Phim nghệ thuật - lối đi riêng cho thị trường phim Việt.

  1. Phim ảnh

Ngày nay, với sự rẽ lối đa dạng của những bộ phim Việt, đồng thời tiếp nhận cảm hứng từ nhiều nền văn hóa khác nhau, một số bộ phận không nhỏ những nhà làm phim trẻ, đầy tham vọng đã và đang ấp ủ những hướng đi mới, tìm kiếm những lối làm phim sâu sắc hơn, những góc nhìn mới mẻ hơn cho sản phẩm của mình. Và từ đó họ tìm đến dòng phim nghệ thuật như một cách bày tỏ chính bản thân họ trong quá trình tự khẳng định mình.

Vậy, phim nghệ thuật (hay còn gọi là Art-house movie) là gì?

Phim nghệ thuật là những bộ phim độc lập nghiêm túc thường mang tính thực nghiệm và được thiết kế cho một nhóm khán giả nhất định. Ở đó người đạo diễn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp từng khung hình, từng cử chỉ, chỉ đạo các tuyến nhân vật theo như đúng ý đồ nghệ thuật của mình với mong muốn thoát khỏi lối suy nghĩ thường thấy trong cách làm phim hiện tại. Từng chi tiết trong bộ phim, làm cho người xem phải thực sự động não, phải luôn chú ý và theo dõi, thậm chí luôn phải đặt ra những câu hỏi cho ý nghĩa của từng bối cảnh và đôi khi bộ phim sẽ ám ảnh người xem đến tận khi về nhà.

Ở Việt Nam, dòng phim nghệ thuật đã và đang được các đạo diễn trẻ phát triển với nhiều lối tư duy sáng tạo. Có lẽ một trong những người tiên phong không thể không kể đến chính là đạo diễn Phan Đăng Di với bộ phim “Bi, đừng sợ” được phát hành vào năm 2011.

Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng lối làm phim gay góc nhưng tinh tế với bộ phim “Đập cánh giữa không trung” (ra mắt năm 2014) cũng là một trong số những người tiên phong trong dòng phim khó nhằn này.

Hay như ngay bộ phim Song Lang mới được ra mắt gần đây. Mình không hiểu tại sao khán giả kén phim này, phim đạt chất lượng về độ hoàn thiện bối cảnh và tính duy mỹ. Hay nói cách khác, đạo diễn Leon Quang Lê đã biết cách khéo léo phơi bày những màu sắc nổi bật của gánh hát Nam Bộ dưới những góc máy hoàn thiện nhất. Mình luôn có thể thấy sự chau chuối bối cảnh cho từng khung hình, tuy nhiên việc cân bằng màu sắc sẵn có của những bộ trang phục nơi gánh hát với màu chủ đạo của bộ phim có bài cảnh hơi 'phản chủ', làm cho mình bị ngộp trong bối cảnh.

Bộ phim khơi gợi khá nhiều vấn đề cho người xem về xã hội thời bao cấp, về cái từ 'xướng ca vô loài' mà mọi người thường gán cho một đoàn hát, thế nhưng người xem vẫn có thể cảm thấy dễ xem khi tập trung vào hai nhân vật chính. Và xin nhắc rằng, đây không phải là một bộ phim về tình yêu, hoàn toàn không phải như báo chí đã PR mà nó là sự đồng cảm, sự sẻ chia và hành trình giúp đỡ Dũng Thiên Lôi quay lại với giấc mơ còn dang dở của mình.

Dòng phim nghệ thuật chưa bao giờ thực sự là một lối đi dễ dàng cho những nhà làm phim độc lập. Đặc biệt khi điểm nhìn của khán giả đang vẫn còn quá trực quan và gay gắt với mức độ khó hiểu của loại hình phim này. Thế nhưng nếu như người đạo diễn dám vượt qua được rào cản đó, dám đứng lên và tự thể hiện mình thì những tác phẩm của họ có thể là một hơi thở mới, một sức sống mới cho thế hệ nghệ sĩ trẻ đang đang quay cuồng trong sự phán xét của thời đại. 

Và cuối cùng, nếu bạn chưa xem Song Lang, hãy ra rạp và xem và cảm nhận đi ạ, ủng hộ cho một đạo diễn Việt Kiều yêu cải lương chấp nhận thua lỗ để tìm về đúng với dòng phim nghệ thuật đang ngắc ngoải tại Việt Nam.

Từ khóa: 

song lang

,

phim việt nam

,

chosonglangthêmtuầnnữa

,

yêusonglangthêmlầnnữa

,

phim ảnh