Tướng Hoa Kỳ vào lãnh địa shogun (tướng quân) ép Nhật Bản mở cửa

  1. Lịch sử

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892946-1668156931.jpg

PHẦN I

NGƯỜI MAN DI ĐẾN

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892947-1668156951.jpg

Các Tàu Đen đến, ngày 8/7/1853

1 • NGƯỜI LẠ ĐẾN

Nếu quái vật xuất hiện trên đất Nhật hiệu quả có thể cũng không gây khiếp đảm hơn.

Những cư dân trong làng đánh cá Shimoda là những người đầu tiên phát hiện ra bốn khối khổng lồ, hai khối bốc ra khói, trên mặt đại dương và tiến gần lại bờ biển. “Những con rồng thở ra khói,” một vài người la lên. “Những tàu lạ bốc lửa,” những người khác tiếp nối. Theo truyền thuyết dân gian, khói trên sóng nước là do những con trai thở ra. Chỉ có trẻ con mới tin chuyện như thế. Có lẽ kẻ thù biết cách đẩy núi lửa về đất Nhật. Ắt hẳn có điều gì đó khủng khiếp sắp sửa xảy ra vào ngày này, thứ sáu, ngày 8/7/1853.

Ngư phủ vội vã kéo lưới về, chụp lấy mái chèo, và cuống quýt chèo về bờ. Họ ở gần nên biết được những khối bí mật trôi nổi này chính là những con tàu lạ. Những con tàu đen ợ ra khói đen! Họ chưa hề thấy một vật như thế. Thậm chí họ không biết có sự tồn tại của tàu hơi nước, và họ khiếp đảm trước số lượng và kích cỡ các súng thần công.

Bọn man di đến từ tầng mây! Không biết họ có xâm lăng, bắt cóc, tàn sát, rồi hủy diệt mọi thứ? Miền đất thiêng liêng Mặt Trời Mọc sẽ ra sao?

Báo động vang lên cùng khắp. Chuông chùa ngân vang, và các người đưa tin truyền tin tức ra khắp nước Nhật để cảnh báo mọi người rằng kẻ thù xa lạ đang tiến đến trên những con tàu.

Tin đồn loan truyền rằng “100,000 bạch quỷ” chuẩn bị dày xéo đất nước. Dân chúng kinh hoàng. Họ mang của cải quí giá và đồ đạc toả đi mọi hướng để lánh nạn bọn man rợ xâm lăng.

Đàn bà và trẻ con bị khóa kín cửa ở nhà hoặc gởi đến bạn bè và người thân ở nội địa, tránh xa bờ biển hiểm nghèo.

Các người đưa tin vội vã đến thủ đô Edo (Tokyo ngày nay) để cảnh báo với các quan chức chính quyền. Edo, thành phố lớn nhất thế giới với hơn một triệu dân, lâm vào cảnh hỗn loạn đúng vào ngày các con tàu xuất hiện. Phụ nữ ẵm con chạy tán loạn khắp đường phố. Các ông thì cõng mẹ, không biết trốn đi đàng nào.

Ai có thể kiểm soát được cơn hỗn loạn? Hoàng đế Komei sống cô lập trong hoàng cung của mình ở Kyoto. Mặc dù ngài được tôn thờ như dòng dõi thần linh của Thái dương Thần Nữ, Amaterasu, ngài chỉ là con rối bất lực, chủ yếu chỉ có trách nhiệm điều hành những lễ nghi tôn giáo. Trong giờ nhàn rỗi ngài nghiên cứu cổ thư và làm thơ. Người Nhật xem hoàng đế của mình là “người sống ở trên các tầng mây”. Theo luật, ngài không được rời hoàng cung trừ khi được chính quyền ban phép đặc biệt. Vùng ảnh hưởng của hoàng đế là thuộc thế giới khác. Mọi quyết định thế tục đều do các shogun (tướng quân), người nắm quyền thực sự trong hơn 700 năm qua, đưa ra.

Từshoguncó nghĩa là “vị thống soái đánh đuổi bọn man di.” Thật thích đáng biết bao vào thời điểm này! Chắc chắn Shogun sẽ truyền lệnh!

Nhưng Shogun Ieyoshi, người đánh chiếm lâu đài ở Edo vào năm 1853, là một người nhu nhược. Thậm chí không ai buồn nói cho ông biết tin tức đáng sợ này. Ba ngày sau khi tàu đến, trong khi ngồi thưởng thức vở kịch Noh được trình diễn cho ông trong lâu đài, ông mới nghe thoáng được lời râm ran về các con tàu. Tin tức khiến ông choáng váng phải đi nằm, tâm trí bất an.

Vì Shogun bất lực, các cố vấn của ông, gọi là Bakufu, thay ông cai trị đất nước. Nhưng theo một báo cáo, “Họ bị chấn động đến nỗi không thể mở miệng.” Bakufu lẽ ra không phải kinh ngạc đến thế. Trước khi đến Nhật hạm đội Mỹ đã bỏ neo tại Loo Choo (giờ là Okinawa). Các do thám Nhật ở đó đã gởi tin báo là các tàu Mỹ đang trên đường đến Nhật. Nhưng vì những lý do bí ẩn, chính quyền không quan tâm đến các báo cáo này cho đến khi các con Tàu Đen đến nơi vào ngày 8/7. Sau khi bình tĩnh trở lại, họ ra lệnh những đại gia tộc chuẩn bị đánh đuổi bọn man rợ.

Bị cách ly khỏi phần còn lại của thế giới, xem Thái Bình Dương là chiến hào của mình, Nhật Bản đã duy trì một xã hội phong kiến tương tự như của châu Âu thời Trung cổ. Có các lãnh chúa (daimyos), hiệp sĩ (samurai), và tôi tớ lao động trên lãnh địa của lãnh chúa và nộp tô cho chủ nhân.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322330-1668157037.jpg

Một samurai sẵn sàng chiến đấu

Xứ sở không có chiến tranh kể từ khi xâm lăng Triều Tiên vào năm 1597. Đã qua 256 năm rồi. Dù sao thì các lãnh chúa phong kiến cũng có thể động viên bình sĩ. Những người chưa từng ra trận bắt đầu đánh sạch rỉ sét ra khỏi giáo gươm. Họ cắm lông mới vào các mũi tên cổ của gia đình. Các thợ may bị cưỡng bách vào lao dịch để gắn dây lụa lên áo giáp, may chiến y, và khâu mũ bông để nâng đỡ mũ sắt nặng. 17,000 chiến binh đã sẵn sàng lâm chiến.

Khi các con tàu tiến về đất liền ngày đầu tiên đó, các thuyền phòng vệ Nhật ra khơi để bao vây kẻ thù. Nhưng họ không thể đuổi kịp các con tàu địch quá ma thuật đến nỗi có thể lao tới ngược gió mà không cần dùng buồm hoặc mái chèo.

Lúc 5 giờ chiều các tàu lạ neo đậu cách bờ một dặm rưỡi, tại Vịnh Edo. Họ cách thủ đô không tới 35 dặm. Những dốc đá đẹp, những ngọn đồi xanh cuồn cuộn, và trên hết, Núi Phú Sĩ đội tuyết tạo nên một cảnh tượng đẹp đến não lòng. Sau hoàng hôn, những đốm lửa hiệu lấm tấm trên mặt đất, và tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt.

Đêm đó một thiên thạch có chiếc đuôi bốc lửa lướt qua bầu trời như một tên lửa. Một điềm xấu của các thần linh! Chùa chiền và đền thờ đều đóng chặt cửa. Các nhà sư bảo với Phật tử là bọn người man rợ sắp sửa đến đây để trừng phạt họ vì những tội lỗi của mình. 

2 • CON TÀU ĐEN CỦA BỌN XẤU ÁC

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892954-1668157118.jpg

Chiếc Susquehanna là tàu buồm chạy bằng hơi nước

Bốn con tàu và 560 thuyền viên của Hải quân Mỹ đã gây ra cơn cuồng loạn này. Tàu Mississippi và Susquehanna chạy bằng hơi nước. Tàu Plymouth và Saratoga là tàu ba cột buồm được tàu hơi nước kéo đằng sau. Người Nhật gọi bốn tàu này là “Tàu Đen của Bọn Xấu Ác.”

Thiếu tướng Hải quân Matthew Calbraith Perry chỉ huy đội tàu. Ông không đến đây để xâm lăng. Ông hi vọng là người đem đến hoà bình và biến Đế chế cô lập Nhật Bản thành một thành viên của “gia đình những quốc gia văn minh” trên thế giới. Sứ mạng của ông là mở cánh cửa Nhật Bản. Nó đã đóng sập cửa với tất cả trừ một số ít thương buôn Trung Quốc và Hà Lan, những người được chính thức cho phép vào đã hơn 200 năm.

Perry hi vọng trao được thư của Tổng thống Millard Fillmore cho Hoàng đế Nhật, đề nghị rằng “Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ sống trong hòa hiếu và cùng xúc tiến thương mại.” Bức thư yêu cầu Nhật mở cửa các cảng để các con tàu Mỹ có thể ăn than và đồ tiếp tế.

Mỹ đã đầu tư 17 triệu đô trong ngành kỹ nghệ săn bắt cá voi ở Thái Bình Dương, nên cần các cảng của Nhật để tàu săn cá voi ăn than và lấy đồ tiếp tế. Dầu cá voi rất cần thiết để đốt sáng và bôi trơn động cơ.

Thư của Tổng thống Fillmore cũng yêu cầu những người đã đắm tàu trôi giạt trên bờ biển Nhật trước đây được đối xử tử tế. Điểm này được nhấn mạnh vì nhiều tàu săn cá voi Mỹ đã bị đắm ngoài khơi Nhật Bản trong những trận bão dữ dội, và những người trôi giạt đã bị cầm tù và ngược đãi.

Perry dự tính trao thư xong sẽ ra đi trong hoà bình. Ông sẽ trú đông ở Hong Kong. Với chỉ có bốn tàu và đồ cung cấp chỉ kéo dài không quá một tháng, ông không thể nán đợi thư phúc đáp của Hoàng đế, nhưng ông dự tính sẽ trở lại trong mùa xuân – khi đồ cung cấp nhiều hơn và đội tàu nhiều chiếc hơn.

Ngài Thiếu tướng cũng xác định không sử dụng vũ lực trừ khi để tự vệ. Nhưng ông cảm thấy rằng mình không thể tin cậy hoàn toàn những người phương Đông lạ lẫm này. Ông không dám liều lĩnh, vì ông nhớ lại tàu Morrison, một con tàu Mỹ đã chạy vào Vịnh Edo trong một sứ mạng hòa bình vào năm 1837. Lý do là để trao lại 7 người Nhật bị đắm tàu trở về xứ sở của họ. Nhưng người Nhật đã khai hỏa và buộc tàu phải quay về biển.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892964-1668157258.jpg

Thiếu Tướng Hải quân Matthew C. Perry

Để đề phòng, đoàn tàu của Perry neo đậu theo đội hình chiến đấu mặt hướng về bờ biển. Đại bác và súng đều nạp đạn. Mọi chiến sĩ đều ở vị trí chiến đấu.

Các thuyền phòng vệ của Nhật tiến đến các tàu Mỹ đang neo đậu. Mỗi con thuyền, tiến lên do 6 đến 8 tay chèo đứng, chứa khoảng 30 binh lính. Buộc dây thừng vào tàu, họ cố leo lên boong tàu. Thiếu tướng Perry ra lệnh cho thủy thủ cắt dây thừng và dùng chĩa và đoản kiếm lưỡi cong để đuổi người Nhật đi xuống. Một số cố leo lên dây neo tàu Mississippi

Chỉ cần đập vào các ngón tay là binh sĩ Nhật đã rơi tõm xuống biển. Tất cả binh lính Nhật hú hét và la ó một cách giận dữ.

Việc Perry thẳng thừng không cho phép họ lên tàu là dựa vào kinh nghiệm bẽ bàng trước đây của một thiếu tướng Mỹ khác. Bảy năm trước, vào năm 1846, Thiếu tướng James Biddle đã bỏ neo ở Vịnh Edo, hi vọng trao được thư của chính quyền Hoa Kỳ cho Hoàng đế. Bức thư yêu cầu được tự do giao thương giữa hai đất nước. Để thể hiện tình thân hữu, Biddle cho phép nhiều đám binh lính Nhật lên tàu. Một tên lính thô lỗ xô đẩy Biddle khiến ông té ngã. Với thái độ hòa hiếu, Biddle ôn tồn chấp nhận lời xin lỗi, mà người Nhật cho là một cử chỉ yếu đuối và hèn nhát. Các quan chức Nhật chế giễu ông, không chịu giao văn kiện, và lệnh cho ông ra đi lập tức. Vì đã có lệnh không được gây xung đột, Biddle liền giong buồm ra đi.

Perry quyết định rằng trừ khi các thỏa thuận thành công, ông sẽ không cho phép nhiều hơn ba viên chức lên tàu mỗi lần.

Một thuyền phòng vệ Nhật cập sát con tàu chỉ huy của Thiếu tướng, tàu Susquehanna. Người Nhật giơ cao một lệnh chỉ viết bằng chữ Pháp to, “Hãy ra khỏi đây! Không được bỏ neo!” Rồi một tên Nhật hô to bằng tiếng Anh, “Tôi nói được tiếng Hà Lan.” Y xin được lên tàu. AntÓn koPortman, thông ngôn Hà Lan – Nhật của Perry, bước lên boong. Ông giải thích rằng Thiếu tướng chỉ tiếp những quan chức cao cấp nhất lên tàu. Khi được đáp là có một viên chức quan trọng trên thuyền phòng vệ, ông hạ thang dây xuống.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892968-1668157299.jpg

Nakajima, được giới thiệu là xã phó của ngôi làng Uraga nhỏ gần đấy, leo lên. Thật ra, Nakajima không phải là xã phó, mà chỉ là một viên chức nhỏ. Y được một thông ngôn nói được tiếng Hà Lan tháp tùng.

Thiếu tướng Perry vẫn rút vào cabin của mình. Ông từ chối xuất hiện trước một xã phó hoặc bất cứ ai ngoài sứ giả quan trọng nhất của Hoàng đế. Trung úy John Contee được lệnh tiếp Nakajima. Contee giải thích rằng những ý định của Thiếu tướng là có tính thân hữu. Perry chỉ muốn trình một bức thư của Tổng thống Hoa Kỳ lên Hoàng đế Nhật Bản.

Nakajima trả lời rằng các tàu Mỹ phải đi đến cảng Nagasaki, nơi có trạm thương mại Hà Lan để người Hà Lan có thể làm trung gian.

Trung úy chuyển lời Perry bảo rằng mình sẽ không bao giờ đi đến Nagasaki và nếu tất cả con thuyền phòng vệ không giải tán ngay lập tức sẽ gặp rắc rối. Nakajima bước tới cầu tàu, hô lớn ra lệnh và vẩy quạt, và tất cả con thuyền phòng vệ trừ thuyền ông đều lui về ngay lập tức. Khi Nakajima rời đi y hứa sẽ có một quan chức cao cấp hơn sẽ đến gặp Perry vào hôm sau, thứ bảy, ngày 9/7.

Đêm đó, khi thiên thạch lướt qua bầu trời, Perry ghi chú trong nhật ký của mình đây là một điềm lành: “... chúng tôi cầu nguyện Thượng đế cho nỗ lực hiện giờ của chúng tôi nhằm mang dân tộc kỳ lạ và cô lập này về với gia đình các quốc gia văn minh có thể thành tựu mà không phải đổ máu.”

3 • CHÀO NGÀI BÍ ẨN CAO CẢ VÀ HÙNG MẠNH

Lúc bình minh người Mỹ rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một thuyền chở đầy các họa sĩ dừng gần tàu Susquehanna. Sử dụng những cọ lông tinh tế, mực mài và những xấp giấy gạo, họ phác họa những con tàu và bất kỳ thủy thủ nào họ nhìn thấy. Sự tò mò của họ rõ ràng là đã thắng nỗi sợ hãi. Trong vòng một tuần, các bức tranh những con Tàu Đen và “những người man di lông lá” được rao bán trên đường phố và các cửa hiệu. Chúng cũng được sao chép lại trên những cờ kỷ niệm, tranh cuộn, quạt giấy, và khăn.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322345-1668157355.jpg

Một cái nhìn khác của người Nhật đối với Thiếu tướng Perry

Trong khi những phóng viên-nghệ sĩ này hoạt động như những thông tin viên chiến tranh, bờ biển sôi sục hoạt động. Phụ nữ và trẻ con khuân những giỏ cát giúp các ông dựng lên các pháo đài mới. Hàng ngàn lính tráng bước tới lui trong khi các chỉ huy của họ xác định những vị trí chiến đấu có tính chiến lược. Họ phô trương những lá cờ đầy màu sắc trang trí với những quân hiệu của lãnh chúa họ. Một số nhắm súng hỏa mai vào đoàn tàu của Perry. Họ dựng những tấm bạt dọc theo bờ biển để che giấu những hoạt động của mình, nhưng người Mỹ có thể nhìn qua được. Các thủy thủ thích thú và đặt tên cho những tấm bạt là “đồn vải bố”

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322346-1668157387.jpg

Hoạ sĩ Nhật đặt tên cho bức tranh này là Chân dung một Quan chức Cao cấp của Cộng Hòa Bắc Mỹ

Lúc bảy giờ sáng, Kayama, người được gọi là “thống đốc” của làng Uraga, được chào đón lên tàu Susquehanna. Thật ra y chỉ là cảnh sát trưởng. Xã trưởng thực sự của làng, vốn không muốn gặp những tên man di, cho phép Kayama thay thế mình. Mặc bộ áo lụa có thêu, đội mũ sơn mài có quai đeo quanh cằm, và mang guốc lộc cộc, nhân vật bé choắt này trông khôi hài và bối rối, nhất là khi viên thông ngôn giới thiệu y là một nhân vật quan trọng.

Thiếu tướng Perry vẫn không thèm tiếp y. Ông vẫn rút trong cabin của mình, vì ông đoán trúng bóc Kayama không phải là sứ thần của Hoàng đế. Vì ông luôn ẩn nấp như một thần linh, nên người Nhật chẳng mấy chốc gọi ông là “Hoàng đế Mỹ,” và gọi khu vực ông ở là “Nơi Cư Ngụ của Ngài Bí Ẩn Cao Cả và Hùng Mạnh”.

Trung tá Franklin Buchanan và Henry Adam tiếp chuyện với Kayama. Cuộc đàm thoại rất vất vả vì phải dịch từ tiếng Anh ra tiếng Hà Lan và rồi sang tiếng Nhật, và ngược lại. Con trai Oliver của Perry hoạt động như một người trung gian. Trên boong tàu anh như là thư ký của cha mình, chạy tới lui chuyển lệnh cho Buchanan và Adams, và báo cáo lại cho cha. 

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892973-1668157420.jpg

Con trai Oliver của Perry; Trung tá Henry Adams.

Kayama nhấn mạnh rằng người Mỹ phải đi đến Nagasaki. Y giải thích rằng thư gởi Hoàng đế không thể được nhận ở bất kỳ cảng nào khác. Perry không chịu thua và hăm dọa đích thân trao thư tại hoàng cung ở Edo. Nghe thế Kayama hoảng sợ, và hứa sẽ tâu lên Hoàng đế. Rồi y rụt rè hỏi tại sao chỉ trao một bức thư nhỏ bé cho Hoàng đế mà phải cần đến bốn con tàu. “Vì tôn kính ngài,” Perry đáp. (Thiếu tướng không có cách nào biết được là Shogun đã chiếm cung điện Edo, và Hoàng đế bây giờ chỉ là một tên bù nhìn bất lực sống ở Kyoto bao quanh bởi những tai mắt của Shogun.)

Kayama càng lo sợ hơn khi y thấy các thuyền nhỏ được hạ xuống từ các tàu lớn và đang tiến sát đất liền. Y hô hoán rằng người Mỹ đang vi phạm luật pháp của người Nhật. Các sĩ quan bẽ lại rằng mình đang tuân thủ luật pháp của Mỹ. Họ phải thám sát con nước ở bờ biển – để chuẩn bị khi được lệnh vào đất liền.

Trong những chuyến khảo sát một người Mỹ nhìn người lính Nhật qua ống dòm. Họ liền né tránh, ắt tưởng rằng ống ngắm là một loại súng mới.

Tiếng nhạc kỳ lạ phát ra từ các con tàu vào Chủ nhật, ngày 10/7. Thủy thủ đoàn hát quốc ca, theo tiếng nhạc của một ban nhạc mà những nhạc cụ chưa hề được biết đến trong xứ Nhật. Một chiếc thuyền đầy người Nhật xin được lên thăm tàu, nhưng bị từ chối vì Chủ nhật là ngày nghỉ của người Cơ đốc.

Vào sáng thứ hai các con thuyền khảo sát tiến xa hơn đến tận Vịnh Edo. Kayama lên tàu trong nỗi hoang mang. Các hoạt động của người Mỹ đã gây lo lắng sâu sắc cho Edo, vì nguồn cung ứng lương thực chính yếu thành phố phụ thuộc vào lưu thông thuyền bè. Nỗi sợ ngoại bang ngăn những con thuyền chở lương thực không dám ra khơi. 

Dù có sự khẩn cầu của Kayama, người Mỹ tiếp tục lập biểu đồ thủy triều ở bờ biển. Các thuyền khảo sát tiến gần đủ đến các chiến luỹ đến nỗi người Mỹ thấy được chúng được làm bằng đất và gỗ. Có một số súng thần công, nhưng đều nhỏ và cổ. Hầu hết loại bắn đạn 8 cân có từ 200 hoặc 300 năm trước, đã không được sử dụng từ lâu. Có khi người Nhật không biết cách sử dụng chúng ra sao.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892976-1668157455.jpg

Các đội khảo sát gặp gỡ các thuyền phòng vệ Nhật vào thứ hai, 11/7/1853. (Bên trái, một thuyền mành ven bờ của Nhật.)

Các binh lính trung thành với hai lãnh chúa xin phép được bắn vào tàu Mỹ. May thay, các lãnh chúa của họ quyết định khoan dùng hoả lực, nhờ đó ngăn ngừa được một cuộc chiến có thể bùng phát.

Mặc dù các viên chức đều vô cùng hoang mang, phần đông dân chúng đã bình tâm trở lại sau cú sốc của ngày đầu. Một số còn vẫy chào các thuyền khảo sát và mang cho họ nước uống và quả đào. Một thuyền phòng vệ Nhật còn mời một số chuyên viên khảo sát lên thuyền họ. Người khách Mỹ thích thú và làm mê hoặc chủ nhà khi bắn vài phát đạn súng Colt lên trời.

Người Mỹ cảm kích trước lòng tốt và tính thân thiện của người Nhật. Trước đây họ từng nghĩ mình đã giong buồm vượt biên giới của nền văn minh thế giới và sẽ đương đầu với bọn man rợ. Giờ đối diện với họ, người Mỹ bắt đầu nhận ra rằng những người dễ thương này cũng lịch sự và hiếu khách như bất cứ dân tộc nào họ gặp. Chưa kể họ còn chưa khám phá ra Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa và văn minh trình độ cao. Sáng sớm thứ ba, 12/7, Kayama đi lên tàu Mỹ và một lần nữa yêu cầu họ đi đến Nagasaki. Qua người thông ngôn, Perty khẳng định rằng nếu bức thư của Tổng thống không được sớm phúc đáp thì ông sẽ “xem đất nước mình bị sỉ nhục và sẽ không chịu trách nhiệm cho những hậu quả xảy ra. Ông hi vọng sẽ nhận được trả lời trong một vài ngày tới, và chỉ nhận thư trả lời không ở đâu khác trừ quanh đây.”

Kayama vội vàng quay trở lại Uraga để tham vấn với các viên chức, rồi trở lại tàu chiều hôm đó. Y thông báo sẽ dựng một nhà khách trên bờ biển để tiếp nhận thư và một yếu nhân sẽ đến tiếp thư.

Kayama và tùy tùng liền nhẹ nhõm, nhất là sau vài chầu uýt ki khoản đãi. Họ đỏ gay mặt và hào hứng hơn, nhưng cung cách vẫn lịch thiệp, và óc tò mò thì không hề sút giảm. Perry cho phép họ đi một vòng thăm tàu và quan sát đại bác cùng máy móc.

Khác với đa số quần chúng, các thông ngôn của Kayama biết chút ít về khoa học Tây phương và địa lý thế giới. Nhờ biết tiếng Hà Lan và Trung Quốc nên họ có dịp học được những sự kiện về những vùng đất cấm bên kia Đại dương. Họ hỏi về những con đường xuyên qua núi và những tuyến đường sắt được xây dựng băng qua eo biển Panama. Khi người ta đem đến cho họ quả cầu địa lý họ lập tức chỉ ngay ra Washington và New York.

Đến 7 giờ tối người Nhật mới rời tàu, cúi rất thấp sau mỗi bước chân lui ra. Người Mỹ ấn tượng trước sự lễ phép của họ. Người Mỹ nhận xét rằng ngay cả khi xuống thuyền mình trên đường trở lại bờ biển, họ cũng lễ nghĩa, lịch sự, và cũng kính nhau như đối với người Mỹ. Phép lịch sự thích đáng không phải kiểu cách bên ngoài mà thuộc tư cách điển hình.

Vào thứ tư, ngày 13/7, Kayama lên tàu để trình một văn kiện từ Hoàng đế. Nó ủy quyền cho những quan chức cao cấp gặp gỡ Perry. Chiếu chỉ hoàng gia, bọc trong vải nhung và đựng trong một hộp gỗ đàn hương, được Kayama đón nhận với vẻ cung kinh, và không cho phép ai sờ đến. Người Mỹ được trao bản dịch, nói rằng Ngài Toda, “Hoàng thân Izu,” và Ido, “Hoàng thân Iwami”, được ủy quyền để tiếp nhận bức thư của Tổng thống. Những “hoàng thân này” thực ra là các xã trưởng của Uraga.

Thói hai mặt Đông phương? Không hẳn chỉ Đông phương! Người Mỹ cũng quá rành nghệ thuật loè bịp. Trong những lần trao đổi với Kayama người Mỹ xưng Perry là “đề đốc,” vì tước hiệu này nghe oai vệ hơn chức thiếu tướng, vốn thấp hơn.

4 • ĐỔ BỘ LÊN MIỀN ĐẤT THIÊNG

Thay vì dùng một trong các tòa nhà có sẵn, người Nhật dựng một kiến trúc gỗ tạm thời để tiếp đón người Mỹ. Nó toạ lạc trong một làng đánh cá nhỏ gần Uraga.

Vào bình minh thứ năm ngày 14/7, tàu Susquehanna và Mississippi đi chuyển đến sát bãi biển, bỏ neo, và hướng các khẩu đại bác về hướng bờ biển. Thủy thủ chuẩn bị tác chiến trong trường hợp đoàn người đổ bộ bị tấn công.

Kayama lên tàu như một chủ nhân danh dự. Y ăn mặc nghi lễ trong một lễ phục bằng lụa nhiều màu sắc, nhung vàng, và dãi vàng. Kayama có thể trông cốt cách đối với người Nhật, nhưng người Mỹ phải cố nín cười. Quần y vừa ngắn ngủn lại thùng thình đến nỗi các thủy thủ nghĩ y mặc váy ngủ thì đúng hơn.

Tất cả thành viên của thủy thủ đoàn đều náo nức muốn đặt chân lên đất Nhật, nhưng vì tàu phải có người ứng trực, họ phải bắt thăm xem ai được lên bờ. 15 thuyền hạ xuống chở khoảng 100 lính thủy, 100 thủy thủ, và 40 quân nhạc. Thuyền phòng vệ Nhật cập hai bên sườn thuyền Mỹ. Như thói quen, những tay chèo vừa chéo vừa hô theo nhịp để lấy sức.

Các thủy thủ và lính thủy Mỹ mặc đồng phục xanh trắng, sĩ quan mặc lễ phục, và tất cả đều trang bị vũ khí với đoản kiếm và súng. Về phần “Đề đốc” Perry, đồng phục nặng nề của ông gài nút đến tận cổ mặc dù thời tiết tháng 7 thật oi bức. Cao ráo và uy nghiêm, với thanh kiếm vắt bên sườn, ông thật trông giống một Lãnh chúa cao tột.

Perry cho thấy mình là một người trình diễn bậc thầy, vì ông bố trí và đạo diễn cách đi đứng. Trước tiên, các lính thủy xếp thành hai hàng trên cầu cảng. Rồi tới thủy thủ, bước theo tiếng nhạc quân hành của hai ban nhạc. Các đại bác bắn chào khi Thiếu tướng bước xuống. Quân nhạc chơi bài “Chào, Columbia” khi ông đặt chân lên bờ. Perry bước đi giữa hai vệ sĩ da đen cao to, đẹp trai, gây ấn tượng. Người Nhật chưa hề nhìn thấy người da đen nào trước đây.

Người Mỹ chắc không thể sững sờ hơn nếu bộ máy thời gian đưa họ ngược về thời vương triều Vua Arthur. Bãi biển là một cảnh tượng hoành tráng phong kiến. Hàng ngàn binh lính Nhật mặc áo giáp xếp hàng trên bãi biển. Một số cầm giáo, một số là cung thủ, trang bị cung dài 8 bộ. Các chiến binh samurai mang song kiếm có mặt ở mọi nơi. Những hàng kỵ binh đứng phía sau bộ binh. Cờ phướng rợp trời phất phới mang huy hiệu các lãnh chúa mà binh lính ấy nguyện trung thành. Theo truyền thống, gương mặt chiến binh phải trông thật đằng đằng sát khí. Một số mang những mặt nạ trông dữ tợn được thiết kế để hù dọa kẻ thù. Binh lính trừng cặp mắt sáng quắc khi người Mỹ đi qua.

Ở hậu cảnh là các dân làng lũ lượt, họ nhảy lên và ngước cổ để nhìn cho rõ bọn người man di. Các quân phục sĩ quan với các nút lấp lánh và các cầu vai rực rỡ khiến họ thích thú. Họ chưa hề thấy giống người gì có mũi cao hoặc tóc nào nâu, nào vàng và đỏ như thế. Và kích cỡ nữa! Bọn người xa lạ là những tên khổng lồ đối với tầm vóc của người Nhật, trung bình chỉ có 5 bộ 1 in-xơ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892984-1668157573.jpg

Cuộc Đổ Bô Đầu Tiên của người Mỹ lên đất Nhật, ngày 14/7/1853

Thiếu tướng và các sĩ quan bước vào một lều bạt dùng làm tiền sảnh, rồi sau đó bước lên một lối đi trải thảm đến sảnh chính. Các bức vách phủ những lá cờ lụa tím to lớn phô bày những phù hiệu áo giáp của hoàng gia. Sàn được lót vải đỏ.

Người Mỹ không biết rằng 10 samurai đang ẩn nấp bên dưới sàn nhà, sẵn sàng chỉ chờ một tín hiệu là xông lên và lấy đầu Perry và tùy tùng.

Ngay khi Perry bước vào, “các hoàng thân” Ido và Toda đứng dậy từ những chiếc ghế thấp và cúi đầu chào. Người Mỹ được mời ngồi trên những chiếc ghế vừa được lấy vội vàng từ một ngôi đền gần đó, những chiếc ghế được các nhà sư ngồi khi tiến hành tang lễ. Chỉ lúc đó họ mới được lắc lư hai chân, vì người Nhật thường quì và ngồi trên hai gót chân – một tư thế mà người phương Tây thấy còn khó khăn.

Bức thư của Tổng thống Fillmore được đựng trong một hộp gỗ hồng xinh xắn có khóa và bản lề bằng vàng. Khi Thiếu tướng ra hiệu, thủy thủ bước đến trao hộp cho vệ sĩ, rồi vệ sĩ đặt hộp thư vào trong hộp màu tía tô người Nhật đưa. Một lá thư từ Perry với bản dịch tiếng Hà Lan và Trung Quốc cũng được trình lên.

Kayama tiến đến Hoàng thân Ido, quì mọp, cúi đầu sát đất, rồi nâng tay nhận một chỉ dụ. Y đem đến trao cho Thiếu tướng, rồi cúi mọp thêm lần nữa trước “Ngài Bí Ẩn Cao Cả và Hùng Mạnh.”

Perry không hi vọng nhận được thư phúc đáp. Người thông ngôn người Hà Lan của ông, Portman, cho biết đây chỉ là lễ tiếp nhận của Hoàng đế. Chỉ dụ cho biết: “Thư của Tổng thống Hoa Kỳ và một bản sao đã được tiếp nhận và sẽ giao lại cho Hoàng đế... Do đó, khi thư đã tiếp nhận xong, ngài có thể ra về.”

Toàn bộ thủ tục chỉ kéo dài khoảng 20 phút. Ido và Toda không hề thốt ra lời nào, vì nói chuyện với ngoại nhân là phạm pháp. Một sự im lặng kéo dài khi Perry thông báo qua người thông ngôn rằng ông sẽ ra đi trong hai hoặc ba ngày tới, và sẽ trở lại vào mùa xuân. “Cùng với bốn con tàu sao?” Những người thông ngôn Nhật hỏi.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892986-1668157620.jpg

Lễ tiếp nhận thư của Tổng thống

“Cả bốn chiếc,” Perry đáp, “và chắc chắn nhiều hơn, vì đây chỉ là một phần của hạm đội.”

Đoàn tàu khởi hành ngày 17/7, ba ngày sau khi giao thư, chín ngày sau khi đến Vịnh Edo.

Trước khi người Mỹ ra đi, Kayama lên boong mang theo quà tặng gồm thực phẩm, quạt, ống điếu, và chén bát. Đáp lại, Perry tặng y vải in hoa, đường, rượu vang, và sách vở. Thoạt đầu, Kayama nhận lấy một cách miễn cưỡng vì sở hữu đồ ngoại bị cấm chỉ. Tuy nhiên y không cưỡng lại được. Y giấu các cuốn sách và rượu dưới chiếc áo rộng thùng thình. Sau khi cúi chào tạm biệt những người bạn Mỹ, y bước đi mà mắt đẫm lệ. Tâm trạng y đỡ buồn hơn khi bước xuống thuyền mình. Y đập gãy cổ chai rượu vang và uống cạn.

Tội nghiệp Kayama bị trừng phạt. Ido phá hủy các quà tặng của người Mỹ và giáng chức y vì y đã tỏ ra quá thân thiện với người Mỹ.

Perry rất tự hào về thành tựu của mình. Gần 60 tuổi, ông đã đóng góp thêm cho sự nghiệp lâu dài và nổi bật của mình. Là một sĩ quan của Hải quân Hoa Kỳ, ông đã chỉ huy thành công lực lượng hải quân Mỹ hùng hậu nhất trong cuộc chiến Mexico (1846-1848). Ông đã thương thảo thành công với các lãnh đạo Mễ và các chỉ huy Phi châu. Ông hiện đại hoá hải quân bằng cách ủng hộ việc chế tạo và sử dụng các tàu chiến chạy bằng hơi nước. Nhưng ông biết rằng việc gặp gỡ người Nhật có ý nghĩa hơn bất cứ thành tựu nào trước đây. Cả nước Nga và Anh đều ra sức mở cửa các cảng của Nhật cho các tàu nước ngoài nhưng đều thất bại. Mặc dù không được chào đón và bị áp đảo về quân số, ông đã hiên ngang bước lên miền đất thiêng của một dân tộc khép kín. Ông là đại sứ Tây phương đầu tiên được Nhật tiếp đón trong hơn 200 năm. Tự hào biết bao khi ông không phải bắn một phát đạn nào!

Trong một lá thư gởi cho vợ Perry viết, “Thành tựu này anh xem là sự kiện quan trọng nhất trong đời. Buổi lễ rất hoành tráng, và anh là người Cơ đốc đầu tiên đặt chân một cách hòa bình trên vùng đất này của nước Nhật mà không chịu sự bẽ mặt nào.

Thiếu tướng muốn ám chỉ người Hà Lan, lúc đó bị người Nhật làm nhục.

5 • ĐẢO NGỤC TÙ HÀ LAN

Mặc dù người Hà Lan được phép điều hành trạm buôn bán gần Nagasaki, họ sống như tù nhân. Họ bị cầm chân trên Deshima, một đảo tí xíu hình quạt ở cảng Nagasaki. Đảo đài 200 mét và rộng 80 mét. Nội địa chỉ cách đảo một vài mét, nhưng một bức tường cao phong tỏa tầm nhìn của họ. Một cây cầu đá bên ngoài nối đảo Deshima với Nagasaki. Đảo được các lính Nhật canh gác chỉ cho phép những ai có giấy phép đặc biệt mới được qua.

Vào thời điểm đó chỉ có 12 hay 13 người Hà Lan sống ở Deshima. Vợ và con họ không được phép ở lại hay thậm chí được thăm viếng.

Người Hà Lan được phép thuê tôi tớ và nhân công Nhật. Nhưng để được làm thuê ở Deshima, những người này phải dùng máu mình kí lời tuyên thệ không được tỏ ra thân thiết với người Hà Lan. Họ không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào về xứ sở, dù vặt vãnh đến đâu. Họ không được chuyện trò với người Hà Lan, ngoài việc nói những điều cần thiết cho công việc. Theo luật họ phải trở lại Nagasaki trước hoàng hôn. Cổng cầu sẽ khoá chặt từ hoàng hôn đến bình minh.

Những người khác có mặt trên đảo là các mật vụ, và một ít thông ngôn Nhật. Các học giả Nhật cũng thỉnh thoảng đến thăm hòn đảo bé tí để biết tin tức từ thế giới bên ngoài. Tại Deshima họ có thể xem được những bộ sách về nghệ thuật, tập quán và những tiến bộ khoa học ở châu Âu. Họ đặc biệt hứng thú với những khám phá y học và thiên văn học.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892987-1668157693.jpg

Tranh vẽ một người Hà Lan

Người Hà Lan không thể rời hòn đảo ngục tù nếu không có giấy phép đặc biệt, phải xin ít nhất 24 tiếng trước. Nếu ai muốn đi vãn cảnh trên đường phố Nagasaki, y phải được tháp tùng bởi nhiều người thông ngôn và viên chức, và bù lại những người này lại mời thêm những bạn bè khác gia nhập nhóm. Cuộc đi dạo trên đất liền thường kéo theo một cái đuôi hộ tống gồm 30 người Nhật. Nếu hai người Hà Lan được phép lên bờ, số người đi theo tăng gấp đôi. Và họ kỳ vọng người Hà Lan sẽ đãi họ một bữa ăn chiều thịnh soạn. Thật không đáng chút nào. Chỉ có phiền toái và tốn kém khi được đi thăm thú kiểu đó.

Mỗi năm một lần, vào xuân, chủ hãng Hà Lan và một số nhân viên phải thân hành đến Edo để trả lễ cho vị Shogun. Chuyến đi mất ba tháng: một tháng đi, một tháng ở lại, một tháng về. Các do thám được cài vào đoàn người để bảo đảm họ không đi ngả khác hoặc trà trộn với người bản xứ. Thậm chí khi đi thăm viếng họ cũng bị quản thúc.

Phải cần hơn 100 tôi tớ để vận chuyển tư trang và đồ đạc. Ghế, bàn, chén đĩa, dao nĩa, và rượu vang Âu cùng thực phẩm được mang theo để họ có thể tận hưởng một trong số it lạc thú của mình: ăn uống theo phong cách Hà Lan tại bất cứ đâu họ dừng chân. Cuộc hành hương đúng là chuyện đi đốt tiền, vì ngoài những phí tổn du hành, họ còn phải mua quà biếu đắt giá cho Tướng quân.

Khi đến Edo, người Hà Lan bị cấm cửa trong phòng và bị canh gác cẩn thận. Họ đợi, đôi khi hàng tuần, cho đến khi được báo Shogun muốn gặp họ ở lâu đài.

Sau khi gởi quà biếu gồm vải vóc, rượu, bản đồ, và sách vở, thêm một báo cáo viết tay về tình hình thế giới, họ khúm núm trước Lãnh chúa Vĩ đại của Miền Đất Mặt Trời Mọc. Ngay khi bước vào Đại Sảnh 100 Chiếu, họ quì mọp và cúi chào dưới chân vị Shogun, rồi bò lui ra. Không ai dám nhìn quanh quất, e rằng phạm lỗi bất kính.

Toàn bộ thủ tục chỉ mất một vài phút. Thật là mất tư cách, nhưng không nhục nhã bằng những hành động mà một số người Hà Lan bị buộc phải làm trong quá khứ. Để làm vui mắt Shogun, họ bị buộc phải nhảy nhót, khiêu vũ, hát hò, làm trò hề và hôn hít nhau. Nếu họ muốn tiếp tục làm ăn họ phải chìu theo mọi ý muốn ngông cuồng của Shogun. Xuất khẩu đồng, sắt, vàng, lụa, và sơn mài; nhập khẩu các hàng hóa Âu châu như vũ khí, vải vóc, thuốc lá, và kính đeo mắt đem lại lợi tức quá đủ để họ chịu nhục mà chìu theo các trò hạ cấp của Shogun. Cho dù nhà buôn Hà Lan bị hạn chế mỗi năm chỉ được đi và đến một tàu buôn duy nhất.

Thiếu tướng Perry biết về chuyện của người Hạ Lan ở Deshima qua một quyển sách nhan đềTập Quán và Phong Tục của Người Nhật.Nó được viết bởi một thầy thuốc người Đức, Philip von Siebold, được người Hà Lan thuê làm việc ở Deshima vào thập niên 1820. Von Siebold đã tháp tùng người Hà Lan đến triều đình Shogun. Ông sau đó bị người Nhật trục xuất, có lẽ vì ông biết quá nhiều về Miền Đất Cấm.

6 • CẤM CỬA NGOẠI BANG

Người Nhật không phải lúc nào cũng cắt đứt với thế giới bên ngoài. Trước khi họ bế quan tỏa cảng vào thế kỷ 17 họ đã từng giao thương với các xứ lân bang như Trung Quốc, Triều Tiên, Cambodia (Miên), Thái Lan, Philippin và nhất là Việt Nam. Nhật Bản cũng chào đón những con tàu đến từ châu Âu.

Người Bồ Đào Nha là người Âu châu đầu tiên đặt chân đến nước Nhật – có tên Cipango, xứ sở thần thoại mà chính Columbus cũng từng ao ước được đến. Họ đến vào năm 1542, khi một con tàu của họ bị bão đẩy trôi giạt vào đó. Người Nhật đón chào thủy thủ Bồ Đào Nha, nhất là vì họ cung cấp súng.

Năm 1549 nhà truyền giáo Bồ Đào Nha St. Francis Xavier dòng Jesuit đưa đạo Cơ đốc vào đất Nhật. Các giáo sĩ Tây Ban Nha lập tức nối gót và dựng lên các xứ đạo. Kết quả là hàng ngàn người Nhật đã được cải đạo.

Năm 1600 người Anh đầu tiên đến Nhật. Ông là Will Adams, hoa tiêu của một con tàu Hà Lan đổ bộ vào Nhật với 24 người sống sót từ một thủy thủ đoàn hơn 100 người. Vì kiến thức rộng lớn của ông về thế giới bên ngoài, Shogun Ieyasu tuyên bố rằng ông quá quí giá không thể cho ông quay về nước Anh. Ông trở thành người thông ngôn, thầy dạy, trưởng chuyên viên đóng tàu, cố vấn của Shogun. Shogun phong ông làm samurai và dàn xếp cho ông một người vợ Nhật.

Adams cảnh báo Shogun về các vụ xâm chiếm của nước Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ông kể vụ Tây Ban Nha xâm lăng châu Mỹ và Philippin, và vụ Bồ Đào Nha chiếm đóng Đông Ấn (Indonesia). Shogun Ieyasu đã từ lâu nghi ngờ các nhà truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những đặc vụ tiền sát cho âm mưu tấn chiếm, và giờ đây cố vấn người Anh của ông đã khẳng định mối ngờ vực của mình. Năm 1614 Ieyasu trục xuất tất cả giáo sĩ và nhà truyền giáo ngoại quốc ra khỏi đất Nhật.

Sau khi Shogun mất vào năm 1616, đạo Cơ đốc bị cấm và bị phạt tội tử hình. Những hành động bức hại giáo dân Cơ đốc tiếp diễn sau đó. Dẫm đạp lên thánh giá là nghi lễ hàng năm. Thậm chí đến thế kỷ 19, các nhà buôn Hà Lan, các nạn nhân đắm tàu, và các gia đình Nhật đã cải đạo cũng buộc phải dẫm đạp các biểu tượng thánh của đạo Cơ đốc. Ai bất tuân sẽ bị tội chết.

Người Anh và Hà Lan thì được phép buôn bán. Họ được dung nạp vì họ không “buôn bán” tôn giáo. Năm 1623 người Anh ngừng việc giao thương với Nhật vì không mấy lợi lộc. Chỉ có người Hà Lan ở lại. Năm 1641 người Nhật đã gom họ lên Deshima, trạm buôn bán nhỏ ở cảng Nagasaki được mô tả trong Chương 5.

Để đảm bảo sự cô lập, một loạt những sắc luật được ban hành:

  • Không dân Nhật nào được đi ra nước ngoài.
  • Không người Nhật bị đắm tàu được phép trở về nhà từ nước ngoài.
  • Không người ngoại quốc nào được dung nạp.
  • Không con tàu lớn nào được đóng. Chỉ được đóng những con tàu nhỏ, theo đúng thiết kế qui định để không thể đi xa bờ.

Bị phong kín không cho tiếp xúc với ngoại bang, dân chúng không biết gì về sự tồn tại của Hoa Kỳ. Họ chưa hề nghe về Cách Mạng Pháp hoặc Cách Mạng Kỹ Nghệ. Họ chưa từng nhìn thấy hình vẽ động cơ hơi nước, đường sắt, điện tín, và những vũ khí hiện đại. Chỉ có những học giả và chính khách biết được những sự kiện và những tiến bộ xảy ra ở châu Âu và châu Mỹ.

Người Mỹ và người Âu cũng không biết gì nhiều về nước Nhật. Nhiều người cho rằng đó là một hòn đảo hẻo lánh ở Thái Bình Dương nơi cư dân là người man rợ, chậm tiến.

Thu thập được thông tin về Nhật Bản là một phần quan trọng cho việc chuẩn bị của Thiếu tướng Perry. Trước khi rời Mỹ ông đi đến Tiểu bang New York, Massachusetts, Pennsylvania, và Washington, D.C., thu thập sách vở và phỏng vấn nhiều người. Ông hỏi các thuyền trưởng tàu săn cá voi về những con nước ở Nhật, và phỏng vấn các thủy thủ đã từng bị đắm tàu và bị người Nhật cầm tù. Người Hà Lan cũng giúp đỡ Perry. Họ cung cấp bản đồ Nhật Bản thông qua các sứ quán Mỹ ở Hà Lan. Nhưng ông chưa hề được biết về những tổ chức chính trị của nước Nhật.

Như tất cả những viên chức chính quyền Hoa Kỳ ông nghĩ rằng “hoàng đế” và “shogun” là cùng một người. Và mặc dù ông hiểu biết thêm về một số lãnh vực xã hội của họ ông không tường tận về văn hóa và cấu trúc xã hội độc đáo của họ.

7 • THỜI KỲ ĐẠI THÁI BÌNH

Thời kỳ Đại Thái Bình mà Perry đến là Thời kỳ Tokugawa. Các shogun thuộc dòng dõi Tokugawa cai trị nước Nhật từ năm 1603 đã duy trì khắt khe một xã hội phong kiến trung cổ. Các luật lệ, tập tục, thậm chí các phong cách cũng không thay đổi đáng kể sau 250 năm. Mặc dù thỉnh thoảng cũng có những vụ nổi loạn vì đói kém lương thực, nhưng không có vụ nổi dậy nào lớn. Vì đất nước cô lập không tiếp xúc với ngoại bang, nên không có chiến tranh nào xảy ra. Thời kỳ Tokugawa cũng được biết duới tên “Thời Đại Thái Bình”.

Thái bình đem lại nhiều phần thưởng. Nội thương phát đạt. Các thị trấn lớn phát triển thành các thành phố. Có 5 đại học lớn dành cho các lãnh chúa và samurai, và nhiều trường địa phương được lãnh chúa dựng lên cho tôi tớ mình. Tỉ lệ biết chữ ở Nhật trong giữa thế kỷ 19 chắc chắn cao hơn hầu hết các nước Âu châu. Gần như phân nửa dân số biết đọc và biết viết.

Nghệ thuật đơm hoa. Đó là thời kỳ xuất hiện những tiểu thuyết lớn, các triết học, kịch nghệ, thi cả, hội họa, và tranh khắc gỗ. Thời Đại Thái Bình là thời đại vàng của văn hóa và sáng tạo.

Thiếu tướng Perry lầm lẫn biết bao khi tưởng rằng Nhật là nước không văn minh. Mặc dù về kỹ nghệ họ đi sau phương Tây, nhưng không có xứ nào khác trên thế giới văn minh hơn và nghệ sĩ hơn. Cũng không có chính quyền nào ở bất cứ đâu được tổ chức chặt chẽ hơn.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322364-1668157753.jpg

Đại Môn ở Edo, trong khu kịch nghệ

Tuy nhiên, giá phải trả cho nền thái bình thịnh trị này là sự mất tự do hoàn toàn. Đối với phần đông dân chúng cuộc sống còn nhiều cơ cực. Nhân dân bị buộc tuân thủ những luật lệ khắt khe bao trùm lên mọi lãnh vực của đời sống. Hàng hóa nào có thể mua, kích thước và loại nhà có thể ở, nhân vật nào phải cúi chào, tất tật luật lệ đều được qui định. Qui định liệt kê 216 loại y phục cho mọi người từ hoàng đế đến dân dã thấp kém nhất. Thậm chí hình dáng, màu sắc, và kích cỡ đường kim mũi chỉ đều được chỉ rõ. Những ai bất tuân sẽ bị nghiêm phạt.

Địa vị của mỗi người đều được kế thừa. Có bốn tầng lớp xếp bên dưới lãnh chúa. Theo thứ bậc từ cao đến thấp là chiến binh (samurai), nông dân, nghệ nhân, và thương nhân. Thương nhân được xếp hạng thấp vì họ được coi là thành phần không sản xuất – chỉ là những trung gian làm giàu từ lao động của người khác. Thành phần duy nhất thấp hơn con buôn được gọi là tiện dân (eta), không được xem là tầng lớp nào. Họ là những người lo việc tống táng, thợ thuộc da, và đồ tể. Những người này cũng không được kể đến và không được ghi trong điều tra dân số. Đất họ ở không được đo đạc một cách chính thức. Tiện dân được coi như bọn cô hồn không thực sự tồn tại.

Bộ luật qui định những hoạt động của mọi người, từ triều thần xuống đến con buôn và tiện dân.

Hoàng đế

Luật triều đình qui định rằng hoàng đế phải dành toàn bộ thời gian nghiền ngẫm kinh sách và bồi dưỡng truyền thống thi ca. Ngoài vai trò là chủ tể các nghi thức tôn giáo, ngài còn được giao nhiệm vụ phong chức tước và cấp bậc (cho những người được Shogun chấp thuận). Mặc dù không ai không ghi nhận vị thế cao tột của ngài và tôn kính ngài như thần linh, vậy mà ngài không khác một tù nhân của shogun. Nhà cai trị thần thánh này thường bị cấm cố trong khu vực hoàng cung, dưới sự giám sát mật. Luật ngăn cấm bất kỳ ai trừ người được Shogun giao phó được đem tin ra ngoài hoàng cung. Bất cứ ai tìm cách nhìn mặt hoàng đế đều bị lưu đày.

Shogun

Là “vị thống soái đánh đuổi bọn man di”, vị shogun được kỳ vọng sẽ bảo vệ đất nước chống lại ngoại bang. Về lý thuyết, nhiệm vụ lớn nhất của ngài là đáp ứng nguyện vọng của vương triều. Trong thực tế, ngài là quyền lực đằng sau ngai vàng. Qui tắc ứng xử và bộ luật đều được ngài ban hành. Kết quả là một shogun không bị chế tài bởi các qui định khắt khe.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322366-1668157835.jpg

Một lãnh chúa

Các Lãnh chúa

Luật lệ cho Viện Quân sự áp dụng cho các lãnh chúa. Những lãnh chúa không thể kết hôn mà không có sự tán thành của Shogun. Số tôi tớ của họ và kích cỡ các lâu đài của họ cũng được luật qui định. Họ bị cấm giao du với dân chúng ngoài lãnh địa của mình. (Điều này ngăn không cho các lãnh chúa cấu kết nhau để làm phản). Họ được yêu cầu đóng góp những chi phí để sửa sang lâu đài, đường xá, và thành lũy không chỉ trên lãnh địa của mình mà còn trên những khu vực khác của đất nước. (Điều này ngăn không cho các lãnh chúa quá giàu có và hùng mạnh). Qui luật Thế Thân có tính áp bức nhất. Theo đó, các lãnh chúa cứ cách năm phải đến Edo cư ngụ một thời gian bên cạnh Shogun. Khi họ trở lại nhà, họ phải để vợ và con cái ở lại Edo làm con tin. (Điều này bảo đảm các lãnh chúa phải trung thành với Shogun).

Có khoảng 250 lãnh chúa ở Nhật Bản khi người Mỹ đến. Có xấp xỉ 350,000 samurai phục vụ các lãnh chúa như những hiệp sĩ trung cổ.

Samurai

Samurai là các sư phụ của nông dân, nghệ nhân, và nhà buôn. Họ tổ chức những người này thành tổ gồm 5 gia đình. Mỗi tổ viên trong tổ có trách nhiệm về hành vi mẫu mực của những tổ viên khác. Tất cả thành viên đều có thể bị xử phạt nếu một thành viên không đóng thuế, làm việc cần mẫn, hoặc tỏ ra bất kính đối với người trên.

Một samurai có hai thanh kiếm. Một đoản kiếm ngắn hơn được sử dụng để cắt thủ cấp của đối thủ bị đánh bại. Nó cũng được dùng để hành xửseppuku,tự sát theo nghi thức. (Tiếng bình dân gọi làhara-kiricó nghĩa là “mổ bụng”). Một samurai lúc nào cũng sẵn sàng để chết bằng cách mổ bụng mình nếu họ hay lãnh chúa của họ bị bôi nhọ.Seppukuđược coi là hoàn thiện nếu samurai sáng tác một bài thơ trước khi hoặc trong lúc tự sát. Một người bạn thân thường ở bên để giúp kết thúc cơn thống khổ bằng cách cắt đầu samurai sau khi ông mổ bụng.

Thanh kiếm dài hơn, loại kiếm sắc nhất trên thế giới, có thể cắt đứt đinh sắt hoặc chẻ kẻ thù làm hai phần từ đầu đến chân. Nó đôi khi cũng hữu dụng, vì samurai tận hưởng quyền được giết và bỏ đi. Một luật qui định: “Dân thường nào xúc phạm đối với một samurai hoặc không tôn kính đối với người trên có thể bị chém ngã quị tại chỗ.” Các người thấp hèn không nhanh nhẹn cúi đầu người trên cũng đủ bị mất đầu.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296892992-1668157859.jpg

Tranh khắc gỗ một samurai trong thời bình do hoạ sĩ Shunyei thực hiện

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322446-1668158214.jpg

Hai samurai, vẽ bằng mực tàu của họa sĩ Yoshitoshi

Dù có quyền hành, một samurai hoàn toàn phụ thuộc vào lãnh chúa của mình, được nhận một thù lao khiêm nhượng. Bị cấm làm việc hoặc tham gia ngành nghề thương mại, nhờ đó các samurai không mấy khó khăn khi phải tuân thủ luật sống đức hạnh, thanh đạm và giản dị. Trong thời Đại Thái Bình, các samurai quản lý tài sản của lãnh chúa mình và giám sát việc tu bổ đường xá và tòa nhà công cộng.

Một samurai không chỉ là một chiến binh quyết liệt. Theo qui luật, “Nghệ thuật thời bình trong tay trái, nghệ thuật chiến đấu trong tay phải. Cả hai đều phải được làm chủ.” Một samurai được cổ vũ phải học vấn và hưởng thụ nghệ thuật. Dù bản tính dữ dội, các samurai cũng tận hưởng những hội ngắm trăng, ngắm hoa anh đào nở, xướng họa thơ văn, cắm hoa, trà đạo và đốt hương trầm. Nhiều samurai là những học giả, thi nhân, và hoạ sĩ nổi tiếng.

Vào thế kỷ 19 hầu như mỗi khu vực đều có trường đào luyện các samurai. Mỗi học viên được phân loại tùy theo gia thế, và những qui định nghiêm nhặt xác định nên cấp bậc của họ. Tại một trường, chẳng hạn, học viên xuất thân từ những gia tộc tiếng tăm thường có một tôi tớ đi theo để cầm dù che mưa nắng, một tôi tớ khác gìn giữ giày dép khi anh ta vào lớp học. Con cái của những samurai cấp thấp tự mang dù và nhờ trường giữ dùm giày dép mình. Một số lãnh chúa xếp đến 30 loại samurai, mỗi loại yêu cầu tuân theo những bộ qui tắc ứng xử riêng.

Ronin là những chiến binh samurai lãng tử không phục vụ dưới trướng lãnh chúa nào. Nhiều ronin có văn hóa, và tôn trọng pháp luật. Nhưng những người khác thì côn đô thứ thiệt, lang bạt khắp vùng quê làm kẻ đạo tặc.

Nông dân

Nông dân chiếm hơn 80 phần trăm dân số thế kỷ 19 của Nhật gồm 30 triệu người. Thứ bậc của nông dân được xác định bằng lượng thóc gạo họ thu hoạch được. Sản lượng 500 hộc, chẳng hạn, được phép ở nhà lớn – miễn là nhà không được có phòng khách và mái không được lợp ngói. Sản lượng 100 học có nghĩa là túp lều nhỏ và sàn nhà không trải chiếu.

Nông dân bị cấm uống saki hoặc hút thuốc. Loại đèn lồng, bình hoa, y phục, và thậm chí chất lượng búp bê con cái họ chơi đùa đều được qui định. Họ phải mặc quần áo vải bông, không được mặc lụa là – cho dù trong nhà có nuôi tằm. Luật cũng qui định chính xác ngày nào được bắt đầu thay y phục mùa hè sang y phục mùa đông và ngược lại, bất kể thời tiết có thay đổi. Nông dân không được ra khỏi lãnh địa của mình nếu không được phép. Họ thường bị bắt phải lao dịch sửa chữa đường xá không công, nghĩa là buộc phải bỏ bê việc đồng áng của mình. Họ phải nộp từ 40 đến 80 phần trăm sản lượng mùa màng cho các lãnh chúa. Kết quả là phần đông nông dân đều nghèo khổ.

Thợ thủ công

Thị trấn và thành phố lớn như Kyoto, Edo, và Osaka là trung tâm của những tầng lớp thấp, thợ thủ công và nhà buôn. Thợ thủ công là những người có tay nghề cao. Họ làm sơn mài, đúc kiếm, dệt vải, và sản xuất đồ gốm và giấy mà chất lượng và tính thẩm mỹ không ở đâu trên thế giới sánh bằng. Những hãng giấy bán những sản phẩm độc đáo này cho các lãnh chúa giàu có và triều đình.

Những cửa hàng lớn bán hàng hóa cho dân chúng sử dụng những kỹ thuật kinh doanh giống như chúng ta sử dụng ngày nay. Hàng hóa họ được quảng cáo, đóng gói sẵn và giá cả được niêm yết. Nhiều chủ tiệm trở nên giàu có. Những thương nhân mua, bán, và chuyên chở thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng cũng tích lũy được của cải.

Dù sao đi nữa, các nhà buôn, như phần còn lại của dân số, phải hành xử thận trọng. Đôi khi những ai phô trương sự giàu có bằng cách sống xa xỉ sẽ bị tố cáo và thương vụ của họ bị chính quyền thay thế làm chủ. Các do thám giả đóng vai khách hàng lúc nào cũng sẵn sàng tố cáo những nhà buôn hay chỉ trích các chính sách của nhà nước.

Mặc dù luật cổ nhằm kiểm soát cuộc sống của họ, nhưng tầng lớp thương nhân bắt đầu thoát khỏi những trói buộc của luật lệ vì các cấp trên của họ cần đến sự giúp đỡ của họ. Không chỉ có samurai mà các lãnh chúa và các viên chức của Shogun còn mượn tiền họ. Nhiều nhà buôn nâng cấp vị thứ xã hội của mình bằng cách chi tiền để trở thành samurai. Họ cũng được nhận làm con nuôi của những samurai mượn tiền họ hoặc muốn có một thành viên giàu có trong gia đình.

Vào giữa thế kỷ 19 hệ thống giai tầng đang sụp đổ. Các nhà buôn trở nên hùng mạnh và có ảnh hưởng vì họ tài trợ cho các lãnh chúa. Nhiều thương nhân bức xúc và chống đối chính sách bế quan tỏa cảng của chính quyền. Các học giả và nhà hoạt động chính trị cũng muốn chấm dứt sự cô lập của đất nước. Do đó, các đề nghị của Perry đã được cứu xét nghiêm túc.

8 • MÂY BAY QUA MIỀN ĐẤT MẶT TRỜI MỌC

Không lâu sau khi Thiếu tướng Perry ra khơi, các cố vấn của Shogun phân phát những bản dịch bức thư của Tổng thống Fillmore cho tất cả lãnh chúa và hỏi ý kiến họ. Điều này chưa từng có tiền lệ. Không bao giờ trước đây chính quyền Tokugawa nhờ các lãnh chúa tư vấn bất cứ vấn đề gì. Nhưng chính quyền tướng quân biết rằng khi mà xứ sở không thể nào phòng vệ trước một quyền lực ngoại bang, thì không thể nào kéo dài chính sách bế quan tỏa cảng được nữa mà không phải lâm chiến. Các cố vấn của Tướng quân hi vọng rằng các lãnh chúa sẽ đề nghị một hiệp ước với người Mỹ, và do đó nhận trách nhiệm kết thúc sự cô lập.

Các lãnh chúa hỏi ý các samurai uyên bác trước khi soạn ra những đề nghị. Một số tán thành giao thương với Hoa Kỳ, trong khi một số khác muốn hoãn lại các quyết định để đất nước có thời gian củng cố phòng thủ. Thậm chí có người khăng khăng duy trì chính sách cô lập hoàn toàn dù phải liều mình lâm chiến..

“Tôn kính Hoàng đế; Đánh đuổi Man đi” là khẩu hiệu tập kết để hậu thuẫn cho phe chống đối Tướng quân. Những người chủ trương cô lập cực đoan này muốn lật đổ Tướng quân và phục hồi quyền lực cho Hoàng đế. Họ cho rằng Shogun đã “bẽ mặt” khi cho phép ngoại bang đặt chân lên miền đất thiêng liêng. “Y không còn xứng đáng tước vị “đại thống soái đánh đuổi man đi”.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322451-1668158246.jpg

Tấm bản đồ cổ thế giới của Nhật Bản này ghi “Từ Nhật Bản, Bắc Mỹ cách 500 rỉ (dặm Nhật) và không có nước nào ở khoảng giữa. Hà Lan cách 13,000 rỉ. Các xứ sở chỉ có phụ nữ, của người lùn, và người độc nhãn lần lượt cách 14,000, 15,000, và 17,000 ri “. Xứ Bắc Mỹ được vẽ trên góc trái trên.

Aizawa Seishisai, một trong những lãnh đạo của nhóm chống-Shogun, viết, “Miền đất thiêng liêng của chúng ta toạ lạc trên đỉnh trái đất. Người Mỹ chiếm vùng xa xôi nhất trên trái đất. Do đó dân chúng Mỹ đều ngu ngốc và giản đơn.” Theo kiến thức địa lý của ông, mọi xứ Tây phương chiếm những vị trí ở “các cơ quan thấp kém như chân và bàn chân của thế giới.” Ông cảnh báo rằng những bàn chân này dẫm đạp lên các xứ sở khác. Nếu bọn man đi được phép giao thương, họ sẽ bắt Nhật Bản làm nạn nhân theo cách mà nước Anh đã đối xử với Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) khi tàu chiến của họ đã dội bom và đánh chiếm các thành phố Trung Quốc, cưỡng bách Trung Quốc phải mở cảng, và nhường Hong Kong làm thuộc địa của họ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322454-1668158270.jpg

Một samurai mặc áo giáp

Một lãnh chúa, Hoàng thân Moto, nấu chảy chuông chùa để đúc súng thần công mới. Ông gởi một số súng cho Edo để sử dụng chống lại người Mỹ, phát biểu, “Nếu chúng ta không đánh đuổi chúng bây giờ, chúng ta sẽ không bao giờ có được một cơ hội khác.”

“Đạo lý Đông phương, Khoa học Tây phương” là khẩu hiệu của các học giả tán thành thương thảo với người Mỹ. Họ ngưỡng mộ phương Tây vì những thành tựu rực rỡ của họ trong khoa học, kỹ nghệ, và vũ khí. Họ lý luận rằng những vấn đề tài chính của chính quyền có thể được giải quyết bằng việc ngoại thương. Và họ nhận ra rằng quân đội thiếu huấn luyện, vũ trang thô sơ, đại bác lỗi thời của xứ sở không thể là đối thủ của đạo quân tình nhuệ và vũ khí hiện đại của Perry. Nhóm này chủ trương mở rộng cửa cho Mỹ lẫn nước ngoài khác.

Samurai Yoshida Shoin, một trong các lãnh tụ của họ, khẳng định rằng Nhật phải học tập kỹ thuật Tây phương nhanh như có thể, trong khi vẫn duy trì những giá trị đạo đức của văn minh Nhật. Ông nghiên cứu công trình học tập người Hà Lan ở Nagasaki, và khao khát đất nước thay đổi để có dịp ra nước ngoài học tập trực tiếp từ phương Tây, để trở về chấn hưng xứ sở. 

Hoàng đế nhận được một bản sao bức thư của Tổng thống Fillmore. Đây là điều bất thường nhất, vì nhà trị vì thần thánh của Miền đất Mặt Trời Mọc được kỳ vọng là không cần băn khoăn về những sự kiện thế tục. Nhưng chính quyền quá bức xúc trước khủng hoảng do các Tàu Đen gây ra đến nỗi họ hi vọng Hoàng đế sẽ gạn hỏi nhờ các thần linh giúp đỡ.

Khi Hoàng đế Komei nhìn thấy bức thư, ngài la lên là không bao giờ nên cho phép bọn man di đặt chân lên miền đất thiêng liêng Nhật Bản. Sau khi ra lệnh cho các tu sĩ tiến hành những nghi lễ cúng bái đặc biệt tại Đền Thần đạo Ise thờ Thái dương Thần nữ, ngài thành kính khấn vái, cầu xin một cơn bão kamikaze (“thần phong”) sẽ hủy diệt đoàn tàu xâm lăng của người Mỹ. (Đúng là có cơn gió lớn thổi qua đoàn tàu của Perry, một ngày sau khi rời nước Nhật.)

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322457-1668158292.jpg

Hoàng đế Komei

Các cố vấn của Shogun lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ biết rằng họ không thể đường đầu với người Mỹ. Nhưng họ cũng sợ một hiệp ước có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền họ. Tuy nhiên, để dự phòng, họ bãi bỏ luật cấm đóng tàu lớn và đặt mua vài tàu chiến của người Hà Lan. Họ cũng quay ra tìm tư vấn từ một người dân Nhật đã từng sống 10 năm ở Hoa Kỳ.

Người Mỹ gốc Nhật

Manjiro là một đứa bé đánh cá 14 tuổi khi bị đắm tàu và trôi giạt vào một hoang đảo. Một tàu săn cá voi Mỹ cứu vớt cậu, và vị thuyền trưởng nhận cậu làm con nuôi, mang cậu về Fairhaven, Massachussets và xin cho cậu vào trường học, lấy tên John Mung. (Manjiro nghe lạ lẫm và khó phát âm). Cậu sau đó trở thành xếp phó công nhân trên một tàu săn cá voi và tham gia trong chuyến đổ xô đi tìm vàng đến California, tại đó cậu xoay sở và kiếm được kha khá của cải.

Manjiro yêu nước Mỹ, nhưng cậu thấy nhớ nhà và tha thiết muốn gặp lại mẹ. Cậu sắp xếp cho một chuyến tàu bỏ cậu ngoài khơi Nagasaki. Cậu liều mạng, vì biết rằng Luật Loại Trừ của Nhật qui định rằng “Ai đi ra nước ngoài mà sau đó quay về xứ sẽ bị tử hình.”

Khi cậu đến Nagasaki, Manjiro bị bắt giam và buộc phải giẫm đạp lên thánh giá để chứng tỏ mình không có ý định theo đạo Cơ đốc. Cậu bị xét xử 18 lần! Tuy nhiên, vì kiến thức rộng rãi về nước Mỹ, cậu được xem là vốn quí giết đi thì phí phạm. Không những được thả ra, cậu được phong làm samurai.

Sau khi Perry đến, Shogun cho vời Manjiro, người duy nhất trong xứ hiểu biết trực tiếp về nước Mỹ. Mặc dù một số thành viên chính phủ muốn cậu làm thông ngôn chính thức tại Bộ Đàm phán, những người khác chống đối. Họ nhất định không cho phép Manjiro tiếp xúc người Mỹ. Họ cảm thấy rằng cậu quá cảm tình với Hoa Kỳ vì đã được bọn man di đối xử quá tử tế đến nỗi cậu cảm thấy mình có món nợ phải trả. Cậu bảo với một số cố vấn của Shogun rằng “người Mỹ đã khao khát từ lâu được thiết lập những mối quan hệ thân hữu” và rằng “họ không có ý chiếm đất đai của nước khác.” Cậu mô tả bọn xa lạ kia là những con người vạm vỡ, năng nổ, đầy năng lực và thân tình.” Nhưng cậu cũng nhắc nhở với Shogun rằng “ít có vũ khí nước ngoài nào có thể làm người Mỹ khiếp sợ đến mất khôn.”

Những lời Manjiro mô tả về lối sống Mỹ cuốn hút, làm sửng sờ, và biến đổi thái độ của các cấp trên của cậu về “bọn bạch quỷ” này. Cậu vén bức màn bí mật che phủ vùng đất Bắc Mỹ xa lạ bằng những báo cáo về những tập tục kỳ lạ của họ. Những nhận xét sau đây của Manjiro được ghi chép trong văn kiện chính thức:

Khi một thành niên muốn két hôn anh ta tự mình đi tìm một phụ nữ trẻ mà không cần có người mai mối.

Làm lễ kết hôn, người Mỹ chỉ cần tuyên bố với thánh thần, và thế là thành vợ chồng. Sau lễ cưới họ thường đi du lịch ra vùng núi. Họ phóng túng nhưng bù lại cũng rất lịch lãm.

Đàn ông và đàn bà Mỹ làm tình công khai. (Họ hôn hít nơi công cộng).

Người đàn ông cất mũ khi thăm viếng. Y không bao giờ cúi chào... y ngồi trên ghế thay vì ngồi trên sàn.

Y có thói quen đọc sách khi đi cầu.

Phụ nữ Mỹ có những tập tục kỳ lạ. Chẳng hạn, một số họ khoét một lỗ qua dái tai và luồn một vòng vàng hay bạc qua lỗ này như một món trang sức.

Phụ nữ không dùng son phấn, và những thứ tương tự.

Người mẹ ưu tiên cho con bú sữa của bò thay cho sữa mẹ. Nhưng điều lạ là thói quen này không tạo ra những hậu quả bệnh hoạn nào được báo cáo.

Nhiều sử gia khẳng định rằng Manjiro tạo được ảnh hưởng giúp cho hiệp ước với Mỹ thành tựu. Nếu không có cậu, sứ mạng của Perry có thể đã đổ vỡ. Cho dù ông không được phép rời Edo, Manjiro đóng một vai trò cốt lõi trong mọi tiến trình thương thảo sau đó.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322461-1668158320.jpg

Cảnh tượng đoàn tàu hùng hậu, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tướng Perry, trực chỉ phương Đông, trong chuyến trở lại Nhật Bản vào ngày 13/2/1853

PHẦN II

NGƯỜI MAN DI TRỞ LẠI

9 • CÁC CON TÀU ĐEN TRỞ LẠI

Thiếu tướng Perry đã bảo người Nhật là mình hi vọng sẽ trở lại vào mùa xuân, với một hạm đội lớn hơn. Trong khi đợi thêm tàu, đội tàu của ông neo đậu tại Hong Kong, được coi là “thiên đường của tàu chiến”- nơi nhộn nhịp đàn bà và rượu thịt.

Để duy trì nề nếp, Perry ra lệnh các sĩ quan đều đặn diễn tập binh sĩ dưới quyền, và ông nhấn mạnh rằng thủy thủ đoàn nên tổ chức những tiết mục giải trí lành mạnh trên boong tàu. Các nhạc công trên tàu Mississippi biểu diễn hoà nhạc. Tàu Susquehanna diễn những vũ nhạc kịch có vai giả gái. Các thủy thủ trên tàu Powhata mới đến trình bày tiết mục vũ nhạc Ethiopian Minstrels đang ăn khách ở sân khấu quê nhà.

Những nghệ sĩ bôi đen mặt khi đóng vai những người da đen vô học, nghèo khổ.)

Shogun đột ngột qua đời 10 ngày sau khi tàu Mỹ rời nước Nhật. Theo yêu cầu của chính quyền Nhật, người Hà Lan thông báo với Perry là quốc tang kéo dài rất lâu, đó đó ông không nên trở lại vào mùa xuân. Thiếu tướng nghi ngờ rằng đám tang chỉ là cái cớ để đình hoãn sự trở lại của ông.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893062-1668160061.jpg

Tàu Powhatan

Người Nga vốn đã nghe tin Shogun qua đời nên đánh tiếng là người Nhật sẽ không tiếp người nước ngoài ít nhất trong ba năm tới. Perry sợ rằng người Nga muốn cầm chân ông trong khi chính họ sẽ vội vã đến Edo để ký hiệp ước với Nhật. Sau khi biết rằng một tàu Pháp neo gần Hong Kong đã bất ngờ ra khơi một cách bí mật, Perry quyết định cứ tiến hành theo ý mình, không để người Nga và người Pháp đón đầu. Thay vì đợi mùa xuân và thời tiết thuận lợi, ông lên đường ngay khi tổ chức xong hạm đội mở rộng, đương đầu với biển động và cái lạnh cắt da khiến hải trình mùa đông gặp nhiều nguy hiểm.

Vào ngày 13/2/1854, người Mỹ trở lại Vịnh Edo và neo đậu gần Uraga. Họ có 9 tàu trang bị hùng hậu, với xấp xỉ 1,600 người.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893068-1668160327.jpg

Thiếu tướng Perry and Trung tá Adams

Các viên chức và thông ngôn Nhật lên tàu Powhatan, mà Perry chọn làm tàu chỉ huy trong chuyến đi này. Hàng tuần dài trao đổi nhọc nhằn về vị trí người Mỹ được đổ bộ. Perry, rút lui một mình trong cabin, một lần nữa đóng vai trò của Ngài Bí Ẩn Cao Cả. Trung tá Adams, được chỉ định đại diện ông, phát biểu rằng “Đề đốc” Perry muốn thương thảo một hiệp ước ở Edo. Tuy nhiên, ông được cho biết một hiệp ước quán đã được dựng lên ở Uraga.

Những cuộc nói chuyện dằng co kéo dài hết ngày này qua ngày khác cho đến khi Thiếu tướng mất hết kiên nhẫn và thông báo là mình dự tính sẽ hành quân đến Hoàng cung. Qua một thông ngôn người Nhật, ông đe dọa sẽ tuyên chiến, và “trong trường hợp chiến tranh ông sẽ có 50 tàu chiến tiến vào hải phận gần đó và thêm 50 tàu nữa ứng trực ở California, và rằng một khi ông ra lệnh trong vòng 20 ngày sẽ có trong tay 100 tàu chiến đến đây.”

Để giảm bớt căng thẳng, Trung tá Adams mời người Nhật mang vợ của họ lên tàu để khiêu vũ. Phản ứng thật là bất ngờ, và lời mời mọc chắc chắn đã làm thay đổi tâm trạng khẩn trương của họ, bởi vì người Nhật khó nhịn được cười. Thật là một ý tưởng khôi hài! Mang vợ đi khiêu vũ sao? Người Mỹ có các tập tục buồn cười và phi lý thật.

Nhưng nhiều người Nhật không quá thích thú khi họ nghe 21 tiếng đại bác gầm rú chào mừng vào ngày 22/2. Đó là một tiết mục hàm đội chào mừng Sinh nhật của Washington. Dân làng cuống cuồng và chỉ bình tâm trở lại sau khi được cho biết những loạt đạn kia là để vinh danh “Vua nước Mỹ”.

Bù lại, người Mỹ giật mình và chụp lấy vũ khí khi một viên chức Nhật vẫy quạt khép lại, phát ra âm thanh như tiếng súng lục. Họ chỉ thở phào khi viên chức cầm quạt đeo kính lên để đọc văn kiện.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893071-1668160362.jpg

Các nhạc công Mỹ được phép lên bãi biển

Trong ba tuần chờ đợi mỏi mòn mỗi ngày có ít nhất 8 thuyền rời các tàu mẹ để đi khảo sát và vẽ bản đồ các thủy triều. Thủy thủ đoàn thay phiên nhau. Mặc dù thời tiết mùa đông khắc nghiệt, thủy thủ rất vui sướng được thay đổi sinh hoạt đơn điệu buồn chán trên tàu. Để giải tỏa buồn chán, Perry ra lệnh tổ chức hòa nhạc thường xuyên. (Ông đã thuê một ông bầu người Ý lo về chất lượng biểu diễn của ban nhạc.) Thủy thủ đoàn được khuyến khích đi câu để giải trí và luôn tiện khám phá những giống loài mới. Thiếu tướng rất quan tâm đến khoa học tự nhiên. Bất cứ khi nào câu được một giống cá lạ, một họa sĩ trên tàu sẽ vẽ nó trước khi quăng vào chảo dầu.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893075-1668160382.jpg

Câu cá là thú vui tiêu khiển phổ biến

12 ngày sau khi các Tàu Đen xuất hiện ngoài khơi Uraga, Kayama xuất hiện. Các sĩ quan vui mừng khi gặp lại y. Y đã đóng một vai trò quan trọng trong chuyến viếng thăm đầu tiên, và họ tự hỏi sao phía Nhật không cử y ra tiếp đón lần này. Một số người sợ rằng y đã bị buộc phải hara-ki vì đã quá thân thiết với họ. Tuy nhiên, mặc dù chính quyền Nhật rất bực bội trước thái độ của y đối với người Mỹ, họ cũng triệu y đến lần này vì y làm việc hòa thuận với người Mỹ. Biết đâu y thuyết phục được Perry lên bờ ở Uraga.

Vì cuộc đàm phán vẫn không xuôi chèo mát mái, Perry ra lệnh cho tàu lên đường đến Edo. Kayama nhận chỉ dụ từ cấp trên mà tâm trạng cuống cuồng: “Nếu người Mỹ đổ bộ xuống Edo, đó sẽ là một hành động sỉ nhục quốc thể. Hãy ngăn họ lại và hãy đàm phán tại Kanagawa.” Kanagawa ở gần Yokohama, một làng đánh cá nhỏ vào thời điểm đó. (Ngày nay Kanagawa là một phần của Yokohama.)

Sự bế tắc kết thúc. Hiệp ước Quán được tháo ra và di dời từ Uraga từng miếng một và lắp ráp lại tại địa điểm mới, gần Edo hơn. Perry cho đội tàu bỏ neo tại Vịnh Yokohama trong đội hình chiến đấu, đại bác hạng nặng chế ngự năm dặm bờ biển. Các trung tá Buchanan và Adams được phái đến Kanagawa để khảo sát vị trí của Hiệp ước Quán và hướng dẫn những nhân công bản xứ cách xây dựng cầu tàu thích hợp cho các thuyền của hải quân. 

Tiệc tùng

Vào ngày ⅓, người Mỹ mở tiệc chiêu đãi các viên chức Nhật. Kayama và 9 quan khách khác hưởng thụ trải nghiệm ăn uống những món xa lạ bằng những dụng cụ trông kỳ cục – dao, nĩa, và muỗng. Họ uống rượu anh đào và xâm banh trong những vật chứa bất thường nhất họ chưa hề tận mắt nhìn thấy – ly thủy tinh. Một quan khách chế dầu ô liu đầy ly mình và uống nhiệt tình, tưởng đó là một loại rượu vang. (Tất cả người Mỹ ôm bụng cười thỏa thích! Nhưng cục diện đổi chiều khi vài tuần sau một thủy thủ Mỹ nếm dầu xức tóc Nhật, rồi mua một số ngỡ rằng đó là thứ rượu ngon.)

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322519-1668160403.jpg

Một thủy thủ nếm dầu xức tóc Nhật

Khách mời bọc thức ăn thừa như thịt gà tây, măng, gừng, bánh ngọt và những món tráng miệng khác trong những tờ giấy mà họ luôn mang theo trong các tay áo rộng thùng thình. Mang về nhà những món ăn thừa từ bữa tiệc là tập tục được nhìn nhận của người Nhật. Nhưng thủy thủ đoàn cho rằng họ thô lỗ và chế giễu “người Nhật mặc váy lụa” bọc thức ăn trong “giấy chùi miệng.” (Giấy lụa đa năng của họ sử dụng như khăn tay, giấy viết tuyệt hảo và giấy gói – tinh tế hơn bất kỳ loại giấy nào sản xuất bên ngoài phương Đông.)

Người Nhật được chiêu đãi thêm nhiều chầu nữa trong khi đợi Hiệp ước Quán được hoàn tất. Để chứng tỏ mình cũng là dân tộc hiếu khách, một người Nhật đề cập rằng sau khi ký xong hiệp ước, thủy thủ đoàn sẽ được các phụ nữ Nhật săn đón. Nhưng y khuyên họ phải cạo râu trước, vì đàn bà Nhật không thích đàn ông râu ria.

Tại một trong những buổi họp mặt này, Kayama được giới thiệu với một thành viên thủy thủ đoàn người Nhật, gọi là Sam Patch. (Không ai biết tên thực của cậu.) Patch đã bị đắm tàu và được một tàu buôn Mỹ giải cứu. Sau khi sống một năm ở California, cậu qua Trung Quốc và gia nhập thủy thủ đoàn tàu Susquehanna. Cậu làm thế nhưng không có ý định về sống trên quê hương đất tổ

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322520-1668160421.jpg

Có thể là hình vẽ Sam Patch

Khi Patch gặp Kayama cậu rụng rời. Run lên vì sợ hãi, cậu quì xuống, tưởng rằng mình sắp sửa bị kết án và trảm thủ vì đã theo phe với người xa lạ. Trung tá Adams phải hết sức khuyên lơn cậu đứng lên, trấn an giờ cậu là thành viên thủy thủ đoàn Mỹ, cậu sẽ được an toàn không bị hại.

10 • HIỆP ƯỚC QUÁN

Hiệp ước Quán hoàn tất vào ngày 8/3/1854. Từ tàu chỉ huy Perry có thể nhìn thấy ngôi nhà được bao quanh bằng các bức trướng. Điều này khiến ông băn khoăn, và ông nhận ra là việc bao bọc kín mít gợi ra hình ảnh một sân khám đường.

Ông lập tức ra lệnh cho một sĩ quan lên bờ yêu cầu các bức trướng phải dẹp bỏ. Chúng vội vàng được cuốn lên và lấy đi, trước sự vui thích của thủy thủ đoàn, vốn từng cười cợt vụ pháo đài bằng vải bạt lúc trước. Đúng ra những bức trướng này trưng bày các phù hiệu áo giáp của vị lãnh chúa khu vực và sử dụng để trang trí.

Năm ủy viên Nhật Bản đã có mặt ở Hiệp ước Quán sẵn sàng bước vào cuộc thương thảo. Các đám đông đã khấu đầu quì mọp sát đất để chào mừng các quan chức đến.

Một nhóm samurai y phục sặc sỡ cùng bọn tùy tùng đứng gác tại lối vào Hiệp ước Quán. Đại úy George Preble mô tả trong một bức thư gởi cho bà xã: “Tùy tùng của ông xếp lớn trong y phục lễ tân như đưa ta về các thời đại phong kiến xã xưa. Anh thấy những bộ hạ của một xếp lớn hôm qua mặc áo choàng có sọc lớn trắng đỏ với một miếng lót xanh trên vai trông không khác một phân đoàn quốc kỳ Mỹ biết đi. Những bộ hạ của một xếp khác khoác áo choàng ô vuông xanh trắng, trông như những bàn cờ di động.”

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322522-1668160470.jpg

Người Mỹ đổ bộ lên Yokohama, ngày 8/3/1854

Khoảng 500 thủy thủ và lính thủy Mỹ cùng ban nhạc của ba tàu cặp bờ trên 27 con thuyền. Perry không dám phó mặc cho may rủi. Tất cả người tham dự, cho dù là quân nhạc, đều trang bị súng lục và kiếm.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893079-1668160486.jpg

Bước vào Hiệp ước Quán.

Khi lên bờ, họ xếp thành hai hàng, lính thủy bên trái và thủy thủ bên phải. Các sĩ quan đợi trên cầu tàu để nghênh đón Thiếu tướng rồi hộ tống ông đến Hiệp ước Quán khi quân nhạc chơi bài quốc ca “Ngọn Cờ Sao Sọc”. Tiếng nhạc, các lễ phục tề chỉnh của sĩ quan, cùng cuộc diễu hành nhịp nhàng đã tạo nên một cảnh đầy ấn tượng. Rồi cao điểm buổi lễ bùng nổ khi Perry cho bắn 21 loạt đại bác chào mừng Hoàng đế, tiếp theo 17 loạt đại bác chào mừng các quan chức Nhật. Và để tăng thêm sự long trọng, một lá cờ Tokugawa ba sọc được kéo lên cột buồm chính của tàu chỉ huy U.S.S. Powhatan.

Hiệp ước Quán được làm bằng gỗ thông trắng không sơn và các cửa sổ bằng giấy lụa. Nó được trang trí bởi các núm tua và cờ đuôi nheo. Dù có những trang trí này, Đại úy Preble cho rằng Quán trông giống một kho chứa than hơn. Có nhiều đền thờ uy nghi lẽ ra nên được sử dụng cho cuộc đón tiếp. Ắt hẳn người Nhật không muốn các tên bạch quỷ làm vấy bẩn chốn thiêng liêng của họ. Và ngoài ra, Thiếu tướng đã nhấn mạnh Hiệp ước Quán phải ở trên đất bằng phẳng và trong tầm bắn của đại bác trên tàu. Ruộng lúa của một nông dân đã được chọn làm địa điểm lịch sử này.

Các viên chức Nhật hộ tống Thiếu tướng Perry, con trai ông, Oliver, Trung tá Adams, và thông ngôn Samuel Williams cùng AntÓn Portman vào trong Quán. Các phái đoàn Mỹ Nhật ngồi trên ghế dài đối mặt nhau. Những chung trà nhỏ, bánh kẹo, và các điếu thuốc hút được chuyền tay nhau.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322583-1668160545.png

Một bức tranh phác họa của William Speiden, Jr., người giữ sổ sách trên tàu Mississippi, vẽ cảnh phòng họp.

Thông dịch viên trưởng Yenosuke mở đầu cuộc đàm phán. Y cứ cúi đầu, khom mình, và bò tới lui giữa các ủy viên và Thiếu tướng để đàm thoại với họ. Thông dịch viên Williams thấy thái độ lom khom của Yenosuke sao mà “ghê tởm”, và tự hỏi, “... con người gì mà không biết tự trọng đến thế?” Ông không biết được là Yenosuke hành xử theo đúng phép tắc lễ nghi của dân tộc mình. Được tôn kính với tư cách một học giả, Yenosuke đã được triệu tập từ Nagasaki, nơi ông đã học nói trôi chảy tiếng Hà Lan. Ông cũng học được võ vẽ tiếng Anh từ những thủy thủ Mỹ đắm tàu bị câu luu ở Nagasaki.

Tiến trình giao tiếp mất rất nhiều thì giờ và khó khăn. Perry nói với thông ngôn Portman để dịch lại tiếng Hà Lan cho Yenosuke rồi người này bò ngang qua phòng để phiên dịch ra tiếng Nhật cho các ủy viên. Sau đó tiến trình đảo ngược xảy ra.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893085-1668160567.jpg

Thông dịch viên Samuel Williams

Thông dịch viên Williams hiện giờ chưa cần đến, vì ông là chuyên gia Hoa ngữ của Perry. Ông đi thơ thẩn ra ngoài Quán và các samurai bao quanh chìa quạt xin thủ bút của ông. Ông viết chữ Tàu mà không viết chữ phương Tây vì người Nhật không thể biết đầu đuôi ký tự La tinh uốn éo. (Chữ viết của ta trông ngoằn ngoèo rối rắm. Còn thư pháp của ho, ngược lại, các thủy thủ ví như dấu chân gà dẫm lên giấy.)

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322585-1668160589.jpg

Thiếu tướng

Một cuộn văn thư dài được trao cho Perry. Đây hóa ra là thư phúc đáp người Nhật gởi Tổng thống Fillmore. Văn thư, xưng với Thiếu tướng là “Đại sứ”, và gởi đến “Muôn tâu Tổng thống.” Thư xác định rằng thỏa mãn các yêu cầu của người Mỹ là “vi phạm luật lệ của các tiên vương.” Nhưng họ đồng ý cung ứng cho tàu Mỹ than đá, gỗ, nước ngọt, và những vật liệu tiếp tế khác. Văn bản thậm chí đề cập đến việc Nhật cũng muốn mở cửa một cảng – nhưng phải năm năm sau. Nó cũng tuyên bố rằng những thủy thủ đắm tàu sẽ được đổi xử tử tế.

Hayashi, một giáo sư từ Đại học Edo là ủy viên trưởng, bình phẩm rằng chính quyền của mình sẽ không mở cửa buôn bán với nước ngoài. Lần này, Perry không quan tâm tới việc thiết lập mối quan hệ buôn bán. Ông quan tâm hơn đến nỗi thống khổ của những thủy thủ đắm tàu. Ông cảnh cáo rằng nếu những người trôi giạt tiếp tục bị đối xử tàn nhẫn thì kết cục sẽ có chiến tranh. Hayashi tuyên bố rằng thông tin mà Perry nhận được về cách hành xử của chính quyền Nhật đối với tù nhân nước ngoài là sai sự thật. Ông bảo với Thiếu tướng rằng người Mỹ cũng có khi vô nhân đạo. Họ tàn sát hàng ngàn người trên trận địa. Trái lại, người Nhật chưa từng gây chiến trong gần ba thế kỷ nay. Do đó, người Nhật coi trọng mạng sống con người hơn hẳn người Mỹ.

Điều này khiến Perry phải dừng lại suy nghĩ. Có thể vào lúc này ông nhớ lại đã đọc ở đâu đó về những lối tự sát theo nghi thức dường như coi mạng người là rẻ mạt. Cùng với samurai và binh lính, các nhà ái quốc phản đối chính sách nhà nước, các viên chức phạm lỗi, những người không thể trả nợ, sinh viên thi hỏng, và những kẻ yêu nhau mà không được sống cùng nhau cũng được ca tụng khi tự xử.

Mặc dù hành động tự sát đối với ông là ghê tởm, nhưng Perry vẫn ca ngợi hành động tự hi sinh có thể là đáng cười theo quan điểm người Nhật. Vào năm 1853, khi Perry trên đường đến Nhật Bản, ông dừng chân tại Mauritius, một hòn đảo ở Thái Bình Dương gần Madagascar. Ông và các sĩ quan của mình có dịp viếng thăm một điện thờ tưởng niệm một thiếu phụ và người chồng sắp cưới của mình cùng chết theo con tàu chìm vào năm 1744. Người phụ nữ có thể đã cứu được mạng mình nếu chịu cởi bớt quần áo kimono nặng nề đang mặc để lội đến bờ biển gần đấy. Nhưng cô thà chết chứ không chịu hớ hênh, mất tiết hạnh người trinh nữ. Người chồng sắp cưới của cô cũng chọn ở lại, cùng chết với cô. Tiết hạnh, danh dự, tự diệt! Trên đảo Mauritius, những phẩm chất này dường như toát ra vẻ lãng mạn đối với Perry.

Nhưng trong cuộc thương thảo của ông với Ủy viên Hayashi, ngài Thiếu tướng không ở trong tâm trạng muốn đối thoại về những giá trị của mạng sống con người. Thỏa thuận một hiệp ước là ưu tiên nhất trong tâm trí ông. Ông bảo Hayashi rằng nếu việc này không thể hoàn tất, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gởi thêm tàu chiến, nhưng ông hi vọng mọi việc có thể giải quyết được theo phương cách thân hữu.

Perry lưu ý rằng một hiệp ước tương tự với hiệp ước đã ký giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ rất thỏa mãn. Hiệp ước này mở ra những cảng và bảo đảm những đặc quyền buôn bán cho người Mỹ. Hiệp ước với Trung Quốc cùng với hai ghi chú từ Thiếu tướng Perry được gởi lại cho các ủy viên nghiên cứu.

11 • QUÀ BIẾU LINH ĐÌNH

Để chinh phục người Nhật, Thiếu tướng trông cậy không chỉ vào sức mạnh của hạm đội mà còn vào thiện chí ông muốn bày tỏ bằng cách trao tặng các chủ nhân đủ loại quà tràn trề. Đích thân Perry đã bỏ ra hàng tháng lựa chọn và đặt hàng trước khi ông rời nước Mỹ.

Trong thời gian chờ văn kiện phiên dịch và nghiên cứu, dường như đây là thời điểm thích hợp để tặng quà. Đại tá Joel Abbot của tàu S.S. Macedonian có nhiệm vụ tiến hành nghi thức trao quà long trọng. Số quà chất đầy vài thuyền lớn, được chở lên bờ cùng với các con thuyền khác chở sĩ quan, lính thủy giữa tiếng quân nhạc hùng tráng. Một tòa nhà sát bên Hiệp ước Quán được dựng lên để triển lãm quà tặng.

Quà tặng cho Nhật Bản

Các ủy viên tiếp nhận danh sách các món quà và tên những nhân vật được nhận quà. Hoàng đế, Hoàng hậu, và năm ủy viên là những người nhận quà chính. Quà gồm thuyền cứu sinh, sách vở, bản đồ Mỹ, rượu mạnh, rượu vang, đồng hồ, vải vóc, súng trường, kiếm, súng lục, tranh ảnh, dầu thơm, túi vải đựng thư, khoai tây, hạt giống, và hàng loạt nông cụ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322589-1668160624.jpg

Đại tá Joel Abbott

Nông cụ thu hút đám đông nông dân. Những nhân vật quan trọng được mời sử dụng thử. Khi máy mài dao được lắp đặt, một vài samourai lấy ra đoản kiếm mài thử. Một lính Mỹ minh họa cách sử dụng thang xếp và biểu diễn thao tác tỉa cành bằng cưa tỉa cán dài. Một máy tưới cây quá ngộ khiến vài người Nhật thích thú phun tưới dầm dề ngọn cây. Rồi họ xịt nước ướt đẫm vào đám đông khiến họ giạt ra, cười khoái trá. Mọi người đều lấy làm vui thích.

Vòi nước và thang gấp đặc biệt quan trong đối với người cứu hỏa. Tại vùng đất mà tường nhà làm bằng gỗ, cửa sổ bằng giấy, và mái lợp tranh, hoả hoạn là điều thường xảy ra. Cái tên thi vị “Những đoá hoa Edo” chỉ những đám lửa “nở rộ” về đêm, làm sáng lên những khu vực trong thành phố lớn.

Nửa dặm dây điện tín được giăng từ Hiệp ước Quán đến một ngôi nhà gần đó. Một đại úy lắp đặt theo sự chỉ dẫn của nhà chế tạo Samuel Morse. Dân chúng đứng xếp hàng dài chờ đến lượt mình gởi thông điệp. Một số người không tin chạy nước rút từ đầu này đến đầu kia, và kinh ngạc khi thấy tin nhắn mà mình gởi đi nhanh hơn cả bước chạy của mình.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322590-1668160649.jpg

Điện tín được người Mỹ mang đến

Một đường sắt tí hon là điểm nhấn của cuộc triển lãm. Nó gồm một động cơ loại đồ chơi, dây trân, và các toa hành khách được thiết kế để chạy được 350 bộ quanh một đường ray tròn. Toa quá nhỏ đến nỗi hành khách phải ngồi chễm chệ trên nóc toa để lái đi. Các samurai thay phiên nhau đi vòng vòng với tốc độ 20 dặm một giờ, tà áo rộng của họ bay phấp phới trong gió khi họ bám chặt mái toa. Họ cười khoái trá như đang lượn trên một tàu lượn.

Y phục Mỹ là một nguồn mê hoặc khác. Người Nhật đi theo đuôi các thủy thủ và sĩ quan để nhìn cho kỹ các quân phục kỳ lạ của họ. Nhiều người không nén được tò mò phải lấy tay sờ mó. Các quân nhân cho phép rờ rẫm nón, áo jacket, quần, và giày. Một số thậm chí đút tay vào túi, khiến người Mỹ thích thú. Các nút áo đặc biệt thu hút họ, bởi vì người Nhật chỉ dùng dây để buộc quần áo. Sưu tập nút trở thành một trò tiêu khiển mới, và dân chúng vui vẻ đổi thức ăn và đồ trang trí rẻ tiền lấy vật lưu niệm quí giá.

Việc triển lãm các quà tặng mang đến không khí vui tươi như một hội chợ vùng quê. Các thủy thủ và samurai có những thời khắc vui vẻ bên nhau mặc dù có nhiều do thám rình mò theo dõi xem có dân bản xứ nào thân thiện thái quá với người lạ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893090-1668160674.jpg

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322591-1668160683.jpg

Tàu hoả có kích cỡ như đồ chơi, như trong hình vẽ phía trên. Bên dưới là bức vẽ của Hiroshige III, sau đó trở thành vật lưu niệm phổ biến sau khi người Mỹ rút đi.

Quà gởi đến Hoàng đế và Hoàng hậu được chở đến Edo và do vị Shogun mới cất giữ. Hậu duệ của Thái dương Thần nữ không hề nhận kính viễn vọng, máy hơi nước, và thiết bị điện tín tặng cho mình. Xà bông, dầu thơm, và những y phục thêu cho Hoàng hậu cũng chưa hề được gởi đến Hoàng cung ở Kyoto.

Quà tặng cho người Mỹ

Nguời Nhật đáp lễ bằng cách mời Thiếu tướng và các sĩ quan nhận quà của Hoàng đế. Những món quà được chất trên bàn, ghế dài, và thậm chí trên sàn của Hiệp ước Quán. Hayasi đọc lớn, bằng tiếng Nhật, danh sách những quà tặng và tên những người được tặng. Những lời nói của ông được dịch sang tiếng Hà Lan, rồi tiếng Anh.

Đó là những giấy lụa cuộn, hộp và khay sơn mài, bộ ấm trà bằng sứ, giá đựng đũa, lụa, quần áo, búp bê, những hủ tương, kiếm, dù, và hàng trăm những vỏ sò hiếm có. Ba con chó thuộc giống spaniel, chỉ hoàng đế và tướng quân được phép nuôi, được tặng cho Thiếu tướng và Tổng thống. Nhiều người Mỹ, kể cả Thiếu tướng, đều bất mãn về chất lượng của các tặng vật. “Một sưu tập nghèo nàn, có giá trị không hơn 1,000 đô, một số nghĩ như vậy,” Đại úy Preble ghi trong nhật ký. Người Mỹ coi rẻ những vải lụa dệt sắc sảo, đồ sơn mài nghệ thuật, đồ sứ nhẹ tinh tế, và những thanh gươm sắc, tinh xảo không đâu so sánh được. Đúng ra, vì ông là người của khoa học tự nhiên, nên Perry ấn tượng nhất với những vỏ ốc biển.

Sau khi duyệt qua những món quà được trưng bày, người Mỹ được mời ra ngoài để xem món quà rất đặc biệt của Hoàng đế dành cho toàn hạm đội – 200 bao gạo, mỗi bao nặng từ 100 đến 150 cân. Ngồi quanh đống bao gạo này, họ trố mắt nhìn một đám rước chừng 50 võ sĩ sumo kềnh càng, những người khổng lồ béo ú không thể tin được. Người Mỹ chưa hề trông thấy những người nhiều thịt mỡ và to lớn như những vận động viên này. Các võ sĩ sumo được nuôi bằng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt sao cho mỗi người phải cân nặng từ 250 đến 400 cân. Đại úy Preble thấy sốc vì “họ gần như trần truồng chỉ mặc một cái khố lụa căng quanh hạ bộ để lộ ra những gì người rụt rè sẽ không dám phơi bày.”

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322592-1668160710.jpg

Chân dung hai đô vật do Shunsho vẽ

Đô vật Sumo là (và còn là) các ngôi sao thể thao của Nhật Bản. Họ là những con cưng được nuông chiều của các lãnh chúa, dùng để mua vui cho họ và thỉnh thoảng trình diễn trước công chúng trong những dịp lễ. Họ đã được đưa xuống từ Edo nhân sự kiện này. Một đô vật tên Koyanagi, biệt danh “ông kẹ thủ đô”, được các ủy viên giới thiệu với Perry. Họ thúc giục ông thử bóp lấy cơ bắp cuồn cuộn của nhà sumo vô địch và hãy đấm hết sức vào bụng y. Ông nắm chặt cánh tay to sầm, rồi rờ rẫm cổ và ghi nhận cổ có nếp như cổ một con bò hạng nhất. Các sĩ quan cũng đua nhau xem xét, và khi họ thốt ra những lời tán thán kinh ngạc, ông đáp lại bằng tiếng làu bàu đồng thuận.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322593-1668160732.jpg

Chân dung hai đô vật do Shunsho vẽ

Đô vật Sumo là (và còn là) các ngôi sao thể thao của Nhật Bản. Họ là những con cưng được nuông chiều của các lãnh chúa, dùng để mua vui cho họ và thỉnh thoảng trình diễn trước công chúng trong những dịp lễ. Họ đã được đưa xuống từ Edo nhân sự kiện này. Một đô vật tên Koyanagi, biệt danh “ông kẹ thủ đô”, được các ủy viên giới thiệu với Perry. Họ thúc giục ông thử bóp lấy cơ bắp cuồn cuộn của nhà sumo vô địch và hãy đấm hết sức vào bụng y. Ông nắm chặt cánh tay to sầm, rồi rờ rẫm cổ và ghi nhận cổ có nếp như cổ một con bò hạng nhất. Các sĩ quan cũng đua nhau xem xét, và khi họ thốt ra những lời tán thán kinh ngạc, ông đáp lại bằng tiếng làu bàu đồng thuận.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893099-1668160836.jpg

Các đô vật Sumo mang dễ dàng các bao gạo nặng 150 cân.

Sau đó người Mỹ được hộ tống đến phía sau Hiệp ước Quán để theo dõi các trận đấu giữa các sumo. Khi các võ sĩ ôm nhau quần thảo, khán giả Mỹ được phục vụ bữa ăn gồm trứng, tôm, tôm hùm, hàu, và nước canh mà Preble nghi là “một bát cá sống hoặc súp rắn.” (Preble cũng cho rằng uống sake thật “đáng ghét”. Dù sao, “bắt chước tập tục của xứ Nhật,” viên đại úy cũng gói phần dư đem về.)

12 • BUỔI ĐẠI TIỆC

Trước khi trở về tàu Thiếu tướng mời các ủy viên và đoàn tùy tùng ăn chiều trên tàu Powhatan.

Trước tiên người Nhật thăm tàu Macedonian và được dẫn đi khắp tàu. Một lần nữa, óc tò mò mạnh mẽ của họ làm thủy thủ đoàn thích thú, vì họ xem xét từng li con tàu và thậm chí đút đầu vào nòng đại bác. Các thủy thủ tiến hành diễn tập chữa cháy tạt nhiều xô nước và bơm nước phun vào các ngọn lửa tưởng tượng. Các thủy thủ cũng làm quan khách thích thú bằng cách khai hỏa và chuẩn bị cập sát tàu địch và tổ chức đẩy lùi trận tấn công. Cuộc biểu dương lực lượng này người Nhật không hiểu ý đồ của người Mỹ lắm vì trước ngày này rất lâu phần đông người đã cho rằng một hiệp ước với người Mỹ là cơ hội sống còn duy nhất của họ trong hòa bình.

Khi leo lên tàu Powhatan họ được dẫn đi xem phòng máy đồ sộ của con tàu chạy bằng hơi nước trước khi mời nhập tiệc. Vì lễ nghi người Nhật không cho phép các ủy viên ngồi cùng bàn với các bộ hạ của họ, nên Thiếu tướng sắp xếp hai bàn tiệc: một tiệc trong cabin của ông cho các quan lớn, một tiệc trên boong cho các tùy tùng.

Một lần nữa Thiếu tướng biểu diễn một xô mới. Ông tin rằng ngoại giao qua dạ dày cũng rất quan trọng, do đó một bếp trưởng người Pháp là thành phần tinh túy trong ban nhân viên của ông. Perry viết, “Tôi không sợ tốn kém khi cung ứng hào phóng nhất, mong muốn cho họ thấy người Mỹ hiếu khách như thế nào so sánh với khẩu phần súp cá của họ. Người đầu bếp Paris của tôi đã vất vả một tuần lễ, suốt ngày đêm để chuẩn bị bữa tiệc. Thực đơn bao gồm súp, cá, thịt bò, gà, rau củ trộn giấm, bánh ngọt, và trái cây. Mỗi ủy viên được tặng một ổ bánh kem trang trí cờ hiệu và phù hiệu áo giáp của lãnh chúa họ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893100-1668160862.jpg

Đại tiệc trên boong tàu

Nhiều loại rượu mạnh và rượu vang được nâng ly chúc tụng Thiếu tướng, các ủy viên, Tổng thống, cạn ly lại rót đầy, lần này chúc tụng phái đẹp của Nhật và Mỹ. Được chỉ thị phải khuyến khích khách ăn uống thả ga, Preble không ngừng châm thêm rượu vang, rượu mạnh cho bọn tùy tùng Nhật trên boong. Khi rượu đã hết, ông “rót cho chúng một hỗn hợp nước sốt cà chua và dấm, và họ hình như cũng thưởng thức ngon lành không kém.”

Khi ban nhạc chơi, một vài người bắt đầu lúc lắc và khiêu vũ, và để cổ vũ họ góp vui, người Mỹ mời họ nhảy chung. Thật là một cảnh tượng náo nhiệt! Các samurai tóc hói và các bác sĩ, các kế toán viên, các đại úy và trung tá tất cả đều nhảy lên nhảy xuống theo nhịp điệu. Ở một góc boong tàu, một samurai già đang học nhảy điệu polka từ một thủy thủ. 

Mỗi thực khách được khuyến khích mang về nhà phần thức ăn dư. Ngoài những mẫu bánh ngọt, thịt bò, và gà quay, một ông bạn còn trút cả muối tiêu và đường vào một khăn giấy đã được gấp thành một một bao đựng khéo léo.

Sau bữa ăn chiều các ủy viên tụ tập với những người khác trên boong. Tất cả người Nhật được mời ngồi vào dãy ghế đầu để xem nhạc kịch cây nhà lá vườn. Họ chẳng hiểu gì về lời ca, đối thoại, nhưng tiếng nhạc banjo, tiếng trống, và những điệu nhảy tưng bừng, hoang dã cũng làm họ vô cùng vui thích.

Khi đã đến lúc ra về một ủy viên vốn đã khá xỉn lè nhè tuyên bố, “Nhật và Mỹ, chung một tấm lòng.” Ông ta ôm ghì lấy Thiếu tướng chặt đến nỗi một cầu vai ông bị lệch đi. Perry không để ý đến cái ôm ghì thân tình. “Ồ,” ông nói với các sĩ quan, “chỉ cần họ chịu ký hiệp ước, là họ muốn hôn tôi cũng được.”

13 • HIỆP ƯỚC

Thủy thủ đoàn bực bội và buồn chán trong thời gian chờ đợi hiệp ước được ký. Nhiều người bất mãn vì Miền Đất Mặt Trời Mọc chả lấp lánh tài nguyên quí giá gì cả. Nhưng rồi họ mừng hớn hở khi một báo cáo đến từ tàu buồm của Saratoga. Đầu bếp phát hiện vàng trong dạ dày các con vịt được làm thịt cho bữa ăn chiều. Một cục vàng to bằng hạt đậu. Một miền đất mà vịt được nuôi bằng vàng! Thật là một viễn cảnh hơn cả tuyệt vời cho những kẻ đi săn của cải! Nhật Bản có thể là một đảo kho báu, biết đâu. Nhưng giấc mơ giàu sang sớm tàn rụi. Thủ quỹ tàu Saratoga đem cục kim loại đi thử, hóa ra chỉ là đồng.

Vào ngày 31/3, một ngày sau tin vịt đẻ trứng vàng, Perry nhận được kho báu lớn nhất của mình – một hiệp ước với Nhật Bản. Thiếu tướng đi đến Hiệp ước Quán để nhận Hiệp ước Kanagawa thảo thành bốn ngôn ngữ: Anh, Hà Lan, Nhật, và Trung. Nó tán thành:

  • Một nền hòa bình và thân hữu giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Nhật Bản.
  • Mở hai cảng cho các tàu Mỹ: Shinoda và Hakodate.
  • Trợ giúp bất kỳ tàu Mỹ nào bị đắm trên bờ biển Nhật và bảo vệ những người bị đắm tàu.
  • Bảo đảm những người đắm tàu và các công dân Mỹ khác sẽ không bị giam cầm và kiềm chế như đối với người Hà Lan ở Nagasaki.
  • Các lãnh sự hoặc đặc sứ Hoa Kỳ sẽ được phép cư ngụ ở Shinoda “miễn là một trong hai chính quyền thấy điều đó là cần thiết.”
  • Các nhân viên Nhật sẽ cung cấp tàu than đá, nước ngọt và những đồ tiếp tế cần thiết khác.
  • Điều khoản tối huệ quốc: Hoa Kỳ sẽ nhận được mọi đặc quyền mà những quốc gia khác có thể nhận được trong tương lai.
  • Hiệp ước “phải được phê chuẩn và ưng thuận bởi Tổng thống Hoa Kỳ, bởi và với sự cố vấn của Thượng viện Hoa Kỳ và của Vương quốc Nhật, và sự phê chuẩn sẽ được trao đổi trong vòng 18 tháng... hoặc sớm hơn.”

Hiệp ước là kết quả những tuần lễ đàm phán vất vả. Sau khi người Nhật nhượng bộ các cảng Shinoda và Hakodate, họ hi vọng có thể hạn chế người Mỹ trong phạm vi những làng này. Rồi họ đồng ý cho phép người Mỹ đi lại trong vòng 7 rỉ (khoảng 17 dặm) từ trung tâm thị trấn).

Viễn ảnh lãnh sự Mỹ được sống ở Nhật là một vấn đề khác cần tranh cải. Perry kiên quyết rằng các lãnh sự phải được chấp nhận – trừ khi người Nhật muốn tàu chiến Mỹ neo đậu vĩnh viễn tại cảng của họ. Thiếu tướng cuối cùng ra điều kiện rằng chỉ duy nhất một lãnh sự được phái đến để cư trú tại Shimoda, nhưng chỉ sau 18 tháng nữa.

Các ủy viên Nhật cảm thấy rằng mình “đã mất mặt” và tự lừa dối mình là mình chẳng nhượng bộ điều gì quan trọng. Họ không chỉ tên bất kỳ hai cảng trọng yếu nào: Shimoda và Hakodate chỉ là những ngôi làng rất xa các thành phố quan trọng Osaka và Edo. Họ đã ngăn không cho Perry đến Edo. Họ đã che chắn Shogun và Hoàng đế. Họ đã duy trì hòa bình. Viễn cảnh có một lãnh sự đến từ Hoa Kỳ hình như không chắc chắn, bởi vì mặc dù hiệp ước bản tiếng Mỹ nêu rằng nếu một trong hai chính phủ “thấy cần thiết việc sắp xếp như thế là cần thiết,” thì bản tiếng Nhật lại nói rằng cả chính phủ Nhật và Mỹ phải “thấy việc sắp xếp đó là không thể tránh khỏi.” (Hai năm sau khi lãnh sự Townsend Harris đến Shimoda, các giới có thẩm quyền bảo ông phải rời đi. Họ khiếp đảm khi ông thiết lập lãnh sự quán mà không cần sự đồng ý của Shogun.)

Perry bằng lòng với hiệp ước, bởi vì mặc dù không phải là hiệp ước giao thương, nó bảo đảm sẽ bảo vệ những người trôi giạt khi đắm tàu, và nó chỉ định hai cảng sẽ cung cấp đồ tiếp viện cho các tàu săn cá voi, tàu chiến và thương thuyền Hoa Kỳ. Ông đã đặt một chân vào khung cửa và trong tương lai sẽ không khó để mở ra lối đi thênh thang vào xứ sở khép kín này. Đế quốc Nhật Bản cô lập sớm muộn gì cũng gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia trên thế giới.

Vào ngày 31/3/1854, hiệp ước được ký kết giữa một bên là Thiếu tướng đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ và bên kia là bốn ủy viên nhân danh Hoàng đế. Cuối cùng Hoàng đế cũng nhận được một bản sao, với những đảm bảo không chân thực từ các đặc sứ của Shogun rằng văn kiện này không có gì quan trọng.

Sau lễ ký, Perry trao cho trưởng ủy viên một quốc kỳ Mỹ “để làm minh chứng cho thiện ý không bao giờ chống đối lại đất nước các bạn.” Sau đó người Nhật khoản đãi người Mỹ một bữa tiệc.

Tiệc chiêu đãi của người Nhật

Mọi người ngồi lại tiệc tùng, thực đơn gồm cháo cá, các món tôm hùm đất, tôm, cá chiên, rong biển, các loại bánh ngọt va vô số cốc rượu sake, rất cần để cụng ly. Thức ăn được nấu nướng và trình bày rất nghệ thuật, nhưng thức ăn không hợp với khẩu vị người Mỹ. Chuẩn úy Edward McCauley tuyên bố là mình không sao nếm được “mùi mèo, chó, chuột, và rắn.” Perry, lịch sự hơn trong nhận xét của mình, viết rằng buổi tiệc “để lại một ấn tượng không thỏa đáng về kỹ năng nấu nướng của họ.”

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893101-1668160885.jpg

Bức phác họa của Hideki về buổi chiêu đãi của người Nhật

Tuy nhiên, người Mỹ ngạc nhiên trước lịch sự và cung cách lễ phép của chủ nhà và để làm vui lòng họ, nhiều người cũng bắt chước tập quán của họ gói đồ ăn thừa mang về tàu.

Người Nhật thì khiếp đảm trước cung cách ăn uống người Mỹ, mà họ gọi là”gớm ghiếc”. Các thực khách quá tự nhiên, nói năng ồn ào, và cung cách ăn uống vụng về. (Họ không thể cầm đũa.) Nhưng buổi chiêu đãi cũng vui nhộn, và mọi người đều rất thân tình.

Thật là điều đáng kể khi nhân dân trên miền đất của vị Shogun có thể quá dễ thương và hiếu khách với những vị khách không mời từ các Tàu Đen và khi người Mỹ có thể vượt qua thành kiến thù địch với một dân tộc “khác lạ” và vui vẻ khi ở bên họ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893102-1668160906.png

Bức vẽ của Hideki đã hoàn tất

14 • DẠO CHƠI TRÊN ĐẤT VÀ BIỂN

Sau khi thỏa ước được ký kết, Thiếu tướng và các thành viên ban tham mưu được mời đi thăm thú những làng gần đấy. Perry bực mình khi biết rằng trước khi ông đến gần một ngôi làng nào, đường xá ở đó đều trống trơn vì dân làng, nhất là phụ nữ, đều được lệnh phải vào nhà và khoá chặt cửa. Khi ông bày tỏ sự bất mãn, Yenosuke, người hộ tống và thông ngôn của ông, xin lỗi, nói rằng các phụ nữ rất e thẹn khi nhìn thấy người lạ. Perry không muốn tin như thế. Sau đó Yenosuke hứa đến làng sau các phụ nữ trong làng sẽ không được lệnh phải tránh mặt người lạ. Sau đó, các đám đông kế cả phụ nữ đều tràn ra đường, vui mừng vì được nhìn chằm chằm vào những người Mỹ trông ngộ nghĩnh.

Perry và tùy tùng được đón tiếp tại nhà của một trưởng làng, tại đó họ được phục vụ trà, bánh, và sake. Các phụ nữ chân trần mặc thứ gì đó mà Thiếu tướng ngỡ là trông giống quần áo ngủ hơn là y phục tiếp khách. Các phụ nữ ngồi trên gối suốt buổi tiếp, lần lượt bò từ người này đến người khác, cúi chào sát đất rồi châm trà dâng bánh. Perry ấn tượng trước cung cách ân cần, hiếu khách, nhưng ông không trân trọng mấy những nụ cười của họ. Răng và lợi của các thiếu nữ đều nhuộm đen, một tập tục đã là thời trang trong hơn ngàn năm qua. Không chỉ phụ nữ đã có chồng mà các cung nữ cũng nhuộm răng đen để được đẹp. Các thủy thủ gọi các thiếu nữ răng đen này là “bình mực biết đi.”

Những thành viên Mỹ khác được cho phép đi dạo quanh Yokohama. Thông ngôn Williams đồng hành với người bạn thân Tiến sĩ James Morrow, “nhà nông học” chính thức trong chuyến đi của Perry. Hai người lang thang qua vùng quê thu thập hoa lá và cây cỏ. Họ cũng đi dọc theo bờ biển tìm những sinh vật có vỏ và rong biển. Khi Williams bắt gặp một ngư phủ gần như trần truồng đang đào bắt trai sò, ông bị sốc trước tấm thân gần như trần truồng của y và tuyên bố những kẻ vô thần này cần “một phúc âm của sự thuần khiết và tình yêu.”

Một vài thủy thủ dạo chơi trên bờ biển dùng sơn trắng viết ngoằn ngoèo tên mình lên tảng đá. Những chữ viết gây rối loạn khi được phát hiện. Người Nhật không hiểu các ký tự lạ lẫm có nghĩa là gì. Một người, tự cho mình học giả, tuyên bố chữ viết đó là một bài thơ ca tụng thiên nhiên viết bằng chữ tượng hình Trung Hoa.

Một cuộc hải hành nhân ngày sinh nhật

Trong Năm Dần Thứ Nhất (1854) vào sinh nhật thứ 60 (10 tháng 4), Thiếu tướng Perry quyết định đi gần Edo ở độ sâu vùng nước cho phép. Tàu hơi nước Powhatan và Mississippi lên đường. Các thông ngôn Nhật đang ở trên tàu để nói lời tạm biệt thấy vậy bổng thất kinh. Họ cầu xin Perry đừng tiến gần kinh đô. Các Tàu Đen sẽ tạo ra một cơn hỗn loạn ở Edo, và kết quả là các thông ngôn và ủy viên sẽ bị sỉ nhục. Tất cả bọn họ sẽ buộc phải hành xử hara-kiri.

Khi tàu cứ nhả khói tiến lên, Yenosuke kêu lớn lên rằng khi phát đạn đại bác dự kiến bắn chào mừng ngoài khơi Edo y sẽ lao mình vào họng súng. Một thông ngôn khác trao áo choàng và thanh gươm của mình cho một thủy thủ, nói rằng mình không còn cần dùng đến chúng nữa. Với tư thế chững chạc, y chuẩn bị mổ bụng bằng đoản kiếm của mình. Y sẽ thực hiện hara-kiri ngay lúc neo được thả.

Perry đành phải cho tàu quay lại, vì “mặc dù phần nào hoài nghi về sự cần thiết của việc họ hành xử hara-kiri,” ông viết, “tôi nghĩ cách tốt hơn là không nên tiến hành.” Các tàu đi gần Edo, và với một viễn vọng kính Perry có thể trông thấy các mái nhà và và các “đồn lũy vải bạt”. Các thông ngôn Nhật nhẹ nhõm cả người và có thể thưởng thức bữa ăn trưa trong cabin của Thiếu tướng.

Mặc dù ông chưa hề bước vào Edo, Perry thỏa mãn với cuộc dạo chơi trên biển của mình. Ông kết luận rằng “thành phố Edo có thể bị phá hủy bởi một một ít tàu hơi nước với phân đội nhỏ, và chở các đại bác loại nặng nhất.” Đó là một sinh nhật hạnh phúc, vì không có hara-kiri làm hư hỏng tiệc vui.

15 • ĐƯỢC PHÉP LÊN BỜ

Tám ngày sau chuyến đi đến Edo Thiếu tướng quyết định ghé thăm Shimoda và Hakodate, những cảng được ghi trong hiệp ước.

Shimoda

Làng đánh cá Shimoda bị cô lập với phần còn lại của xứ bởi những ngọn núi lởm chởm. Theo quan điểm của người Nhật Shimoda là một cảng hoàn hảo cho ngoại bang, chỉ vì nó hẻo lánh. Nó toạ lạc ngay mũi của bán đảo Izu dài 50 dặm. Có thời các nhà cai trị Nhật chọn Izu làm nơi lưu đày những người chống đối.

Cho dù Shimoda bị kẹp giữa các ngọn núi, Perry hài lòng vì cảng có đủ chỗ cho nhiều con tàu. Thiếu tướng ngất ngây trước vẻ đẹp của nó và rất ấn tượng trước sự sạch sẽ của đường làng. Làng có hệ thống cống rãnh. Phần đông các thành phố Tây phương vào thời gian đó vẫn chưa có đủ các hệ thống xả thải vệ sinh. “Shimoda cho thấy một trình độ văn minh tiên tiến,” Perry viết, “vượt hơn hẳn mức tiến bộ mà chúng ta thường khoe khoang về phương diện vệ sinh và sức khỏe.”

Thiếu tướng và sĩ quan được bố trí ở trong một ngôi chùa với bàn, ghế,và nệm mang từ tàu xuống. Những thủy thủ, chiếm một đền thờ gần đây, ngồi và ngủ trên chiếu lót sàn sạch sẽ mới tinh được các người phục dịch trải ra.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893106-1668160957.jpg

Đổ bộ ở Shimoda, ngày 8/6/1854

Mọi người mong ngóng được đi ngoạn cảnh vùng cảng xa lạ này, nhưng dân làng khiếp đảm. Họ sợ những người lạ mũi cao. Một số gia đình sợ quá trốn trên tầng chóp của nhà kho. Những người khác canh chừng gia súc vì họ nghe nói người Mỹ ăn thịt bò. (Trước thập niên 1870 người Nhật chỉ sử dụng gia súc để làm công việc đồng áng; không hề dùng làm thực phẩm.) Đường xá vắng tanh, cửa hiệu đóng kín, và bọn do thám đi theo nhóm người từ lúc bước xuống các Tàu Đen.

Thiếu tướng phàn nàn với các viên chức. Sau đó, dân chúng mới ùa ra đường, tiệm mở cửa, và các gia đình phấn khích tiếp xúc với người lạ. Một số phụ nữ, đã thắng được nỗi ghét sợ râu ria và tóc quăn, đã đồng hành cùng các thủy thủ.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322612-1668161012.jpg

Khu vực đền thờ ở Shimoda

Người Mỹ nhanh chóng trở thành những đối tượng của sự tò mò thân hữu. Dân chúng trên đường làng không ngại mân mê nút áo, quân phục, và vũ khí. Các thủy thủ đã quen với sự tò mò không chán chê và khoái trá về sự thân thiện này. Đại úy Preble gây sự náo nhiệt và làm dân làng thảng thốt khi biểu diễn màn gỡ ra và lắp lại hàm răng giả của mình.

Thăm nhà tắm công cộng là một tiết mục hấp dẫn. Người Mỹ há hốc trước cảnh đàn ông và đàn bà tắm chung với nhau “trong một trạng thái khoả thân hoàn toàn, không có cho dù một lá nho che của Adam và mọi người tự kỳ cọ cơ thể kỹ lưỡng không để ý gì đến người khác.” Perry bị sốc khi họ dửng dưng trước sự khoả thân của mình. Người Nhật thích thú và không hiểu tại sao một nhà tắm công cộng lại có thể gây hứng thú cho khách lạ đến như thế.

Trưởng làng Shimoda sắp xếp một buổi chợ thường lệ để người Mỹ có thể tùy nghi mua sắm đồ lưu niệm. Preble không ngớt kêu ca vì Thiếu tướng và các sĩ quan của ông đã chọn lấy các món tốt nhất.

Một số thủy thủ trở nên say xỉn nên gây mất trật tự. Hai tên kéo phăng nút đậy thùng rượu sake, làm rượu chảy lênh láng trên sàn tiệm, rồi xô xát với chủ quán. Thiếu tướng giận dữ, và các tên vi phạm bị đưa về tàu nhốt.

Người dân Shimoda vẽ nhiều phác họa về người ngoại quốc. Kết quả là chúng ta thu được nhiều minh hoạ mô tả các hành vi của thủy thủ – tốt cũng như xấu. Người Mỹ chụp ảnh các phụ nữ Nhật. (Các viên chức thị trấn cho phép các cô geisha đứng chụp.) Dân làng bị hớp hồn. Họ chưa hề trông thấy một máy chụp ảnh trước đây, và họ gọi những tấm ảnh là “các tấm gương mà thuật.” Tuy vậy, một số người mê tín khăng khăng cho rằng máy ảnh là một “hộp sát nhân” dùng để tóm lấy hình ảnh một người để hủy diệt người đó. Họ thúc giục mọi người nên tránh xa trang thiết bị nguy hiểm đó.

Một hôm người Mỹ trông thấy hai tù nhân Nhật bị nhốt trong một chiếc cũi nhỏ, giải qua đường phố Shimoda. (Yoshida Shoin, nhà cách mạng nổi tiếng được đề cập trong chương 8, và một người cấp tiến khác có tên Kanedo, chính là những tù nhân trong cũi này.) Họ cố gắng đào thoát sang Hoa Kỳ. Họ đã chèo ra đến tàu Mississippi và xin duoc chở về Mỹ. Thiếu tướng từ chối vì những người này không được phép của của chính quyền họ. Ông không muốn đánh liều khi làm thịnh nộ các viên chức đã cuối cùng chịu hợp tác với ông, nhưng Perry cũng rụng rời trước nỗi thống khổ của họ. Họ sau đó bị mang về giam cầm ở Edo.

Nhà thực vật học Morrow và người bạn thân, thông ngôn Williams, lợi dụng tối đa phép được ra ngoài thị trấn. Mỗi ngày họ đi lang thang vào vùng đồi, sưu tập cây cỏ, thăm các lò rèn, xem xét việc ươm tằm quay tơ, và trò chuyện với nông dân. Họ thán phục trước hệ thống dẫn thủy nhập điền tiên tiến, và họ trao đổi hạt giống Mỹ với hạt giống Nhật để mang về Mỹ.

Hakodate

Hakodate là một tiền đồn xa xôi ở Hokkaido, cực bắc của bốn hòn đảo lớn của Nhật. Đó là một nơi hoang vu, dân cư thưa thớt, chỉ có giá trị đối với các tàu săn cá voi. Theo hiệp ước họ có thể đến đây khi cần được tiếp tế hoặc bỏ neo để tu bổ tàu hoặc nghỉ dưỡng.

Ngay khi người Mỹ đổ bộ kẻng báo động vang lên và cảnh sát cầm roi đuổi dân làng vào nhà. Vị lãnh chúa khu vực thậm chí cấm dân chúng nhìn vào các Tàu Đen và người Mỹ được lệnh phải ra đi ngay.

Thiếu tướng trình ra một bản sao Hiệp ước Kanagawa cho các viên chức. Họ tuyên bố mình không biết gì về thỏa ước. Họ không nói lên sự thật, vì lãnh chúa của họ đã được các đặc sứ của Shogun bảo chờ đợi người Mỹ đến. Họ cũng được cảnh báo rằng người Mỹ thích rượu mạnh và phụ nữ, và có thể gây chuyện.

Với sự giúp đỡ của 70 bộ hạ của lãnh chúa, phụ nữ và trẻ em được chở ra khỏi Hakodate và đến ở tạm nhà người thân và bạn bè trong vùng núi. Phụ nữ ở lại nhà được lệnh phải trốn sau những cảnh cửa khóa kín. Các chỉ thị của chính quyền còn dặn kỹ là phải dán kín những kẻ hở trong nhà để bọn thủy thủ không thể nhìn trộm. (Đại úy Preble nhận xét có những lỗ nhỏ khoét ra trên cửa sổ giấy, ắt hẳn là do phụ nữ làm ra vì tò mò muốn nhìn trộm người lạ.) Ngoài ra, còn có lệnh giấu rượu sake và đóng các cửa tiệm.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322613-1668161043.jpg

Phòng họp ở Hakodate

Thêm một lần nữa, Thiếu tướng kêu ca, và các viên chức đành phải cho lệnh mở cửa tiệm và cho đàn ông ra ngoài giao lưu thiện chí. Tuy nhiên, không phụ nữ nào được phép trà trộn với người Mỹ.

Mặc dù vắng mặt phụ nữ, các ông cũng trải qua một thời gian hứng thú. Đi săn cũng vui và câu cá thì tuyệt vời. Người Nhật một phen buôn bán nhộn nhịp khi người nước ngoài ken cứng cửa hiệu để mua lụa kẻ sọc ca rô, bình hoa, đồ lưu niệm đủ loại. Một số thủy còn mang chó và mèo về tàu.

Các nhà buôn bị sốc vì người Mỹ để nguyên giày ống bước vào tiệm và nói chuyện ồn ào. “Đi vào tiệm mua đồ kiểu đó không phải cung cách samurai.”

Sau khi đã khảo sát cảng xong Perry chiêu đãi các viên chức của lãnh chúa một bữa cơm tối và một buổi vũ nhạc kịch trên tàu. Quan khách dường như thích thú, và Perry hài lòng vì đã để lại một ấn tượng tốt đẹp.

Người của lãnh chúa tặng Thiếu tướng một món quà chia tay là một khối granit cho Đài Kỷ Niệm Washington. Họ muốn vinh danh tên tuổi của “vị vua” Mỹ duy nhất mà họ từng nghe nói.

16 • SAU CHUYẾN ĐI CỦA CÁC TÀU ĐEN

Tình cờ, trong khi Perry còn ở Nhật một tàu săn cá voi Mỹ neo đậu gần hạm đội ông. Tàu của Eliza F. Mason đến Hakodate vào tháng 5 1854, 21 tháng sau khi rời New Bedford,Massachusetts. Ông có lẽ không hề dám đổ bộ, nhưng sự có mặt của các tàu chiến Mỹ khiến Thuyền trưởng Jernegan

của tàu săn cá voi thoải mái lên bờ cùng với cậu con trai 9 tuổi và bà vợ Abigail. Bà là người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên mà người Nhật nhìn thấy, và bà tạo một sự thu hút khi bước vào làng. Abigail cho phép một số phụ nữ Nhật tốc chiếc váy thùng thình của bà để quan sát đôi giày và nhìn chăm chăm vào chiếc quần chẽn bên trong. Vẻ hứng thú của họ nhắm vào bà làm bà say sưa và không ngớt khen ngợi cung cách tao nhã của họ. Bà nghĩ đêm ở Hakodate cùng chồng và con trai.

Trước khi nhà Jernegan trở về tàu ngày hôm sau, người Nhật trao cho họ một hộp nhỏ được gói thật đẹp chứa một vật mà Abigail bỏ lại. Đó là chiếc đinh ghim thông thường!

Chỉ 15 ngày sau khi Thiếu tướng Perry rời nước Nhật, những du khách Mỹ đầu tiên đến. Lady Pierce, một du thuyền tư nhân do một người ở Connecticut sở hữu, Silas E. Burrows, đi vào Vịnh Edo vào ngày 11/7/1854. Burrows lấy cớ trả lại một ngư dân Nhật bị đắm tàu để làm một chuyến phiêu lưu vào Miền Đất Cấm. Ông không biết rằng nhờ Perry đã ký Hiệp ước Kanagawa, nên người ông được tiếp đón như những vị khách quí.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893109-1668161081.jpg

Chân dung người Mỹ ở Nagasaki vẽ bởi một họa sĩ Nhật vô danh năm 1860.

Một đoàn ngư phủ Nhật hoan hô chào đón khi du thuyền cập bờ. Dân chúng từ Uraga mang quà biếu như lụa, đồ sứ, và sơn mài chen lên thuyền. Burrows đãi họ bánh trái và chở họ đi chơi thuyền một vòng. Viên chức địa phương rất cảm kích trước tính hiếu khách nhưng giải thích rằng một hiệp ước mới ký chỉ cho phép người Mỹ vào Shimoda và Hakodate mà thôi.

Burrows lên bờ ở Shimoda, tại đó ông trao trả người Nhật đắm tàu. Ông và thủy thủ đoàn dừng chân ở đó trong một tuần, ra chơi bờ biển mỗi ngày để ngắm phong cảnh. Họ phân phát da hải cẩu và những đồng tiền vàng được đúc đặc biệt trước chuyến đi ở San Francisco. Tuy nhiên, sau khi một thông ngôn phát hiện trên mỗi đồng tiền đều có khắc chữ “Tự Do”, lập tức các đồng tiền đã phân phát được thu về và trả lại cho Burrows.

Tuy thế, Burrows đánh giá cao tính lễ phép của dân bản địa và vui mừng khi nghe người Nhật ca tụng rất mực vị Thiếu tướng và các sĩ quan tùy tùng.

Ngay khi tin tức về Hiệp ước Kangawa được in trên các báo ở Hawaii, một nhóm thương nhân Mỹ thuê một thuyền hai buồm Caroline E. Foote. Họ muốn thiết lập một kho hàng và mở các văn phòng xuất-nhập khẩu ở Nhật. Theo hướng dẫn hải hành mà Perry đã phổ biến trên báo, họ đến Shimoda vào tháng 3, 1855.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322615-1668161100.jpg

Ông bà Reed, cô con gái 5 tuổi, và bà Worth, vợ của thuyền trưởng thuyền Carolyn E. Foote

Thị trấn đã bị một cơn động đất và những đợt sóng thần tàn phá vào tháng 12 1854. Tất cả trừ 16 ngôi nhà đều bị hủy diệt, và hàng trăm dân cư chết chìm. Làng được nhanh chóng tái thiết, có lẽ bởi vì chính quyền sợ rằng nếu Shimoda không được nhanh chóng tái thiết người Mỹ có thể yêu sách một hải cảng khác. (Nhiều người Nhật tin rằng động đất là dấu hiệu thần linh nổi giận vì hành động giao du với ngoại bang.)

Sáu thương nhân Bắc Mỹ, ba bà vợ, và hai đứa con từ thuyền The Footer dừng chân trú ngụ trong một ngôi đền. Không lâu sau khi họ dọn đến, một phụ nữ Nhật phụ giúp họ được mời vào trong. Một phụ nữ Mỹ cho phép người giúp việc mặc thử một bộ đồ Tây phương. Cô mặc vào và đánh phấn gương mặt sao cho trắng như nước da Mỹ. Khi ngắm nghía mình trong gương, cô vỗ tay và cười ha hả. Rủi thay, một cảnh sát rình mò. Y xông vào đền, quất cô bằng roi tre, đuổi cô ra ngoài, và sau đó nhốt vào tù.

Những hành khách của thuyền Foote được xem là những người Mỹ tiên phong. Dù họ dừng chân ở Shimoda gần ba tháng, họ không thể thiết lập một trạm giao thương ở đó. Tháng 6 1855 họ đến Hakodate, và cũng gặp thất bại não nề. Cuối cùng họ phải quay về San Francisco, khẳng định rằng Nhật Bản không bao giờ có thể là vùng đất cơ hội cho thương mại.

Trước khi những người Mỹ tiên phong rời Nhật Bản, họ gặp người Nga bị sóng thần 1854 đánh trôi giật vào Shimoda. Họ cũng gặp thủy thủ đoàn của một tàu chiến Pháp, ba tàu chiến Anh và vô số tàu Hải quân Hoa Kỳ. Tất cả đều neo đậu và xuống tàu ở Shimoda. Trong vòng hai năm sau khi ký hiệp ước với Mỹ, Anh, Nga, và Hà Lan cũng ký được những hiệp ước tương tự với Nhật. Người ngoại quốc trở nên quen thuộc với người dân Nhật trên Miền Đất Mặt Trời Mọc.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893110-1668161125.jpg

Cảnh người Mỹ du ngoạn Yokohama do hoạ sĩ Yoshikazu vẽ.

LỜI KẾT

Lãnh Sự Mỹ Đầu Tiên

Năm 1856, hai năm sau chuyến đi của Perry đến Nhật, Townsend Harris đến Shimoda. Là tổng lãnh sự đầu tiên đến từ Hoa Kỳ, ông có hai mục đích: thiết lập lãnh sự quán và thỏa thuận một hiệp ước thương mại.

Người Nhật khổ sở khi thấy ông đến, và họ năn nỉ ông hãy rời đi. Khi ông từ chối, họ cho phép ông cư ngụ trong một ngôi đền. Do thám theo chân ông khắp mọi nơi, dân chúng hất hủi ông, và trong suốt 16 tháng ông cảm thấy bị cô lập. Bạn đồng hành chính của ông là một thư ký-thông ngôn người Hà Lan mà ông mang theo đến đây.

Ương ngạnh và gan lì dù không có súng lớn yếm trợ như Perry, Harris sử dụng thuật ngoại giao khôn khéo để thu phục được đối thủ. Ông báo cho các viên chức là người Anh chắc chắn đang lên kế hoạch tấn công Nhật, và ông không quên luôn luôn nhắc đến những trận đánh thắng như chẻ tre mà người Anh và Pháp đang giáng cho Trung Quốc vào lúc bấy giờ. Do vậy khôn ngoan là hãy nhượng bộ yêu sách hòa bình của một lãnh sự hơn là rước lấy một hạm đội vũ trang của châu Âu xâm lăng.

Harris có mang theo một bức thư của Tổng thống Franklin Pierce yêu cầu một thỏa thuận buôn bán giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Lãnh sự đòi đến Edo để gặp mặt Shogun. Để dẫn dụ các cố vấn chính quyền làm theo ý muốn của mình, Harris tiết lộ một âm mưu mà người Anh đang ấp ủ chống lại Nhật. (Ắt hẳn ông nói đến hạm đội Anh ở Hong Kong có thể đang toan tính giương buồm đến Miền Đất của Shogun.)

Một năm sau khi đến Shimoda, Harris được mời đến Edo để diện kiến vị Shogun. Đã học được từ Perry tầm quan trọng của nghi thức long trọng, ông chuẩn bị thật kỹ càng cho sự kiện lớn lao này. 40 phu khuân vác, 12 bảo vệ, 2 người mang cờ xí, 2 người cầm quạt và giày, và 2 người săn sóc ngựa trong một đoàn tùy tùng 350 người. Tất cả trừ những người phu đều mặc áo lụa thêu với huy hiệu Mỹ (con ó, mũi tên, nhánh ô liu, và khẩu hiệuE pluribus unum – Một từ rất nhiều). “Lãnh chúa” Harris được mang trên cáng truyền thống, đủ lớn để có thể thẳng chân ra được. Đó là một cái lồng chế tạo công phu treo khỏi mặt đất trên hai hai thành gỗ, được 12 phu khiêng đi trên vai. Nếu cáng nhỏ thì chỉ cần 2 đến 4 người khiêng.

Vào tháng 12 1857, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ đã được Shogun Iesada tiếp kiến. Mặc dù mọi người khác đều quì mọp sát đất, duy Harris thì đứng thẳng trước sự hiện diện của nhà “Tài phiệt” (Tên mà Harris đặt cho Shogun). Ông trình ra thư Tổng thống và được thông báo là Shogun rất hài lòng với nội dung của nó.

Tuy nhiên, Harris không thể đàm phán xong một hiệp ước trong ngày một ngày hai. Có vô số cuộc họp với các cố vấn của Shogun. Và đến cuối tháng hai 1858, Hiệp ước Hữu nghị và Giao thương được soạn xong. Hiệp ước cho phép buôn bán toàn diện, một đại diện Mỹ được ủy quyền sống ở Edo, và mở thêm nhiều càng mới. Hiệp ước được ký bởi một phụ tá đặc biệt của Shogun, người tin rằng sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho Nhật. Do đó, ông ta cương quyết chấp nhận sự trừng phạt vì tội hoàn tất hiệp ước mà không có sự phê chuẩn của Hoàng đế.

Shogun thoái vị

Hiệp ước gây ra một rạn nứt nghiêm trọng giữa phe ủng hộ Hoàng đế và phe hậu thuẫn Shogun. Hoàng đế Komei tuyên bố rằng hiệp ước là “một vết nhơ cho đất nước do các đấng thần linh tạo ra và che chở... Vì hiệp ước này báo trước cho ngày tận số của quốc gia chúng ta, trẫm không cách nào phê chuẩn nó.”

Những kẻ cuồng tín muốn đuổi tất cả bọn ngoại bang ra khỏi xứ sở ngay lập tức. Trái lại, nhiều học giả quyết liệt rằng chính sách cô lập đã lỗi thời và có thể gây ra chiến tranh. Nhật Bản cần văn hóa và giao thương với Tây phương để sống còn như một quốc gia độc lập.

Các nhà hoạt động chống Shogun ngày càng có thêm ảnh hưởng. Đến năm 1867 Shogun Keiki đang cai trị từ chức. Ông ta hi vọng rằng bằng cách buớc xuống quyền lực ông sẽ đoàn kết được đất nước. Một năm sau vị Hoàng đế 15 tuổi được công bố là người trị vì thần thánh thực sự. Năm 1868 triều đại Hoàng đế Meiji (Minh Trị) bắt đầu. Ngài rời cố đô Kyoto để chuyển về Edo xây dựng hoàng cung. Edo được đổi tên là Tokyo (thủ đô phương đông).

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322619-1668161155.jpg

Hoàng đế Meiji tiến vào Edo sau khi rời Kyoto.

Nền cai trị của Hoàng đế Meiji đem Nhật Bản thoát khỏi quá khứ phong kiến và bước vào thế giới kỹ nghệ hiện đại. Các học giả được gởi ra nước ngoài học tập và nghiên cứu, và những cố vấn ngoại quốc được chào đón. Trong vòng năm năm mọi giai tầng xã hội đều bị xóa bỏ. Các lãnh chúa giao nộp đất đai và đặc quyền mà họ đã hưởng được trong cả ngàn năm. Họ giao lâu đài của mình cho Hoàng đế, và bù lại được ngài ban thưởng. Tầng lớp samurai bị bãi bỏ. Luật cấm những chiến binh truyền thống này mang kiếm. Thậm chí cách để tóc thắt nút trên chỏm đầu đặc trưng cũng bị ngăn cấm. Chính quyền ban thưởng họ tiền trợ cấp khiêm nhượng. Ngạc nhiên thay, họ chuyển từ lòng trung thành đối với lãnh chúa sang Hoàng đế một cách nhẹ nhàng.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893112-1668161173.jpg

Hoàng đế Meiji

Lần đầu tiên sau hàng thế kỷ dân chúng có thể chọn loại công việc mình làm theo sở thích. Họ có thể sống bất cứ nơi đâu họ muốn, và không còn có những luật lệ khắt khe về kiểu nhà, vật sở hữu, và quần áo bó buộc. Chính Hoàng đế cũng đi theo một phong cách mới: Từ năm 1872 ngài mặc y phục Tây phương. 

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/981797915322622-1668161193.jpg

Hình vẽ Nhật này giải thích cách ăn mặc theo lối phương Tây.

Bước nhảy từ chế độ phong kiến sang xã hội kỹ nghệ hiện đại xảy ra với tốc độ đáng kinh ngạc và dễ dàng. Các sử gia còn ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng đã xảy ra mà không qua một cuộc chiến với ngoại bang lẫn người trong nhà.

Thiếu tướng Perry đã đánh sập hàng rào ngăn trở chia cắt nước Nhật với phần còn lại của thế giới. Ngày nay người Nhật tổ chức kỷ niệm cuộc chinh phục của ông với lễ hội Tàu Đen hàng năm. Tại Shimoda, nơi có lần các chiến binh phong kiến đã từng kêu gọi chống lại bọn man di Bắc Mỹ, những cuộc diễu hành, những bài diễn văn, và âm nhạc vinh danh công lao Perry vào tháng 5. Ở Kangawa, nơi hiệp ước được ký kết, dân chúng ăn mừng lễ hội Tàu Đen vào tháng 7. Họ kỷ niệm vị Thiếu tướng đã mang đến cho họ trong hoà bình một thế giới mà sẽ không bao giờ cho phép họ tiếp tục sự cô lập của mình.

https://cdn.noron.vn/2022/11/11/68308219296893114-1668161213.jpg

Thiếu tướng Perry sống ở Newport, Rhode Island, nơi lễ hội Tàu Đen được tổ chức vào tháng 7. Để vinh danh Perry, Newport đã trở thành thành phố chị em với Shimoda.

Bài viết trên thuộc sở hữu của cộng đồng group "Lịch Sử Văn Minh Thế Giới" trên Facebook. Nếu bạn muốn đọc các bài viết tương tự thì có thể truy cập link sau để hỏi đáp trực tiếp tác giả.

facebook.com/groups/lichsuvanminhphuongtay

Từ khóa: 

lịch sử