[Sách] Tottochan: Cô bé bên cửa sổ, Tính nhân văn trong một triết lý giáo dục

  1. Sách

https://cdn.noron.vn/2022/01/23/648761153213263433-1642871879_1024.jpg

Nếu bạn đang trên con đường đi tìm một triết lý giáo dục hay đơn thuần là tìm kiếm một hình thức giáo dục hiệu quả, vậy thì Tottochan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả Tetsuko Kuroyanagi chính là lựa chọn thích hợp nhất để bắt đầu. Thật khó có thể tưởng tượng được chứa đựng trong một cuốn sách mang hình thức nhỏ bé và giản đơn như thế lại là những tư tưởng lớn được truyền tải hết sức mộc mạc, gần gũi, đồng thời cũng rất mạnh mẽ, dứt khoát.

Tottochan: Cô bé bên cửa sổ là hồi ký tự truyện của chính tác giả. Tottochan từng là một cô bé khiến các giáo viên ở trường học phải đau đầu. Trong giờ học, thay vì ngồi yên tại chỗ như các bạn, em lại đứng ngoài cửa sổ để đợi những người hát rong. Có hôm, khi những người hát rong đi qua, em đề nghị họ hát và kết quả là cả lớp dồn đến chỗ em và những người hát rong, còn cô giáo thì đành bất lực đợi cho đến khi việc hát hò xong xuôi thì mới có thể hô hào đám trẻ vừa tò mò vừa ngịch ngợm trở về vị trí ban đầu của chúng. Tâm hồn treo ngược cành cây và luôn luôn làm trái những quy định ở trường học, Tottochan trở thành một em bé bất trị. Kết cục của chuyện đó là em bị đuổi học – một việc khiến cho mẹ của Tottochan khổ sở lo lắng. Tuy nhiên, nỗi khổ tâm của mẹ em, điều mà Tottochan chẳng hề hay biết vì mẹ đã hết sức cẩn thận để không cho em biết rằng em bị đuổi học, đã trở thành xúc tác đưa em đến trường Tomoe Gakuen – một ngôi trường có phương pháp giáo dục kỳ lạ với một người thầy hiệu trưởng khác với tất cả những người khác. Ở Tomoe Gakuen, Tottochan không chỉ tìm được niềm vui học tập, gặp gỡ được những người bạn tốt khiến em nhớ mãi không quên, mà ở đó, em đã hiểu về chính mình và lẽ phải bằng những cách thức tự nhiên và mộc mạc nhất, không hề giáo điều nhưng lại khiến em ghi nhớ chúng mãi mãi.

https://cdn.noron.vn/2022/01/23/f02837ddab65474099004115e0fd3ef459a6fcf8hq-1642871901_1024.jpg
Cô bé ngồi bên cửa sổ chờ những người hát rong đi qua. Nguồn: Amino Apps

Tottochan: Cô bé bên cửa sổ trước hết là một tác phẩm dịu dàng cho con trẻ. Bằng lời văn chân phương, trong sáng và cách kể dung dị, Tetsuko Kuroyanagi kể về những ký ức của mình bằng thái độ tươi sáng và trân trọng nhất. Mặc dù là một cuốn sách dài, nhưng nó lại được chia thành những mẩu chuyện nhỏ với độ dài vừa phải, không nhất thiết phải đọc tất cả các mẩu chuyện một cách tuần tự giúp cho các độc giả ở độ tuổi nhỏ dễ tiếp cận với nội dung truyện, không cảm thấy chán vì quá dài, không cảm thấy nặng nề vì giáo điều.

Những câu chuyện tinh nghịch của cô bé Tottochan còn dễ gợi sự đồng cảm cho các bạn nhỏ, bởi làm gì có bạn nhỏ nào mà không có chút tinh nghịch, hiếu động, hay đầy tò mò về thế giới xung quanh. Mỗi đứa trẻ, hay thậm chí là mỗi người, đều có thể tìm thấy mình trong cuộc kể chuyện dài quên thời gian của Tottochan với thầy hiệu trưởng, trong việc chui ra chui vào cái hàng rào dây thép gai nên ngày nào cũng rách quần, hay trong cả việc nằng nặc đòi bố mẹ mua cho mình con gà con ở chợ dù cha mẹ phản đối.

https://cdn.noron.vn/2022/01/23/600362934f46aca54921fbb27257dd0f7ee84056hq-1642871901_1024.jpg
Nguồn: Amino Apps

Điều quan trọng hơn là, ở Tomoe Gakuen, Tottochan và các học sinh được thoải mái làm tất cả những điều các em muốn mà không chịu sự ngăn cản nào bởi vì các em có một môi trường giáo dục mang triết lý độc đáo nhưng đầy nhân văn. Tất cả đều xuất phát từ thầy hiệu trưởng Sosaku Kobayashi, người đã thể hiện ngay lòng tôn trọng với Tottochan kể từ giây phút đầu tiên thầy gặp em khi thầy nói với mẹ Tottochan rằng: “Bây giờ bà có thể về nhà được rồi đó. Tôi muốn nói chuyện với Tottochan.” Thông thường, khi trẻ em đến trường, nhà trường, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh thay vì học sinh, điều này có mặt tốt là nó thể hiện sự liên kết của gia đình và nhà trường trong việc chung tay giáo dục con trẻ, nhưng vô hình trung lại bỏ qua nhu cầu của chính đứa trẻ. Trong khi đó, thầy Kobayashi đi ngược lại, ông tôn trọng học sinh của mình hơn hết thảy, và vì thế, ông sẽ trao đổi với chính Tottochan – người sẽ vào học tại trường, thay vì mẹ của em. Bắt đầu từ hành động này, ta đã nhìn thấy rõ triết lý lấy người học làm trung tâm của thầy Kobayashi và trương Tomoe Gakuen. Thêm nữa, học sinh của trường không bị buộc phải ngồi tại một vị trí cố định mà có thể dịch chuyển theo mong muốn của các em, không bị buộc phải học một môn học cố định mà có thể lựa chọn học các môn học em mong muốn…đây chính là biểu hiện của triết lý giáo dục khai phóng lấy người học làm trung tâm mà xu hướng giáo dục của thế giới hiện nay đang ngày càng dịch chuyển theo hướng này.

Điều tuyệt vời hơn nữa là không gian học tập được thiết kế để học sinh đạt được sự phát triển toàn diện nhưng không bị giới hạn sức sáng tạo của mình. Các học sinh ngoài học các môn học lấy kiến thức còn được tham gia vào các môn học phát triển thể chất như môn thể dục nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc và vận động giúp học sinh vừa tăng độ tập trung, vừa sáng tạo, vừa khỏe mạnh và dẻo dai hơn.

Thầy Kobayashi rất tôn trọng học trò của mình và ý kiến của các em. Khi thầy thấy Tottochan múc phân ra khỏi bể chứa, thay vì hốt hoảng và la mắng em, thầy chỉ đơn giản hỏi Tottochan đang làm gì, kiên nhẫn lắng nghe và thầy yên tâm rời đi khi nghe được lời hứa của Tottochan rằng em sẽ múc đống phân trở lại sau khi đã hoàn thành công việc mình cần làm. Sự tin tưởng và phó thác đó của thầy đã giúp một học trò tự tin vào quyết định của mình và biết giữ đúng lời hứa của mình. Để xây dựng tình thương yêu và lòng trắc ẩn ở học trò, ngôi trường của thầy Kobayashi chào đón tất cả các học sinh và thầy đảm bảo rằng tất cả mọi người đều không phải cảm thấy lạc lõng khi ở trường, ví dụ như khi thầy cho học trò tắm cùng nhau mà không mặc quần áo để gìn giữ và xây dựng sự tự tin của các em vào cơ thể mình, hay một cuộc thi thể dục thể thao để giúp một cậu học trò thấp bé tin rằng ngoại hình sẽ không bao giờ là rào cản của mình.

https://cdn.noron.vn/2022/01/23/41af4adeb8135d8b52eb6f30f674c4d45e64c908hq-1642871901_1024.jpg
Phương pháp giáo dục đặc biệt tại trường Tomoe Gakuen. Ảnh: Amino Apps

Thầy Kobayashi là một hình ảnh đẹp đẽ về người thầy, một người yêu thương học trò và cả đời chỉ đau đáu về sự nghiệp giáo dục và phát triển con người. Khi chiến tranh Nhật – Mỹ leo thang, trường Tomoe Gakuen và các học trò cũng không tránh khỏi sự tàn phá của nó. Tuy nhiên, hình ảnh thầy Kobayashi đứng trên đường nhìn ngọn lửa bom thiêu đốt ngôi trường mà ông hằng yêu dấu, hai tay cho vào túi áo và hỏi cậu con trai rằng “Ta sẽ lại xây kiểu trường nào hở con?” đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ không lời. Đối lập với ánh lửa chói gắt nghiệt ngã của bom đạn chiến tranh là ánh sáng huy hoàng từ tâm hồn của một người thầy mà Lòng yêu trẻ và lòng yêu nghề của ông còn mạnh hơn cả những ngọn lửa đang bao phủ trường học, đó là thứ ánh sáng của niềm hy vọng được gìn giữ và xây đắp cho tương lai mà không một vũ khí nào, sự tàn phá nào, cuộc chiến nào có thể dập tắt được.

Cuối cùng, toàn bộ cuốn sách là một sự tóm gọn vừa hàm súc vừa đủ đầy về tinh thần và phẩm chất Nhật Bản. Ở thầy Kobayashi hội tụ đầy đủ những yếu tố mà người Nhật Bản coi trọng dù phương pháp của ông có thể khác biệt với những người khác, đó là tình yêu và niềm tin sâu sắc đặt vào những việc mình làm, luôn cố gắng để mọi thứ hoàn thiện, vì cộng đồng, tự lập và tự cường. Những bài học mà học trò của ông được học cũng thấm đượm tinh thần đó như học qua những quan sát thực tiễn và cụ thể – học nông nghiệp từ bác nông dân; giáo dục học trò để trở nên lo lắng cho sự an nguy của người khác – Tottochan lo lắng khi ai đó ăn vỏ cây và thấy đắng; giáo dục để lo lắng đến cảm nghĩ của người khác – Tottochan đồng ý không dùng cái nơ của em để thầy hiệu trưởng không phải chạy ngược xuôi tìm kiếm một chiếc nơ giống hệt cho con gái mình; và biết bao nhiêu bài học khác nữa như bài học về sự sẻ chia, bài học về thức ăn, bài học về nhận biết chính bản thân mình, bài học về lòng tử tế, hào hiệp và sự cao thượng.

Ra đời vào năm 1981, cuốn hồi ký tự truyện Tottochan: Cô bé bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi đã trở thành tác phẩm về giáo dục và tinh thần khai phóng tiêu biểu nhất của Nhật Bản – một tác phẩm được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa Tiểu học ở Nhật. Cuốn hồi ký tự truyện này vượt xa khỏi khuôn khổ của một cuốn hồi ký cá nhân thông thường, nó chứa đựng những bài học nhân văn, triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm, phản ánh toàn diện và sâu sắc về tinh thần và con người Nhật Bản bằng giọng văn mộc mạc, hàm súc, và giàu tính gợi tả, gợi cảm. Đây thực sự là một trong những tác phẩm về giáo dục, nhân văn xuất sắc và đáng đọc cho bất cứ ai, dù là trẻ nhỏ hay người lớn, dù là cha mẹ hay con cái, dù là người làm giáo dục hay không làm giáo dục, bất cứ ai cũng đều sẽ nhận được một vài bài học từ cuốn sách.

Cập nhật thêm các bài viết khác của mình

TẠI ĐÂY!

Từ khóa: 

giáo dục

,

giáo dục khai phóng

,

triết lý giáo dục

,

hồi ký - tự truyện

,

sách

Mình cũng rất thích cuốn sách này và ngưỡng mộ thầy Kobayashi

Trả lời

Mình cũng rất thích cuốn sách này và ngưỡng mộ thầy Kobayashi

Hihii vì b đã hoàn thành challenge của mình nên tặng bạn xíu coin động viên nhá. Cảm ownn rất nhìu vì 1 bài review có tâm

Sách hay mà người viết review cũng chuẩn đọc thích thật! tiếc là hết coin mất tiêu rồi nên tặng bạn tim vậy💛 💝

Ui hay nè, mà b đọc xongg cảm thấy quyển sách này như thế nào? Highly rcm 1 bài viết phân tích về phương pháp giáo dục của Thầy Kobayashi