Những hiệu ứng tâm lý mà bạn nên biết - Phần 2

  1. Tâm lý học

  • HIỆU ỨNG ALLEE

Hiệu ứng Allee được phát biểu là tốc độ tăng kích thước của một quần thể tỉ lệ với số lượng cá thể của của quần thể đó. Nói cách khác, những con cái sẽ sinh nhiều hơn khi mật độ dân số cao hơn. Hiệu ứng này được đặt tên theo tên của nhà động vật học người Mỹ Walter Clyde Allee. Hiệu ứng này đã thay đổi những suy nghĩ thông thường về sự gia tăng kích thước quần thể theo sinh học thông thường. Tại thời điểm cuộc nghiên cứu diễn ra, mọi người vẫn tin rằng một loài sẽ phát triển thịnh vượng hơn tại một mức dân số thấp hơn, vì nguồn thức ăn khi ấy sẽ trở nên dồi dào hơn. Tuy nhiên, Allee đã chứng minh rằng khi dân số giảm sẽ khiến khả năng bảo vệ bầy đàn cũng theo đó mà giảm. Tức là, một nhóm càng đông thì sẽ càng phát triển nhanh, ở một giai đoạn nào đó.

https://cdn.noron.vn/2019/02/17/7ff59f1ca417a1cef6f0485a0ec69c88.jpg
  • THUYẾT ĐỘNG LỰC VÀ HIỆU ỨNG KHÁN GIẢ:

Hiệu ứng khán giả nói đến sự ảnh hưởng của khán giả gây ra lên người biểu diễn. Hiện tượng này bắt đầu được nghiên cứu từ những năm 1930, và được đưa ra trong 2 trường hợp: một số người sẽ càng tự tin khi nhiều người theo dõi, trong khi một số người khác sẽ bị stress và biểu diễn tệ hơn nhiều so với khả năng thực của họ. Năm 1965, nhà tâm lý học Ribert Zajonc đưa ra giả thiết rằng thuyết động lực có thể giải thích cho hiệu ứng khán giả. Zajonc cho rằng yếu tố quyết định việc một đám đông gây ra ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực lên người biểu diễn phụ thuộc vào “độ dễ” của tiết mục đó. Nếu người biểu diễn tin rằng cô ấy/anh ấy sẽ thành công, thì sự cổ vũ của khán giả sẽ tiếp thêm tự tin để hoàn thành phần biểu diễn và ngược lại, nếu ngay từ đầu đã mất tự tin thì sự cuồng nhiệt của khán giả sẽ càng làm cô ấy mất bình tĩnh.

  • HIỆU ỨNG ÁM THỊ

Tên khoa học của hiệu ứng này là Pygmalion (Cái tên Pygmalion được lấy từ bộ phim “My Fair Lady”, còn được gọi là hiệu ứng Rosenthal. Hiệu ứng này bản chất là một kiểu tiên đoán về sự tự hài lòng với bản thân) hay còn gọi là self-fulfilling prophecy (lời tiên tri tự đúng). Nhà tâm lý học người Mỹ Robert Rosenthal đã thực hiện một nghiên cứu khoa học như sau: Trong một lớp trung học, ông khoanh tròn vào vài cái tên bất kì. Sau đó, ông nói với giáo viên phụ trách rằng đây là những học sinh rất thông minh. Sau một khoảng thời gian, Robert quay trở lại kiểm tra và ông nhận thấy những học sinh đó thật sự có những tiến bộ vượt trội, đạt thành tích xuất sắc trong trường. Đây là một ví dụ điển hình chứng minh cho sức mạnh của sự ám thị. Cơ chế của hiệu ứng ám thị được hiểu như sau khi bạn nghe hoặc nhìn thấy một hành động, lời nói bất kì với tần suất lớn, chúng ta thường có xu hướng hành động theo điều đó. Tất nhiên, điều này không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, nhưng theo nghiên cứu về các hiệu ứng tâm lý, nó chiếm đa số. Sự ảnh hưởng của Pygmalion được tìm hiểu rất nhiều trong những lĩnh vực thể thao, kinh doanh và đặc biệt là trong giáo dục. Trong kinh doanh, hiệu ứng này được kiểm nghiệm khi các nhà quản lý nhận được kết quả dựa trên những mong đợi của họ đối với nhân viên. Tương tự vậy, cuộc nghiên cứu của Robert Rosenthal và Lenore Jacobson về ảnh hưởng Pygmalion trong lớp học cho thấy: khi giáo viên trông đợi những kết quả cao từ học sinh thì những học sinh này thường không khiến họ thất vọng.

https://cdn.noron.vn/2019/02/17/308f396f07bceaaef773b6c930d4e2df.jpg
  • HIỆU ỨNG PLACEBO 

Thuật ngữ placebo có trong từ điển y học 1894, để chỉ giả dược giống hệt thuốc thật song không chứa hoạt chất chữa bệnh. Placebo làm người bệnh có niềm tin là dùng “thuốc thật” nên từ 1785 được định nghĩa là thuốc gây niềm tin (make-believe medicine). Sau này placebo còn mở rộng, bao gồm cả những điều tạo niềm tin như uy tín, thái độ tận tình, sự khích lệ của thầy thuốc, gọi chung là hiệu ứng plaebo. Những thử nghiệm lạ lùng, đem lại kết quả bất ngờ! Khoảng 40 năm trước, BS. Kenneth B. Thomas (Anh) đã làm một thử nghiệm trên 200 người có đặc tính chung là không hề có bất cứ một triệu chứng bất thường nào về thực thể, song họ cảm thấy người không được khỏe, tâm trạng chán nản, người Anh đã ví von là “under the weather”. Ông chia họ thành: nhóm 1 thông báo cho biết đã chẩn đoán được bệnh, chỉ cần điều trị thời gian ngắn là khỏi (khích lệ, hứa hẹn); nhóm 2 thông báo cho biết là không chẩn đoán ra bệnh, không chắc chắn bao giờ bệnh sẽ được chữa khỏi (không khích lệ, hứa hẹn). Kết quả 2 tuần sau, nhóm 1 có 64% khỏi bệnh trong khi tỷ lệ này ở nhóm 2 chỉ là 39%. Thập niên 60, các thầy thuốc lâm sàng nhận thấy dùng liệu pháp cắt bỏ hạch động mạch cảnh dự phòng hen, dùng chloroform trị herpes có hiệu quả tới 70%. Thế nhưng, các nghiên cứu thực nghiệm sau đó của ĐH San Diego (Mỹ) chứng minh các liệu pháp trên không hề có giá trị ấy. Vậy lý do gì làm cho những người trên khỏi bệnh? Một nghiên cứu sau đó không lâu đăng trên tạp chí Journal of Psychology to Clinical cho hay: 7.000 người bệnh tham gia thử nghiệm 5 liệu pháp điều trị mới (về herpes, hen suyễn, đau do viêm dạ dày) thì có 70% đạt hiệu quả tốt và rất tốt nhưng kỳ lạ là trong số những người đạt kết quả này thì số dùng “thuốc thật” và số dùng “giả dược” lại đạt kết quả tương đương nhau. Tháng 1/2011 tờ “Medical Juornal of Australia” công bố một nghiên cứu điều trị chứng khó chịu do mãn kinh (nóng bừng mặt, khô âm hộ) trên 55 nữ. Nhóm 1 (28 người) dùng các thảo dược có tính năng chữa bệnh (thuốc thật); nhóm 2 (27 người) dùng cây cỏ không có tính năng chữa bệnh (giả dược) và người bệnh trong cả 2 nhóm không biết mình dùng thuốc gì (làm mù). Sau 12 tuần điều trị, nhóm 1 (dùng thuốc thật) chỉ có 15% giảm triệu chứng khó chịu do mãn kinh trong khi nhóm 2 (dùng giả dược) thì tỷ lệ này lại đạt tới 31%. Và mới đây nhất, tờ Annals of Internal Medicine đăng nghiên cứu của ĐH Maryland (Mỹ) phân tích 11 thử nghiệm dùng “xúc giác trị liệu” (therapeutic touch), tức là điều trị bằng năng lượng (energy therapy) lấy từ sinh trường (biofields), điện từ trường (electromagnetic field); Kết quả: 7 thử nghiệm có hiệu quả và hiệu quả thường thấy ở bệnh tim giảm độ đau đớn, bớt băn khoăn; bị chấn thương lành nhanh hơn; bệnh xương khớp giảm đau, vận động tốt hơn; bị bỏng ít đau hơn. Thuốc giả, hiệu quả thật 1. Sự quan tâm, chăm sóc tận tình của thầy thuốc sẽ giúp người bệnh có niềm tin khỏi bệnh. Vì sao placebo có hiệu ứng chữa bệnh? Từ xa xưa, Đức Phật Thích Ca (560 – 480 trước CN ) nói “Tất cả đều từ tâm trí mà ra”. Gần hơn, Decartes (1596-1650 sau CN) cũng bảo: “Nghĩ sao là có vậy”. Minh triết của các bậc vĩ nhân xưa cũng rất sát với ý niệm y học hiện đại: tác động của thần kinh (tích cực hay tiêu cực) quyết định mọi trạng thái tương ứng của cơ thể (khỏe mạnh hay bệnh tật). Đầu thế kỷ 20, nhà sinh lý Pavlov chứng minh sự hiện hữu của “phản xạ có điều kiện”. Theo đó, động vật, con người có thể “ghi nhớ” các tình huống xảy ra trước đó (có điều kiện) để về sau điều chỉnh các chức năng khác trong cơ thể khi tình huống như thế lặp lại. Từ các hiểu biết trên, các nhà khoa học đưa ra 3 giả thuyết giải thích hiệu ứng placebo:

  • Thuyết thói quen: Lần trước được điều trị trong môi trường y khoa tốt (thầy thuốc chu đáo tận tụy, thuốc men đầy đủ) nên khỏi bệnh. Lần sau đến lại nơi ấy, người bệnh nhớ lại môi trường y khoa cũ mà mình từng thụ hưởng thì cũng sẽ đỡ bệnh.
  • Thuyết sinh hóa: Khi dùng placebo, người bệnh đinh ninh nghĩ rằng mình đang được thầy thuốc cho “thuốc thật”, có niềm tin mình được chữa bệnh… thì thần kinh sẽ hoạt động kết hợp với nội tiết tạo ra endorphin nội sinh làm giảm đau, đỡ bệnh.
  • Thuyết nâng đỡ: Người bệnh ở trong trạng thái căng thẳng về bệnh tật. Cho dùng placebo (khích lệ, hứa hẹn) thì họ đinh ninh rằng mình đang được điều trị với thầy tốt thuốc tốt, cảm giác được nâng đỡ ấy từ thần kinh sẽ khởi động các hoạt động các cơ phận theo hướng giải tỏa căng thẳng, dẫn tới đỡ bệnh.

Dù diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng các thuyết trên đều có một quan niệm thống nhất, đó là hiệu ứng placebo là có thật nhưng không phải là do tác động trực tiếp của placebo lên các yếu tố gây bệnh mà do placebo tạo ra niềm tin, niềm tin đó có từ thần kinh trung ương sẽ tác động làm cho các cơ phận khác hoạt động theo hướng tích cực dẫn tới đỡ bệnh. Tuy nhiên, những lý giải vẫn chỉ là giả thuyết và chưa được chứng minh bằng khoa học.

  • HIỆU ỨNG TÂM LÝ CỦA SỰ ĐỤNG CHẠM

Nghiên cứu tâm lý học về làm thế nào một sự đụng chạm đơn giản ( không mang tính nhục dục) có thể làm tăng sự phục tùng, hành vi giúp đỡ, quyến rũ và dấu hiệu quyền lực. Để di chuyển trong thế giới này, chúng ta chủ yếu dựa vào mắt và tai của mình. Xúc giác là một giác quan thường bị quên. Nhưng xúc giác cũng rất quan trọng giúp chúng ta hiểu và trải nghiệm thế giới. Ngay cả một sự đụng chạm nhẹ vào cánh tay trên cũng có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ. Để chứng minh điều này, sau đây là 10 hiệu ứng tâm lý học cho thấy sức mạnh của sự đụng chạm ( không mang tính nhục dục ).

1. Đụng chạm để có tiền: Một sự đụng chạm đúng lúc có thể khuyến khích người khác trả lại một món đồ bị mất. Trong một thực nghiệm, những người sử dụng một phòng điện thoại công cộng có nhiều khả năng trả lại một xu bị mất của một thí nghiệm viên khi ông ấy chạm nhẹ vào cánh tay của họ (Kleinke, 1977). Mọi người sẽ còn làm nhiều hơn thế; họ sẽ bo nhiều tiền cho nhân viên phục vụ nếu người này chạm vào họ (Crusco & Wetzel, 1984).

2. Đụng chạm để được giúp đỡ: Con người cũng có nhiều khả năng sẽ giúp đỡ khi bị đụng chạm. Trong một nghiên cứu, những người lạ được chạm nhẹ vào cánh tay,có nhiều khả năng sẽ giúp thực nghiêm viên nhặt những món đồ bị rơi (Gueguen, 2003). Tỷ lệ phần trăm những người giúp tăng lên từ 63% đến 90%.

3. Đụng chạm để có được sự phục tùng: Trong nghiên cứu của Willis và Hamm (1980), những người tham gia được yêu cầu ký vào một bản kiến nghị. Trong khi chỉ có 55% những người không được đụng chạm đồng ý ký tên, tỷ lệ này tăng lên đến 81% những người được đụng chạm 1 lần vào cánh tay trên. Một nghiên cứu thứ hai yêu cầu mọi người trả lời một bảng hỏi. Tỷ lệ người đồng ý tăng từ 40% đến 70% khi có sự đụng chạm.

4. Đụng chạm 2 lần để được nhiều sự phục tùng hơn: Bạn có thể làm tăng sự phục tùng với một cái chạm nhẹ thứ hai lên cánh tay. Vaidis và Halimi-Falkowicz (2008) yêu cầu mọi người trên đường phố hoàn thành một bảng hỏi. Những người được chạm 2 lần có nhiều khả năng sẽ hoàn thành bảng hỏi hơn những người chỉ được chạm 1 lần. Hiệu ứng này mạnh mẽ nhất khi đàn ông được đụng chạm bởi một nữ điều tra viên.

5. Hoặc đụng chạm để có một sự kháng cự: Việc chấp nhận đụng chạm, đặc biệt giữa những người đàn ông, phụ thuộc nhiều vào văn hoá. Khi Dolinski (2010) tiến hành một thực nghiệm về sự tuân phục ở Ba Lan, ông nhận được những kết quả khá khác biệt đối với đàn ông và phụ nữ. Đàn ông Ba Lan khi được yêu cầu giúp đỡ một thực nghiệm viên, đã phản ứng xấu đối với một cái chạm nhẹ vào cánh tay. Điều này có vẻ liên quan đến mức độ cao hơn của chứng sợ đồng tính. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phản ứng tích cực với sự đụng chạm.

6. Đụng chạm để bán được chiếc xe ô tô của bạn: Không giống Ba Lan, ở Pháp sự đụng chạm được chấp nhận giữa 2 người đàn ông. Vì vậy, các nhà nghiên cứu người Pháp Erceau và Gueguen (2007) đã tiếp cận ngẫu nhiên những người đàn ông tại một thị trường mua bán xe cũ. Một nửa số người được chạm nhẹ vào cánh tay trong 1 giây, nửa còn lại không được chạm. Sau đó, những người được chạm đã đánh giá người bán xe là chân thật, thân thiện, trung thực, dễ chịu và tử tế. Quả là không tệ cho một cái chạm trong 1 giây.

7. Đụng chạm để có được một cuộc hẹn hò: Bạn sẽ không ngạc nhiên khi nghe rằng những người đàn ông bộc lộ nhiều hứng thú hơn với một người phụ nữ đã chạm nhẹ vào họ. Gueguen (2010) phát hiện thấy đàn ông dễ dàng hiểu sai một cái chạm nhẹ ( không có tính nhục dục ) lên cánh tay như một sự thể hiện hứng thú tình dục. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên hơn khi phụ nữ cũng đáp ứng tích cực trước một cái chạm nhẹ vào cánh tay khi được hỏi xin số điện thoại của họ bởi một người đàn ông trên đường (Gueguen, 2007). Điều này có thể vì phụ nữ gắn liền một cái chạm nhẹ trong 1-2 giây với địa vị cao hơn. ( hãy nhớ rằng nghiên cứu này được thực hiện ở Pháp!).

8. Đụng chạm để có quyền lực: Sự đụng chạm là cách truyền tải thông điệp rất quan trọng về quan hệ quyền lực. Henley (1973) đã quan sát những người sống trong một thành phố lớn. Những người có xu hướng đụng chạm vào người khác ( đối lập với những người bị người khác đụng chạm ) thường có địa vị cao hơn. Nhìn chung, chúng ta xem những người đụng chạm người khác là có nhiều quyền lực hơn trong xã hội (Summerhayes & Suchner, 1978).

9. Đụng chạm để truyền thông: Sự đụng chạm xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau và có thể truyền thông nhiều cảm xúc khác nhau. Một mình sự đụng chạm có thể truyền thông được bao nhiêu cảm xúc đã được thể hiện trong một nghiên cứu đáng chú ý của Hertenstein et al. (2006). Chỉ sử dụng một sự đụng chạm trên cánh tay, những người tham gia trong nghiên cứu này cố gắng truyền thông 12 cảm xúc riêng biệt đến người khác. Người nhận, mặc dù không thể nhìn thấy người đụng chạm hoặc sự đụng chạm, đã khá chính xác trong việc nhận ra cảm xúc tức giận, sợ hãi, ghê tởm, yêu thương, biết ơn và đồng cảm. Độ chính xác dao động trong khoảng từ 48% đến 83%. Đặt nó trong bối cảnh, nó cũng tốt khi chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt của ai đó. 

10. Mát xa để nâng cao kỹ năng toán học: Nếu bạn có thể làm tất cả những điều trên với một sự đụng chạm, hãy tưởng tượng những điều bạn có thể làm với một sự xoa bóp ( mát xa ). Một nghiên cứu phát hiện thấy nó có thể nâng cao những kỹ năng toán học của bạn (Field, 1996). So sánh với một nhóm kiểm soát, những người tham gia được mát xa 2 lần/tuần trong vòng 5 tuần không chỉ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn làm bài kiểm tra về toán tốt hơn. Tất cả những nghiên cứu trên dựa trên sự đụng chạm thích hợp. Bị đụng chạm có thể có những ý nghĩa khác nhau phụ thuộc vào tình huống, nền văn hoá và giới tính. Nhìn chung thì sự đụng chạm được đề cập ở đây là một cái chạm nhẹ vào cánh tay trên – một nơi an toàn để chạm vào ai đó mà bạn không biết. Nghiên cứu cũng xác định được một tỷ lệ nhỏ những người gồm cả đàn ông và phụ nữ, không thích bị chạm vào người trong những tương tác xã hội hằng ngày. Những người đó không có khả năng phản ứng tích cực trong những tình huống này.

https://cdn.noron.vn/2019/02/17/edf0a11f575cd841951ca7196611fd7c.jpg
  • HIỆU ỨNG DIDEROT

Hiệu ứng này được lấy theo tên của Denis Diderot một triết gia nổi tiếng người Pháp, gần như cả cuộc đời ông đã sống trong cảnh nghèo khó; nhưng vào năm 1765 thì tất cả đều thay đổi. Khi ấy, Diderot đã 52 tuổi và con gái ông thì sắp kết hôn, nhưng ông lại không đủ tiền lo của hồi môn cho con. Dù nghèo túng, Diderot vẫn được nhiều người biết đến vì ông là nhà đồng sáng lập và tác giả của bộ Encyclopédie, một trong những bộ bách khoa toàn thư đầy đủ nhất mọi thời đại. Khi nữ hoàng Catherine Đại đế của nước Nga biết Diderot gặp khó khăn tài chính, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, tương đương 50.000 đô-la Mỹ vào năm 2015. Thoáng chốc, Diderot đã trở nên giàu có. Không lâu sau thương vụ may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Đó là lúc mọi chuyện trở nên không ổn. Chiếc áo choàng đỏ của Diderot rất đẹp. Thực ra, nó đẹp đến mức ông lập tức nhận ra rằng nó trông thật lạc lõng giữa những vật dụng bình thường trong nhà. Theo lời ông, chiếc áo choàng và các đồ vật còn lại của ông “không hài hòa và tương xứng với nhau”. Vị triết gia sớm cảm thấy muốn mua thêm vài món đồ mới cho xứng với vẻ đẹp của chiếc áo choàng. Ông thay thảm cũ bằng một chiếc thảm mới xuất xứ từ Damascus. Ông trang trí nhà cửa bằng những bức tượng xinh đẹp và một cái bàn ăn tốt hơn. Ông mua một cái gương mới đặt bên trên chiếc áo choàng, và “ông bỏ cái ghế rơm ra tiền sảnh và thay thế nó bằng một cái ghế da.” Hành vi mua sắm theo hứng này được biết đến với tên gọi “Hiệu ứng Diderot”. Theo Hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới thường tạo ra tâm lý mua sắm nhiều hơn và dẫn đến “vòng xoáy mua sắm” khiến chúng ta tiêu tiền vào những thứ mình không thật sự cần. Kết quả là chúng ta mua những thứ mà trước kia mình chẳng bao giờ cần để được hạnh phúc hoặc thỏa mãn. Trong cuộc sống chắn hẳn chúng ta đã thấy có nhiều người khi có một mức lương bình thường thì họ chẳng mấy khi kêu ca nhưng khi thu nhập của họ tăng cao thì lại rơi vào cảnh nợ nần, đó chính là vì hiệu ứng này. Khi đó họ sẽ nghĩ rằng bây giờ lương của mình là 10 triệu rồi thì không thể ở một cái phòng trọ tồi tàn như thế này được, vậy là họ sẽ chuyển đến một căn phòng lớn hơn đồng nghĩa với đắt tiền hơn. Mức lương ở đấy giống như chiếc áo trong câu chuyện kể trên vậy, khi họ có mức lương hoặc chức vụ được tăng cao thì họ nghĩ rằng mọi thứ khác cũng phải được nâng lên sao cho xứng đáng với mức lương hoặc chức vụ ấy, và điều này kéo họ vào cái vòng xoáy không bao giờ có thể dứt ra được, vậy nên cũng đừng quá ngạc nhiên khi mà chính chúng ta, lương càng cao thì lại càng trở nên ngèo hơn, mới nghe thì tưởng như đó là nghịch lý nhưng thực ra lại là điều hết sức bình thường.

  • HIỆU ỨNG DOMINO

Hiệu ứng Domino khẳng định rằng khi bạn thay đổi một hành vi bất kỳ thì nó sẽ kích hoạt một chuỗi các phản ứng khác, đồng thời tạo ra một sự chuyển đổi trong các hành vi liên quan. Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012 bởi các nhà khoa học đến từ trường đại học Northwestern nhận thấy rằng khi mọi người giảm lượng thời gian nhàn rỗi chẳng làm gì mỗi ngày thì họ đồng thời cũng sẽ giảm lượng chất béo hấp thụ vào trong cơ thể. Những người tham gia nghiên cứu không hề được dặn dò phải ăn ít chất béo đi nhưng thói quen ăn uống của họ được cải thiện như là một hiệu ứng phụ rất tự nhiên, bởi vì họ dành ít thời gian hơn vào việc ngồi trên ghế, xem tivi và ăn một cách vô thức. Một thói quen đã kéo theo một thói quen khác cũng giống như một quân domino sẽ làm đổ một quân khác khi bị tác động một lực vừa phải. Bạn có thể nhận thấy mô hình tương tự trong chính cuộc sống của bạn. Như tôi chẳng hạn, nếu tôi tạo ra thói quen đến phòng tập gym thì sau đó, tự nhiên tôi sẽ thấy mình tập trung hơn vào công việc và ngủ ngon hơn vào buổi tối mặc dù tôi chưa bao giờ lên kế hoạch cụ thể cho việc cải thiện những hành vi khác. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh hiệu ứng Domino cũng sẽ khiến bạn duy trì các thói quen xấu. Thói quen kiểm tra điện thoại sẽ kéo theo thói quen chạm vào các thông báo mạng xã hội như Facebook, Twitter và rồi nó sẽ kích thích bạn truy cập vào các ứng dụng này để lướt News Feed một cách vô thức. Sâu hơn, bạn lại tự tạo thói quen trì hoãn khoảng 20 phút gì đó thay vì bỏ qua các thông báo ấy và tập trung vào công việc. Theo giáo sư BJ Fogg đến từ Đại học Stanford thì “bạn không bao giờ có thể thay đổi chỉ một hành vi. Tất cả các hành vi của chúng ta đều được liên kết với nhau, thế nên, khi thay đổi một hành vi thì các hành vi khác cũng sẽ được thay đổi”.

  • HIỆU ỨNG BARNUM

Hay việc người ta rất dễ dàng tiếp nhận những thông báo mơ hồ, chung chung. Hiệu ứng này được đặt tên theo các màn xiếc của P.T. Barnum. Năm 1949, một giáo sư tâm lý đưa ra một mô tả nhân cách tổng quát đến mức mọi sinh viên đều nhận đó là của chính mình, kiểu như: “Bạn có xu hướng phê phán bản thân” hay “bạn thích một chút thay đổi”. Thông báo Barnum càng được thừa nhận khi:

- Ngắn gọn, tổng quát, dễ được chấp nhận và được cho là chỉ đúng với bạn.

- Là những điều dễ ưa, phù hợp với nhân cách bạn, tránh những thông báo khó chịu kiểu như: “Bạn không phải là người suy nghĩ độc lập”.

- Đối tượng ngây thơ và dễ thay đổi.

https://cdn.noron.vn/2019/02/17/e09e41367ee6927c74888b11b1240290.jpg
  • HIỆU ỨNG FORER

Bạn đọc thân mến, có thể bạn sẽ bất ngờ, nhưng tôi đi guốc trong bụng bạn. Sau đây là phần tôi sẽ tóm tắt về bạn:

“Bạn có một nhu cầu to lớn là được người khác yêu thích và ngưỡng mộ mình. Bạn có một xu hướng chỉ trích bản thân. Bạn có một phần lớn năng lực chưa dùng tới, bạn chưa tận dụng nó biến thành lợi thế cho mình. Mặc dù bạn có vài điểm yếu về cá tính, bạn nhìn chung có thể bù đắp phần khuyết ấy. Sự điều chỉnh sinh lý (sexual adjustment) của bản thân gây cho bạn một số rắc rối. Tuy bề ngoài là một người kỷ luật và tự chủ, nhưng thực chất bên trong bạn thường hay lo lắng và bất an. Có những lúc bạn có những nghi ngờ nghiêm túc về chuyện liệu bạn có đưa ra quyết định đúng đắn hay hoàn thành một điều phải lẽ. Bạn thích có một lượng thay đổi và đa dạng nhất định và trở nên bất mãn khi bị vây hãm trong những giới hạn và hạn chế. Bạn tự hào về chính mình như là một người tư duy độc lập và không chấp nhận ý kiến của người khác mà không có các bằng chứng thỏa mãn. Bạn thấy rằng thật dại dột khi quá thành thật đến nỗi bộc lộ bản thân cho người khác thấy. Có những lúc bạn hướng ngoại, niềm nở, và dễ gần; cũng có lúc bạn lại hướng nội, thận trọng, và dè dặt. Một số nguyện vọng của bạn có xu hướng phi thực tế. Sự an toàn là một trong những mục tiêu chính trong đời bạn.” 

Bạn có thấy chính mình trong đó chưa? Trong thang điểm từ 1 (tệ) đến 5 (xuất sắc), bạn cho đánh giá của tôi bao nhiêu điểm? Vào năm 1948, nhà tâm lý học Bertram Forer chế tác ra chính đoạn văn trên bằng các cột tin về chiêm tinh từ hàng loạt tờ tạp chí khác nhau. Sau đó ông đưa nó cho các sinh viên của mình đọc, rồi đề nghị mỗi người đó tự đánh giá bản thân mình với những thông tin như vậy. Tính trung bình, các sinh viên tự nhận mình được 4.3 trên 5 điểm, điều đó có nghĩa là họ cho Forer độ chính xác là 86%. Thí nghiệm đó được lặp lại hàng trăm lần trong nhiều thập niên sau đó với kết quả gần như trùng khớp nhau. Chắc chắn là bạn cũng đã cho đoạn tóm tắt trên 4/5 điểm, con người có xu xướng nhận diện nhiều đặc điểm bản thân trong những mô tả chung chung như vậy. Khoa học gắn nhãn cho xu hướng này tên gọi hiệu ứng Forer (Forer effect, hay còn gọi là “Barnum effect”). Hiệu ứng Forer lý giải nguyên nhân giả khoa học (pseudoscience) lại vận hành hiệu quả trong thế giới này- chiêm tinh học, trị liệu bằng chiêm tinh (astrotherapy), bói chữ viết tay, đánh giá nhịp sinh học, xem tướng tay, đọc bài tarot, và lên đồng. Đằng sau hiệu ứng Forer là gì? Trước hết, phần lớn các lời phát biểu trong đoạn văn của Forer quá là tổng quát đến nỗi chúng đều có dính dáng đến mọi người: “Đôi khi bạn hoài nghi một cách nghiêm túc về những hành động của mình”. Ai mà không như vậy chứ? Thứ hai, chúng ta có xu hướng chấp nhận những lời phát biểu xu nịnh mình, vốn không áp dụng cho bản thân được: “Bạn tự hào vì khả năng tư duy độc lập của mình.” Hiển nhiên rồi! Ai mà tự nhận bản thân mình là kẻ theo đuôi mù quáng chứ? Điều thứ ba, cái gọi là hiệu ứng đặc điểm tích cực (feature-positive) cũng góp phần vào: Đoạn văn không chứa các phát biểu tiêu cực nào; nó chỉ đề cập đến những gì chúng ta là, mặc dù chính sự thiếu vắng các đặc điểm tính cách cũng là một phần quan trong ngang ngửa trong việc hình thành nhân cách. Điều thứ tư, cha của mọi loại ngụy biện, thiên kiến xác nhận: Chúng ta chấp nhận bất cứ thứ gì đáp ứng hình ảnh tự thân (self-image, sự tự nhận thức về bản thân) của mình và vô thức lọc bỏ mọi thứ khác. Điều còn lại chính là một tấm chân dung mạch lạc. Bất kể mánh lới nào mà các nhà chiêm tinh và thầy bói tướng tay có thể tung ra, thì những nhà tư vấn và phân tích cũng có thể sử dụng: “Cổ phiếu (stock) này có một tiềm năng tăng trưởng đáng kể, kể cả trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Một công ty thiếu sự thúc đẩy cần thiết để nhận ra đầy đủ và thực thi các ý tưởng từ đội ngũ phát triển. Sự quản lý được hình thành từ các chuyên gia từng trải trong ngành; tuy vậy, các dấu hiệu về sự quan liêu hóa là đáng chú ý. Một cái lướt qua phát biểu về sự lời lỗ rõ ràng cho thấy có thể thực hiện được một khoản tiết kiệm. Chúng tôi tư vấn cho công ty nọ nên tập trung nhiều hơn nữa vào những nền kinh tế đang nổi lên để đảm bảo cổ phần trên thị trường tương lai (future market share).” Nghe cũng có vẻ đúng, phải không nào? Bạn đánh giá thế nào về chất lượng của những guru (bậc thầy),-lấy ví dụ, thầy chiêm tinh? Hãy chọn ra hai mươi người và bí mật gắn số cho từng người. Hãy nhờ thầy chiêm tinh xem bói cho từng người và viết kết quả đánh giá lên những tấm thẻ. Để đảm bảo tính nặc danh, những người tham gia không bao giờ biết được con số của mình. Sau đó, mỗi người nhận một bản sao của tất cả những tấm thẻ. Chỉ khi phần đông người được coi quẻ nhận ra đúng mô tả “của mình” thì ta mới gặp đúng một thầy bói bậc thầy. Tôi vẫn đang chờ ngày ấy.

Bạn có thể đọc phần 1 tại link bên dưới:

Từ khóa: 

hiệu ứng tâm lý

,

tâm lý học