Nói với con về Tết (chia sẻ từ những trải nghiệm ngày Tết trong gia đình mình)

  1. Giáo dục

Đã từ lâu với người Việt, Tết là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm. Nhà nhà, người người náo nức, vui đón Tết, trang hoàng nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị đồ cúng lễ, gặp gỡ, sum họp gia đình, cùng du xuân, đi lễ chùa, tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi cho chính mình và gia đình sau một năm…cùng với đó là trao gửi những lời chúc tốt lành, may mắn, bình an cho một năm mới. Đặc biệt đây cũng là khoảng thời gian quý báu trong năm để chúng ta có thể nói với con về Tết – thời điểm mà các nhà nghiên cứu gọi là “khoảnh khắc giáo dục”.

Với mình, dù bận rộn nhưng mình vẫn dành nhiều thời gian để chuẩn bị Tết theo những nghi thức truyền thống, giúp các con cảm nhận được văn hóa Tết, như: gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ Tết, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa Tết… Luôn khuyến khích con tham gia vào công việc chuẩn bị ngày Tết cùng gia đình.

Dành nhiều thời gian để nói chuyện với con về Tết, không chỉ là những biểu hiện/thực hành văn hóa mà còn là những câu chuyện văn hóa, lý giải nguồn gốc những tập tục, thói quen của ông cha ta xưa và những biến đổi trong đời sống hiện nay.

Cho con được vui chơi, trải nghiệm không gian văn hóa Tết, đến những bảo tàng, khu vui chơi mang đậm bản sắc văn hóa Việt…là cơ hội giúp con hiểu về Tết, cùng tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa được tổ chức đầu Xuân như tại Bảo tàng Dân tộc học, làng Văn hóa các dân tộc Việt.

Trong không khí ấm áp gia đình, tổ chức những trò chơi đố vui, giải thích, kể chuyện ngày Tết, khuyến khích các con làm thơ, viết chia sẻ cảm nhận về ngày Tết …với những phần thưởng hấp dẫn, kích thích sự tò mò, khám phá, yêu thích văn hóa của các bạn nhỏ.

Và đặc biệt, mình cũng thường mua những cuốn sách về văn hóa Việt và cùng con đọc, trao đổi về những vấn đề, câu chuyện xoay quanh chủ đề ngày Tết để khơi gợi trí tò mò, đặt câu hỏi, khuyến khích sự tìm hiểu ở con và luôn sẵn sàng trả lời tất cả những gì con muốn biết.

Thật tuyệt vời khi những ngày Tết năm nay mình đã giúp các con có được những hiểu biết về Tết: tên gọi, nguồn gốc Tết Nguyên Đán, ý nghĩa ngày Tết, tìm hiểu một số lễ Tết, tục lệ: Tết ông Công ông Táo, tục Cúng giao thừa,xông đất, mừng tuổi, xin chữ, mừng thọ, hiểu về sự tích bánh chưng, bánh giày; sự tích cây nêu ngày Tết, về mâm ngũ quả và rất nhiều các câu hỏi tại sao thú vị xoay quanh chủ đề Tết …Điều tuyệt vời hơn nữa là mình đã có khoảng thời gian đầm ấm bên các con để cùng học, cùng vui, cùng gắn kết yêu thương gia đình.

Xin mượn lời tựa trong bộ sách về Văn hóa Việt mà tác giả Đặng Phương Anh đã viết: "Diễn cảnh toàn cầu hóa khiến những đứa trẻ đang lớn của tôi kết nối nhiều hơn với thế giới hiện đại - những gì thuộc về công nghệ và tương lai, nhưng cũng dễ dàng đứt gãy kết nối với truyền thống - những gì thuộc về quê hương, gia đình và quá khứ....Đó là những gì gần gũi trong đời sống hàng ngày nhưng là câu chuyện về Văn hóa quốc gia, về cội nguồn dân tộc. Đó là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng con trẻ trở thành công dân toàn cầu trong tương lai; định hình được căn cước văn hóa để tự tin, vững lòng bước vào NGÔI NHÀ CHUNG với tinh thần hiểu biết và tấm lòng trọng thị sự khác biệt văn hóa." (Đặng Phương Anh - tác giả bộ sách Văn hóa Việt)

Có thể nói, văn hóa là linh hồn, bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hóa được giữ gìn trước hết từ chính trong mỗi gia đình. Vì vậy, mỗi bậc cha mẹ hãy là những người thầy đầu tiên trong việc nuôi dưỡng và phát triển tình yêu văn hóa Việt cho các con của mình.

Từ khóa: 

giáo dục

Em nghĩ bản sắc văn hoá là điều cần được gìn giữ, bồi đắp trước khi mỗi cá nhân khao khát trở thành công dân toàn cầu ạ.
Trả lời
Em nghĩ bản sắc văn hoá là điều cần được gìn giữ, bồi đắp trước khi mỗi cá nhân khao khát trở thành công dân toàn cầu ạ.