Vài nét sơ lược về "Em Thúy" - Kiệt tác hội họa Việt Nam

  1. Văn hóa

"Em Thúy" là tên bức chân dung nức tiếng của mỹ thuật Việt Nam. Theo thông tin được biết thì tuyệt tác "Em Thúy" đã chính thức trở thành Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận vào khoảng cuối 2013 - đầu năm 2014 (30/12/2013). Vậy mọi người đã biết đến những giá trị cũng như thông tin về em ấy chưa nào ? Nếu chưa thì cùng mình tìm hiểu nhé!

Trần Văn Cẩn, Em Thúy, 1943, sơn dầu


Vài nét sơ lược về tác giả

"Em Thúy" năm nay đã lên tới hàng "cụ" rồi đó! Bởi bức danh họa nổi tiếng này đã có mặt 60 năm, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1943. Tác giả của Em Thúy là họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994),  quê ở xã Tiền Phong, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỉ thứ XX. Ông là một họa sĩ đại thụ trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền Mỹ thuật cận đại Việt Nam.

Tran-van-can


Năm 1954 - 1969, ông đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Mỹ Thuật. Với nhiều đóng góp lớn lao trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại, Trần Văn Cẩn được trao nhiều Huân chương cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh... Một vinh dự khác của ông chính là được chỉnh sửa quốc huy của nước Việt Nam ta đấy.

Câu chuyện của "Thúy"

Chắc hẳn ai cũng thắc mắc cô bé xinh xắn trong bức tranh nổi tiếng này là ai phải không ? Đó chính là cháu gái của họa sĩ Cẩn, tên thật là Minh Thúy. Chuyện là trong một dịp tình cờ, vì thích thú trước vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của cô cháu gái nên bác Cẩn đã vẽ tặng cho Thúy một bức tranh để làm kỉ niệm và đặt tên cho bức chân dung thật giản dị này là "Em Thúy".(*Có nguồn tin cho rằng Minh Thúy lúc này chỉ mới lên 8 tuổi thôi)

Ít ai biết về câu chuyện lịch sử lắm thăng trầm của "Em Thúy". Bối cảnh đất nước chiến tranh hỗn loạn đã làm bức tranh bị lưu lạc trong một thời gian dài, tưởng như không tìm thấy nữa. Lí do là khi gia đình Thúy di tản, họ đã quên mất đi của ông bác và để nó ở lại nhà. Khi trở về thì bức tranh đã bị ai đó cuỗm mất đi và bán cho những người buôn tranh. Thành ra bức tranh đã sang tay hết người này đến người khác. Và cuối cùng gia đình cũng tìm thấy lại bức tranh và chuộc "Em Thúy" chân dung về. Rất là may mắn !

"Em Thúy" và các giá trị hội họa xung quanh

Tác phẩm được vẽ bằng tranh sơn dầu thể hiện một bé gái ngồi trên chiếc ghế mây với mái tóc ngắn, đôi vai gầy, gương mặt hướng về phía trước bằng đôi mắt to tròn với thần thái trong trẻo, nhẹ nhàng, khoan khoái, trong sáng, thánh thiện...gây ấn tượng rất lớn với người xem.

Bức tranh "Em Thúy" không chỉ được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá cao, mà ngay cả các nhà lịch sử văn hóa cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và đưa ra nhiều giá trị:

  • Giá trị lịch sử: Đây là tác phẩm xuất sắc, đánh dấu một giai đoạn lịch sử của mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX (Sáng tác năm 1943)
  • Giá trị thẩm mỹ: Tác phẩm dùng cách tạo hình, bố cục rất Châu Âu để thể hiện một tâm hồn phương Đông. Với chất liệu son dầu, đây là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại chân dung giai đoạn đầu thế kỉ XX.
  • Giá trị văn hóa: Là sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, đưa nét đẹp của hội họa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè Quốc tế

Vẻ đẹp của bức tranh

Thực tế thì cái đẹp luôn mang đến những cảm xúc cho người xem, thưởng lãm. "Em Thúy" cũng thế, bức chân dung mang nét đẹp hồn hậu, dung dị mà rất tươi mới, thế nên dù đã gần 75 năm rồi mà vẫn còn thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật trong và ngoài nước. Qua thời gian, dù cho màu vẽ bị xuống cấp nhưng may mắn là "Em Thúy" đã được các chuyên gia nước ngoài phục hồi, phục chế để nó giữ mãi buổi ban đầu. Bức chân dung này hiện nay được trưng bày và cất giữ cẩn thận ở Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam (Thủ đô Hà Nội)

Bai28-2


Có một thông tin thú vị là "Em Thúy" còn tạo nguồn cảm hứng cho nghệ thuật nữa. Một người Anh là Paul Zetter đã sáng tác bản nhạc Khúc minuet dành cho Em Thúy và cũng chính ông là người đã mời Caroline Fly, một họa sĩ tài năng đồng thời là chuyên viên bảo quản các tác phẩm mỹ thuật, đến Việt Nam bảo quản phục chế lại "Em Thúy" cho thiệt đúng màu sắc và đúng với tinh thần mà họa sĩ Trần Văn Cẩn đã thể hiện trước đó. Dù cho thời gian có trôi qua bao nhiêu năm đi nữa thì mãi mãi bức tranh vẫn tỏa sáng và lan tỏa những màu sắc ấm áp, trong sáng, ngây thơ...

Mọi người có cảm nhận, nhận xét về bức tranh "Em Thúy" thì mình mời cùng chia sẻ thêm bên dưới ạ. Cảm ơn mọi người đã xem ^^

*Thông tin thêm:

“Bộ tứ danh họa” gồm: Trí (Nguyễn Gia Trí), Vân (Tô Ngọc Vân), Lân (Nguyễn Tường Lân), Cẩn (Trần Văn Cẩn).

Mọi người có thể tìm nghe "Little Thúy Minuet" -Paul Zetter trên Soundloud nhé

***Bài viết có sử dụng hình ảnh, các tư liệu và thông tin tham khảo trên sách báo (CLB Trạng và Bạn của Thần Đồng Đất Việt) và Internet.

Từ khóa: 

em thúy

,

văn hóa