Những yếu tố hình thành nên một chiến thuật trong môn bóng đá

  1. Thể thao

Nếu bạn đã từng chơi những tựa game bóng đá như FIFA, Pro Evolution Soccer hay đặc biệt là Football Manager, có lẽ bạn cũng đã phần nào nắm được những vấn đề sơ khởi hiện hữu trong cách điều chỉnh đội bóng khi chơi. Họ đều có những điểm chung nhất định để giúp bạn lựa chọn hoặc tự tạo ra một “chiến thuật” cho riêng mình, cho đội bóng của mình.

Trở lại với thực tế, nhiều cổ động viên thông thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định về vấn đề này. Một hệ thống chiến thuật gồm nhiều bài bản cho từng phân đoạn tình huống diễn ra trên sân.

Ví dụ, Arsenal có thể có nhiều bài tấn công như phối hợp bật nhả ít chạm trung lộ, chồng biên, tạt cánh đánh đầu, căng ngang hay có thể sử dụng 2 sơ đồ khác nhau là 4-2-3-1 và 4-3-3. Nhưng đó chắc chắn không phải một đội bóng “đa dạng chiến thuật”, mà đơn giản chỉ là đa dạng trong cách tiếp cận khung thành.

Vậy, một hệ thống chiến thuật được hình thành bởi những yếu tố sau đây:

1. Triết lý

Chúng ta nhắc rất nhiều tới “triết lý bóng đá”, hay còn gọi bằng một từ chung chung hơn là “lối chơi”. Có thể điều này gắn với một HLV hoặc một CLB, thường được cho là ảnh hưởng bởi triết lý chung của quốc gia, của giải đấu.

Triết lý ở đây có thể hiểu là gì? Đó là mục đích sau cùng, là cứu cánh (hãy tra từ điển nếu bạn đang hiểu sai nghĩa từ “cứu cánh”) của một đội bóng khi ra sân thi đấu.

Có đội ra sân với tinh thần xông lên tranh cướp bóng thật nhanh và lập tức tấn công. Có đội chậm rãi bật nhả áp sát khu vực 16m50 của đối thủ dần dần. Có đội dàn trận thật chắc trên sân nhà rồi chờ cơ hội phản công. Có đội muốn triển khai tấn công bằng tốc độ trong mọi tình huống. Có đội muốn từ tốn đưa bóng ra biên rồi tạt vào vòng cấm địa.

Bao nhiêu cầu thủ được tham gia tấn công/tham gia phòng ngự? Phân nửa, tất cả, hay chia ra có người chuyên công, có người chuyên thủ, có người vừa công vừa thủ?

Trên sân các cầu thủ phải giữ vị trí, tiến công theo “bài” tập trước hay di chuyển linh hoạt, hoán đổi vị trí, tự do thể hiện sức sáng tạo? Nhiều cầu thủ có quyền ấy, hay chỉ một vài hoặc thậm chí chỉ một người duy nhất?

Tất cả những điều ấy thuộc về phạm vi triết lý chơi bóng, và nó sẽ ảnh hưởng tới cách sắp xếp mọi vấn đề khác. 

Ví dụ: Pep Guardiola và triết lý “tiqui-taca”, Johan Cruyff và triết lý “totaalvoetball”, Jose Mourinho và triết lý “xe buýt”, Borussia Dortmund với triết lý “gegenpressing”…

2. Cự ly đội hình

Cự ly đội hình, hiểu đơn giản là khoảng cách giữa các cầu thủ, các vị trí, các tuyến hậu vệ – tiền vệ – tiền đạo.

Cự ly đội hình có mối liên hệ quan trọng với các yếu tố như “mức độ dâng cao của hàng thủ”, “tốc độ triển khai tấn công”, “phương pháp triển khai tấn công”.

Ví dụ: Chelsea dưới thời Jose Mourinho hay West Ham dưới thời Sam Alladyce là những đội có cự ly đội hình rất hẹp khi phòng thủ và thay đổi từ tương đối lớn đến rất lớn khi triển khai tấn công; Barcelona dưới thời Pep Guardiola luôn có khoảng cách cự ly đội hình hẹp ở mọi giai đoạn tấn công và phòng ngự, trừ tình huống linh hoạt và giai đoạn chuyển tiếp. 

3. Mức độ dâng cao của hàng thủ

Mức độ dâng cao của hàng thủ được đánh giá dựa trên khoảng cách giữa tuyến hậu vệ và thủ môn của một đội bóng trên sân. Đây là một vấn đề đơn giản để sắp xếp thực hiện, nhưng lại là một trong những vấn đề quan trọng nhất. 

Xu hướng các hàng thủ ngày càng dâng cao hơn có ảnh hưởng cực lớn từ sự thay đổi của luật việt vị. Mức độ dâng cao của hàng thủ có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố “cự ly đội hình”. 

Một hàng thủ dâng cao thường được sử dụng nhằm mục đích đảm bảo cự ly đội hình phù hợp cho các mục đích như pressing từ xa, ngay trên phần sân đối thủ; hoặc dễ dàng nhận và chuyền bóng trong lối chơi kiểm soát thế trận. 

Ngược lại, một hàng thủ lùi sâu thường được sử dụng với những đội bóng có các trung vệ không nhanh nhẹn (tránh việc phải đua tốc độ khi đối thủ đưa bóng vào khoảng trống lớn phía sau) hoặc các xác định đội phòng thủ nhiều hơn, chắc chắn hơn so với tấn công. Hàng thủ dâng cao thường đi liền với bẫy việt vị. 

Ví dụ: Hàng thủ Arsenal luôn luôn dâng cao chủ động, hàng thủ của Jose Mourinho khi gặp những đội lớn luôn giữ vị trí rất thấp khi phòng thủ và dâng cao từ từ khi đội triển khai tấn công.

4. Phương pháp thu hồi bóng

Đây là một trong những điểm có thể thể hiện rõ ràng nhất tính cách của một tập thể trên sân. Football Manager đã xuất sắc khi đề ra những chi tiết này ngay từ giai đoạn đầu xây dựng hệ thống chiến thuật trong game.

Đó là các vấn đề đối lập: 

Kèm người 1-đối-1; phòng thủ khu vực; hay sử dụng một phương pháp kết hợp? 

Áp sát đối thủ từ xa hay chỉ trên phần sân nhà? Liệu có thể rời khỏi vị trí để áp sát đối thủ, hay giữ nguyên vị trí? 

Vào bóng quyết liệt hay chỉ cản đối thủ lại để chờ các đồng đội cùng vào “quây bắt”?

Ví dụ: Arsenal thường chủ động áp sát đối thủ từ xa nhưng không vào bóng quyết liệt, chặt chém. Atletico Madrid ít áp sát từ xa một cách chủ động (chỉ khi đối thủ rơi vào trạng thái không an toàn) mà lùi về phần sân của mình và chỉ tắc bóng quyết liệt ở đó.

Với các vị trí khác nhau, những yêu cầu này có thể thay đổi khác nhau. 

Ví dụ: Ở một đội bóng cơ bản như West Ham, các tiền đạo có thể thư giãn khi đối thủ cầm bóng; trong khi tại Dortmund, Atletico Madrid… thì vai trò của các tiền đạo còn đỏi hỏi nhọc nhằn không khác gì một cầu thủ phòng ngự. 

5. Tốc độ & phương pháp triển khai tấn công

Đây là một vấn đề cần được đánh giá linh hoạt, bởi nó rất đa dạng dựa theo từng tính huống, tuy nhiên vẫn mang những nét thể hiện đặc điểm ở mỗi đội.

Tốc độ nhanh hay chậm được đánh giá dựa theo thời gian trung bình để một đội tiếp cận khung thành đối thủ, tính từ thời điểm giành lại được bóng.

Ví dụ: Liverpool 2013-14, Atletico Madrid, Hà Lan 2014, Dortmund, Bayern Munich mùa 2012-13 tại Champions League, Roma của Rudi Garcia… luôn có tốc độ triển khai tấn công cực nhanh. Barcelona, Liverpool 2012-13 chậm. Arsenal, Napoli, Inter Milan của Walter Mazzarri từ trung bình tới nhanh.

Tốc độ triển khai và phương pháp triển khai có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng linh hoạt.

Ví dụ, với một đường chuyền dài và các pha chạy nước rút, rê bóng trực tiếp vào khu vực có cơ hội ghi bàn, tốc độ của pha triển khai tấn công sẽ diễn ra rất nhanh. 

Với các đường chuyền ngắn, đội sẽ lên bóng dần dần vì bóng được di chuyển ở khoảng cách nhỏ hơn nên chậm hơn.

Ví dụ: Một đường phất dài của Ron Vlaar lên cho Arjen Robben chạy thật nhanh lên đón bóng, rê tốc độ cao tới vòng cấm địa đội phương và dứt điểm – Hà Lan đã triển khai tấn công xong. 

Ngược lại: Valdes ném bóng cho Pique, Pique chuyền cho Puyol, Puyol chuyền cho Xavi, Xavi bật vài nhịp với Busquets để đảm bảo an toàn, Xavi chuyền cho Iniesta, Iniesta chuyền cho Messi, Messi nhả lại cho Xavi… khò khò.

6. Dàn xếp tấn công

Một yếu tố có thể ảnh hưởng quan trọng và liên quan tới cự ly đội hình, tốc độ triển khai và phương pháp tấn công. 

Dàn xếp ở đây gồm hai yếu tố: hướng triển khai bóng và vị trí dứt điểm. 

Ví dụ: Manchester United của tân HLV Van Gaal hoặc Liverpool 2013-14 ưu tiên đánh vào các half-space trên sân; Bayern Munich, Roma triển khai đánh chủ yếu từ hai cánh; Arsenal, Barcelona tiếp cận theo cả 3 con đường từ giữa, trái, phải…

Một điều đáng chú ý nữa là cách sử dụng con người. Có những đội dàn đều ra theo chiều rộng sân khi cầm bóng trên phần sân đối phương, có những đội triển khai tấn công mạnh mẽ bằng số đông theo một hướng nhất định. Ví dụ điển hình là cách Chile ghi bàn trong trận gặp Australia tại bảng C World Cup 2014.

7. Sơ đồ

Có người cho rằng sơ đồ thể hiện được tất cả, nhưng rõ ràng không phải. Một sơ đồ 3-5-2 tưởng như là mang tính tấn công hơn vì ít đi một hậu vệ, nhưng cũng khiến người cho rằng mang tính phòng thủ nhiều hơn vì thêm một trung vệ. 

Có người cho rằng sơ đồ không thể hiện được điều gì, vì chiến thuật chơi bóng không phụ thuộc vào sơ đồ và ở mỗi giai đoạn của trận đấu thì sơ đồ lại thay đổi cho phù hợp rồi. 

Cả hai đều đúng và cũng đều sai. Chúng ta cần hiểu một cách linh hoạt.

Trên thực tế, nếu đã tham gia một trận bóng đá thực sự, hay sâu sắc hơn nữa là có cơ hội làm huấn luyện viên, bạn sẽ hiểu được rằng đây là một phần nền tảng không thể thiếu, dù có thể nó sẽ biến đổi theo các giai đoạn và trở nên không quan trọng trong những thời điểm nhất định.

Ví dụ: Sơ đồ 4-2-3-1 của Rafael Benitez khi nhìn từ trên cao sẽ là 4-4-1-1 khi phòng thủ, 2-3-3-2 khi triển khai tấn công, 2-2-3-3 khi áp sát khung thành đối phương.

Nhưng rõ ràng bạn không thể nói với các cầu thủ của mình như vậy được. 

Cách tốt nhất để giúp các cầu thủ nắm được điều cốt lõi trong cách vận hành là đưa ra một sơ đồ chuẩn mực nhất ở các vùng trung tâm.

Ví dụ Benitez sẽ nói với các cầu thủ: hôm nay chúng ta đá 4-2-3-1, khi nào thủ thì hai tiền vệ biên lùi thấp xuống, khi nào tấn công thì hậu vệ biên dâng cao lên, một tiền vệ cánh đối diện thì di chuyển vào trung lộ đón bóng dứt điểm…

Tôi có may mắn được làm trợ lý HLV tại trại hè Real Madrid tại Hà Nội vào tháng 4/2014 nên đã học hỏi được vấn đề này – điều tưởng như đơn giản mà đôi khi nghiên cứu quá sâu vào khoa học chiến thuật có thể khiến ta “lậm”. 

Hơn thế nữa, khi lối chơi và triết lý ở mức cơ bản và không có gì quá đặc biệt, cách lựa chọn và vận hành sơ đồ có thể gây ảnh hưởng rất lớn, tùy theo đối thủ. Vấn đề này sẽ được bàn kỹ hơn trong các bài viết sau của serie. 

Một sơ đồ phù hợp với nhân sự và các đặc điểm triển khai lối chơi (6 điều phía trên) dĩ nhiên sẽ tốt hơn một sơ đồ không phù hợp. 

8. Sự chuẩn bị

Sau cùng, những đối thủ khác nhau lại sẽ cần một sự thay đổi khác nhau. 7 vấn đề được nêu ra phía trên chỉ làm nên một chiến thuật, còn một đội bóng muốn chinh phục đỉnh cao thì cần có một hệ thống chiến thuật.

Họ cần một chiến thuật duy nhất nếu họ có thể vận hành hoàn hảo tất cả mọi yếu tố, giống như cách Brazil đăng quang tại Confederations Cup 2013 hay Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010. Hẳn sẽ không ai chỉ trích rằng hai đội bóng này dâng quá cao và hay để hở ra khoảng trống sau lưng chứ? Họ thu hồi bóng hoàn hảo kia mà.

Còn với các đội bóng không vươn tới được sự hoàn hảo – chủ yếu ở cấp CLB, nơi thời gian trải dài đòi hỏi những thích nghi với thay đổi và rủi ro.

Ví dụ: Chúng ta có thể thấy rằng Jose Mourinho luôn mạnh dạn cho phép các học trò dâng cao khi gặp đội yếu, nhưng trong các trận cầu đinh, ông luôn yêu cầu một sự đảm bảo chắc chắn đến tối đa. 4 hậu vệ phải dàn hàng ngang, giữ cự ly hẹp với nhau và lùi thấp; 2 tiền vệ trụ không dâng cao; 2 tiền vệ biên sẵn sàng lùi sâu như những wingback đích thực.

Bài viết được biên tập và tổng hợp từ kiến thức bóng đá của tác giả Dũng Lê trên 4321.vn

Từ khóa: 

bóng đá

,

chiến thuật bóng đá

,

thể thao