Tiền, tình và mua bán dâm

  1. Văn hóa

1. Có người nói với tôi rằng họ xem tiền là một loại năng lượng không thuộc tính, tùy cách mình cảm nhận về nó và sử dụng nó ra sao mà nó tốt hay xấu đối với mình. Yuval Noah Harari thì cho rằng tiền là một câu chuyện được nhiều người tin nhất trên thế giới. Không phải chủ nghĩa dân tộc, không phải tôn giáo hay luân thường đạo lý nào khác, thứ người ta tin tưởng nhiều nhất là tiền.

Người ta đánh giá sự thành công bằng việc ai có thể kiếm nhiều tiền hơn. Đánh giá lòng tốt cũng bằng tiền: họ cho rằng thứ gì miễn phí là cao quý chẳng hạn?!

2. Cũng như quan điểm về miễn phí và thực dụng, keo kiệt. Người ta xem tình cảm là cao quý, tình dục là xấu xí. Người đến với nhau vì tình cảm thì được ngợi ca, vì tình dục thì bị chê bai, phỉ báng. Thực tế là con người (bình thường) cần cả hai, nhưng vì quan điểm của số đông như vậy, nên họ phải che giấu nhu cầu của mình đi hoặc thể hiện nó một cách lén lút, hoặc trơ trẽn.

Quan điểm khá phổ biến là người nữ xem chuyện tình dục như một thứ gì quý giá mà họ sở hữu, họ thường dùng từ "cho" khi nói về quan hệ tình dục với đàn ông. Vì nghĩ là "có" nên họ cảm thấy rất khó để "cho" (và nghĩ người khác "cho" thoải mái là dễ dãi là này kia nọ..), vậy nên khi "cho" rồi thì họ xem như "mất" tất cả.

Tình dục thật sự là người nữ "cho" người nam sao? Hay là cả hai người "cùng nhau" làm chuyện đó?

money


3. Mua bán dâm là một loại kinh doanh có từ xưa đến giờ, khi thì công khai, khi bị cấm đoán nhưng nó vẫn luôn tồn tại và sẽ còn tồn tại khi con người vẫn còn quan tâm đến 2 thứ là tiền và tình dục.

Hôm nay xôn xao vụ mua bán dâm 30 ngàn đô la Mỹ. Tôi nhớ câu nói của ông chủ Trung Nguyên "Tiền nhiều để làm gì?"

Có chị bạn đăng một status hỏi rằng: giả dụ các chị em phát hiện chồng/bạn trai mình là người mua dâm giá 30 ngàn đô thì sao? Các câu trả lời trong đó làm tôi thấy mình cần nhìn lại một chút về cách người ta nhìn nhận về tiền.

Có người nói rằng họ sẽ tính lại những lần quan hệ trong quá khứ và tương lai và thu tiền với giá đó. Người thì nói là nếu vậy thì thật tốt vì chồng mình quá giàu. Người lại nói đó không phải chồng tôi vì ông ta không có đến 3 triệu trong túi. Có người còn nói thà vậy còn tốt hơn không làm gì mà chẳng có tiền. Vài người thì nói cho tôi nhiêu đó tiền tôi cũng làm.

Tôi cảm nhận trong số đó có nhiều người nói thật lòng. Tôi cũng từng biết một số người thật sự xem đồng tiền hay nói chính xác là "nhiều tiền" là giá trị quan trọng nhất, đã từng nghe qua nhiều sự thay đổi lớn lao của con người trước lợi ích hay đồng tiền nhưng chưa bao giờ thấy một diễn biến chân thật và phong phú đến vậy về tiền.

Việc mua bán dâm ở Việt Nam nhìn chung vẫn bị phản đối rất nhiều và được xem là một việc làm xấu xa, đồi bại, nhục nhã... Thế nhưng mọi thứ nhìn nhận về nó lại thay đổi nhiều đến vậy chỉ bởi vì mức giá được nâng lên?

Nhiều tiền thì có thể thay đổi giá trị của một dịch vụ, thay đổi góc nhìn của nhiều người đến vậy sao? Bạn tôi bảo đó có thể chỉ là trò đùa, hay một sự trào phúng. Đó có lẽ là một mong muốn của bạn ấy.

Vậy rốt cuộc tình dục vẫn là người này cho người kia, nên người ta mới có thể đem bán? Bán giá rẻ thì là hạ tiện, bán gia cao thì là cao sang ư?

Có phải vì tiền có thể thay đổi cách nhìn của nhiều người về những thứ có liên quan đến nó, nên người ta mới làm tất cả vì tiền?

Mọi thứ thật rõ ràng, cũng thật mơ hồ khi nghĩ về tình, tiền và mua bán dâm.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

tình dục

,

tình cảm

,

mại dâm

,

quan điểm

,

văn hóa

Tại sao phải cấm mua bán tình
Trả lời
Tại sao phải cấm mua bán tình