Tác dụng của âm thanh

  1. Sức khoẻ

TÁC ĐỘNG CỦA ÂM THANH ĐẾN SỰ SỐNG

Ai cũng biết rằng có thể dùng lời nói để chữa bệnh, để làm cho tàn phế, thậm chí để sát hại. Vậy những khả năng của âm thanh là như thế nào? Phạm vi tác động của âm thanh đến con người thật đáng kinh ngạc.

Những âm thanh mà tai chúng ta không tiếp nhận được từ lâu đã đi vào đời sống của con người. Và ảnh hưởng đa diện của chúng cùng với những hậu quả xa xôi chưa phải đã được nghiên cứu một cách đầy đủ. Chúng ta đang nói đến việc khảo sát siêu âm. Chúng ta đang điều trị bằng siêu âm. Với sự trợ giúp của siêu âm, người ta tiến hành tạo hình thẩm mỹ tại mỹ viện. Âm thanh được nghiên cứu từ rất lâu. Vậy thế nào là âm thanh nói chung? Âm thanh là dao động cơ học của môi trường với tần số nhất định. Âm thanh có tần số từ 0 đến 20 héc (Hz) được gọi là hạ âm. Âm thanh có tần số trên 20.000 Hz được gọi là siêu âm. Vì tai con người có thể nghe được âm thanh từ 50 Hz - 16.000 Hz cho nên việc chúng ta không nghe được hạ âm và siêu âm là một điều dễ hiểu. Song điều đó không có nghĩa là những âm thanh mà chúng ta không nghe được chẳng có tác động gì đến chúng ta

​Các nhà khoa học từ lâu đã phát hiện ra rằng việc bơi cùng với cá heo chữa được bệnh trầm uất. Siêu âm do cá heo phát ra là một bộ phận của hệ thống định vị âm vang ở loài vật này có tác động tốt, nó làm tăng tốc độ của các phản ứng hóa học, nó chữa bệnh và làm giảm đau.

Ở thời đại ngày nay, âm thanh được áp dụng trong rất nhiều ngành: y học, địa chất học, công nghiệp đúc thép, công nghiệp quân sự... Có rất nhiều thiết bị sử dụng âm thanh. Khoa học nghiên cứu về quá trình hình thành, lan truyền và ghi nhận sóng âm thanh được gọi là âm học.

Ở nước Nga từ thời xa xưa, người ta đã biết rằng tiếng chuông rung đồng loạt tại nhà thờ có khả năng giết chết vi khuẩn. Trong thời kỳ có thiên tai và bệnh dịch, người ta đánh chuông liên tục.

Người Trung Quốc thời cổ đã dùng tiếng chiêng, tiếng trống để làm giảm đau lúc nhổ răng.

Ở Ai Cập thời cổ, người ta đã trị bệnh mất ngủ bằng tiếng hát của dàn hợp xướng. Ở Hy Lạp thời cổ, người ta đã dùng tiếng kèn đồng để chữa bệnh viêm rễ thần kinh (radiculite) và bệnh rối loạn thần kinh. Nhà toán học và nhà triết học cổ Hy Lạp Pythagore đã xây dựng lý thuyết về cấu tạo của vũ trụ bằng nhạc số và đã vận dụng một cách thành công những giai điệu do ông sáng tác ra để chữa "các bệnh tinh thần".

Việc điều trị bằng âm nhạc đã cho ta những kết quả nhất định. Mỗi người đều có thể kiểm tra tác động của nó.

Bạn hãy bảo đứa trẻ vẽ một hình gì đó và bạn sẽ thấy rằng theo tiếng nhạc của Mozart, nó vẽ những bức tranh tươi sáng, còn theo tiếng nhạc Rock đinh tai nhức óc, nó sẽ vẽ ma cà rồng và quái vật. Hiệu quả này từ lâu đã được thử nghiệm với đàn bò cái. Khi nghe tiếng nhạc Rock ầm ĩ nặng nề thì lượng sữa của chúng giảm hẳn và sữa hơi bị đắng. Ở châu Phi, người ta dùng nhạc Rock với âm lượng thật lớn để xua đuổi đàn voi ra khỏi vườn cây ăn trái.

Đối với con người, tiếng ồn có cường độ cao hơn 95 đêxiben là đặc biệt có hại (độ 0 đêxiben là ngưỡng âm thanh tối thiểu con người tiếp nhận được). Trong khi đó, máy bay cất cánh phát ra âm thanh ở mức 98 đêxiben. Do chịu tác động của tiếng ồn như vậy nên các mạch máu ngoại biên co lại, nhịp tim bị rối loạn, xuất hiện chứng đau đầu, mặt tái mét, hệ thần kinh tâm lý bị hủy hoại. Tệ hại nhất là dạ dày phải "tiêu hóa" những âm thanh cực lớn. Do đó, việc thường xuyên đến vũ trường hoặc thói quen nghe nhạc mở hết công suất bằng tai nghe có thể dẫn tới bệnh loét dạ dày.

Song sự yên tĩnh hoàn toàn cũng không kém phần nguy hiểm. Cách đây hàng nghìn năm, thậm chí đã tồn tại cách tra tấn bằng sự yên tĩnh. Phạm nhân được nhốt vào "tháp im lặng", nơi không một âm thanh nào từ bên ngoài lọt vào. Và chỉ sau mấy tháng là người tù phát điên rồi chết trong những cơn đau dữ dội. Sự khiếm khuyết âm thanh một cách hoàn toàn cũng gây nên những rối loạn trong cơ thể con người. Con người là một bộ phận của thiên nhiên và nó được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên, bởi các âm thanh của thiên nhiên. Nếu không có âm thanh cũng như nếu không có thức ăn, nước uống và không khí thì con người sẽ không thể cầm cự được lâu. Do đó, những âm thanh của thiên nhiên cũng rất cần thiết cho chúng ta.

Theo các nhà khoa học, con người hoàn toàn không tiếp nhận được hạ âm (có tần số dưới 17 Hz). Nhưng loài sứa, chim, hải âu, cá và nhất là loài dơi, có khả năng tiếp nhận thứ âm thanh này. Tuy nhiên, chúng ta bằng thể lực có thể cảm nhận được những dao động của hạ âm (những dao động này xuất hiện ở đại dương trong lúc có bão biển và có động đất ngầm dưới nước). Tần số ở mức 6 Hz có thể gây ra cho ta cảm giác mỏi mệt, buồn phiền và say sóng. Tần số ở mức 5 Hz làm tổn hại đến gan, ở mức 4 Hz có thể gây ra cơn điên loạn. Hạ âm với tần số 7 Hz gây nên tử vong cho con người do tim ngừng đập.

Nói chung, mỗi một cơ quan hoạt động theo một tần số hạ âm nhất định. Và nếu như phá vỡ sự điều hưởng này thì có thể chết. Tuy nhiên, ngược lại, cũng có những tần số hạ âm có thể "phục hồi" các cơ quan nội tạng bị rối loạn và giúp ta tránh được nhiều căn bệnh. Ngoài ra, chúng có khả năng "thuyết phục" con người giảm cân, tiếp thu ngoại ngữ hoặc cai thuốc lá.

Hạ âm có thể đưa đến cho con người những cảm giác như buồn phiền, sợ hãi, ớn lạnh, lo lắng... Lọt vào vùng cộng hưởng với các nhịp sinh học của con người, hạ âm có cường độ đặc biệt cao có thể gây nên cái chết tức thì. Khi có sự trùng khớp về tần số giữa các cơ quan nội tạng và hạ âm thì các cơ quan tương ứng bắt đầu chấn động, điều này có thể đi kèm theo những cảm giác rất đau đớn.

( Suckhoedoisong.vn)

Từ khóa: 

âm thanh

,

sức khoẻ