điều đơn giản, nhỏ bé và tầm thường, còn một số người thì họ khát khao làm những điều lớn lao, những điều vĩ đại, những điều có thể thay đổi thế giới.

Trong cuộc sống, nếu biết cách lợi dụng hiệu ứng này một cách khéo léo, chúng ta sẽ thu được rất nhiều thành quả. Ví dụ như nếu muốn biến vật gì đó trở nên đẹp đẽ, huyền bí, đơn giản hãy mang nó đi xa khỏi tầm mắt, hoặc che lấp nó lại bằng quần áo chẳng hạn. Muốn thứ gì đó trở nên vĩ đại, hãy nâng nó lên cao, cao hơn mức hiểu biết thông thường của con người và họ sẽ tôn thờ điều đó, tôn giáo đã làm rất tốt điều này và đó vẫn là một trong những chiêu trò lừa đảo vĩ đại nhất của loài người.

https://cdn.noron.vn/2019/03/31/27a757e94119b49b6123dc92b6d777ef.jpg
  • HIỆU ỨNG LÀM NỀN

Hãy tưởng tượng về một tấm nền màu đen vô cùng rộng lớn và bất chợt trên tấm nền màu đen ấy xuất hiện một chấm điểm màu trắng thì nhất định cái chấm màu trắng đó sẽ rất nổi bật.

Trong bóng đêm, chỉ cần 1 chút ánh sáng nhỏ bé thôi cũng khiến chúng ta nhìn thấy nó rất rõ.

Sự đối mặt hay khác biệt hoàn toàn trong một môi trường rộng lớn sẽ luôn khiến cho một thứ gì đó trở nên nổi bật.

Tương tự với cuộc sống bạn hãy tưởng tượng là mình đang ở trong một đám đông xa lạ, bạn chẳng quen biết ai và bất ngờ bạn thấy trong số đó có một người mà mình có quen sơ sơ đôi chút, nếu là trong hoàn cảnh khác thì bạn chẳng thèm để ý đến người đó làm gì nhưng lúc này 2 người lập tức bắt chuyện với nhau và cảm thấy bớt lạc lõng hơn rất nhiều.

Những người xa lạ chính là tấm nền màu đen, còn người mà bạn quen sơ qua kia chính là một điểm màu trắng tuy yếu ớt nhưng được sự hỗ trợ bởi tấm nền, và đã trở nên nổi bật.

Hiệu ứng này xuất hiện rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, nó giúp chúng ta giải thích được nhiều hiện tượng khác nhau và quan trọng hơn là phục vụ cho mục đích tạo ra sự khác biệt để trở nên nổi trội. Trong kinh doanh, hay lĩnh vực quảng cáo, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác chúng ta cần biết cái nền đen của thị trường là gì, từ đó chỉ cần một chấm màu trắng thôi cũng sẽ dễ dàng tạo nên sự nổi bật mà không cần phải tốn quá nhiều công sức. Tất nhiên nói thì có vẻ dễ nhưng để tận dụng được thì lại không phải là điều dễ.

  • HIỆU ỨNG CHAI BIA

Một chai bia được mua ở quán hát so với một chai bia được mua ở cửa hàng tạp hoá, chỗ nào đắt hơn? Thường thì ở quán hát sẽ đắt hơn. Rõ ràng nếu xét về mặt chất lượng hay giá nhập vào thì chai bia ở quán hát và cửa hàng tạp hoá là hoàn toàn giống nhau? Vậy tại sao giá của chúng lại khác nhau, có phải do quán hát phải chịu nhiều chi phí hơn nên giá sẽ đắt hơn, điều này chỉ đúng một phần. Chủ yếu chúng ta bị tác động bởi hiệu ứng chai bia, tức là khi rất nhiều sản phẩm có chất lượng tương đương nhưng khi được trưng bày, hay bày bán ở một nơi sang trọng thì giá cả của chúng sẽ bị đẩy lên gấp bội, và giá trị đó chủ yếu do việc lợi dụng tâm lý của chúng ta chứ không hoàn toàn là do chi phí bị đội lên quá nhiều đến như vậy.

Từ thế kỷ trước, những cửa hàng kinh doanh quần áo đã hiểu được điều này lên họ thường trang trí cửa hàng sao cho nhìn sang trọng, những chiếc gương và ánh đèn tạo cho người mua quần áo cảm giác họ hôm nay nhìn đẹp hơn và thế là họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Theo thống kê, thì vào những ngày đẹp trời, số lượng giao dịch của thị trường được thực hiện cũng nhiều hơn là những ngày u ám, mặc dù nếu xét về mặt dữ liệu thì nhiều thương vụ có tỷ lệ rủi ro rất cao.

Loài người hầu hết đều hành xử cảm tính, chúng ta là loài động vật luôn biết cách lợi dụng những khuyến khuyết và sự ngu dốt của đồng loại để trục lợi cá nhân rất tốt, chúng ta mất nhiều công sức để kiếm tiền nhưng việc tiêu tiền như thế nào lại chủ yếu nằm ở quyết định của trái tim, chúng ta không ngại chi tiền để mang lại niềm vui cho mình, chứ mấy ai lại chi tiền để mang lại cho mình nỗi bực dọc, vậy nên trong kinh doanh, muốn sản phẩm bán được với giá cao hơn, hãy bày bán chúng ở những nơi mà khi bước vào luôn tạo cho khách hàng cảm giác sang trọng và thoải mái, khi đó nhất định giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên gấp bội, cũng giống như câu nói của người Việt Nam ta: Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm vậy.

  • HIỆU ỨNG TỪ THIỆN

Từ thiện, đó là hai từ mà chúng ta đã được nghe quá nhiều nhưng ẩn chứa phía sau của hai chữ này lại là cả một câu chuyện dài. Nếu bây giờ có ai đó bảo chúng ta mua một sản phẩm không có gì đặc biệt với giá khá cao, liệu chúng ta có mua không. Nhưng nếu người đó nói là sản phẩm này được bản để làm từ thiện thì sao, có lẽ chúng ta sẽ mua, thậm chí là còn mua với thái độ khá vui vẻ. Thêm nữa, tại một buổi bán đấu giá để làm từ thiện thì sao, sẽ có nhiều người bỏ tiền ra để mua những sản phẩm mà họ chẳng thèm dùng nhưng lại không hề tiếc nuối, nếu sản phẩm đó được bán ngoài đường, thì cho họ cũng chẳng thèm chứ nói gì đến mua. Vậy bản chất của từ thiện là gì, liệu có phải thực sự là lòng tốt của con người, theo tôi thì không phải.

Nếu chúng ta thực sự có lòng tốt thì chúng ta sẽ tự nguyện làm những việc đó chứ đâu cần phải chờ đợi người khác kêu gọi rồi mới làm, tại sao lại xuất hiện những bảng công đức, làm việc tốt thì phải ghi lại người ta mới biết, mới nhớ chứ nếu làm việc tốt mà không ai biết thì liệu bao nhiêu người sẽ làm.

Lòng tốt sẽ không còn là lòng tốt nữa nếu như đòi hỏi sự trả ơn.

Bản chất của con người là vô ơn, rất ít người chịu trả ơn người đã giúp đỡ mình một cách đúng đắn, thế nhưng ai cũng muốn được vinh danh, được mọi người tôn trọng, yêu mến và ngợi khen. Đó chính là động lực thúc đẩy việc họ làm từ thiện một cách chủ yếu và trong một số trường hợp khác thì họ làm vậy để khoe khoang sự giàu có và để làm vơi bớt nỗi lo âu trong lòng, về cơ bản thì mọi suy luận đều dẫn tới đó là nhằm làm thoả mãn cái thôi bên trong mỗi con người, một cái tôi thấp hèn của mỗi con người.

https://cdn.noron.vn/2019/03/31/511ecb5704fd2a1a887032e64ec1a687.jpg
  • HIỆU ỨNG CỦA SỰ HY VỌNG 

Khi nhìn bức ảnh của một cô gái trên mạng, chúng ta thường biết rõ là thời nay chẳng thể nào tin được những bức ảnh vì chúng thường bị chỉnh sửa quá nhiều, thế nhưng đến khi được gặp tận nơi chúng ta ít nhiều cũng có thất vọng.

Hiệu ứng này có thể được coi là trái ngược với hiệu ứng sở hữu, khi mà chúng ta kỳ vọng quá cao vào một điều gì đó chúng ta thường có xu hướng đánh giá thấp chúng hơn mức thông thường và mất đi tính khách quan cần thiết. Tiêu biểu có thể thấy khi những sản phẩm công nghệ mới được ra mắt, thường phải hứng chịu rất nhiều lời chê, rõ ràng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì sản phẩm đó không hề tệ chút nào nhưng do người dùng đã kỳ vọng quá cao nên họ cảm thấy thất vọng cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong giáo dục con cái, cha mẹ thường đặt mục tiêu hoặc kỳ vọng vào quá cao, cao tới mức phi thực tế nên dù con có cố gắng thế nào cũng khiến cha mẹ không vừa lòng, đây là một sai lầm rất lớn vì nhìn vào cuộc đời của những vĩ nhân thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng cha mẹ của bọn họ luôn ủng hộ và động viên tức là tạo động lực cho con từ bên trong chứ không phải là áp lực bên ngoài, và từ đó giúp con của họ đạt được những thành tích phi thường trong tương lai.

Một tác động khác nữa của hiệu ứng này đó là đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp đó là biết rõ về những khóa học chẳng hề đem lại được cho bạn bao nhiêu kiến thức nhưng bạn vẫn đăng ký tham gia hay là có việc dù biết trước là sẽ chẳng mang lại kết quả gì nhưng bạn vẫn cứ làm bằng được hay chưa, tôi nghĩ là hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua những chuyện như vậy. Tất cả những điều trên là một dạng của hiệu ứng mong chờ, hay gọi cách khác là hiệu ứng của sự hy vọng.

Chúng ta tham gia vào một khoá học vì chúng ta hy vọng rằng nó sẽ giúp chúng ta cải thiện được khả năng của bản thân mình, chúng ta hy vọng vào phương pháp của khoá học đó, chúng ta hy vọng vào biết đâu người thầy của khoá học đó là người rất giỏi và họ sẽ làm cho chúng ta trở nên tài giỏi hơn rất nhiều so với trước đây.

Tất cả chúng ta ai cũng hy vọng, đó chính là nguồn gốc của sự sống, nhưng hiệu ứng này là một dạng của sự hy vọng một cách mù quáng và hoàn toàn là cảm tính, không có cơ sở vững chắc nào cho điều mà chúng ta đang hy vọng sẽ thật sự xảy ra trong tương lai.

Hiệu ứng này thường gây ra rất nhiều sai lầm đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, chúng ta luôn hy vọng là sẽ có lãi mà quên mất là đó chỉ là hy vọng mà chúng ta đặt ra chứ không phải là thực tế. Trong các khoá học, khi chúng ta quá kỳ vọng vào yếu tố bên ngoài thì cũng đồng thời làm giảm đi động lực bên trong chúng ta. Giả sử bạn được chọn là sẽ tham một khoá học hay sẽ tự nghiên cứu, tự tìm hiểu thì phần lớn chúng ta đều muốn tham gia khoá học vì phần lớn con người luôn có hiệu ứng mong chờ, rất ít người có thể tự tạo cho mình được một lượng động lực lớn lao để có thể tự học. Tuy nhiên khi nghiên cứu về những người vĩ đại bạn sẽ thấy họ rất ít khi bị vướng vào hiệu ứng này. Họ không quá mong chờ vào việc một ngày nào đó sẽ có một ông thầy vĩ đại đến dạy cho họ tất cả mọi thứ, họ cũng chẳng hy vọng quá nhiều may mắn, vào những ngoại lực bên ngoài mà họ hoàn toàn dựa vào khả năng của mình. Họ đam mê lĩnh vực mà họ tìm hiểu nhưng dù đam mê đến đâu thì cũng có lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi và những người phi thường là người biết cách vượt qua điều này, họ gạt đi sự lệch lạc của hiệu ứng mong chờ, họ lại tiếp tục tạo cho mình động lực bằng một cách nào đó và tiếp tục có thêm động lực để làm việc cho đến khi hoàn thành, đó là điều thực sự rất tuyệt vời. Giờ thì bạn đã hiểu rõ là tại sao bạn lại có những hành động như tôi nói lúc đầu rồi chứ, đừng quá lo lắng, ai cũng vậy cả thôi nhưng nếu muốn trở nên vĩ đại thì bạn đừng nên quá mong chờ vào những điều bên ngoài, hãy tìm cách nào đó để tự tạo động lực cho bản thân, bởi vì chỉ có như vậy thì bạn mới có thể làm chủ được chính vận mệnh của mình mà thôi.

  • HIỆU ỨNG CHUYÊN GIA

Theo một nghiên cứu thì tỉ lệ chính xác hay đúng đắn từ những lời khuyên của chuyên gia không cao hơn so với đám đông là bao, thậm chí trong một số trường hợp còn thấp hơn nhưng chúng ta luôn có xu hướng dễ dàng tin vào lời khuyên của một ai đó hơn khi biết họ là chuyên gia trong lĩnh vực mà chúng ta đang thực sự cần lời khuyên. Con người luôn có xu hướng tự đề cao bản thân mình vậy thì tại sao họ lại dễ dàng nghe theo lời khuyên bảo của người khác đến vậy và tại sao chúng ta nghi ngờ vị chuyên gia này và tin tưởng vào chuyên gia khác. Thực chất chúng ta đang lắng nghe lời khuyên thực sự của một chuyên gia hay chỉ là đang muốn củng cố thêm quan điểm của cá nhân mình. Tức là khi bạn đang cố chứng minh một vấn đề nào đó, bạn tìm kiếm trên mạng và thấy có một vài chuyên gia đưa ra quan điểm giống mình, bạn lập tức có xu hướng bám vào nó và tự tin hơn rất nhiều với quan điểm của mình, bạn cho rằng những vị chuyên gia ấy còn nghĩ thế cơ mà, thế nhưng bên cạnh cũng rất nhiều chuyên gia khác có quan điểm trái ngược, tại sao bạn lại không nghe theo những người đó. Từ đây có thể nhận thấy rằng, hiệu ứng chuyên gia bản chất thực chỉ là chúng ta đang cố tìm một điều gì đó để có gắng chứng minh cho quan điểm của cá nhân mình chứ không hẳn điều mà vị chuyên gia đó nói là hoàn toàn đúng đắn.

Có hai điều mà bạn có thể lợi dụng từ hiệu ứng này đó là nếu muốn bài viết của mình có chất lượng hơn hãy dẫn chứng ý kiến của chuyên gia nào đó, nếu sai thì do chuyên gia đó sai chứ cũng chẳng phải tại bạn, còn nếu đúng thì nó sẽ làm cho bài viết trở nên chất lượng hơn rất nhiều, nói chung là lợi cả đôi đường.

Tuy nhiên nói như vậy không phải là để phủ nhận chuyên môn của những người có kiến thức. Tỷ lệ họ dự đoán sai cao hơn người bình thường là do họ buộc phải đưa ra những lời dự đoán, trong phần lớn các trường hợp con người đưa ra dự đoán vì họ được hỏi chứ không phải là vì họ hiểu. Khi gặp một vấn đề khó khăn bạn sẽ đến tìm lời khuyên của ai, một người bình thường, một kẻ xa lạ hay một chuyên gia trong lĩnh vực đó, và nếu ai cũng muốn xin lời khuyên của vị chuyên gia ấy thì dĩ nhiên người đó sẽ phải đưa ra rất nhiều dự đoán khác nhau.

Một người bình thường cả năm mới phán bừa 1 câu và chẳng may là nó đúng, chúng ta kết luận khả năng dự đoán của người đó chính xác đến 100%. Còn vị chuyên gia, cả năm đưa ra cả ngàn dự đoán chỉ đúng được 60%, vậy là chúng ta kết luận là người bình thường kia nhiều kiến thức hơn, tài giỏi hơn, sẽ là như vậy thật hay sao?

https://cdn.noron.vn/2019/03/31/c5f31f56cb611c7e1c08656f0b710499.jpg
  • HIỆU ỨNG ĐÀ ĐIỂU

Hiệu ứng này được lấy tên như vậy là bởi vì theo trưởng lão Gaius Plinius Secundus - sinh năm 23, mất năm 79 SCN, một học giả có địa vị mô tả đà điểu là 1 loài chim to lớn, dù vậy chúng lại có thói quen vô cùng kỳ lạ là đâm đầu (tự chôn vùi đầu mình) xuống dưới lớp cát mỗi khi có nguy hiểm hay kẻ thù xuất hiện. Điều này được lưu truyền trong suốt nhiều năm nhưng đến gần đây thì được cho là không chính xác, tuy nhiên chúng ta sẽ không bàn sâu về chuyện này mà sẽ nói về Hiệu ứng đà điểu - hay có thể hiểu là chúng ta cũng có xu hướng phản ứng giống với con đà điều khi gặp nguy hiểm, là đứng như một người mất hồn và chẳng biết làm gì. Trong rất nhiều bộ phim luôn có cảnh này, đặc biệt là phụ nữ, khi gặp phải một tình huống nguy hiểm họ chỉ biết ngồi im và la hét, họ chẳng biết làm gì khác, và theo một phản xạ rất tự nhiên đó là khi bị ai ném vật gì đó vào người chúng ta thường đưa ta lên ôm đầu để bảo vệ bộ phận quan trọng này.

Trong cuộc sống chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy con người thờ ơ đến như thế nào trước nguy hiểm, họ cho rằng đó là điều vô lý, đó là điều chẳng bao giờ có thể xảy ra, ít nhất là đối với mình. Trong lĩnh vực kinh doanh, rất người có xu hướng phớt lờ những cảnh báo, những tín hiệu xấu, và cuối cùng thì một số lượng lớn các công ty phá sản, có phải là họ không hề nhận được 1 lời cảnh báo nào hay không, chắc chắn là họ có nhận được nhưng họ phớt lờ nó đi và cho đến khi nó xảy ra thậm chí họ còn bao biện đó chỉ là sự xui xẻo mà thôi. Lời khuyên chân thành của tôi đó là bạn chớ nên phớt lờ những lời khuyên hay những lời cảnh báo của người khác, cẩn thận một chút chẳng bao giờ là thừa.

  • HIỆU ỨNG MỒI (Priming effect):

Alisa: “Chuột nào đi bằng 2 chân?” Bernard: “Chuột Mickey” Alisa: “Vịt nào đi bằng 2 chân?” Bernard: “Vịt Donald”

Thực tế thì tất cả những con vịt đều đi bằng 2 chân. Vậy đều gì đã khiến cho Bernard đưa ra đáp án sai cho một câu hỏi bình thường như vậy. Hiệu ứng mồi (priming effect) chính là câu trả lời.

Theo định nghĩa thì hiệu ứng mồi (priming effect) là một hiệu ứng tâm lý diễn ra trong não bộ con người, khi kết quả hành động của một người bị ảnh hưởng bởi một vài thông tin người đó tiếp nhận được trước đó.

Trong ví dụ trên, Bernard sau khi trả lời đúng câu hỏi thứ nhất, vẫn còn lưu giữ mảnh thông tin liên quan đến chuột Mickey. Điều này khiến câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo có xu hướng liên quan đến thông tin vừa nhận được. Cụ thể, khi trả lời câu hỏi thứ nhất, hình ảnh chú chuột Mickey xuất hiện trong đầu bạn một cách ngẫu nhiên, sống động. Thậm chí, sự liên tưởng còn khiến bạn nghĩ đến Disneyland, có Công chúa, Hoàng tử, Tinkerbell, lâu đài… Việc liên tưởng này thúc đẩy câu trả lời thứ 2 có liên quan đến Disneyland. Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu vịt Donald xuất hiện đầu tiên trong đầu của bạn.

Đã có nhiều thí nghiệm được thực hiện để kiểm chứng hiệu ứng tâm lý này.

Thập niên 80, những nhà tâm lý học đã phát hiện ra 1 điều thú vị. Nếu một người trước đó thấy từ “EAT” (ăn) hoặc được xem những hình ảnh về đồ ăn, thức uống… thì khi được giao cho câu đố điền vào chỗ trống “SO_P”, nhiều người cho ra kết quả là “SOUP” (canh) hơn là “SOAP” (xà phòng). Ngược lại, những người trước đó thấy từ “WASH” hoặc các hình ảnh về dầu gội đầu, phòng tắm… sẽ có xu hướng cho ra kết quả là “SOAP”, hơn là “SOUP”.

Một thí nghiệm khác, người ta yêu cầu những người tham gia nghe thông điệp bằng một đôi tai nghe mới và cho biết mục đích của thí nghiệm này là thử chất lượng của thiết bị âm thanh. Những người tham gia được yêu cầu ra hiệu bằng cách sử dụng đầu mỗi khi nghe thấy bất cứ âm thanh méo nào. Một nửa số người tham gia được yêu cầu gật đầu lên xuống, số còn lại được yêu cầu lắc qua lắc lại. Thông điệp mà họ nghe thấy là một bản tin trên đài phát thanh. Những người gật đầu có xu hướng chấp nhận thông điệp mà họ nghe thấy, nhưng những người lắc đầu có xu hướng bác bỏ thông tin.

Một vài ví dụ

  • Bạn thấy vài đứa bạn đi Singapore qua những tấm hình post trên facebook. Sau đó, có một người bạn rủ bạn đi du lịch và Singapore nảy ra trước tiên trong đầu bạn.
  • Sau khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, bạn hay có cảm giác buồn buồn.
  • Bạn định lì xì cho 1 đứa trẻ. Trước đó, đứa trẻ này đã được một người khác lì xì 50.000 đồng. Bạn có xu hướng lì xì với số tiền lớn hơn hoặc bằng 50.000 đồng.
  • Bạn thấy người khác ngáp. Sau đó, bạn cũng cảm thấy hơi buồn ngủ.
  • Bạn thấy người khác cười vì một lời nói đùa, bạn cũng cười theo mà vẫn chưa kịp hiểu ý nghĩa của lời nói đùa đó.
  • Bạn nhìn vào một bức tranh xấu tệ, sau đó nhìn vào một bức tranh bình thường khác và thấy nó đẹp hơn so với trường hợp không nhìn vào bức tranh xấu kia.
  • Có một thời gian tôi thấy mình có những các để tay chân khá kỳ lạ mà không hiểu là tại sao. Sau khi về nhà và quan sát kỹ thì tôi nhận ra mình đang làm theo những hành vi của bố và mẹ.

Vậy câu hỏi đặt ra là Priming effect ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Não bộ luôn tiếp nhận thông tin từ môi trường bên ngoài, kể cả việc đó không phải chủ đích của chúng ta. Do đó, mọi thứ xung quanh đều có thể ảnh hưởng đến chúng ta, với những mức độ khác nhau. Những thứ quen thuộc hơn đem lại tần suất tương tác với chúng ta nhiều hơn, nên có ảnh hưởng nhiều hơn những thứ khác. Bạn có nghĩ rằng:

– Nên đổi màn hình điện thoại, màn hình máy tính thành một hình nào đó giúp bạn kích thích sự sáng tạo?

– Hay đặt những cuốn sách về Productivity tại góc làm việc?

Priming effect nói rằng hành động của bạn đang có sự chi phối của những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy. Tuy chỉ là micro-effect nhưng nó lại hiện hữu rất thường xuyên xung quanh chúng ta.

Hiệu ứng mồi là một hiệu ứng cực kỳ hay, nó là một hiệu ứng cực kỳ quan trọng vì nó cho chúng ta thấy rằng những điều dù là nhỏ nhất cũng sẽ có những sự tác động nhất định lên cách mà chúng ta tư duy và suy nghĩ, tôi nhớ có một lần một anh làm cũng công ty nói rằng, hồi còn học Đại học có một câu nói của một giảng viên mà anh rất tâm đắc đó là:

Để có được một phút toả sáng thì trước đó là cả một quá trình chuẩn bị rất rất dài.

---------
Đọc thêm tại:
Phần 1:
Phần 2:
Từ khóa: 

tâm lý học

,

tâm lý học