Tất cả những điều bạn cần biết về niềng răng

  1. Sức khoẻ

Sau hơn 2 năm thì cuối cùng cũng đến ngày mình được tháo niềng răng rồi nè. Mình không cảm nhận được khác biệt nhiều lắm chắc vì đeo niềng đã thành thói quen rồi. Thế nhưng mọi người đều khen là đẹp hơn, thậm chí xinh hơn. 

Với những bạn có dự định niềng răng thì đây là tất cả những điều bạn cần biết trước khi quyết định dấn thân vào hành trình dài hơi này nhé.

AI SẼ CẦN NIỀNG RĂNG?

  • Hàm bị hô, móm hoặc răng không đều, ảnh hưởng tới thẩm mỹ: Khi niềng răng ngoài việc hàm răng được nắn chỉnh lại cho đều thì mình thấy xương quai hàm và bố cục khuôn mặt cũng thay đổi theo hướng hài hòa hơn
  • Khớp cắn bị lệch, ảnh hướng chức năng nhai: Một số bạn có bị hô một chút nhưng khớp cắn không lệch thì cũng không nhất thiết phải đi niềng. Nhưng có những trường hợp có bạn bị khớp cắn lệch làm khả năng nhai thức ăn và nói chuyện bị ảnh hưởng nhiều thì nên đi khám để bác sĩ tư vấn. Có một số trường hợp bắt buộc phải niềng vì răng có chiều hướng đi ra nhiều quá, nếu không chữa kịp thời sẽ có thể bị hỏng cả hàm răng
  • Có bệnh lý về răng miệng do hàm răng không đều: khi hàm không đều sẽ khó trong việc vệ sinh răng miệng, dễ dẫn tới nhiều bệnh lý liên quan, về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe

Bạn nên tìm tới bác sĩ uy tín đăng ký khám để biết chính xác về mức độ và tình trạng răng miệng của mình. Nếu mức độ nhẹ thì có thể không cần niềng cũng vẫn được vì niềng răng sẽ tốn nhiều thời gian (2-3 năm), tiền bạc (30-40 triệu), và thời gian (tái khám liên tục ít nhất 1 lần/tháng) lắm đó. 

KHI NÀO NÊN QUYẾT ĐỊNH NIỀNG RĂNG?

Trước khi ra quyết định bạn thử cân nhắc những yếu tố sau nha:

  • Tài chính: Chi phí niềng răng của mình là 35 triệu cho hơn 2 năm, tùy mức độ lệch của hàm răng mà chi phí sẽ tăng hoặc giảm nhưng thấp nhất mình thấy cũng khoảng 25 triệu.
  • Mức độ nghiêm trọng: Một lần nữa mình cần nhắc lại, nếu tình trạng răng của bạn không quá tệ thì cũng không cần thiết phải niềng vì nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống của bạn.
  • Công việc: Công việc của bạn có thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng hay cần chỉn chu về ngoại hình? Mình niềng răng khi còn làm headhunter, dù việc này phải tiếp xúc với nhiều người nhưng yếu tố quyết định tới hiệu quả công việc vẫn là chuyển môn chứ không phải ngoại hình. Một số vị trí như Sales mảng thời trang, mỹ phẩm, đồ cao cấp thì việc bạn niềng răng sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới công việc. Tuy nhiên lựa chọn là của bạn nha. Ngoài ra việc niềng răng cũng đòi hỏi bạn phải đi lại, tái khám với bác sĩ thường xuyên và đúng hẹn.Nếu công việc của bạn cần di chuyển hay công tác dài hạn sẽ ảnh hướng tới tiến độ và hiệu quả niềng răng.
  • Khả năng chịu đau: Niềng răng thời gian đầu khá đau, tuy dần dần mình cũng quen thôi. Đau nhất là những lúc phải nhổ răng (nếu cần thiết), lắp khí cụ, siết lại dây kim loại….Thường mỗi lần bác sĩ chỉnh lại khí cụ mình sẽ đau 1-2 ngày đầu tiên, không muốn ăn gì,sau đó bớt dần đi.

CHỈNH NHA Ở ĐÂU?

Khi mình quyết định sẽ đi niềng răng thì mình bắt đầu tìm cơ sở để điều trị. May mắn là mình có bạn ở Hà Nội cũng là nha sĩ nên cũng bớt hoang mang hơn. Mình đi chụp x-quang cả hàm rồi gửi cho anh tư vấn thêm. Sau đó mình book lịch với một số đơn vị chỉnh nha để khám và để bác sĩ tư vấn lộ trình (hầu hết các phòng khám nha khoa không thu phí tư vấn). 

Đây là những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mình sẽ chỉnh nha ở đâu. Theo thứ tự quan trọng giảm dần:

  • Bác sĩ: Bác sỹ có uy tín, nhiều kinh nghiệm, tay nghề tốt ảnh hưởng phần lớn tới hiệu quả chỉnh nha. Nên thực ra không quan trọng là mình chỉnh nha ở đâu, mà bác sĩ trực tiếp chỉnh nha là ai. Mình chỉnh nha tại phòng khám của BS. Đoàn Quốc Huy là thầy giáo của bạn mình hồi mới vào nghề. Chỉnh một thời gian mới thấy công ty có tới 4 – 5 chị cũng chỉnh nha chỗ bác Huy luôn. Những người trong ngành sẽ biết ai là người uy tín nhất. Lúc mình chỉnh nha cũng thấy nhiều bác sĩ tới học việc ở chỗ bác Huy lắm.
  • Phương pháp: Hiện nay có nhiều phương pháp chỉnh nha như: chỉnh nha không mắc cài (sử dụng các máng nhựa trong suốt), chỉnh nha dùng mắc cài (mắc cài sứ, mắc cài trong, mắc cài kim loại…). Tuy nhiên theo như bác Huy tư vấn thì chỉnh bằng mắc cài kim loại là có hiệu quả và nhanh nhất.
  • Lộ trình chỉnh nha: Cùng một hàm răng nhưng khi mình đi tư vấn thì mỗi bác sĩ có lộ trình chỉnh nha khác nhau, người thì nói cần nhổ 1 chiếc răng số 4 chữa tủy và giữ lại chiếc răng số 5, có bác sĩ thì nói cần trồng thêm răng sau đó niềng đưa hàm dưới ra ngoài…Trước khi quyết định chọn đi theo lộ trình nào bạn nên tham khảo nhiều bác sĩ, nghe tư vấn và đặt câu hỏi để có thêm thông tin và đưa ra quyết định chọn lộ trình nào
  • Mức phí và cách thanh toán: Chi phí chỉnh nha của các phòng khám có thể chênh lệch từ 5 tới 10 triệu. Một con số cũng không nhỏ. Ngoài ra bạn cũng cần hỏi thêm lộ trình thanh toán phí như thế nào. Với mình thì mình trả trước 50% chi phí, số còn lại trả dần sau mỗi 3 tháng.

HAI NĂM CHỈNH NHA CỦA MÌNH THẾ NÀO?

2 tháng đầu tiên là lúc mình phải đi lại phòng khám của bác sĩ nhiều nhất. Vì trước khi lắp khí cụ mình cần chữa tủy răng, rồi nhổ thêm một chiếc răng, và trám lại theo chỉ định của bác sĩ Huy. Răng cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, cần thời gian để phục hồi. Nên bác sĩ yêu cầu như thế nào, set lịch ra sao mình phải làm y chang như vậy.

6 tháng tiếp theo, là lúc bắt đầu lắp khí cụ dần dần. Bác sĩ sẽ không lắp liền mà theo từng bước một, tùy theo mức độ di chuyển của răng. Khoảng cách mỗi 3 tuần mình cần gặp bác sĩ một lần. Mỗi lần lắp thêm hoặc thay đổi khí cụ rất là đau. Thời gian này là lúc xuống ký nhiều nhất, vì những ngày đầu sau khi gặp bác sĩ là không thiết ăn uống gì luôn. Hàm bị đau mà không cắn mạnh được nên hầu như ăn cháo, hoặc đồ ăn đã cắt nhỏ.

Những tháng tiếp theo thì mình cũng dần quen rồi và khoảng 1 tháng sẽ tái khám để kiểm tra và điều chỉnh tiếp. Giai đoạn này cũng đơn giản hơn, bác sĩ chỉ thay dây thun, đổi vòng kim loại lớn hơn chẳng hạn. Việc ăn uống cũng dễ dàng và thường chỉ đau ngày đầu tiên khi tái khám

2 tháng cuối, bác sĩ sẽ từ từ tháo niềng và làm một số công đoạn để cho mình có hàm răng đều hơn như cắt tỉa nướu. Tùy tình trạng của mỗi người mà có phải tỉa nướu hay không, nhưng mà cũng hơi đau đó mọi người.

Sau khi đã tháo hoàn toàn niềng răng, mình sẽ tiếp tục đeo hàm duy trì – một khay nhựa trong suốt trong ít nhất 1 năm đầu tiên. Vì khi mới tháo niềng răng còn yếu chưa thực sự ổn định, nếu không chăm chỉ đeo hàm duy trì khả năng răng bị di chuyển là rất cao. Mình chỉ quên không đeo hàm duy trì một ngày là đã thấy khi đeo lại không còn vừa khít như lúc đầu nữa rồi

Ngày được tháo hoàn toàn niềng răng thật tình mình cũng không thấy có sự thay đổi nhiều lắm có thể vì mình đã quen quá rồi. Nhưng khi đi chơi với bạn bè nhất là những người đã lâu không gặp ai cũng khen là răng xinh hơn trước nhiều rồi. Khuôn mặt cũng cân đối hơn nữa. Đặc biệt là bây giờ có thể cười tự nhiên chụp ảnh, thậm chí có thể cười khoe răng xinh được rồi nè. Điều quan trọng nhất mình có được sau hành trình 2 năm này là ý thức tự chăm sóc sức khỏe răng miệng hơn.

Thực ra hầu hết các vấn đề răng miệng chúng ta gặp phải là do thói quen sai khi còn nhỏ: đánh răng không đúng cách, dùng quá nhiều kem đánh răng, thiếu canxi và chất dinh dưỡng hoặc sử dụng nhiều đồ uống làm hại men răng…Hi vọng mọi người sẽ chú ý tới sức khỏe răng miệng nhiều hơn nữa, đặc biệt là cho các bạn nhỏ. Vì trong các loại đau đau răng là khổ nhất vì vừa mệt mà lại không ăn gì được chứ 


Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài dài thật dài.

ecfe76e601baf8e4a1ab


Adele Doan Blog

Từ khóa: 

niềng răng

,

chỉnh nha

,

sức khỏe

,

răng miệng

,

sức khoẻ

Em có một cái răng khểnh muốn niềng lắm nhưng ở nhà kêu răng khểnh cười duyên niềng làm gì. Cơ mà thấy chẳng tự tin lúc cười chút nào.
Trả lời
Em có một cái răng khểnh muốn niềng lắm nhưng ở nhà kêu răng khểnh cười duyên niềng làm gì. Cơ mà thấy chẳng tự tin lúc cười chút nào.
Chị ơi nếu niềng răng một hàm thì liệu có được không nhỉ?