[Review Sách] Giáo dục không trừng phạt

  1. Sách

Cuốn sách “Giáo dục không trừng phạt” của tác giả Thomas Gordon không dừng lại ở việc “bắt bệnh” mà còn “kê đơn” cho sự nhầm lẫn giữa kiểm soát và giáo dục khi nuôi dạy con trẻ. Tôi nghĩ đây là một trong số các cuốn sách mà cha mẹ và các nhà giáo dục không nên bỏ qua.

https://cdn.noron.vn/2024/01/23/27971256341575-1705996142.jpg

Khao khát kiểm soát con bằng “thưởng – phạt”

Mục đích của “Giáo dục không trừng phạt” là “Khuyến khích trẻ tự giác kỷ luật”. Để uốn nắn, trẻ em cần bị kỷ luật và người lớn thường hay dựa vào lý do đó để trừng phạt với ham muốn đưa trẻ vào khuôn khổ mà họ nghĩ là tốt. Khuôn khổ này đôi lúc cũng có vấn đề, vì nó phóng chiếu ý thức chủ quan của người đã tạo ra nó (và thường là người khởi xướng, đúc nên “khuôn vàng thước ngọc” này sống ở thời quá khứ) nên không thể tính đến đặc điểm tâm sinh lý của đứa trẻ cũng như nhận thức về cuộc sống hiện tại. Trừng phạt có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức (hoặc cảm giác làm chủ tình hình ngay lập tức) nhưng nó thường không lâu dài. Khen thưởng cũng vậy.

Chúng ta có thể trừng phạt người khác trong bao lâu? Liệu việc trừng phạt một đứa trẻ 6 tuổi, một thanh thiếu niên 16 tuổi hay một thanh niên 26 tuổi có dễ dàng như nhau?

Ở phần còn lại của vấn đề, nếu đã lựa chọn trừng phạt thì người lớn cũng phải khen thưởng (thưởng – phạt, “cây gậy và củ cà rốt” là bộ công cụ quen thuộc của nhà quản lý, nhà giáo dục thì luôn thận trọng trước chúng). Nếu chỉ hoàn toàn phạt mà không có thưởng, thì trẻ em sẽ cho rằng cha mẹ hà khắc với chúng. Về phía cha mẹ, thưởng con có thể xoa dịu nỗi bất an về việc mất kết nối với con, thậm chí phần thưởng còn đôi lúc được dùng như một giao dịch để mua chuộc tình cảm hoặc để con thực hiện một công việc nào đó cha mẹ yêu cầu. Như vậy, động cơ khiến người lớn làm điều gì đó với câu cửa miệng “vì muốn tốt cho con” đôi khi lại đến từ khao khát muốn kiểm soát của chính mình. Chuỗi hành động này sẽ bào mòn ý thức tự lập của đứa trẻ.

Theo tác giả Thomas Gordon, có những lý do sau khiến người lớn bị nhầm lẫn giữa giáo dục và kiểm soát (họ thường sẽ thiên về kiểm soát hơn trong khi nghĩ mình đang giáo dục con trẻ):

  1. Không được “dạy hư” trẻ
  2. Bản chất của bọn trẻ là hư hỏng
  3. Người lớn phải thắng trẻ con
  4. Kinh Thánh cũng bảo vệ quan điểm trừng phạt
  5. Dễ dãi là nguyên nhân của mọi thói xấu
  6. Dân chủ không đem lại điều gì
  7. Người lớn không cần phải học
  8. Sợ thay đổi mô hình gia đình truyền thống
  9. Sợ thay đổi mô hình nhà trường truyền thống

Nỗ lực kiểm soát lên cuộc đời con trẻ (trang 137, 138) thường mang đến một loạt những dấu hiệu ở trẻ như:

- Chống đối, thách thức, có những hành động tiêu cực.

- Phẫn nộ, không nghe lời, tỏ ra không tuân phục, trả lời người lớn một cách xấc xược.

- Trả thù, đánh lại, tấn công lại, phá hoại đồ vật.

- Đánh nhau, tỏ ra hung dữ, hiếu chiến.

- Phá bỏ luật lệ và quy tắc.

- Nổi điên lên, tức giận.

- Nói dối, lừa đảo, che dấu sự thật.

- Đổ lỗi cho người khác, mách lẻo, thêm thắt vào sự việc.

- Cai quản hoặc đàn áp người khác.

- Thành lập các băng đảng, liên minh, tổ chức nhau lại để chống đối người lớn.

- Thu mình, mơ mộng hão huyền.

- Tranh đấu, có nhu cầu chiến thắng, ghét bị thua cuộc, lo lắng về hình ảnh bản thân, hạ thấp người khác.

- Bó buộc, cảm thấy mình là kẻ bại trận, lười biếng, làm việc cẩu thả, qua quýt.

- Bỏ đi, chạy trốn, trốn học đi chơi, bỏ học, trốn tiết.

- Im lặng, lờ người khác đi, không nói gì, coi thường người lớn, tỏ ra xa cách với mọi người.

- Khóc lóc, rên rỉ, cảm thấy trầm uất và bất lực.

- Tỏ ra sợ hãi, rụt rè, lúng túng, sợ phải nói chuyện và phải cố gắng.

- Cần phải được an ủi, không ngừng tìm kiếm lời khen từ người khác, cảm thấy không an toàn.

- Đổ bệnh, bị các bệnh tâm thể.

- Ăn quá đà hoặc ăn kiêng quá nghiêm ngặt.

- Tỏ ra tuân lệnh, nghe lời, ngoan ngoãn, nhún nhường một cách thái quá, mong muốn trở thành cục cưng của người lớn.

- Lạm dụng rượu và ma túy.

- Gian lận và quay cóp bài ở trường.

Những bậc cha mẹ thông thái, có tầm nhìn thường thận trọng và cân nhắc kỹ trong việc nuôi dạy con (thậm chí là trong cả việc sinh con hoặc sinh thêm con). Bởi họ hiểu rõ đây là hành trình không đơn giản: sinh ra con và yêu thương con là bản năng của cha mẹ, nhưng dạy dỗ, hướng dẫn con thành người thì không thể hoàn toàn dựa vào bản năng.

Những lựa chọn thiếu suy xét ở hiện tại sẽ kéo theo những hậu quả khó khắc phục trong tương lai. Điều họ hướng đến không phải là cả đời làm cha mẹ để kiểm soát con mà là tập trung vào thực tại để kiên nhẫn hướng dẫn con phát triển kỷ luật tự giác.

https://cdn.noron.vn/2024/01/23/51151176631-1705996162.jpg

Làm thế nào để phát triển kỷ luật tự giác ở trẻ?

Khác với sự tác động của thưởng – phạt (yếu tố bên ngoài), kỷ luật tự giác (yếu tố bên trong) sẽ định hình nhân cách và sự phát triển của trẻ một cách bền vững. Trẻ sẽ không đợi người khác áp đặt kỷ luật lên mình mà biết tự đặt ra những giới hạn cho bản thân trong đời sống và hành xử có suy nghĩ. Một đứa trẻ tràn ngập sự phẫn nộ hoặc chỉ biết vâng lời thường sẽ không làm được điều này.

Để bồi dưỡng kỷ luật tự giác ở trẻ, cha mẹ có áp dụng những kỹ thuật được trình bày trong các chương 6 (Thay đổi các hành vi của trẻ: không dùng đến quyền kiểm soát), chương 7 (Quản lý gia đình và lớp học theo cách thức mới), chương 8 (Giúp trẻ tự giải quyết vấn đề), chương 9 (Lắng nghe tích cực áp dụng trong mối quan hệ con người) và chương 11 (Một môi trường dân chủ là nguồn gốc của sức khỏe và cuộc sống lành mạnh). Những nội dung này tôi sẽ chưa trình bày chi tiết trong bài mà dành tặng bạn đọc tự nghiền ngẫm. 

Bởi muốn thực hành thì cần có nền tảng nhận thức vững vàng. Việc biết qua loa sẽ khiến thực hành thiếu hiệu quả và khiến chúng ta quay lại lối mòn thưởng – phạt dễ dãi. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương, ở thế yếu cần phụ thuộc vào người lớn nên ý nghĩ thưởng – phạt thường sẽ rất hấp dẫn, ít phải suy nghĩ nhiều. Nhưng trẻ em lớn lên từng ngày, nếu không suy nghĩ ở hiện tại về việc giáo dục con, các bậc cha mẹ sẽ mau chóng phải lo nghĩ về con mình trong tương lai.

Xuất phát từ quan điểm của tâm lý học giao tiếp, Thomas Gordon đưa ra 5 nguyên tắc giáo dục trẻ. Theo ông, khi muốn khuyến khích một hành vi sáng tạo ở trẻ, chúng ta có thể:

- Làm sáng tỏ nhận thức của chúng ta thông qua lăng kính chấp nhận.

- Nâng cao khả năng thấu hiểu bằng lắng nghe tích cực.

- Tự khẳng định một cách rõ ràng hơn bằng thông điệp “Ngôi thứ nhất” (I – message).

- Loại bỏ yếu tố quyền lực bằng cách giải quyết mâu thuẫn mà không phân định thắng thua.

- Thể hiện sự ghi nhận thực sự bằng cách đề cao trẻ.

(trang 10)

Vậy phần thưởng cho cả một chặng đường dài đầy thử thách này là gì? Nếu cha mẹ chấp nhận và hướng dẫn trẻ đúng cách thì trẻ sẽ có kỷ luật tự giác. Thêm một con người có kỷ luật tự giác là thêm một món quà cho thế giới, thay vì thêm một nỗi bất hạnh- trước hết là cho chính gia đình sinh ra cá nhân đó và gia đình mà cá nhân đó sẽ tạo dựng sau này.

Thay cho lời kết

Những nội dung tôi tóm lược trong bài viết, kết hợp thêm việc đưa ý kiến chủ quan vào có thể sẽ khiến bài review chưa đảm bảo đúng tính chất của một bài review sách. Nhưng tôi nghĩ ngôn từ là thứ dễ khiến cho chúng ta nhầm lẫn, việc dùng chính xác một câu chữ nào đó không có nghĩa là nó phản ánh đúng tuyệt đối hiện thực và ý tưởng cần được truyền tải.

Hoạt động thưởng - phạt cũng vậy. Tôi nghĩ thông điệp tác giả muốn chia sẻ không phải là không bao giờ thưởng hay phạt con, mà cha mẹ nên tỉnh táo nhận biết vì sao hành vi thưởng - phạt đó xuất hiện và đứa trẻ đó cảm nhận thế nào về sự thưởng - phạt này từ người lớn. Cha mẹ hãy nói chuyện với con nhiều hơn thay vì lập trình con bằng thưởng - phạt để vận hành con như một cái máy.

Tôi từng chia sẻ kiến thức này với một bạn học sinh của mình. Bạn ấy rất hào hứng giảng giải về lý do tại sao không nên giáo dục con bằng việc thưởng phạt với cha mẹ. Sau đó, khi bị mẹ thu điện thoại do ăn mất bánh của em, bạn đã phản hồi rằng mẹ không nên phạt mình vì như thế là không tốt.

Tôi đã dành thời gian phân tích kỹ hơn bản chất của yếu tố thưởng - phạt cho bạn: trong cuộc sống mọi việc xảy đến đều bắt nguồn từ bản thân mình, khi mình có những hành động bản năng, chưa đúng đắn thì nhận thức chủ quan sẽ dán nhãn mọi sự kiện đến với mình sau đó là bị trừng phạt- điều này giống với việc tự trừng phạt hơn là bị trừng phạt.

Bản chất của thưởng - phạt không xấu không tốt, mà do cách thức áp dụng. Giống như trong việc sử dụng binh khí, không có thứ hữu dụng hay vô dụng mà cần tùy tình huống vận dụng. Giáo dục không trừng phạt nhưng đào tạo thì có. Mà trong xã hội thì cần cả giáo dục và đào tạo bởi mỗi người mỗi vẻ: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Ví dụ thưởng – phạt trong quản lý tuy có cả yếu tố tích cực và hạn chế nhưng vẫn cần thiết trong giai đoạn cá nhân chưa thể tự lãnh đạo bản thân. Tôi nghĩ nếu cá nhân hành động sáng suốt, biết tự lãnh đạo bản thân thì việc thưởng - phạt sẽ không còn cần thiết/hiệu nghiệm nữa.

Ngoài ra, để thưởng – phạt thì người ta cần học rất nhiều điều, vậy nên tôi chưa từng nghe nhà lãnh đạo, nhà quản lý nào nói rằng họ chưa từng buộc phải học tập, rèn luyện, trả giá để thành thạo nghệ thuật này.

Nếu muốn thưởng - phạt, có lẽ ai trong chúng cũng cần học hành,chiêm nghiệm để biết cách thưởng phạt sao cho đúng đắn và có chừng mực.

Từ khóa: 

review sách

,

giáo dục không trừng phạt

,

thomas gordon

,

sách