Phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng Phần 2: suất sinh lợi của ngân hàng

  1. Đầu tư & Tài chính

Đọc xong 

Phần 1: Các tiêu chí đầu tiên để phân tích cổ phiếu ngân hàng
, có lẽ một số người sẽ cảm thấy có chút bối rối, song trên lý thuyết, đôi khi những sáo ngữ làm chúng ta cảm thấy mọi thứ thật khó hiểu. Trên thực tế nó không phức tạp đến vậy, tất cả những gì chúng ta làm ở phần trước đều hướng đến một mục đích giản đơn, mà mục đích đó có thể được diễn tả bằng vài câu nói như sau:

“Uhm, cổ phiếu ngân hàng này không tệ, thấy cũng cho vay là chính, mà toàn có thế chấp, với lại các hoạt động đi kèm cũng ổn và tăng trưởng đều, chứng khoán đầu tư thì chủ yếu là trái phiếu chính phủ nên cũng an tâm, thêm nữa không có đại án gì. Được rồi, bây giờ mình sẽ tìm hiểu kỹ hơn về suất sinh lợi nó có tốt không nào…”

Nội Dung Bài Viết Gồm Có [

ẩn
]

  • 1 Tỷ lệ thu nhập lãi thuần – NIM
  • 2 Chi phí hoạt động
  • 3 Năng lực sử dụng đồng vốn (ROE)
  • 4 Kết luận

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần – NIM

NIM là cái mà người ta nhìn vào để biết được ngân hàng đang kiếm lời ra sao. Có nghĩa là với số tài sản có sinh lãi hiện tại, ngân hàng sẽ kiếm được bao nhiều đồng lời.

Tất cả các doanh nghiệp đều có những loại tài sản làm vốn để sinh lãi. Vậy ngân hàng lấy cái gì sinh lãi?

Đã đề cập nhiều lần ở phần đầu tiên của chuỗi bài viết phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng này, hoạt động của ngân hàng là cho vay. Như vậy, giống như các doanh nghiệp khác, ngân hàng cũng có một số loại tài sản khác nhau, thế nhưng bản chất là tổ chức tín dụng, cho nên tài sản cho vay là tài sản chính để ngân hàng kiếm lãi.

Quay trở lại hệ số NIM, ta hiểu công thức tính NIM như sau:

NIM = Thu nhập lãi thuần / Tài sản sinh lãi

Trong đó:

Thu nhập lãi thuần = Thu nhập lãi – chi phí liên quan

Tài sản sinh lãi trung bình = Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước + Tiền gửi tại các TCTC khác + Chứng khoán đầu tư + Cho vay khách hàng.

– Chỉ số này tính theo năm hoặc Tổng 4 quý liên tiếp

Theo Năm: Thu nhập lãi thuần theo năm, Tài sản sinh lãi là Trung bình cộng của số đầu năm và cuối năm

Theo (x) Quý: Tổng Thu nhập lãi thuấn (x) quý, Tài sản sinh lãi là là trung bình cộng của số (x) quý.

Ví dụ: tính NIM của TCB năm 2018

Phần thu nhập lãi thuần lấy từ báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của TCB, là 11,126.54 tỷ đồng.


Phần tài sản sinh lãi được lấy từ bảng cân đối kế toán năm 2018 là tổng của 10,555.48 + 35,616.16 + 7,572.22 + 157,556.93 + 86,512.34 = 297,813.13 tỷ đồng, sau đó cộng với các số tương đương năm 2017 và chia 2 = 274,756.69 tỷ đồng.


Vậy hệ số NIM của TCB năm 2018 = 11,126.54 / 274,756.69 = 4.04%

Trung bình, mức NIM ngành ngân hàng Việt Nam rơi vào khoảng 2 – 4%. Với việc đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, TCB đã có mức NIM khá vượt trội.

Dưới con mắt đầu tư, như đã nói chúng ta nên lưu ý các con số thuộc thành phần đầu tư chứng khoán, dịch vụ, góp vốn,… bởi tính bất thường của nó.

Thêm nữa, vì được coi là hệ số quan trọng, bản thân các con số cấu thành nên hệ số NIM có thể được “làm đẹp” có chủ đích.

Chi phí hoạt động

Để tạo ra một đồng lời phải đánh đổi kha khá chi phí là điều không doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào muốn. Ngân hàng cũng vậy, Chi phí hoạt động / Tổng thu nhập = <50% thì có thể coi là khá tốt.

Đôi khi việc chi phí hoạt động quá cao (>50%) còn thể hiện cả yếu tố quản lý lẫn đạo đức của ban quản trị có vấn đề.

Năng lực sử dụng đồng vốn (ROE)

Để đo khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn cổ phần (hay vốn chủ sở hữu), chúng ta có thể tin tưởng và sử dụng con số ROE đơn giản mà hữu ích này nhằm so sánh các ngân hàng với nhau.

Nhà đầu tư dễ nhận thấy sự khác biệt rõ nét giữa ngân hàng yếu kém và ngân hàng hàng đầu thông qua chỉ số này.

ROE = Lợi nhuận ròng / Vốn chủ sở hữu

Thông thường đối với một ngân hàng được cho là tốt, sẽ có mức ROE trên 14% theo quan điểm cá nhân.

Ngoài các công thức tính toán kể trên, còn vô vàn công thức toán học khác để phân tích tài chính của một doanh nghiệp, song theo kinh nghiệm của bản thân, đối với các cổ phiếu ngành ngân hàng, nhà đầu tư cần quan tâm tới các tỷ lệ và các tiêu chí trên là trước nhất.

Kết luận

Như vậy, sau ba loại tỷ lệ định lượng phức tạp kể trên, nhà đầu tư có thể đánh giá được suất sinh lợi của cổ phiếu ngân hàng mục tiêu. Quan trọng nhất là chúng ta sẽ so sánh được suất sinh lợi của cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, để rồi từ đó phân biệt được cổ phiếu ngân hàng đó thuộc nhóm vượt trội hay trung bình để hỗ trợ cho quyết định đầu tư ở phía sau.

Sau phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Khả năng quan trị rủi ro của ngân hàng và cuối cùng là định giá với biên độ an toàn hợp lý.

Từ khóa: 

phân tích kinh doanh

,

cổ phiếu

,

ngân hàng

,

đầu tư & tài chính