Phần 2: 50+ từ ngữ dễ nhầm lẫn khiến bài viết của bạn bị “mất điểm”

  1. Kỹ năng mềm

Nếu việc dùng sai nghĩa của từ khiến câu văn trở nên buồn cười thì việc bài viết của bạn phạm quá nhiều lỗi chính tả sẽ khiến độc giả đánh giá bạn là người viết thiếu chuyên nghiệp và họ có thể bỏ qua bài viết của bạn. Dưới đây là những từ khá quen thuộc nhưng lại dễ viết sai chính tả.

https://cdn.noron.vn/2021/04/14/992554424516765-1618407625_1024.png

- Ngành/Nghành

“Ngành” là từ khá thông dụng trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, rất nhiều người viết sai từ “ngành” thành “nghành” như một thói quen. Theo quy tắc, chúng ta chỉ dùng âm /ngh/ trước các nguyên âm e, ê, i, iê, ia.

-> Từ đúng là: Ngành.

- Trải nghiệm/Trãi nghiệm

Ai cũng thích “trải nghiệm” vì nghe thú vị. Nhưng nếu bài viết của bạn có từ “trãi nghiệm” thì nó sẽ bớt thú vị đi rất nhiều.

-> Từ đúng là: Trải nghiệm.

- Tham quan/Thăm quan

Không có từ “thăm quan” trong từ điển. Mọi người có thói quen viết thành từ “thăm quan” mà không biết là mình viết sai chính tả, đặc biệt là người làm trong lĩnh vực du lịch.

-> Từ đúng là: Tham quan.

- Độc giả/Đọc giả

Nếu bạn nghĩ từ “đọc” trong “đọc giả” có thể dùng để chỉ người đọc thì bạn đã hiểu sai. Đừng để độc giả của mình phải nhìn thấy từ “đọc giả” trong bài viết nhé.

-> Từ đúng là: Độc giả.

- Súc tích/Xúc tích

Ai cũng muốn có một bài viết súc tích nhưng vẫn dùng từ “xúc tích”. Từ “xúc tích” hoàn toàn không có trong từ điển.

-> Từ đúng là: Súc tích.

- Vô hình trung/Vô hình chung Tựu trung/Tựu chung

Đây là cụm từ nhiều người hay dùng sai nhất. Không có từ “vô hình chung” và “tựu chung”. Bạn nào hay mắc lỗi chính tả trong từ “vô hình trung” thì rất có thể lặp lại sai lầm với từ “tựu trung”.

-> Từ đúng là: Vô hình trung và Tựu trung.

- Bài trí/Bày trí

“Bày” thường được hiểu là bày biện, trưng bày. Cách hiểu này dẫn đến lỗi sai chính tả khi dùng từ “bày trí”. Trong từ điển chỉ có từ Bài trí với ý nghĩa sắp đặt, bày biện theo yêu cầu trang trí.

-> Từ đúng là: Bài trí.

- Thừa thãi/Thừa thải

Với nét nghĩa dư thừa vì nguồn cung quá dồi dào thì từ đúng phải là “thừa thãi”.

- Chẩn đoán/Chuẩn đoán

Trong y học, chẩn đoán là hành động thông qua các triệu chứng và các xét nghiệm của người bệnh để đưa ra kết luận về bệnh. “Chẩn đoán” là từ chính xác nhất và không thể dùng thay thế hay nhầm lẫn với “chuẩn đoán”, một từ không tồn tại trong tiếng Việt.

-> Từ đúng là: Chẩn đoán.

- Chỉn chu/Chỉnh chu

Đây cũng là từ rất dễ sai chính tả. Để trở thành một người viết chỉn chu, bạn đừng bao giờ dùng từ “chỉnh chu”.

-> Từ đúng là: Chỉn chu.

- Trau dồi/Trao dồi

Hãy luôn trau dồi ngữ pháp và quy tắc chính tả trong tiếng Việt để tránh xa từ “trao dồi” bạn nhé!

-> Từ đúng là: Trau dồi.

- Sao nhãng/Xao lãng

“Xao nhãng” hay “xao lãng” là từng là cách dùng khác của “sao nhãng”, tuy không sai nhưng hiện nay chúng thuộc nhóm từ cũ, ít người dùng.

-> Từ đúng là: Sao nhãng.

- Sum suê/Sum sê/Xum Xê

“Xum xuê” tuy cách đọc nhẹ nhàng hơn nhưng không phải là từ đúng. Và thật ngạc nhiên, sum suê hay sum sê đều là cách viết đúng.

-> Từ đúng là: Sum suê, sum sê.

- Nỗ lực/Nổ lực

Vì một thế giới hòa bình, bạn đừng biến “nỗ lực” thành ngòi… "nổ".

-> Từ đúng là: Nỗ lực.

- Rảnh rỗi/Rãnh rỗi

Rãnh là cống rãnh, mương rãnh, và nó vô nghĩa khi đi với từ “rỗi”.

-> Từ đúng là: Rảnh rỗi.

- Chín muồi/Chín Mùi

Theo Từ điển Tiếng Việt (2005), "chín muồi" là (quả cây) rất chín, đạt đến độ ngon nhất, phát triển đầy đủ nhất, để có thể chuyển giai đoạn hoặc trạng thái

“Chín mùi” là từ không có trong từ điển.

-> Từ đúng là: Chín muồi.

Làm thế nào để tránh lỗi sai khi dùng từ?

Có một thực tế là nhiều người viết không bao giờ nghĩ mình đang dùng từ sai, vì thói quen viết sai lâu ngày thành đúng. Đó là thử thách lớn dành cho người đam mê viết lách khi sử dụng con chữ trong tác phẩm của mình. Bạn hãy tham khảo ngay một số cách sau đây để hạn chế lỗi dùng từ trong các bài viết sắp tới:

  • Với những lỗi sai do đặc trưng phát âm và thói quen sử dụng phương ngữ vùng miền, bạn cần tra từ điển cẩn thận để tránh các lỗi sai phụ âm đầu: n/l; ch/tr; s/x; r/gi/d. Hãy cố gắng điều chỉnh cách phát âm chính xác trong giao tiếp hằng ngày, vì nó ảnh hưởng lớn đến việc viết lách của bạn.

  • Với lỗi sai thanh hỏi, thanh ngã, bạn hãy nhớ quy luật NGANG-SẮC-HỎI, HUYỀN-NGÃ-NẶNG (giới viết lách thường có câu nói vui như sau: Chị Huyền mang nặng ngã đau – Anh Ngang sắc thuốc hỏi đau thế nào). Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ (Ví dụ: bền bỉ) cần học thuộc lòng.

  • Với những lỗi sai do ảnh hưởng tiêu cực từ trào lưu teencode hay các trang mạng xã hội thiếu sự chỉn chu về câu từ, người viết cần tránh tiếp xúc với loại nội dung này, cũng không nên dùng những từ ngữ sai lệch này trong giao tiếp, nhắn tin với bạn bè vì sẽ dễ trở thành thói quen.

  • Luyện viết thường xuyên để biết mình hay sai ở những từ nào và ghi nhớ cách sử dụng chúng.

https://cdn.noron.vn/2021/04/14/37598197442469297-1618407641_1024.png

Dù bài viết của bạn có ý tưởng và thông điệp tốt đến đâu, nhưng chỉ cần một lỗi sai chính tả hay sai nghĩa của từ, nó sẽ bị “mất điểm” trong mắt người đọc ngay. Viết đúng là yếu tố đầu tiên tạo nên uy tín cho bản thân người viết cũng như thể hiện sự tôn trọng với nghề, với độc giả, và cao hơn là tôn trọng khách hàng!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Hay quá, đúng là luôn có những "Cảnh sát chính tả" túc trực trong cuộc sống :)

Trả lời

Hay quá, đúng là luôn có những "Cảnh sát chính tả" túc trực trong cuộc sống :)

Thế mà mình cứ tưởng "Chỉnh chu" mới đúng. Cảm ơn bài viết của bạn nha!