[Sách ảnh] Đôi nét kiến trúc và nội thất Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử

  1. Văn hóa

Việt Nam ta xuyên suốt lịch sử đã tiếp thu văn hoá của không ít các quốc gia trên thế giới, điển hình và có ảnh hưởng sâu sắc hơn cả, có lẽ là từ Trung Quốc và Pháp. Những ảnh hưởng về văn hoá cũng được thể hiện rõ nét qua đường lối kiến trúc bên ngoài cũng như cách bài trí, bố cục nội thất bên trong các toà nhà.

Sau đây là một loạt hình ảnh về kiến trúc và nội thất Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhà cửa, cung đình Việt Nam trong các giai đoạn này mang những phong cách khác nhau. Bài viết này xin chia thành 3 phong cách: phong cách kiến trúc địa phương (Vernacular Style), phong cách Pháp (French Style), và phong cách hiện đại (Modern Style).

1) Phong cách kiến trúc địa phương:

Hiểu theo một cách nào đó, thì đây là phong cách kiến trúc "thuần Việt", không mang tính kết hợp, lai tạp với các phong cách kiến trúc từ các quốc gia khác.

new doc 2019-09-26 18.09.24_1

Một trong các công trình đại diện cho phong cách này là Hiển Lâm các - một kiến trúc bằng gỗ thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế, trong khu vực các miếu thờ.

Hiển Lâm các bắt đầu được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành một năm sau đó, dưới thời vua Minh Mạng. Công trình này được xem là đài tưởng nhớ công tích các vị vua nhà Nguyễn, cùng các quan đại thần có công lớn trong triều đại.

Các bạn có nhìn thấy những chiếc lư hương đặt phía trước Hiển Lâm các không? Tổng cộng có 9 lư hương, được đặt ở đó để tưởng niệm 9 vị vua nhà Nguyễn. Hiển Lâm các có 3 tầng: tầng 1 có 5 gian, tầng 2 có 3 gian và tầng cao nhất có 1 gian.

new doc 2019-09-26 18.17.07_1

Trong ảnh trên là kiến trúc bên trong của một mái đình - một trong những không gian sinh hoạt cộng đồng của người Việt trong các thời đại trước. Đây là nơi mà mọi người trong một làng, xã tập hợp lại với nhau và tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tâm linh, các bữa tiệc và nhiều hoạt động văn hoá tập thể khác.

Được biết, mái đình cổ nhất hiện vẫn còn ở nước ta đã được xây dựng từ năm 1576 - cách đây đã gần 5 thế kỷ, tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng những mái đình đầu tiên đã bắt đầu được xây dựng từ rất lâu trước đó nữa.

Ngoài ra, vì mái đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong các làng xã, nên vị trí xây dựng của chúng thường được tính toán rất kỹ lưỡng, luôn tuân thủ theo các nguyên tắc Phong Thuỷ (feng shui/ geomancy).

new doc 2019-09-26 18.18.41_1

Trên đây là kiến trúc phía bên ngoài của một ngôi chùa-nhà thờ của đạo Cao Đài - một tôn giáo được sáng lập bởi đức Ngô Văn Chiêu (1878 - 1932) vào năm 1926. Cho những bạn nào chưa biết, thì đạo Cao Đài là một sự pha trộn của nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới. Các môn đồ của đạo Cao Đài thường thờ Đức Phật, Chúa Jesus, các vị linh thần của Đạo Giáo (Taoist spirits), và cả những cá nhân nổi bật xuyên suốt lịch sử như Victor Hugo, Tôn Dật Tiên hay Giang Đà (Joan of Arc) - vị nữ thủ lĩnh quân đội Pháp trong cuộc chiến trăm năm giữa Pháp và Anh vào thế kỷ thứ 15.

Được biết, vào năm 1919, trong một đêm nằm mộng, đức Ngô Văn Chiêu đã trông thấy một linh thần tự xưng tên "Cao Đài", yêu cầu ông thành lập một tôn giáo bằng cách kết hợp các bài hệ tư tưởng và tôn giáo khác nhau trên thế giới. Tất cả phải tôn thờ biểu tượng "con mắt". Biểu tượng này được cho là đến từ Hội Tam Điểm (Freemasonry) - một trong những hội kín ở phương Tây.

Điều này giúp giải thích việc biểu tượng "con mắt" có thể dễ dàng được tìm thấy trên bất cứ kiến trúc Cao Đài nào, cũng như việc tại sao các kiến trúc Cao Đài vừa có thể được gọi là chùa, vừa có những đường nét giống với các nhà thờ châu Âu, vì chúng tượng trưng cho sự kết hợp văn hoá tôn giáo giữa các nền văn minh khác nhau - đánh dấu sự bắt đầu của một nền kiến trúc với phong cách kết hợp Đông-Tây trong những giai đoạn tiếp theo.

2) Phong cách Pháp:

Trong giai đoạn này, bạn đọc có thể dễ dàng bắt gặp sự kết hợp các đường nét kiến trúc giữa Đông và Tây, như trong các hình ảnh dưới đây:

new doc 2019-09-26 18.14.31_1

Trong ảnh trên là không gian bên trong của lăng vua Khải Định, được xây dựng từ những năm 1920. Tuy trần nhà và các bức tường được chạm khắc theo phong cách phương Đông, nhưng chiếc cửa mang phong cách phương Tây rõ rệt.

new doc 2019-09-26 18.22.44_1

Một trong những công trình biểu tượng của kiến trúc giai đoạn này là Bắc Bộ Phủ, tên gọi ngày nay là Nhà Khách Chính Phủ, toạ lạc tại số 12 đường Ngô Quyền, Hà Nội. Công trình này được xây dựng vào năm 1895, mặc dù nhiều nguồn khác có thể ghi nhận là từ năm 1918. Đây từng là nơi đặt trụ sở của chính quyền Bắc Kỳ, và là một trong những di tích lịch sử của Việt Nam.

Nhà Khách Chính Phủ được xây dựng bởi kiến trúc sư người Pháp là Auguste-Henri Vildieu, được kết hợp giữa phong cách kiến trúc thời Napoleon Đệ Tam và phong cách kiến trúc kiểu mới (Art Nouveau). Đây là một công trình đồ sộ và được xây dựng hết sức công phu, vừa đại diện cho vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, vừa tượng trưng cho sức mạnh của giới cầm quyền Pháp trước các nước Đông Dương.

Như vậy thì, các loại hình và phong cách kiến trúc ra đời không chỉ vì mục đích xây dựng các công trình, mà còn để truyền tải một thông điệp chính trị nào đó - như trong trường hợp của Bắc Bộ Phủ là "sức mạnh vượt trội của văn hoá Pháp so với thuộc địa Đông Dương".

new doc 2019-09-26 18.20.11_1

Phong cách nội thất kiểu Pháp như trong hình trên cũng rất thịnh hành tại Việt Nam trong những năm 1920. Tuy nhiên, kiểu nội thất này thường được sắp đặt cho các nhà ở của các quan chức cao cấp. Như trong hình trên chính là nơi nghỉ dưỡng của đại diện quản lý Ngân hàng Đông Dương (Deputy Director of the Bank of Indochina).

Điểm nổi bật của nội thất-kiến trúc phong cách Pháp chính là nhà có rất nhiều cửa/cửa sổ, và kích thước của các cửa này thường khá lớn. Trong các gian phòng cũng luôn có quạt trần để làm mát.

3) Phong cách hiện đại:

Trong giai đoạn này, kiến trúc và nội thất của nước ta đã có sự tiếp nhận từ rất nhiều nên văn hoá và quốc gia khác nhau khắp thế giới. Sự đa dạng này được thể hiện qua màu sắc và đường nét của kiến trúc-nội thất tại Việt Nam, trong giai đoạn từ những năm 1960 trở đi.

new doc 2019-09-26 18.28.47_1

Như căn phòng trong hình trên đây là một ví dụ: màu sắc chủ đạo của căn phòng là xanh da trời và vàng - đây là phong cách phối màu thường thấy ở các căn nhà thuộc khu vực biển Caribbean. Tuy nhiên, những món đồ nội thất như tranh ảnh treo trong phòng và đèn ngủ lại theo phong cách châu Âu. Hai bức vẽ hai người phụ nữ treo trên tường lại do một hoạ sỹ địa phương (tức người Việt) tạo nên.

new doc 2019-09-26 15.40.52_1

Cảnh tượng Nhà Thờ Đức Bà cùng với trung tâm thương mại Diamond Plaza tại khu vực Quận 1 - thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một cảnh tượng tượng trưng cho sự kết hợp của nhiều loại hình phong cách kiến trúc từ nhiều thời đại và nền văn hoá khác nhau.

new doc 2019-09-26 18.30.38_1

Trên đây có lẽ là bố cục thường thấy trong hầu hết các phòng ngủ và phòng khách hiện nay: màu sắc trắng, sáng, các vật dụng nội thất với đường cong mềm mại, thay vì những nét thẳng, cứng, và nhiều hoa văn như phong cách nội thất của các giai đoạn trước.

new doc 2019-09-26 18.33.01_1

Trong khung phía trên bên trái của ảnh trên là một chiếc ghế ngủ treo tường được làm bằng mây - đây là một loại chất liệu rất chắc chắn. Điểm nổi bật trong hai bức ảnh còn lại, lại chính là lớp sàn bằng đá ceramics có tuổi đời từ thế kỷ thứ 13. Phong cách nội thất này cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng bởi nội thất tại khu vực Siem Reap, Cambodia.

.................................................

Bài viết trên đã đưa bạn đọc đi qua một hành trình đến với các phong cách kiến trúc và nội thất khác nhau, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử Việt Nam. Cá nhân bạn ấn tượng với phong cách nào nhất?

Nguồn: sách ảnh "Vietnam Style" từ Luca Invernizzi Tettoni, Bertrand de Hartingh và Anna Craven-Smith-Milnes.

Từ khóa: 

kiến trúc

,

nội thất

,

sách ảnh

,

lịch sử

,

văn hóa

Cái này nên đóng góp vào Tinh hoa Việt Nam đó bạn, quá hay :*

Trả lời

Cái này nên đóng góp vào Tinh hoa Việt Nam đó bạn, quá hay :*