Những sai lầm thế hệ trẻ thường mắc phải khi đi làm

  1. Kỹ năng mềm

Sau nhiều năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, lao tâm khổ tứ hun đúc được tấm bằng tốt nghiệp đại học, bạn ra trường và sẵn sàng bước vào môi trường làm việc với bao hoài bão, ước mơ. Bạn háo hức, vui mừng và hy vọng vào những điều tốt đẹp đang đón đợi mình ở phía trước: nhận được mức lương thưởng xứng đáng để tự nuôi sống bản thân, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống; có được môi trường làm việc tích cực với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ, hỗ trợ cho bạn khi làm việc; gặp gỡ, kết giao với những người đồng nghiệp tốt, người lãnh đạo có tâm và có tầm; được làm việc đúng đam mê, sở thích, đúng chuyên ngành được đào tạo; công việc có nhiều cơ hội để phát triển, thăng tiến…Thật tuyệt vời nếu bạn có được tất cả những điều đó khi mới đi làm. Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, viễn cảnh màu hồng mà bạn tưởng tượng và mong muốn có thể đôi khi lại trái ngược hoàn toàn với những mong muốn của bạn hoặc có thể là 50% kỳ vọng của bạn. Bạn sẽ phải đối diện với những khó khăn, thử thách (chướng ngại vật) mà chính bạn không thể lường trước được: phải làm việc mà mình không thích, thậm chí trái ngành, trái nghề; lương thưởng bèo bọt không đủ chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu (vẫn phải xin tiền bố mẹ hàng tháng); gặp phải người lãnh đạo với phong cách làm việc độc đoán; những người đồng nghiệp xấu tính, ghen ghét, đố kỵ, hay nhờ vả; bạn bị lợi dụng, trở thành chân sai vặt, không được giao việc…Trong hoàn cảnh này bạn sẽ làm gì? Nếu không biết cách lựa chọn, ứng xử phù hợp, không đủ tỉnh táo và kiên nhẫn, đôi khi bạn sẽ mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, lấy đi của bạn rất nhiều thứ: sự nhiệt huyết công việc, thời gian tuổi trẻ, đam mê và sau nhiều năm nhìn lại bạn không khỏi tiếc nuối, ân hận và thầm nói “giá như…”. Để tránh mắc phải những điều đó, tôi sẽ chỉ ra giúp bạn những sai lầm mà nhiều người trẻ mắc phải khi mới đi làm.


Sai lầm 1: Không rõ điều mình muốn, không có mục tiêu rõ ràng

Khi đi làm có rất nhiều bạn trẻ không biết rõ điều mình thực sự muốn là gì, không có mục tiêu rõ ràng trong công việc cũng như cuộc sống. Họ sống một cách vô định, mất phương hướng, mờ nhạt và dần đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống, giá trị của bản thân. Hoặc có những người an phận thủ thường, tự hài lòng khi đã có một công việc ổn định “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, phó mặc theo sự sắp đặt của số phận. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của bạn. Lời khuyên của tôi là bạn cần thấu hiểu bản thân (tôi đã có bài chia sẻ về điều này trong một bài viết gần đây về Thấu hiểu bản thân) , xác định rõ nhu cầu, mong muốn của mình, đặt ra các mục tiêu cụ thể, lập kế hoạch và hành động theo mục tiêu đó. Bạn sẽ hình thành và duy trì được động lực, đam mê với công việc và nỗ lực phấn đấu để liên tục tiến lên mỗi ngày.

Sai lầm 2: Nhảy việc, thiếu sự kiên trì, nhẫn nại, dễ thay đổi, chán nản

Khi thực tế công việc không như mong muốn, kỳ vọng của bản thân, bạn dễ rơi vào trạng thái chán nản, bất mãn, “đứng núi này trông núi nọ”. Thói quen đổ lỗi khiến cho bạn nghĩ rằng công việc không tốt, không phù hợp hoặc mình không may mắn nên gặp phải người lãnh đạo, những người đồng nghiệp không tốt, môi trường làm việc không thuận lợi…Bạn không còn muốn cống hiến, đóng góp cho tổ chức mà mình đã gia nhập. Bạn bắt đầu tìm kiếm chỗ làm việc khác với mong muốn sẽ tốt hơn. Lời khuyên của tôi dành cho bạn là để biết mình có thực sự phù hợp với một cơ quan, tổ chức nào đó bạn cần có một khoảng thời gian nhất định để thử nghiệm (tối thiểu phải là 2 năm). Hãy suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận trước khi nhảy việc, không nên thay đổi công việc quá nhiều lần. Bởi bạn có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”, mặt khác việc bạn nhảy việc quá nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến việc xin việc của bạn sau này (tôi cam đoan rằng các nhà tuyển dụng sẽ không thích khi bạn có một hồ sơ với quá nhiều lần luân chuyển công tác. Họ sẽ đặt ra câu hỏi là liệu bạn có đủ kiên trì để cống hiến với tổ chức của họ không). Tốt nhất chỉ nghỉ việc khi bạn đã chắc chắn một công việc mới và đã có đủ thời gian để bạn suy nghĩ, cân nhắc, thử nghiệm.

Sai lầm 3: Đòi hỏi quyền lợi khi chưa có nhiều cống hiến và kỳ vọng quá nhiều

Có rất nhiều bạn trẻ khi mới đi làm, là nhân viên mới, “người đi làm thuê” nhưng luôn mang tâm thế “muốn làm ông chủ”. Đó là điều cực kỳ phi lý. Dù bạn ở bất cứ tổ chức nào khi bạn chưa cống hiến, chưa khẳng định được năng lực của bản thân bạn đừng trông chờ vào việc bạn sẽ nhanh chóng được bổ nhiệm, thăng tiến vào một vị trí nào đó hoặc đặt ra yêu cầu phải được cái này, cái kia. Đừng đòi hỏi quyền lợi quá sớm bởi thời kỳ đầu khi mới đi làm điều quan trọng là bạn vẫn cần học hỏi, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao sự hiểu biết. Chính vì vậy, thay vì đòi hỏi bạn hãy chăm chỉ, nỗ lực hết mình để khẳng định giá trị bản thân, không ngừng học hỏi và tích lũy để có thể chủ động, độc lập trong công việc. Có những người thì kỳ vọng quá nhiều, vẽ ra môi trường làm việc lý tưởng và mong muốn điều đó. Nhưng thực tế đôi khi không phải như vậy. Thế nên bạn đừng đặt ra quá nhiều kỳ vọng để rồi thất vọng nhiều. Hãy giảm nhu cầu của mình xuống, hạnh phúc, thoải mái, an nhiên sẽ luôn mỉm cười với bạn.

Sai lầm 4: Trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác (sự quan tâm của cấp trên, sự giúp đỡ của đồng nghiệp…)

Nếu khi mới đi làm bạn được giao làm một công việc cụ thể, nhận được sự trợ giúp của đồng nghiệp hay có một mentor thì đó là một may mắn. Nhưng nếu không có được điều đó thì bạn cũng đừng quá lo lắng, buông xuôi và chán nản. Thay vào đó hãy tự tạo cho mình công việc để làm. Ví dụ thời kỳ đầu nếu sếp chưa giao việc bạn nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các văn bản, giấy tờ liên quan như nội quy, quy chế công ty, nhiệm vụ, chức năng của phòng ban, tổ chức, cách thức phối hợp…Chủ động nói chuyện với đồng nghiệp, xin được học hỏi, làm cùng, tìm kiếm người hướng dẫn, chỉ bảo và luôn biết ơn mọi sự giúp đỡ. Tôi tin rằng bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng và ngày càng vững vàng, độc lập trong công việc.

Sai lầm 5: Tự tin thái quá

Thường thì các bạn trẻ có rất nhiều thế mạnh: sự nhanh nhạy, năng động, kiến thức cập nhật, khả năng sử dụng công nghệ tốt, có trình độ ngoại ngữ, có thời gian, sức trẻ…Đó là điều rất tốt để bạn có thể khẳng định bản thân và giải quyết tốt công việc. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn có “quyền” tự cao, tự đại với người khác, đặc biệt với những người lớn tuổi ở cơ quan, tổ chức. Bởi có thể sự nhanh nhạy, cập nhật của họ không được như bạn nhưng bù lại họ có rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm, sự chín chắn, đĩnh đạc. Hơn nữa mỗi người, mỗi thế hệ sẽ có những giá trị riêng có mà tôi tin rằng bạn có thể học hỏi được từ họ rất nhiều. Do đó, lời khuyên của tôi ở đây là bạn cần khiêm tốn, học hỏi và đừng bao giờ tự tin thái quá.

Sai lầm 6: Kêu ca, phàn nàn, đổ lỗi mà không hành động để thay đổi

Có rất nhiều người có một thói quen rất xấu là luôn miệng kêu ca, phàn nàn, đổ lỗi mà không bao giờ tự nhìn lại chính mình. Ví dụ khi đi làm muộn họ sẽ nghĩ ra đủ mọi lý do ngoại cảnh như tắc đường, con ốm, xe hỏng để biện minh cho lỗi lầm của mình hoặc khi cảm thấy chán nản, bế tắc trong công việc luôn cho rằng sếp không công bằng, đồng nghiệp không trợ giúp, đổ lỗi cho chế độ…Trước khi kêu ca, phàn nàn chúng ta hãy xem mình đã thực sự cố gắng, nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh chưa? Chúng ta đã làm chưa? Thực ra trong bất kì môi trường nào việc được làm, được thử nghiệm là điều cực kỳ quan trọng sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn rất nhiều. Cho nên khi đi làm trong hoàn cảnh và phạm vi cho phép chúng ta nên sẵn sàng nhận việc được giao, chủ động xin được tham gia vào các công việc khác nhau, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp…Điều này sẽ là cơ hội để cho các bạn được trải nghiệm, khám phá năng lực bản thân, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Bạn hãy nhớ "Nếu có khó khăn chỉ vì ta chưa làm" bạn nhé!

Ai trong chúng ta rồi sẽ đến lúc gia nhập vào thế giới của những “người đi làm”. Thế nên để thành công trên con đường sự nghiệp, nhanh chóng thích nghi vào môi trường làm việc bạn cần tích lũy cho mình nhiều “tài sản” riêng có từ kiến thức, năng lực chuyên môn đến những kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị bản thân…và đặc biệt là không đi vào “vết xe đổ” mà nhiều người đã từng phạm phải. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích phần nào đó cho các bạn đang và sẽ đi làm. Chúc các bạn thành công!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm