3 Câu Hỏi Cần Trả Lời Trước Khi Bắt Đầu Một Bài Viết

  1. Kỹ năng mềm

Hôm nay chủ đề của chúng mình sẽ là content writing nhé. Mình sẽ giúp bạn định hướng đúng ngay từ đầu để bài viết không bị lạc đề (off topic) và đáp ứng đúng yêu cầu mà sếp hoặc khách hàng đặt ra.

https://cdn.noron.vn/2021/05/19/7581265843344825-1621398590.jpg

Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu một lỗi rất phổ biến khi viết.

Lỗi thường gặp ở những bạn mới bắt đầu viết 

Hồi trước khi mình mới bắt đầu viết content writing — khi sếp giao cho một chủ đề là mình lao vào đọc rồi viết ngay. Cố gắng tập trung hết sức để hoàn thành bài xong đúng hạn. 

Tuy nhiên, sự vội vàng và thiếu kinh nghiệm đó đã khiến mình nhiều lần viết bài xong mà không đáp ứng đúng yêu cầu, hiểu sai vấn đề, và thậm chí là chất lượng kém.

Qua một thời gian dài viết và làm việc với nhiều khách hàng trong các dự án khác nhau, mình rút ra có ba câu hỏi quan trọng mà mình cần phải trả lời trước khi bắt đầu quá trình research và viết.

Ba câu hỏi quan trọng giúp bài viết đi đúng hướng

1. Mục đích của bài viết để làm gì?

Nội dung có thể được sử dụng với nhiều mục đích, chẳng hạn:

  • Giới thiệu sản phẩm mới

  • Giới thiệu một tính năng mới

  • Thông báo về chương trình khuyến mãi và kêu gọi khách hàng mua hàng

  • Giáo dục khách hàng về sản phẩm

  • Hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm

  • Chia sẻ một bí quyết hữu ích 

  • Mời mọi người đăng ký tham gia sự kiện

  • Chia sẻ case study, câu chuyện thành công

  • Tóm tắt một bài phỏng vấn, podcast

  • Đoạn giới thiệu một khóa học, ebook

  • Một email 

  • Bài đăng trên mạng xã hội

  • Nội dung quảng cáo

  • Vân vân và mây mây

Bạn thấy đấy, một mẫu content hay copy bạn viết có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, cho nhiều mục tiêu khác nhau. Thế nên, không thể nào viết một bài rồi dùng nó cho tất cả các tình huống được.

https://cdn.noron.vn/2021/05/19/7581265843344826-1621398634.png

Bạn phải hiểu rõ mục đích của từng yêu cầu nội dung sếp hoặc khách hàng giao là gì để điều chỉnh cách viết và xác định hàm lượng nội dung cần thiết.

2. Đối tượng người đọc của bài viết là ai?

Tương tự như mục đích sử dụng, đối tượng người đọc của bài viết của bạn cũng rất đa dạng. 

Nhiều bạn nghĩ rằng, “à, sản phẩm của công ty là máy rửa chén, thì người đọc là người mua nước rửa chén rồi.” Hay “mình bán sách thì người đọc bài viết của mình là người thích sách.”

Không đơn giản như vậy. 

Không phải tất cả người thích sách đều là khách hàng của bạn và sẽ là khách hàng của bạn. Vì mỗi người có một tâm lý, hành vi, đặc điểm khác nhau. 

Họ có thể thuộc vào nhóm khách hàng “mọt sách” — luôn yêu sách, miễn đó là sách, không phân biệt thương hiệu. 

Nhưng họ cũng có thể thuộc vào nhóm khách hàng “kén chọn” hơn, nghĩa là họ yêu sách, nhưng họ cũng chọn thương hiệu để mua sách. 

Chẳng hạn, họ chỉ thích mua sách từ Nhã Nam mà không thích mua sách của Thái Hà. Hay họ chỉ thích mua các cuốn sách cổ, sách được in trên giấy ngày xưa, chứ không phải giấy in hiện đại như bây giờ. 

Sách có nhiều thể loại, dẫn tới nhóm khách hàng cũng sẽ đa dạng. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng đọc bài viết của bạn cũng sẽ phải được điều chỉnh. 

Ví dụ, nếu bạn đang viết một bài viết giới thiệu một cuốn truyện ngôn tình sắp ra mắt thì đối tượng độc giả tập trung của bạn là người thích truyện ngôn tình và/hoặc người biết đến tác giả đó. Bạn cần viết bằng ngôn ngữ của nhóm khách hàng này, xoáy sâu vào điều khiến họ thích truyện ngôn tình và quay ngược lại với điểm nổi bật của cuốn sách sắp ra để thu hút sự chú ý của những khách hàng đó.

Nếu bài viết này bạn muốn nhắm tới đối tượng người đọc thích thể loại truyện tâm lý, tình cảm nói chung thì bạn không nên dùng quá nhiều ngôn ngữ “ngôn tình” vì có thể họ không quen thuộc. Nên tìm ra sự kết nối giữa các thể loại truyện này để kích thích độc giả.

Đây là một ví dụ rất đơn giản của việc cần phải hiểu rõ khách hàng mục tiêu trước khi viết. Mình còn chưa đề cập đến việc nếu công ty của bạn có các cổ đông, nhiều đối tác kinh doanh, rồi nhà đầu tư… thì nội dung, hàm lượng thông tin, dữ liệu và cách viết lại còn khác nữa. 

3. Bài viết sẽ được đăng trên kênh nào?

Kênh để phân phối nội dung rất phong phú: blog công ty, tài khoản mạng xã hội doanh nghiệp, email, báo giấy, báo online, diễn đàn, fanpage… Mỗi một kênh lại có những tập người dùng khác nhau, khiến nội dung của bạn cũng cần được điều chỉnh một cách phù hợp.

https://cdn.noron.vn/2021/05/19/7581265843344827-1621398663.png

Ví dụ, khi bạn viết một thông cáo báo chí đăng trên các website khác để quảng bá sản phẩm hay giới thiệu thương hiệu, phong cách viết đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nghiêm trang (formal). 

Trong khi đó, nếu chia sẻ trên fanpage, bạn nên viết giống như đang chia sẻ cho người bạn để tạo sự gần gũi, thân thiện với người dùng mạng xã hội. Bạn cũng có thể thêm vào các yếu tố hài hước và sử dụng emoji cho bài đăng, điều mà khi viết thông cáo báo chí, bạn tuyệt đối tránh.

Tóm gọn lại, mục tiêu bài viết, đối tượng người đọc, và kênh phân phối nội dung sẽ quyết định tới nội dung và cách viết (giọng điệu, cách xưng hô, ngôn từ…). Bạn cần nắm rõ những điều này để không xảy ra trường hợp viết xong rồi mà bài viết không được sử dụng. 

Hy vọng những chia sẻ này có ích cho bạn. Nhớ áp dụng trong những bài viết tiếp theo nha!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

chia sẻ của bạn rất hữu ích với mọi người

Trả lời

chia sẻ của bạn rất hữu ích với mọi người

Cực hữu ích cho các bạn bắt đầu học Content này

chia sẻ của bạn rất hữu ích cho mọi người