[Review Sách] Thịnh Vượng Gia Tộc
“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là câu nói mang tính chất an ủi với những con người đang khốn khó song cũng là lời đe dọa đối với những gia đình sung túc. Nhóm tác giả James E. Hughes, Susan E. Massenzio và Keith Whitaker đã giải mã, và quan trọng hơn là đưa ra giải pháp cho lời nguyền này trong cuốn sách “Thịnh vượng gia tộc”.
Cuốn sách 275 trang này gồm 23 chương, 2 phụ lục chứa đựng kiến thức, kinh nghiệm của nhóm tác giả trong hoạt động bảo tồn, chuyển giao gia sản con người, trí tuệ, tài chính qua các thế hệ.
Phần I (từ chương 1 đến chương 3) thảo luận về “Cái gì?” giải thích các khái niệm và thành tố cấu tạo nên sự thịnh vượng. Phần II (chương 4 đến chương 11) bàn về “Ai?”- những con người có liên quan đến sự thịnh vượng gia tộc. Phần III (chương 12 đến chương 23) tổng kết yếu tố “Thế nào?” khi đi vào phân tích các giải pháp bảo tồn sự thịnh vượng.
“Giàu có” và “thịnh vượng” không giống nhau
Có lẽ sự dư dả về mặt tài chính là điều không ít trong số chúng ta nghĩ đến nếu được hỏi nhanh “Thế nào là thịnh vượng?”. Nhóm tác giả không phủ định điều này. Tiền bạc đúng là có tên trong nhóm yếu tố cấu thành nên sự thịnh vượng. Dù vậy, thứ hạng của chúng không phải ở vị trí đầu tiên.
Một người có nhiều tiền chứng tỏ rằng họ có tiền. Nhưng điều đó không có nghĩa họ biết cách làm ra, sử dụng, trao truyền lại số tiền đó cho thế hệ tiếp theo. Làm ra tiền không dễ, sử dụng tiền cũng vậy và đặc biệt là trao tặng số tiền đó thì lại càng khó khăn hơn.
Những gia tộc duy trì được sự giàu sang của mình quá ba đời không nhiều. Thường thì chính của cải của họ lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự lụn bại của thế hệ sau. Bởi nếu có trong tay rất nhiều tiền, con người (đặc biệt là những cá nhân trẻ tuổi trong gia đình) thường khó có động lực vươn ra bên ngoài để hoàn thiện các phẩm chất, kỹ năng một cách tuần tự, bài bản.
Kết cục là núi di sản cha ông để lại hóa ra không phải tài sản, mà trở thành tiêu sản với thói quen “miệng ăn, núi lở”. Tệ hơn, túi tiền rủng rỉnh của những người trẻ tuổi sẽ dễ mời gọi những thú vui xa xỉ, tệ nạn xã hội và những kẻ lừa đảo, vụ lợi tìm đến họ.
Tiền bạc không phải lúc nào cũng xấu xa, nhưng quyền năng nó mang lại có thể khiến kẻ sáng suốt nhất đôi khi trở nên mất trí, người hiền lành nhất trở nên cay nghiệt. Và ngược lại, tiền bạc cũng có thể giúp cho đời sống gia đình trở nên tiện nghi, xã hội phát đạt hơn nếu người cầm giữ biết rõ đặc điểm và giới hạn của chúng.
Mong ước tạo ra và để lại thật nhiều tài sản không sai, nhưng nếu quá chú tâm vào khía cạnh tài chính thì những người chủ gia đình sẽ dễ lãng quên những yếu tố quan trọng hơn.
Thịnh vượng không chỉ là tiền bạc. Bởi tiền bạc chỉ là yếu tố định lượng.
Theo nhóm tác giả, để định tính sự thịnh vượng bền vững, cần xét tổng thể 6 thứ vốn sau:
- Vốn con người: Sức khỏe và độ bền thể chất cũng như cảm xúc của mỗi thành viên gia đình.
- Vốn di sản: Mục đích và những giá trị cốt lõi của gia đình- “thương hiệu gia đình”.
- Vốn quan hệ gia đình: Khả năng xây dựng các mối quan hệ trong gia đình của các thành viên gia đình.
- Vốn cấu trúc: Những cơ cấu, chính sách và thực thi thúc đẩy việc ra quyết định hiệu quả.
- Vốn xã hội: Sự cam kết với những cộng đồng bên ngoài gia đình.
- Vốn tài chính: Tài sản gia đình, có thể bao gồm tiền mặt, bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu, lợi ích trong các mối quan hệ đối tác v.v.
Nội dung chi tiết từng phần sẽ được nhóm tác giả diễn giải trong sách. Nên tôi xin dành tặng bạn đọc tự khám phá, chiêm nghiệm.
Những người hỗ trợ
Một gia tộc thịnh vượng không bao giờ đơn độc. Họ có mạng lưới kết nối rộng rãi và đặc biệt sâu sắc với một số cá nhân, tuy là ngoại tộc, nhưng lại có sự đóng góp cho quá trình phát triển, bảo hộ thành tựu của gia tộc.
Sự hỗ trợ có thể đến từ những người được ủy thác, luật sư, bác sĩ, cố vấn, giáo viên, huấn luyện viên, bạn thân lâu năm của gia đình hoặc bất kỳ ai khác mà gia đình cảm thấy đáng tin cậy, thông thái.
Những cá nhân này thường dành sự quan tâm chân thành đến các thành viên trong gia đình và thực lòng mong muốn hỗ trợ các thế hệ tiếp nối có thể phát triển một cách tích cực, không bị lạc lối bởi chính di sản thế hệ này nhận được.
Một trong những thách thức lớn đối với người giàu là câu hỏi: “Bạn bè của tôi thích tôi vì con người tôi hay vì những gì tôi có?” (trang 139).
Người giàu có thường biết cách chọn bạn. Tôi nhận thấy họ thường chọn bạn theo nguyên tắc “lợi” và “ích” rất khôn ngoan. Nhóm lợi mang lại các giá trị tài chính và nhóm ích mang đến những giá trị tài chính không mua được. Đối với họ, bạn bè chính là sự giàu có và “giàu vì bạn” là lẽ đương nhiên.
Công thức này sẽ khá thành công nếu đem áp dụng trọng một thế hệ. Nhưng để thế hệ tiếp nối hiểu, quan trọng là vận dụng được sẽ đòi hỏi thời gian. Bởi phần lớn những người hỗ trợ tận tâm đến với gia đình vì họ thực lòng quý mến đạo đức, ghi nhận ân tình của những thế hệ trước đó dành cho họ. Nếu là thế hệ sau, thì sự tử tế, ngay thẳng, biết tôn trọng, có tiềm năng là phẩm chất khiến họ cảm thấy xứng đáng để hỗ trợ, dìu dắt.
Nếu không đảm bảo những kết nối chất lượng với nhóm hỗ trợ (hoặc cảm thấy quá mất thời gian để vun đắp mối quan hệ) thì các gia đình có thể sử dụng tiền để mời gọi những chuyên gia đến góp sức. Tùy vào mức độ hào phóng mà họ có thể gặp được những chuyên gia danh tiếng hay những huấn luyện viên tài giỏi. Tuy nhiên, đến vì điều gì thì con người cũng thường rời đi vì chính điều ấy.
Tư duy “Thứ gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” không được đề cập đến trong cuốn sách bàn về sự thịnh vượng lâu bền.
Tôi nghĩ những cá nhân thuộc nhóm hỗ trợ đáng tin cậy này giống với một thẻ bảo hiểm cho sự thịnh vượng của gia tộc.
Thứ vốn không cạn: giáo dục.
Trong Chương 4: Thế hệ đang lên (trang 62), nhóm tác giả có đề cập đến nhóm người sẽ kế thừa gia sản. Đây là nhóm tôi quan tâm và có hiểu biết thực, nên sẽ dành riêng một phần để bàn luận.
Qua một thời gian đồng hành, tôi nhận thấy hầu hết đây là những cá nhân thông minh, kế thừa khả năng hiểu biết, tính cách nhạy bén của thế hệ trước. Các em chính là chủ nhân tương lai của khối tài sản mà cha mẹ để lại. Em thì đơn độc thụ hưởng, em thì có anh chị em để san sẻ. Những tiện nghi sinh hoạt và hệ thống giáo dục các em nhận được thường ở trên mức tốt với chi phí cao.
Tuy nhiên, đa số các em có một đặc điểm chung là mơ hồ về giá trị của tiền bạc và tiềm lực của gia đình.
Thanh thiếu niên sinh trưởng trong gia đình dư dả thường chưa nhìn nhận được ngay mối liên hệ giữa giá cả và giá trị (thói quen mua thứ mình thích, mình muốn mà không quan tâm đến giá cả) cũng như mối liên hệ giữa lao động và tài sản, tài sản và thời gian (Chưa thực sự tham gia thị trường lao động, nhưng khi bàn tới một mức thu nhập cụ thể, ví dụ 20 triệu đồng một tháng, thì tin rằng sẽ không “đủ sống” hoặc muốn làm ra nhiều tiền nhưng lại thích được tự do, không bị gò bó). Đặc biệt, đã có em suy nghĩ theo hướng “Có tiền là có quyền” (người khác làm việc cho mình vì tiền và nếu có tiền thì mình có thể yêu cầu người khác làm việc).
Tôi nghĩ dựa vào thói quen mà cha mẹ trao đổi với các em về tài chính kết hợp với quan sát cách gia đình sinh hoạt mà các em hình thành quan niệm như vậy.
Có một số bậc phụ huynh truyền thống chọn cách tránh nói về vấn đề tiền bạc trước mặt con. Lựa chọn này có mặt tích cực là không tạo cho con cái nếp nghĩ “ăn sẵn”, khuyến khích con vươn lên để có cuộc sống tốt hơn.
Nhưng cũng có phần hạn chế là khiến đứa trẻ có cảm giác không được tham gia vào hoạt động kinh tế của gia đình, bị gạt sang bên lề, mâu thuẫn trong bầu không khí im lặng khi ở nhà, sục sôi khi so sánh với bạn bè ở trường. Vì thế, trong giai đoạn trưởng thành, trẻ dễ trở nên tham lam, khao khát giành giật của cải với anh em (hoặc chính cha mẹ) để tự bù đắp cho sự “thiệt thòi” của bản thân trong quá khứ. Các em cũng dễ bị sốc, trở thành nạn nhân khi cha mẹ đột ngột qua đời hoặc gia đình có biến cố khiến bản thân có rất nhiều tiền nhưng lại chưa có hiểu biết nhiều về chúng.
Nhóm cha mẹ hiện đại thì có quan niệm cần cho con nếm quả ngọt của sự giàu có để con có động lực đạt được sự giàu có. Tôi nhận thấy cách tiếp cận này có ưu điểm là giúp trẻ hình thành sự sự tự tin, nhanh nhạy khi bàn đến ích lợi, dám nghĩ dám làm, dễ hòa nhập với tầng lớp trên.
Mặc dù vậy, trẻ thuộc nhóm này sẽ rất khó sống thanh thản, bình yên nếu thiếu đi tiền bạc. Vì đã quen với tiện ích tiền bạc mang lại, các em sẽ có xu hướng hoảng sợ khi không có đủ tiền chi trả cho các nhu cầu của bản thân.
Việc đề cao giá trị của tiền bạc đôi lúc cũng hình thành nên quan điểm đánh giá người khác qua khả năng tài chính của họ. Nếu nhận thức này kết hợp với tính ích kỷ, thì sẽ dễ thành tật tiết kiệm quá mức, gặp khó khăn trong việc “cho đi”.
Tôi thấy khâm phục nhất nhóm cha mẹ biết kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại: đó là sự thịnh vượng không khiến họ đánh mất bản chất của mình và họ chủ động chia sẻ với con về gia sản, tùy vào độ tuổi của con. Đây có thể chính là nhóm đã đạt đến sự thịnh vượng bền vững. Bởi họ tập trung vào yếu tố con người, thay vì tiền bạc.
Thứ vốn họ cho con ngay trong những năm tháng đầu đời chính là sự giáo dục bài bản, gần gũi cha mẹ và những người hướng dẫn có ích cho sự phát triển tích cực của con họ. Nếu tóm gọn lại, họ thành công khi vận dụng được năm từ không nên quên mà nhóm tác giả đề xuất. Đó là: học hỏi, lao động, tình yêu, nụ cười và rời bỏ (hoặc buông bỏ).
Thay cho lời kết
Như đã nhắc đến trong phần đầu của cuốn sách này, một trong những nguyên tắc chính của chúng tôi là: tài sản thật sự của gia đình chính là những cá nhân trong đó. Một gia đình thịnh vượng bao gồm các cá nhân thịnh vượng và sự viên mãn của gia đình sẽ phụ thuộc vào sự viên mãn của cá nhân. (trang 240)
Tôi nghĩ “Thịnh vượng gia tộc” là một cuốn sách mà các bậc cha mẹ nên tham khảo. Có thể một vài cha mẹ sẽ nghĩ lo vậy vừa sớm, vừa xa quá. Nhưng tôi tin trong giáo dục con người thì “không lo xa ắt sẽ buồn gần”.
Hầu hết chúng ta làm việc vì mong có cuộc sống tốt hơn. Và từ tốt hơn trở nên sung túc, dư dả lúc nào không hay. Ở vào điều kiện dư dả như vậy mới bắt đầu bàn về vấn đề tài chính với thế hệ sau là quá muộn.
Trong đời thực, bạn và tôi đã từng nghe qua không ít bi kịch gia đình đến từ những khoản tiền trên trời rơi xuống như: tiền thừa kế, tiền trúng số, tiền đền bù đất đai v.v. rồi nhỉ?
Nếu có quá nhiều tiền mà không hiểu về chúng, con trẻ sẽ biết tiêu tiền nhưng không biết làm gì với đời mình. Thay vì món quà, cha mẹ đã mang đến cho con một hình phạt.
Nỗi sợ cái nghèo chỉ là một nửa, biết thận trọng trước sự giàu có là nửa còn lại mà mỗi bậc cha mẹ nên quan tâm. Vì liều thuốc độc khó tránh nhất hiếm khi nằm ở những chén cơm đạm bạc, mà thường nằm trong những bữa tiệc thịnh soạn.
* Tôi chưa tải được ảnh bìa sách lên bài viết trên Noron. Mong bạn đọc lượng thứ.