Nội dung phim hoạt hình đến từ đâu ?

  1. Phim ảnh

"Nước ngoài họ thường xuyên sản xuất bộ phim hoạt hình dựa trên truyện tranh để các em nhỏ dễ đón nhận hơn. Việt Nam ít truyện tranh dẫn đến hoạt hình cũng bí bách về vấn đề kịch bản" - NSƯT Phạm Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc hãng phim hoạt hình Việt Nam.

(Tên các bộ phim trong bài đã được Việt hóa)

Chúng ta đều biết khi mỗi bộ phim được làm nên - cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình đều dựa trên một nguồn chuyển thể gây cảm hứng nào đó. Và phim hoạt hình cũng không phải một ngoại lệ. Cảm hứng cho các phim hoạt hình rất đa dạng và rộng rãi, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu điều đó. Vậy, chính xác thì các nền cảm hứng, hay nội dung từ các phim hoạt hình ta thường được thấy đến từ đâu ?

Truyện cổ tích, thần thoại

snow-white-and-the-seven-dwarfs-disney-facebook-12082015-1276x850
Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn - Bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên

Không lạ khi cổ tích, thần thoại là một trong những nội dung quen thuộc khi người ta nghĩ đến khi nhắc đến phim hoạt hình khi những bộ phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của Disney luôn xoay quanh những nàng Bạch Tuyết, Lọ Lem hay Nàng Tiên Cá. Thực chất, đây là một dạng nội dung rất phổ biến và dễ tiếp cận lứa tuổi thiếu nhi, và các bậc cha mẹ đều khá an tâm với các phim có nội dung cổ tích hay thần thoại. Các phim có cốt truyện cổ tích thường dễ tiếp cận với đối tượng khán giả nhỏ tuổi với cốt truyện đơn giản nhưng nổi tiếng. Tuy nhiên với xã hội ngày càng phát triển và các khán giả cũng yêu cầu các nội dung có chiều sâu hơn, các nhà làm phim cũng sửa đổi và sáng tạo các câu chuyện cổ tích sẵn có để các bộ phim hoạt hình thuộc thể loại này được đón nhận hơn từ nhiều khán giả từ các độ tuổi khác nhau. Điển hình ta có thể kể đến Công Chúa Tóc Mây của Disney, Chuyện Công Chúa Kaguya của Ghibli, Bài Ca Của Biển của Irish,...

28521142220_62c7f52a26_b
Bài Ca Của Biển - Câu chuyện cảm động về tiên hải cẩu của vùng đất Ireland cùng những bài học về gia đình và cuộc sống

Dần dần, những câu chuyện cổ tích vốn phân biệt rõ ràng thiện-ác hay có những bài học đơn giản về tình yêu đích thực giờ nay đã được nhào nặn, trở thành những bộ phim với câu chuyện đa chiều với những bài học mà trẻ em hay người lớn đều có thể cảm nhận được : Nó không đơn giản là tình yêu đôi lứa, nó là bài học về niềm tin, hi vọng, đam mê, tình cảm gia đình và những bài học không tên lẫn dễ dàng nhận ra khác.

Truyện tranh

0cover
Anime - hoạt hình Nhật Bản thường có nội dung chuyển thể từ các truyện tranh ăn khách

Khi nhắc đến các phim hoạt hình với nội dung phức tạp và đa chiều hơn, anime - hay hoạt hình Nhật thường dễ dành được nhắc đến do sự phổ biến và nổi tiếng của nó. Và đúng vậy, việc anime ăn theo manga - truyện tranh Nhật là điều phổ biến khi bản thân hầu hết các manga đã có các nội dung dài kì, hấp dẫn, đủ gây cấn để chuyển thể thành các phim hoạt hình dài tập ăn theo nhưng vẫn đủ sức hút, thậm chí có một số trường hợp anime còn vượt trội hơn hẳn manga gốc khi nó diễn tả tốt các màn hành động hay tạo hình, kĩ xảo xuất sắc hơn bản gốc trên giấy như Lupin The Third hay Thanh Kiếm Diệt Quỷ.

Tuy nhiên, những người xem đều có thể chỉ ra rằng không phải các anime đều hoàn toàn trung thành với nội dung chuyển thể. Không ít các anime như Đảo Hải Tặc, Gintama hay Fairy Tail sáng tạo thêm các phần phim nhỏ không liên quan đến nội dung của manga hay nội dung tổng thể của phim để tạo sự mới lạ cho người xem. Thậm chí có một vài trường hợp đặc biệt khi các anime còn thay đổi quá nửa hoặc hầu hết tình tiết trong câu chuyện gốc như Tokyo Ghoul hay Hắc Quản Gia. Những sự thay đổi này có thể gây nhiều tranh cãi nhưng không ít người cảm thấy hứng thú khi họ có thể xem các phiên bản khác nhau của câu chuyện họ yêu thích.

qk9xflkkdej21
Comic Âu Mỹ - thiên đường của việc khai thác nhân vật và sáng tạo nội dung

Ở bên kia thế giới, các dòng truyện tranh Âu Mỹ - hay có thể gọi chung là comic, mang tính sáng tạo hơn rất nhiều. Trong thế giới comic, sự liên kết của các phần truyện không cao như manga, riêng các comic Mỹ còn có các nhân vật hay phần truyện cũng được viết, sáng tạo bởi nhiều người khác nhau. Vì thế, các phim hoạt hình dựa trên comic có thể tự do sáng tạo các câu chuyện về các nhân vật này với điều kiện giữ nguyên nhân vật, tính cách và các mối quan hệ xung quanh nhân vật đó. Đây là lí do phần phim Xì Trum không hề có nội dung giống hệt với phần comic nào về các nhân vật này hay bộ phim Spider Into The Spiderverse không hề có nội dung trùng khớp với bộ truyện Spider-verse có sự kiện trùng tên hay phần truyện về nhân vật chính Miles Morales.

Tiểu thuyết văn học

Violet-eva-garden
Rất nhiều phim hoạt hình được biên tập từ các tác phẩm văn học được yêu thích

Mặc dù nhiều người xem phim thông thường sẽ không để ý nhiều đến việc này nhưng thực chất có không ít các phim được biên tập từ các tiểu thuyết hay tác phẩm văn học. Ở Nhật có các bộ phim chuyển thể từ văn học nổi tiếng không giới hạn quốc gia như Violet Evergarden, Một Đêm Giông Bão từ Nhật hay Lâu Đài Di Động Của Howl từ Anh. Tương tự với phương Tây khi ta có phim hoạt hình điện ảnh Bambi dựa trên câu chuyện được sáng tác bởi nhà văn người Áo Felix Salten, Coraline có tác giả nguyên tác là Neil Gaiman - người Mĩ chính hiệu hay bộ ba phim Bí Kíp Luyện Rồng chuyển thể từ sách của Cressida Cowell từ Anh.

rg-010_wide-f1767c745ac08ab4ad98b69ed1bdf91bf847a0c5
Nhưng - tất nhiên - không phải bộ phim nào cũng hoàn toàn trung thành 100% với nguyên tác

Tuy nhiên, giống như các phim có nguyên tác truyện tranh, các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học không cần hoàn toàn trung thành với các tác phẩm gốc. Thực chất, các tác phẩm văn học vốn dĩ không có tính chất điện ảnh như truyện tranh và việc chuyển thể hoàn toàn nội dung sách lên màn ảnh không phải điều dễ dàng - nhất là với các movie với thời lượng hạn chế. Từ đây, việc thêm thắt nội dung để bộ phim mang tính điện ảnh hơn hay cắt bớt/thay đổi nội dung để phù hợp với thời lượng phim là điều khó tránh. Tất nhiên các phim có sự trung thành gần như tuyệt đối với bản gốc như Mộ Đom Đóm hay Tàu Tốc Hành Đến Bắc Cực không phải không có, nhưng đồng thời cũng có các bộ phim có sự liên kết với tác phẩm gốc cực kì ít như Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà hay Bí Kíp Luyện Rồng, thậm chí cá biệt có phim với điểm chung với sách chỉ thể hiện ở... tên phim như Perfect Blue.

Và cuối cùng là sự sáng tạo

image4-21
Tom và Jerry nào có cần một nguyên tác ?

Với những ví dụ trên, ta đều thấy dù rất nhiều phim dù được dựa trên các nguyên tác có sẵn, song chúng đều đã có những sáng tạo riêng. Khi nhìn vào lịch sử của phim hoạt hình, ta có thể thấy từ những lúc sơ khai của ngành điện ảnh này, các phim như Chuột Mickey, Betty Boop hay Tom Và Jerry đều có những nội dung nguyên gốc mà không dựa trên một tác phẩm hay điển tích nào. Khi Disney của ngày trước khá chuyên tâm vào việc chuyển thể các điển tích và tác phẩm văn học có sẵn (Và trớ trêu rằng chúng là những bộ phim được nhớ đến nhất), các hãng phim hoạt hình sau này đã bắt đầu "tự thân vận động" hơn : các tác phẩm chuyển thể đã có sự thay đổi so đối nguyên tác, những bộ phim với nội dung nguyên bản, các câu chuyện được kể và bài học được cài cắm đã được đưa lên một tầm cao mới - khi trẻ em vẫn có thể thưởng thức nội dung phim một cách thoải mái nhưng người lớn vẫn có thể đồng cảm và thậm chí rơm rớm nước mắt cùng những nhân vật hoạt hình vốn không có thật.

0_S6BD6E2-IldA21J-
Sáng tạo - nguồn sức mạnh tuyệt vời mang đến những thế giới mộng ảo nhất với những cảm xúc chân thật nhất

Và sự thật rằng đến khi Disney làm nên Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn, việc chuyển thể các điển tích và tác phẩm văn học lên hoạt hình mới phổ biến và được biết đến rộng rãi, đến nỗi có nhiều người nghĩ rằng các phim hoạt hình vốn được chuyển thể từ các truyện cổ tích hay tác phẩm văn học có sẵn. Khi xã hội và dân trí dần phát triển, bộ phận khán giả cũng bắt đầu khắt khe hơn với các tác phẩm hoạt hình. Mặc dù trên thế giới đã có các phim như Hoàng Tử Ai Cập đã đưa đến câu chuyện mang nặng tính tôn giáo, The Simpsons chất chứa tính phê phán từ xã hội đến chính trị hay không ít bộ anime khác đã khai thác đến các chủ để về thiện ác và bản ngã con người, thế nhưng hoạt hình Việt Nam vẫn quay quẩn trong cái vũng nước Quà Tặng Cuộc Sống hay các nhân vật động vật vì theo những nhà làm phim hoạt hình Việt thì chúng 'sẽ được trẻ em yêu thích hơn'. Monta Trong Dải Ngân Hà Kì Cục là một bước tiến đáng kể trong nền hoạt hình nước nhà, nhưng lại không được các hãng nhà nước quan tâm hay học hỏi.

maxresdefault
Với những kịch bản, tạo hình và cách làm phim thế này, có lẽ hãng phim hoạt hình Việt Nam không nên mơ đến giấc mơ nước ngoài làm gì

Vốn dĩ hoạt hình đã luôn là một phương pháp truyền tải nội dung như sử dụng diễn viên người thật hay công nghệ mô phỏng bằng máy tính (CGI), vậy hà cớ gì ta phải phân biệt rằng nội dung các hoạt hình phải "chuyển thể từ cổ tích" hay "dựa trên tuyện tranh" ? Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam nói riêng hay của Đông Nam Á nói chung mang tên Đáng Đời Thằng Cáo - vốn được làm bởi những con người mới chập chững biết đến hoạt hình từ Liên Xô xa xôi - dù cũng là một tác phẩm chuyển thể nhưng nội dung câu chuyện cũng đã được thay đổi để mang đến một cốt truyện hấp dẫn hơn, thậm chí mang tính cách mạng. Vậy thì tại sao hãng phim hoạt hình Việt Nam sau hơn 50 năm phát triển lại tụt hậu hơn ngành điện ảnh Đông Nam Á và đưa ra một lí do chống chế thiếu kiến thức căn bản đến vậy ? Khi Upin Và Ipin và Boboiboy - hai bộ phim của Malaysia từng bị chính người xem Việt chê cười đã trở thành biểu tượng của quốc gia họ và trên đường đến với đối tác quốc tế thì bản thân hoạt hình Việt Nam đang ở đâu trong cái vũng nước nhà ? Có lẽ đây là câu hỏi mà hãng phim hoạt hình Việt Nam nên tự hỏi bản thân ngay đi, vì từ khi đưa ra quan điểm "hoạt hình ta ít phát triển vì nước nhà ít truyện tranh" thì họ đã không còn xứng đáng với việc cầm lái nền điện ảnh này rồi.

Screenshot (1)
Từ khóa: 

nội dung

,

hoạt hình

,

phim ảnh

Đáng buồn là nhiều người vẫn giữ tư duy cổ hủ về hoạt hình quá... Mong bài này sẽ góp phần chuyển biến tư duy của một bộ phận khán giả Việt.

Trả lời

Đáng buồn là nhiều người vẫn giữ tư duy cổ hủ về hoạt hình quá... Mong bài này sẽ góp phần chuyển biến tư duy của một bộ phận khán giả Việt.